Nhu cầu vàng thế giới chạm đáy 8 năm; Chuyên gia HSC: TTCK có thể đạt 920-960 điểm vào cuối năm hoặc đầu 2018?; Tập đoàn Trung Quốc đầu tư vào dự án 100 tỉ USD; Bức tranh tương phản của 2 "ông lớn" nhập khẩu than Trung Quốc và Ấn Độ
Tin kinh tế đọc nhanh 09-07-2018
- Cập nhật : 09/07/2018
Có xăng dầu Nghi Sơn, hải quan thất thu đến 15.000 tỉ đồng
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách đối với nhập khẩu xăng dầu tăng 6.350 tỉ đồng so cùng kỳ, song dự báo đến hết năm, xăng dầu sẽ khiến ngân sách giảm thu lên đến 15.000 tỉ đồng.
Thông tin "lạ đời" này vừa được cơ quan hải quan nêu ra trong Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của ngành. Lý do từ đầu tháng 7 năm nay, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ cho ra sản phẩm thương mại tiêu thụ trong thị trường nội địa. Theo đó, dự kiến kim ngạch nhập khẩu mặt hàng xăng dầu 6 tháng đầu năm từ 19.500 tỉ đồng, sẽ giảm xuống còn 3.800 tỉ đồng với sản lượng chỉ đạt 1,1 triệu tấn trong nửa năm còn lại.
Tại TP.HCM, theo Cục Hải quan TP.HCM, kim ngạch xăng dầu trong 6 tháng qua đã giảm 272 triệu USD.
Liên quan đến sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cách đây mấy ngày, tại Hội nghị Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất Chính phủ, Bộ Công thương “xây dựng cơ chế” để tiêu thụ hết sản phẩm thương mại từ nhà máy Nghi Sơn. Đặc biệt, “nghiên cứu hạn chế nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài để nhà máy sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó”. Rõ ràng đây là đề xuất mang tính “bảo hộ” cho sản phẩm trong nước trong bối cảnh nền kinh tế thị trường.
Một số chuyên gia cho là đề xuất của địa phương khá “lạ đời” vì đã công khai yêu cầu được bảo hộ sản phẩm của tỉnh. Tuy nhiên, nếu ngược thời gian, xem xét những thỏa thuận giữa Việt Nam và nhà đầu tư ngoại trong dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ thấy, đề nghị của tỉnh Thanh Hóa không phải không có sơ sở.
Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư đến 9 tỉ USD, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là đối tác nội duy nhất và góp vốn 25,1%. Theo thỏa thuận giữa Chính phủ - do PVN thay mặt ký - với nhà đầu tư Nhật Bản, Kuwait, dự án được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu cộng thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 5% với LPG, 3% với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...).
Đặc biệt, theo thỏa thuận trong 10 năm, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN phải có trách nhiệm bù cho Nghi Sơn số tiền chênh lệch này. Ước mức bù khoảng 2 tỉ USD trong 10 năm nếu giá dầu lên 70 USD/ thùng. Đổi lại, thu từ nội địa từ các sản phẩm của Nghi Sơn sẽ bù đắp phần nào nguồn giảm này.
Ngoài giảm nguồn thu từ nhập khẩu xăng dầu, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, nguồn thu ngân sách tiếp tục bị ảnh hưởng trong 6 tháng còn lại của năm do phải hoàn thuế linh kiện nhập khẩu từ ngày 1.1 năm nay. Theo Nghị định 125/2017 của Chính phủ, từ ngày 1.1.2018, nhóm mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô được hưởng mức thuế suất nhập khẩu là 0%. Dự kiến, số tiền sẽ phải hoàn thuế đối với thuế nhập khẩu linh kiện khoảng 4.200 tỉ đồng.(Thanhnien)
----------------------------
Hàng loạt đơn hàng ô tô nhập khẩu bị hủy
Nghị định 116 gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu (xe CBU) của các nước phát triển như Nhật Bản, châu Âu... trong sáu tháng đầu năm 2018.
Mới đây tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018, ông Toru Kinoshita, Trưởng nhóm công tác ô tô và xe máy, tiếp tục cho rằng thị trường ô tô đang bất ổn. Sự bất ổn này không chỉ đối với xe nhập khẩu mà cả với xe lắp ráp, nguyên nhân xuất phát từ một vài quy định về thủ tục hành chính.
Theo ông Toru Kinoshita, một vài quy định về thủ tục hành chính trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP (Nghị định 116) và việc thực thi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ đang tác động làm cho thị trường ô tô Việt Nam bất ổn (như yêu cầu về chứng nhận kiểu loại ô tô, chứng chỉ ECE cho linh kiện, phụ tùng nhập khẩu…).
