Những thách thức đối với giới giàu có trên thế giới
"Cơ nghiệp và thừa kế”, thuế cao và tăng trưởng kinh tế lao dốc là vài vấn đề khó khăn mà giới đại gia thế giới phải đối mặt - Ảnh: Bloomberg
Các cá nhân sở hữu số tài sản lớn trên thế giới đang phải đối mặt với một loạt khó khăn, trong đó bao gồm “vấn đề cơ nghiệp và thừa kế”, thuế cao hơn và sự suy giảm tiềm tàng trong nền kinh tế toàn cầu.
Đó là một phần báo cáo 2016 Wealth Report mới nhất của hãng tư vấn bất động sản và nhà ở thương mại Knight Frank, theo Bloomberg.
“Một trong những phát hiện thú vị nhất là một tỷ lệ đáng kể các nhà tư vấn tài sản và nhân viên ngân hàng tư trên khắp thế giới dự báo mức độ giàu có của các khách hàng của họ sẽ tăng chậm hơn trong 10 năm tới, nếu so với tốc độ tăng trưởng của cải có được trong thập niên qua”, báo cáo viết.
Theo hãng Knight Frank, đã có gần 6.000 người trượt khỏi top những người có giá trị tài sản ròng cao trong năm 2015, tạo thành mức giảm 3% so với năm 2014. 2015 là năm đầu tiên số người giàu có nhất thế giới giảm đi kể từ thời khủng hoảng tài chính năm 2008.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại trong năm 2015 trong khi tăng trưởng vốn chủ sở hữu, hàng hóa và giá cả các tài sản khác cũng giảm tốc”, báo cáo giải thích. Thời đoạn khó khăn đã đến với một số cá nhân giàu có.
Tại các nước như Hy Lạp, nơi mà gánh nặng tài chính cùng căng thẳng chính trị đã đặc biệt được chú ý trong những năm gần đây, lượng tiền đầu tư trong nước giảm 18% vì các tỉ phú vội vàng chuyện tiền ra nước ngoài. Điều này tạo ra xu hướng chung của giới đại gia thế giới khi họ đã và đang đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn bao giờ hết.
Động thái trên góp phần vào dòng chảy tiền bạc xuyên biên giới, song cũng khiến những người giàu có tiếp xúc nhiều hơn với sự suy giảm tiềm ẩn trong nền kinh tế toàn cầu và các đợt kiểm soát tài sản xuyên biên giới.
Đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài tăng “khủng” 1.013% trong 10 năm qua, theo phân tích của hãng Knight Frank dựa trên số liệu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp. Điều này kết hợp với việc tự do hóa một số thị trường mới nổi đã giúp thúc đẩy sự bùng nổ đầu tư xuyên quốc gia của những người giàu.
Việc mua bất động sản ở nước ngoài góp phần lớn vào mức tăng đầu tư xuyên biên giới. Nhiều người trả lời khảo sát nói rằng các khách hàng của họ tăng phân bổ tài sản vào bất động sản trong 10 năm qua.
Cơn bão giá dầu tan dần sau thỏa thuận Nga - Ả Rập Xê Út
Giá dầu đã tăng ổn định trở lại trong những ngày qua - Ảnh: Reuters
Dầu thô vừa bước ra khỏi cơn bão lớn nhất trên thị trường trong vòng bảy năm qua. Thước đo biến động giá cả vừa giảm từ mức đỉnh kể từ tháng 1.2009 sau thỏa thuận giữa các nhà sản xuất lớn thế giới.
Theo Bloomberg, thước đo biến động giá cả dầu thô đã giảm từ mức cao nhất vào tháng 1.2009 khi thị trường liên tục lắng dịu sau thỏa thuận tiềm năng giữa các nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Giá dầu ở New York đã giảm một nửa từ năm 2014, khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không giảm hạn ngạch, gây sức ép lên các đối thủ sản xuất với chi phí cao hơn.
Song kể từ khi Nga và Ả Rập Xê Út đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng hôm 16.2, chỉ số biến động giá dầu CBOE Crude Oil Volatility từ mức trung bình cao nhất kể từ năm 2009 giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai tháng, trong khi giá dầu đã tăng 18% để giao dịch ở ngưỡng khoảng 35 USD/thùng.
