Tham gia TPP để sản xuất phát triển, chứ không để “chết”
Nhân dân tệ quay đầu giảm bất chấp tỷ giá tham chiếu tăng
HSBC: 'Tiền mặt vẫn là vua'
Hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản tìm cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng
Viglacera kỳ vọng hút 10 tỷ USD vốn đầu tư vào KCN Yên Phong
Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-03-2016
- Cập nhật : 06/03/2016
Tôn mạ nhập khẩu bị điều tra
Đây là mặt hàng thép thứ hai (sau thép không gỉ) được Bộ Công thương tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài vào VN kể từ năm 2013 đến nay.
Ngày 4-3, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA- Bộ Công thương) cho biết bộ Công thương vừa công bố quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ (thép mạ) nhập khẩu vào VN từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) và Hàn Quốc.
Việc điều tra được tiến hành sau khi bộ Công thương tiếp nhận hồ sơ khởi kiện từ bốn nhà sản xuất tôn mạ trong nước, gồm: Công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam (CSVC), Công ty TNHH Tôn Phương Nam, Công ty cổ phần Thép Nam Kim và Công ty cổ phần Tôn Đông Á.
Giai đoạn điều tra được xác định từ 1-10-2014 đến 30-9-2015. Nguyên đơn cáo buộc tôn mạ nhập khẩu từ các nước nói trên bán phá giá tại thị trường VN, làm các doanh nghiệp trong nước mất thị phần, tỉ lệ thua lỗ tăng cao, tồn kho nhiều…
Ông Nguyễn Thanh Trung, tổng giám đốc Công ty Cổ phần tôn Đông Á, cho biết dù tình trạng tôn mạ nhập khẩu vào VN manh nha từ mấy năm trước, nhưng giai đoạn 2014-2015, lượng tôn mạ nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) đã tăng một lượng rất lớn.
Theo ước tính của ông Trung, chỉ tính riêng năm 2015, đã có khoảng 1,6-1,8 triệu tấn tôn mạ của Trung Quốc được nhập khẩu vào VN, chiếm xấp xỉ 50% tổng lượng tôn mạ được các doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện nay.
Đặc biệt, do phần lớn tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc đều kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng lại được làm giả, làm nhái từ các thương hiệu uy tín trong nước nên có giá bán thấp hơn giá sản xuất trong nước từ 30-40%.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước khi xuất khẩu sản phẩm cùng chủng loại ra thị trường nước ngoài lại gặp rất nhiều khó khăn do rào cản kỹ thuật của các nước dựng lên hòng bảo vệ thị trường nội địa của chính nước sở tại.
Trước đó, từ tháng 10-2014, sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan vào VN bị áp thuế chống bán phá giá với thuế suất từ 3,41-37,29% (tùy nước), có hiệu lực áp dụng trong vòng năm năm.
Lào dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trong năm 2016
Chính phủ Lào lên kế hoạch sẽ xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo trong năm 2016 trong khi dự tính mức tiêu thụ gạo trong nước sẽ vào khoảng 2,1 triệu tấn.
Phóng viên TTXVN tại Lào dẫn lời ông Saypadeth Chounlamany, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Hợp tác, Bộ Nông Lâm Lào, cho hay chính phủ nước này đặt chỉ tiêu trong năm 2016, người dân Lào trên toàn quốc sẽ tiêu thụ khoảng 2,1 triệu tấn gạo và xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn.
Lượng gạo dự trữ quốc gia sẽ là 400.000 tấn, gạo chế biến thành hàng hóa là 640.000 tấn và lúa giống là 60.000 tấn.
Theo ông Saypadeth Chounlamany, với đặc thù canh tác hiện nay, rất khó để nông dân Lào có thể tăng năng suất và trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.
Hiểu rõ đặc điểm này, Chính phủ Lào đã chọn phương thức khuyến khích người dân trồng các loại lúa chất lượng cao, cho ra đời những loại gạo đặc sản chỉ riêng có tại Lào.