Tắc nhập ô tô
Vị trưởng nhóm công tác này dẫn chứng, Nghị định 116 gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu (xe CBU) của các nước phát triển (ví dụ: Nhật Bản, châu Âu...) trong sáu tháng qua.
Hàng loạt đơn hàng xe ô tô nhập khẩu cho các tháng đầu năm 2018 đã bị hủy. Việc hủy các đơn hàng này đe dọa tới hàng ngàn việc làm trên khắp Việt Nam, cả lao động trực tiếp cũng như từ đại lý các hãng xe.
Ô tô nhập khẩu kêu khó vì thủ tục hành chính.
Do vậy Nhóm công tác Ô tô và Xe máy tiếp tục kiến nghị các vấn đề liên quan đến Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô của nước ngoài (VTA) và yêu cầu kiểm nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu.
Nhóm này cho rằng, tính hồi tố của Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 đã ảnh hưởng cả đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các công ty sản xuất xe của Việt Nam, khiến họ không có đủ thời gian để kịp chuẩn bị.
“Để tránh tình trạng tắc nghẽn lưu trữ, tình hình tài chính khó khăn của các nhà nhập khẩu và đại lý nhằm tránh các phát sinh về chi phí xã hội và tài chính, chúng tôi đề xuất tất cả các xe nguyên chiếc đã cập cảng Việt Nam từ 1-1-2018 đến 30-6-2018 được coi là “trên đường” và được miễn không áp dụng các quy định trong Nghị định 116 và Thông tư 03.
Chúng tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc việc xóa bỏ yêu cầu về chứng chỉ kiểu loại ô tô của nước ngoài đối với xe nguyên chiếc”, ông Toru Kinoshita, Trưởng nhóm Công tác ô tô và xe máy cho hay.
Cần rút ngắn thời gian thử nghiệm khí thải
Theo thống kê của Nhóm công tác Ô tô và Xe máy, trong 3 tháng đầu năm 2018, đã có 1 lô hàng được nhập tại cảng TP. HCM và cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, thời gian thử nghiệm khí thải và an toàn đã kéo dài tới 3 tuần.
Trong thời gian sắp tới, khi số lượng xe nhập khẩu tăng lên (từ Thái Lan và Indonesia), thời gian chờ thử nghiệm này có thể còn kéo dài hơn.
Riêng với xe nhập có nguồn gốc châu Âu, thống kê của nhóm này cho thấy, không có xe nào được nhập về Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 4-2018.
Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) lo ngại Nghị định 116 và Thông tư 03, có yêu cầu về thử nghiệm với từng lô xe nhập khẩu trái ngược hoàn toàn cam kết giữa EU và Việt Nam trong Cam kết tự do thương mại Việt Nam - Châu ÂU (EVFTA) về việc chấp nhận chứng nhận ECE đối với xe nhập khẩu, phụ tùng và linh kiện mà không cần phải kiểm tra hay kiểm tra lại.
Thử nghiệm khí thải kéo dài khiến các công ty ô tô nhập mất thời gian, tốn chi phí.
Nhóm này cũng khẩn thiết đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam cần bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên, chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định của năm ngoái, mà không cần thử nghiệm lại.
Hiệp hội thương mại Châu Âu tại Việt Nam(EuroCham) đề xuất thử nghiệm đăng kiểm nên giới hạn thực hiện ở lô đầu tiên của các mẫu xe mới và không nên lặp lại cho các lô xe cùng chủng loại tiếp theo.
Hiệu lực thử nghiệm của các mẫu xe CBU phải tương đối với hiệu lực thử nghiệm của các xe CKD (18-36 tháng) nhằm tuân thủ Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATTT).
Thay vào đó, chứng nhận nên có hiệu lực ít nhất 6 tháng. Yêu cầu thử nghiệm theo từng lô chỉ nên duy trì với các mẫu xe cơ sở nếu như có nghi ngờ nghiêm trọng về gian lận. (PLO)
-------------------------------
Nhọc nhằn xuất khẩu tôm
ết thúc năm 2017, xuất khẩu tôm đạt giá trị 3,85 tỉ USD, tăng 22,3% so với năm trước, đặt nền móng cho giấc mơ đạt kim ngạch 10 tỉ USD vào năm 2025.
Tôm VN đang gặp nhiều thách thức khi xuất khẩu - ẢNH: CÔNG HÂN
Thế nhưng từ đó đến nay, con tôm xuất khẩu gặp nhiều trắc trở.