“Kể từ khi Ả Rập Xê Út và Nga đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng, biến động trên thị trường giảm và giá dầu đã ổn định, trọng tâm di chuyển trở lại với các nguyên tắc cơ bản. Giá dầu sẽ ổn định hơn trong những tháng tới, có thể lên đến 40 USD/thùng ít nhất là cho đến cuộc họp của OPEC diễn ra vào tháng 6”, nhà phân tích Hong Sung Ki thuộc hãng Samsung Futures nhận định.
Giá dầu WTI tăng 30% kể từ mức đáy 12 năm lập ra hồi tháng trước, giao dịch ở mức 34,8 USD/thùng hôm 4.3. Sản lượng dầu Mỹ đã giảm trong sáu tuần tính đến ngày 26.2, xuống còn 9,08 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ tháng 11.2014 theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng (IEA). Đây là chuỗi ngày giảm dài nhất kể từ tháng 9.2015.
Một quan chức Nigeria cho hay trong tháng 3 này, những thành viên chủ chốt thuộc OPEC có kế hoạch gặp gỡ các nhà sản xuất Nga để bàn tiếp về thỏa thuận đóng băng hạn ngạch. Quan chức này cho hay sẽ có “sự thay đổi đáng kể trong giá cả” dầu thô khi cuộc họp này diễn ra.
Việt Nam chiếm 50% thị trường điều thế giới
Việt Nam đang dẫn đầu thị trường xuất khẩu điều của thế giới và chiếm 50% tổng giá trị thương mại
Tổng giá trị thương mại nhân điều của thế giới chiếm 5 tỉ USD, xuất khẩu sản phẩm điều của Việt Nam hiện đạt 2,5 tỉ USD, chiếm 50% thị trường điều thế giới.
Tại Hội nghị báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh điều quý 1/2016 và kế hoạch sản xuất kinh doanh điều 2016 do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức vào chiều 4.3, đại diện Vinacas cho biết, năm 2015, xuất khẩu nhân điều của cả nước chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp Việt Nam. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều.
Cụ thể, số lượng nhân điều cả nước xuất khẩu trong năm qua là 330.000 tấn, đạt 2,5 tỉ USD. Trong đó, nhân điều chiếm 2,3 tỉ USD, còn lại là dầu vỏ hạt điều và các sản phẩm chế biến sâu. Số liệu này cho thấy, xuất khẩu nhân điều của cả nước năm 2015 tăng 10% về lượng và tăng 15% về giá trị so với 2014.
Báo cáo của Vinacas cho thấy, giá nhân điều xuất khẩu bình quân năm qua đạt khoảng 7.300 USD/tấn, tăng 12% so cùng kỳ, giá điều nhân WW320 khoảng 7.800 USD/tấn, tăng 15% so cùng kỳ.
Hiện hạt điều Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các thị trường chủ lực gồm Mỹ (30%), châu Âu (25%) và Trung Quốc (15%).
Theo Vinacas, trong 2 tháng đầu năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, song xuất khẩu nhân điều vẫn đạt 37.000 tấn, đạt 278 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và 11% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin từ các nhà kinh doanh điều tại hội nghị cũng cho thấy, hiện đang vào mùa vụ chính, giá điều đang được thu mua trong nước tăng 30% so với mức giá thu mua cùng kỳ năm ngoái.
MB và VALEXIM ký hợp đồng phòng vệ giá cho mặt hàng khí hóa lỏng
Lễ lý kết hợp đồng phòng vệ giá cho mặt hàng khí hóa lỏng giữa MB và VALEXIM
Ngày 1.3.2016, Ngân hàng TMCP Quân Đội, Công ty Cổ phần Kinh doanh và Xuất nhập khẩu khí Gas hóa lỏng Vạn Lộc (VALEXIM) ký kết Thỏa thuận cung ứng sản phẩm phái sinh phòng vệ giá khí hóa lỏng bằng công cụ hoán đổi giá hàng hóa.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) là một trong những Ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai sản phẩm phái sinh phòng vệ giá hàng hóa bằng công cụ hoán đổi giá cả hàng hóa (SWAP) đến các doanh nghiệp (DN).
