Có xăng dầu Nghi Sơn, hải quan thất thu đến 15.000 tỉ đồng; Hàng loạt đơn hàng ô tô nhập khẩu bị hủy; Nhọc nhằn xuất khẩu tôm
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-07-2018
- Cập nhật : 07/07/2018
Ông Lê Văn Vọng thoái toàn bộ vốn khỏi Tập đoàn Lã Vọng
Đại gia Lê Văn Vọng - Chủ tịch Tập đoàn Lã Vọng đã thoái toàn bộ vốn Tập đoàn Lã Vọng, đồng thời ông Vọng cũng thôi là người đại diện pháp luật cho Tập đoàn Lã Vọng.
Công ty cổ phần Lã Vọng Group (Tập đoàn Lã Vọng) được thành lập vào ngày 2/8/2016 do ông Lê Văn Vọng làm người đại diện pháp luật.
Tập đoàn này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm: ông Lê Văn Hải (100 tỷ đồng - tương đương 20% cổ phần); ông Lê Văn Vọng (300 tỷ đồng - tương đương 60% cổ phần) và bà Đặng Thị Như Trang (100 tỷ đồng - tương đương 20% cổ phần).
Tuy nhiên, mới đây Tập đoàn Lã Vọng đã công bố nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, ông Lê Văn Vọng đã không còn là người đại diện pháp luật cho Tập đoàn Lã Vọng, thay vào đó là ông Đỗ Minh Đàm - chức vụ Tổng giám đốc sẽ là người đại diện pháp luật cho Tập đoàn Lã Vọng.
Điều đặc biệt hơn nữa cả 3 cổ đông sáng lập ra Tập đoàn Lã Vọng gồm ông Lê Văn Vọng, ông Lê Văn Hải và bà Đặng Thị Như Trang đồng loạt thoái toàn bộ vốn tại Tập đoàn Lã Vọng từ 18/1/2018.
Được biết, Tập đoàn Lã Vọng được biết đến với loạt nhà hàng nổi tiếng trên đất vàng Hà Nội như Lake View bán đảo Hoàng Cầu; Nhà hàng Sashimi BBQ Garden - số 2B Nguyễn Thị Thập; Nhà hàng Thế Giới Beer Lã Vọng - số 169 Hoàng Ngân; Nhà hàng Hải sản Lã Vọng số 2A Nguyễn Thị Thập; Nhà hàng Hầm Beer Lã Vọng - số 2C Nguyễn Thị Thập…
Ngoài loạt nhà hàng này, Tập đoàn Lã Vọng còn nổi lên là một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất vàng lớn tại Hà Nội để phát triển các dự án BĐS. Năm 2008, Tập đoàn này bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới của Lã Vọng được lập ra để phát triển dự án KĐT Ngôi nhà mới ở Quốc Oai.
Sau đó, năm 2016 tập đoàn này thành lập Công ty CP Đầu tư và Thương mại Louis chuyên về mảng văn phòng, căn hộ và trung tâm thương mại cao cấp.
Đến nay, Tập đoàn Lã Vọng đã nắm trong tay nhiều dự án BĐS lớn trên địa bàn TP Hà Nội gồm Khu đô thị Louis City 30ha (Đại Mỗ), Khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới 19,5ha (Quốc Oai), Dự án New House Xa La (Hà Đông) 10.553m2. Để có những dự án này, một số đơn vị thành viên của tập đoàn Lã Vọng đã triển khai các dự án BT.
Mới đây nhất, đầu tháng 6/2018 Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện các dự án của Công ty CPTM & DV Lã Vọng và đơn vị thành viên trên địa bàn TP Hà Nội, điều này khiến dư luận, giới đầu tư không khỏi tò mò, xôn xao về tập đoàn này.(CafeF)
----------------------------
Trung Nguyên chi 5 tỷ USD để tặng sách, số tiền xấp xỉ tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng?
Cuối tháng 6 vừa qua, Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ công bố sẽ trao tặng 200 triệu cuốn sách với tổng nguồn lực chi phí 5 tỷ USD (tương đương hơn 110.000 tỷ đồng). Kế hoạch tặng sách kéo dài trong 5 năm.