Năm 2017, xuất khẩu tôm thuận lợi, giá tôm nguyên liệu trong nước duy trì ở mức cao do VN được mùa, trong khi các nước đối mặt dịch bệnh. Bên cạnh đó là lợi thế về thuế nhập khẩu ở các thị trường mà VN ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) như Úc, Hàn Quốc, EU.
Hàng rào kỹ thuật bủa vây
Nhưng sang năm 2018, lợi thế về thuế quan không thể cứu sản phẩm tôm VN trong cơn khủng hoảng thừa của thế giới. Các nước nhập khẩu siết chặt hàng rào kỹ thuật, đối thủ cạnh tranh gia tăng sức ép về giá. Cuối tháng 2 đầu tháng 3.2018, Úc cử đoàn công tác sang VN làm việc về các vấn đề phòng chống, kiểm soát dịch bệnh; kiểm tra phòng xét nghiệm; chuỗi sản xuất tôm… Tháng 6 vừa qua, Hàn Quốc cử đoàn công tác sang VN để đánh giá hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm. Với thị trường Mỹ, tôm VN vẫn phải đối mặt với thuế chống bán phá giá cao và chương trình giám sát nhập khẩu (SIMP). Mới nhất, ở khu vực Trung Đông (Kuwait và Ả Rập Xê Út) tạm ngưng nhập khẩu tôm VN vì nghi ngờ xuất hiện vi rút bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.
Những biện pháp kỹ thuật của các nước nhập khẩu một mặt kéo giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm của VN. Xuất khẩu tôm bắt đầu giảm từ quý 2/2018, tháng 4 giảm 0,4%, tháng 5 giảm gần 10%, tháng 6 tiếp tục giảm 0,7% so với cùng kỳ 2017. Sự sụt giảm của quý 2 kéo tổng xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp, chỉ đạt 1,6 tỉ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trước những khó khăn trên, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã tạm “treo ao” để cắt lỗ. Nhưng điều đó cũng cho thấy VN cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm đặc biệt là các vấn đề về an toàn thực phẩm.
Xét về đối thủ cạnh tranh, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), tại thị trường Nhật Bản, tôm VN bị tôm Ấn Độ cạnh tranh gay gắt. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu tôm VN vào Nhật Bản giảm 9,3% so với năm 2017 và chỉ đạt 175 triệu USD. Một thị trường quan trọng khác của con tôm VN là Trung Quốc cũng đang tạm ngưng nhập khẩu vì nguồn cung trong nước dồi dào. Chỉ EU còn duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan.
Mục tiêu không quan tâm đối thủ ?
Được mệnh danh là “vua tôm” ở VN, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú, vẫn thừa nhận: Với tình hình khó khăn chung của thị trường thế giới, xuất khẩu tôm của VN chỉ đạt khoảng 4 tỉ USD trở lại. Còn những mục tiêu dài hạn hơn thì phải đợi thời gian trả lời.
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, người dành cả đời lăn lộn với đồng đất khu vực này, phân tích: Về mặt kinh tế mục tiêu 10 tỉ USD là điều vô lý. Dung lượng thị trường tôm thế giới hiện khoảng hơn 12 tỉ USD. Con số này chia sẻ cho nhiều nước như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh… và VN. Tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường tôm thế giới chỉ từ 6 - 8%/năm. Kể cả có thể tăng trưởng vượt bậc gấp đôi ba lần trong những năm tới để đạt tới con số 30 tỉ USD vào năm 2025 thì vào thời điểm đó, riêng VN “đòi” 10 tỉ USD, tương đương 1/3 tổng dung lượng thị trường thế giới là không tưởng.
Cũng theo GS Bửu, chúng ta cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết trước khi nghĩ đến con số 10 tỉ USD. Ví dụ kỹ thuật sản xuất con giống của VN có thể xem là yếu nhất thế giới. Nó làm cho tỷ lệ hao hụt khi thả nuôi rất cao, đến 70 - 80%. Các mô hình nuôi tôm rừng (tôm sinh thái) không có giống tốt ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng. Tỷ lệ nuôi tôm công nghiệp của VN chưa khi nào vượt quá con số 15%. Về cách quản lý, chúng ta siết đầu ra để đáp ứng yêu cầu thị trường mà không quản lý được đầu vào, nên cũng rất khó… Trong khi đó, tiêu chuẩn về tồn dư hóa chất, kháng sinh từ các nước nhập khẩu giờ không còn là phần nghìn, phần triệu mà nó tiến tới giá trị phần tỉ.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc khắc phục những điểm yếu nêu trên cần tăng cường xây dựng thương hiệu tôm VN thay vì vẫn sản xuất gia công cho các nhà nhập khẩu như trước giờ.(Thanhnien)