Hiện MB đang cung ứng sản phẩm phái sinh hàng hóa đối với các mặt hang café, cao su, kim loại màu, năng lượng, giúp DN có thể chủ động chốt giá đầu ra đầu vào thông qua các sàn giao dịch quốc tế ứng với từng chu kỳ sản xuất kinh doanh thay vì phải chịu rủi ro biến động giá thả nổi như trước kia. Nhờ đó khách hàng có thể cân đối kế hoạch kinh doanh, hạn chế tối đa các ảnh hưởng bất lợi khi thị trường biến động mạnh. MB còn hỗ trợ tư vấn về thông tin thị trường, dự báo giá hàng hóa và các chiến lược phòng vệ rủi ro giá hàng hóa cho khách hàng.
Phó tổng giám đốc MB, bà Nguyễn Minh Châu, cho biết: “Kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp, DN Việt Nam đối diện với nhiều cơ hội cũng như thách thức. Vì vậy, các DN cần phải chủ động và linh hoạt hơn để đáp ứng với những thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Nhận thức sâu sắc được xu thế tất yếu đó và nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, cao cấp của DN, MB đã chủ động nghiên cứu đề xuất và được NHNN chấp thuận để MB cung cấp các dịch vụ về phái sinh lãi suất, ngoại hối và đặc biệt là quản trị rủi ro giá cả hàng hóa”.
Ông Phan Văn Hùng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VALEXIM, chia sẻ: “Giá khí hóa lỏng luôn được thả nổi tại ngày chốt hợp đồng giao dịch trong tương lai với đối tác nước ngoài nên việc cố định chi phí đầu vào để lên kế hoạch kinh doanh cụ thể gặp khó khăn. Trong một số trường hợp sự biến động theo chiều hướng xấu vượt quá sức chịu đựng của DN mặc dù có thể dự báo trước tình hình. Hình thức tài chính phái sinh hàng hóa là một giải pháp ưu việt để bảo hiểm cho sự rủi ro nói trên”.
Xử nghiêm nhà băng ‘đi đêm’ lãi suất
Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết ổn định mặt bằng lãi suất, không để các ngân hàng chạy đua, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đi đêm, vượt rào.
Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên ngày 4.3, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Bùi Quốc Dũng khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết ổn định mặt bằng lãi suất, không để các ngân hàng chạy đua, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đi đêm, vượt rào.
Treo bảng lãi suất 7,8%/năm nhưng với khoản tiền lớn ngân hàng vẫn chào lãi suất lên tới hơn 8%/năm - Ảnh: Ngọc Thắng
Đua lãi suất chỉ để PR
* Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng (NH) đột ngột tăng mạnh lãi suất (LS) huy động, đặc biệt ở các kỳ trung và dài hạn lên hơn 8%/năm? Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
- Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy 2 tháng đầu năm nay có 15 tổ chức tín dụng (TCTD) tăng với mức tăng bình quân từ 0,1 - 0,2%/năm, trong khi có 6 TCTD lại giảm, bình quân từ 0,1 - 0,3%/năm. Vì vậy, mức LS huy động hiện tại vẫn cơ bản ổn định so với cuối năm 2015. Cụ thể, mặt bằng bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,5 - 5,4%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 5,5 - 7,2%/năm. Kết quả đó cho thấy, việc tăng LS huy động không phải xu hướng chung mà chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau tết.
Chúng tôi cũng mong các cơ quan báo chí và người dân nếu nắm bắt được trường hợp vi phạm, cung cấp thông tin và tài liệu liên quan để Ngân hàng Nhà nước thực hiện xác minh, kiểm tra và xử lý nghiêm
* Nhưng rõ ràng các NH như Eximbank, SeABank, OCB đã điều chỉnh biểu LS huy động mới cho kỳ hạn dài (từ 13 tháng trở lên) lên tới 8 - 8,2%/năm, thậm chí NH Việt Á sẵn sàng chi trả lãi suất 8,38%/năm. Theo ông, họ đang đua LS hay muốn làm gì?