Theo Infonet ngày 30/6, trong 5 năm tới (2018-2023), Tập đoàn Trung Nguyên Legend mong muốn trang bị Tủ sách, Tủ phim này đến 11.085 nhà văn hoá xã; 212 nhà văn hoá quận; 1.642 nhà văn hoá huyện, thị trấn; 1.135 nhà văn hoá phường; thư viện của 713 đơn vị hành chính gồm: 68 thành phố trực thuộc tỉnh, 50 thị xã, 49 quận và 546 huyện; trang bị hơn 20 triệu tủ sách và phim tới hơn 20 triệu hộ gia đình, dòng họ,…; toàn bộ hệ thống Thư viện các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội,… trên mọi miền Tổ Quốc.
Trung Nguyên Legend công bố số lượng sách trao tặng dự kiến đạt tới trên 200 triệu cuốn sách, với nguồn lực chi phí gần 5 tỷ USD.
Xe chở sách của Trung Nguyên.
Nhiều người cho rằng con số 5 tỷ USD là quá lớn, gần bằng số tài sản của người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng (6,6 tỷ USD, theo Forbes tháng 7/2018).
Chúng tôi đã liên lạc với Trung Nguyên để tìm hiểu thêm thông tin về con số này nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Để hiểu thêm về con số 5 tỷ USD, cùng xem xét những gì Trung Nguyên có.
Nguồn lực của Trung Nguyên
Hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên có 3 mảng chính gồm Kinh doanh - chế biến cà phê, bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu (franchising).
Mảng kinh doanh – chế biến cà phê của Trung Nguyên bao gồm CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group), CTCP Cà phê Trung Nguyên tại Đăk Lăk và CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Trong đó, Trung Nguyên Group đóng vai trò là công ty trung tâm của cả hệ thống Trung Nguyên, chịu trách nhiệm chính đối với việc sản xuất cũng như phân phối đối với hoạt động kinh doanh.
Theo thống kê của Euromonitor năm 2015, cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên chiếm 5% thị phần 5.500 tỷ đồng tại Việt Nam.
Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê hòa tan, cà phê nhân thì Trung Nguyên còn một mảng kinh doanh lớn khác là nhượng quyền thương hiệu (franchising).
CTCP Trung Nguyên Franchising với vốn điều lệ 100 tỷ đồng và cũng được điều hành bởi ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Trung Nguyên Franchising có vai trò quản lý hoạt động nhượng quyền chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên.
Mảng thứ ba, Trung Nguyên đã rất nhiều lần thử sức với lĩnh vực bán lẻ nhưng chưa đạt được kết quả khả quan. Năm 2006, Trung Nguyên ra mắt hệ thống bán lẻ G7 Mart với 500 cửa hàng. Mục tiêu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là gắn thương hiệu G7 Mart lên 10.000 cửa hàng – đưa Trung Nguyên trở thành thế lực lớn nhất trong ngành bán lẻ.
Những khó khăn bủa vây đã khiến G7 Mart gần như “mất tích” khỏi thị trường. Sau khi nhận thấy G7 Mart khó lòng cạnh tranh trên thị trường, vào năm 2010, Trung Nguyên đã hợp tác với Ministop (thành viên cua Aeon- Nhật Bản) thành lập CTCP Thương mại và dịch vụ G7- Ministop với mục tiêu mở 500 cửa hàng trong vòng 5 năm.
Kết cục trong lần hợp tác này là sự thất bại. Ministop đã chấm dứt hợp đồng hợp tác với Trung Nguyên, đồng thời tiến hành bắt tay với Sojitz, nâng mục tiêu lên 800 cửa hàng bán lẻ trong vòng 10 năm tiếp theo.
Nếu 2 USD/cuốn sách thì 200 triệu cuốn cũng chỉ 400 triệu USD, bằng 1/12 con số 5 tỷ USD
Theo thông tin mà Infonet đưa ra, nếu 2 USD/cuốn sách thì 200 triệu cuốn cũng chỉ có giá 400 triệu USD, chưa đến 1/10 của con số 5 tỷ USD. Một chuyên gia trong ngành sách cho rằng, hẳn là Trung Nguyên còn chi những khoản khác như vận chuyển, nhân sự… đi tặng sách. Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, con số 5 tỷ USD vẫn là quá lớn.