- Chúng tôi đánh giá đây chưa phải là cuộc chạy đua. Các TCTD đẩy LS lên cao chủ yếu để thu hút sự chú ý với khách hàng, PR - quảng bá thương hiệu và nắm giữ thị phần nhiều hơn. Trên thực tế, ngoài kỳ hạn dài người gửi phải có khoản tiền rất lớn lên tới hàng chục tỉ đồng, người dân không hề gửi như vậy nên mặt bằng LS gần như không thay đổi. Đó là yếu tố thứ nhất. Thứ hai, trên phương diện chi phí vốn và thu nhập, qua theo dõi chúng tôi thấy hệ số lợi nhuận biên ròng của các TCTD từ đầu năm đến nay không thay đổi, điều này đồng nghĩa với mặt bằng LS không tăng.
* Có ý kiến cho rằng, các TCTD đang đua hút vốn trung - dài hạn để đối phó với dự thảo Thông tư 36 (giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40%) và dự trù thanh khoản?
- Việc giảm tỷ lệ là có, nhưng NHNN vẫn đang dự thảo. Còn về vĩ mô, áp lực thanh khoản, lãi suất là có. Bởi thứ nhất, lạm phát năm nay dự kiến 3 - 4%, không phải quá cao nhưng rõ ràng cao so với năm trước. Thường điều hành LS bám rất sát lạm phát mục tiêu, do đó có những áp lực nhất định.
Thứ hai, tăng trưởng GDP năm nay 6,7% cao hơn 6,68% của năm trước. Khi tốc độ năm sau cao hơn năm trước sẽ dồn tích nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Khi cầu vốn tăng, đồng thời tiền nhàn rỗi của người dân gửi tiết kiệm sẽ gây áp lực tới cung - cầu vốn, đẩy LS lên.
Thứ ba, ngân sách năm nay dự báo tiếp tục khó khăn do giá dầu giảm. Do đó, nhu cầu huy động trái phiếu chính phủ để bù đắp lớn hơn, năm nay theo kế hoạch là 220.000 tỉ đồng, tăng cao hơn 2015. LS trái phiếu tăng, gián tiếp tác động LS trung và dài hạn huy động trên thị trường. Do đó, các NH phải dự phòng thanh khoản.
Tiếp tục giảm lãi vay trung, dài hạn
* Với áp lực như vậy, liệu rằng mục tiêu giảm LS trung - dài hạn thêm 0,5 - 1%/năm như tuyên bố của NHNN từ đầu năm có khả thi không, thưa ông?
- Theo thống kê của chúng tôi, mặt bằng LS cho vay hiện vẫn ổn định so với cuối năm 2015. Cụ thể, lãi cho vay kỳ hạn ngắn phổ biến 6 - 9%/năm, trung và dài hạn 9 - 12%/năm. Phân khúc khách hàng tốt, các TCTD áp dụng 5 - 6%/năm. Tính bình quân LS cho vay là 8,85%/năm.
Như tôi đã phân tích, hệ số lợi nhuận biên ròng của các TCTD không thay đổi, mặt bằng LS vẫn ổn định và do đó LS cho vay vẫn duy trì ở mức cũ, không bị tác động dù áp lực cũng rất lớn. Do đó, NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các TCTD có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế.
NHNN cũng sẽ điều hành lãi suất liên NH ở mức phù hợp với tương quan lãi suất thị trường 1, đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng LS huy động và cho vay của các TCTD nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy, cùng mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng LS trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi.
* Ngoài các giải pháp kỹ thuật, NHNN sẽ làm gì nếu các TCTD đi đêm, vượt rào LS? Trên thực tế hiện tượng này đang diễn ra ở một số nhà băng?
- Hiện nay, Vụ Chính sách tiền tệ cùng các đơn vị chức năng đang theo dõi sát việc thực hiện trần LS huy động. Chúng tôi cũng mong các cơ quan báo chí và người dân nếu nắm bắt được trường hợp vi phạm, cung cấp thông tin và tài liệu liên quan để NHNN thực hiện xác minh, kiểm tra và xử lý nghiêm. Tới đây, thanh tra của NHNN cũng sẽ tiến hành thanh tra chuyên đề tại các TCTD về vấn đề này. Họ có thể sẽ cải trang, vào vai khách hàng để kiểm tra.
(
Tinkinhte
tổng hợp)