Trước đó, một nhân vật trong ngành sách cho biết thị trường sách của Việt Nam còn khá khiêm tốn, chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng. Nếu so sánh con số 5 tỷ USD (110.000 tỷ đồng) với 3.000 tỷ đồng thì đã gấp 40 lần tổng dung lượng thị trường sách tại Việt Nam.
“Kể cả chương trình tặng sách có kéo dài trong 5 năm thì số tiền 5 tỷ USD vẫn là rất lớn”, một người am hiểu thị trường sách cho chúng tôi hay.(CafeF)
------------------------
Tỉ giá nổi sóng: Chọn đôla Mỹ hay tiền Việt có lợi?
Nhiều người vẫn có thói quen thích giữ đôla trong két sắt hơn là chuyển đổi sang tiền đồng.
Sau một thời gian dài biến động mạnh, hôm qua (5-7) giá mua-bán USD tại các ngân hàng (NH) thương mại tương đối bình lặng nhưng vẫn đứng ở mức cao. Hiện phần lớn các NH niêm yết giá mua-bán USD ở mức từ gần 23.000 đến 23.100 VNĐ/USD.
Riêng giá USD trên thị trường tự do sau một ngày dịu xuống lại bật tăng thêm 25-30 đồng trong ngày hôm qua, lên mức phổ biến 23.110-23.135 VNĐ/USD. Điều này cho thấy đồng đôla trên thị trường chợ đen vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Tiền đồng vẫn có lợi hơn”
Trong bối cảnh giá đồng bạc xanh leo thang, cộng đồng các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp lo lắng đặt nhiều câu hỏi: Vay USD hay tiền Việt có lợi? Có nên găm giữ hay bán USD? Có nên đổ xô đi mua USD để găm giữ?... Chuyên gia tài chính NH, TS Nguyễn Trí Hiếu nói thực tế vẫn không ít người lựa chọn phương án gửi tiết kiệm bằng USD và chấp nhận lãi suất 0% bởi kỳ vọng tỉ giá sẽ tiếp tục tăng, đồng nghĩa tiền Việt mất giá thêm. Những người găm giữ USD không quan tâm nhiều đến sự chênh lệch về lãi suất giữa tiền gửi bằng USD và VNĐ mà chủ yếu nhằm mua sự yên tâm và nuôi kỳ vọng. Thậm chí không loại trừ khả năng khi tỉ giá USD tiếp tục tăng cao , một số người dân đi mua USD để găm giữ.
Tuy vậy, chuyên gia-TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu từ nay đến cuối năm tỉ giá tăng 3% thì việc đổi tiền đồng sang USD để găm giữ là không có lợi. TS Hiếu phân tích: Từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng đồng đôla sẽ tăng thêm 1%-3%, tương đương tỉ giá sẽ bật lên mức 23.300-23.700 VNĐ/USD. Ngay trong trường hợp USD tăng giá tối đa 3% và lạm phát tăng 4%, trong khi lãi suất tiền đồng NH huy động ở mức 7%-8%/năm. Như vậy, gửi tiết kiệm bằng VNĐ vẫn có lợi hơn rất nhiều.
Ví dụ, khách hàng gửi 50.000 USD với lãi suất gửi 0% (theo quy định hiện nay gửi USD không được hưởng lãi suất), một năm sau tỉ giá tăng 3%, lên mức 23.700 VNĐ/USD. Tính ra từ số tiền 50.000 USD ban đầu, người gửi sẽ có lời hơn 35 triệu đồng do chênh lệch tỉ giá.
Nhưng cũng với 50.000 USD đổi ra tiền đồng, tương đương khoảng 1,13 tỉ đồng, để gửi tiết kiệm với kỳ hạn một năm. Nếu tính lãi suất tiền gửi là 7%/năm thì một năm sau số tiền lãi sẽ là gần 80 triệu đồng. Nghĩa là gửi bằng tiền đồng lời cao hơn 45 triệu đồng so với gửi hoặc găm giữ USD.
Về phía NH, ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc tài chính NH Thương mại Cổ phần Sài Gòn, nhận định: Việc tỉ giá liên tục điều chỉnh trong thời gian qua xuất phát từ nguyên nhân chính là đồng USD tăng mạnh trên thị trường thế giới. Dù trong thời gian ngắn đồng USD liên tục tăng nhưng mức biến động của tỉ giá vẫn khá nhỏ và khả năng USD tăng lên 23.700 VNĐ/USD vào cuối năm là thấp.
Trong khi lãi suất tiền gửi USD vẫn bằng 0% thì chênh lệch lãi suất tiền gửi VNĐ và USD đang duy trì ở mức 5,5%-8%/năm tùy từng kỳ hạn. “Tóm lại, với những người có nhu cầu cần USD để phục vụ cho việc đi chữa bệnh, du lịch, gửi tiền cho con đi du học… thì có thể cần tích trữ USD để khi cần không phải mất công đến NH làm thủ tục mua. Còn nếu nói về hiệu quả tài chính thì khách hàng găm giữ USD vẫn không hiệu quả so với việc gửi tiền đồng” - ông Hoàn phân tích.
Không lo thiếu đôla
Trước sự tăng rất mạnh của tỉ giá USD/VNĐ, Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng đã lên tiếng khẳng định mức tăng của tỉ giá thời gian qua đã nằm trong kế hoạch và được đơn vị nắm bắt. NH Nhà nước đã chủ động phương án điều hành tỉ giá, sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cung cầu thị trường có vấn đề để kiểm soát tỉ giá, tránh biến động gây bất ổn vĩ mô.
NH Nhà nước cho hay từ đầu năm đến nay đã mua ròng trên thị trường 11 tỉ USD, nâng tổng dự trữ ngoại hối đạt 63,5 tỉ USD. Đây chính là yếu tố giúp NH Nhà nước tự tin trong việc điều hành ổn định tỉ giá ngoại tệ. Nếu cần thiết, NH Nhà nước sẽ bán ngoại tệ với tỉ giá thấp hơn tỉ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Sau những thông điệp trên, trong vài ngày qua, NH Nhà nước liên tục có những động thái mạnh nhằm hạ nhiệt cơn biến động tỉ giá. Đơn cử ngày 3-7, Sở Giao dịch NH Nhà nước bán USD với mức 23.050 VNĐ, giảm tới 244 VNĐ so với phiên liền trước và thấp hơn tới 264 VNĐ so với mức trần. Mức giá bán ra áp thấp và giảm sâu như trên đồng nghĩa với việc các thành viên thị trường có nhu cầu mua USD, đáp ứng các điều kiện quy định sẽ được nhà điều hành bán hỗ trợ chỉ với mức giá thấp.
Nói thêm về vấn đề này, ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc tài chính NH Thương mại Cổ phần Sài Gòn, cho hay: Có thể USD trên thị trường tự do tăng do mục đích đầu cơ, đầu tư chứ trên thị trường liên NH nguồn cung USD vô cùng dồi dào, không hề có dấu hiệu khan hiếm.
“Thị trường trong nước vẫn tiếp tục được hỗ trợ từ các dòng vốn nước ngoài như kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dòng chảy vốn đầu tư gián tiếp… vẫn hoạt động tích cực và hiệu quả” - ông Hoàn khẳng định.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng nếu tỉ giá liên tục tăng cao là tín hiệu không tốt cho nền kinh tế. Nếu phá giá mạnh VNĐ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá trị VNĐ. Thêm nữa, tỉ giá tăng sẽ kéo theo một loạt mặt hàng tăng giá theo như xăng dầu, điện nước, giá y tế, giáo dục... Như vậy, khó khăn cho kiểm soát lạm phát.
Biến động tỉ giá là rủi ro lớn với doanh nghiệp
Đại diện một công ty xuất nhập khẩu cho biết đang "ngồi trên lửa" với biến động tỉ giá. Bởi chỉ những công ty chuyên xuất khẩu, không vay USD được lợi. Ngược lại, với những công ty nhập hàng và thanh toán bằng USD thì cũng không được lợi.
"Tỉ giá tăng thì xuất khẩu thu được nhiều ngoại tệ nhưng công ty tôi phải vay USD để nhập hàng và nguyên liệu từ nước ngoài nên thiệt hại lớn. Nếu tỉ giá tăng khoảng 2% trong năm nay, tính ra lãi suất vay USD cũng gần bằng với lãi suất vay VNĐ" - đại diện công ty trên tính toán.(PLO)