Hiện, Lào đang khuyến khích người dân trồng loại lúa “khậu cày nọi,” một loại nếp nương rất thơm ngon của Lào, được đông đảo khách hàng các nước láng giềng ưa thích.
Bộ Nông Lâm Lào đặt mục tiêu tăng trưởng của ngành trong năm 2015-2016 là 31%, theo đó tỷ trọng của ngành nông lâm trong GDP của Lào sẽ vào khoảng 22,7%.
Với mục tiêu trên, Chính phủ Lào đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng lúa nước lên 1 triệu hécta, trong khi diện tích trồng lúa nương là 100.000 hécta để có thể sản xuất được khoảng 4,2 triệu tấn gạo năm./.
Việt Nam nhập khẩu… đất
Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị hướng dẫn về thủ tục nhập khẩu “đất”, vì “mặt hàng” này hiện chưa được quy định đầy đủ, cụ thể với từng loại, khiến doanh nghiệp và cơ quan Hải quan gặp khó khăn khi làm thủ tục.
Theo đó, Hải quan đang gặp vướng mắc về thủ tục nhập khẩu và kiểm dịch với các loại đất nhập khẩu (đất sét, đất sét cao lanh, đất sét chịu lửa, đất sét bentonite…) đã nung, đã qua xử lý nhiệt thuộc nhóm 25.07 và 25.08.
Tổng cục Hải quan cho biết, Luật Thương mại, Nghị định 187 (năm 2013), thông tư 04 (năm 2015) của Bộ NN&PTNT không đề cập đến chính sách quản lý, cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện với “đất” nói chung. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013, có quy định hành vi bị cấm, trừ trường hợp Bộ trưởng NN&PTNT đồng ý bằng văn bản”.
Ngoài ra, một số văn bản của Bộ NN&PTNT cũng chưa thống nhất có kiểm dịch hay không đối với hàng hoá thuộc nhóm 25.07 và 25.08.
Nhiều cơ hội cho xuất khẩu trái cây
Năm 2016 trái cây Việt dự báo sẽ xâm nhập sâu vào thị trường thế giới, giúp nhà vườn yên tâm hơn về đầu ra.
Với việc loại bỏ các hàng rào kĩ thuật và sự hội nhập quốc tế nhanh chóng đang mở ra cơ hội cho xuất khẩu trái cây Việt Nam.
Tuy nhiên, điều các nhà vườn và doanh nghiệp đang quan tâm là làm sao đẩy mạnh phát triển trái cây bền vững theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP... để đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các nhà nhập khẩu.
Tiêu thụ thuận lợi
Sau Tết, giá trái cây thường hạ nhiệt, nhưng năm nay thời điểm tháng 3 nhiều loại trái cây vẫn neo giá, thậm chí không ít loại còn cao hơn so với trước Tết. Cụ thể, nếu như trước Tết, thanh long ruột trắng chỉ bán với giá chỉ 7.000 - 8.000 đồng/kg, hiện giá thanh long loại này đã tăng lên 12.000 - 13.000 đồng/kg; những loại trái cây phổ biến khác như: xoài, mãng cầu xiêm, nhãn, quýt... cũng tăng thêm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg... Với giá cả như trên, sau khi trừ chi phí nhà nông thu lãi từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, góp phần mở ra triển vọng một năm nhiều thuận lợi về đầu ra cho các nhà vườn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Anh Nguyễn Hoài Nam ở huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán nông dân phấn khởi vì giá thanh long tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước đó. Trong hai quý cuối năm 2015, người trồng thanh long nói riêng và cây ăn trái nói chung thua lỗ nhiều nhưng hiện nhờ giá cả khởi sắc khiến nhà vườn rất phấn khởi. "Dù chưa vào vụ chính nhưng thương lái đã tỏa khắp các nhà vườn tìm mua trái cây, đặc biệt những loại phục vụ cho xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài... Trong năm 2016, nhiều doanh nghiệp thông tin sẽ thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm trái cây chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước như Mỹ, Nhật, Australia... giúp nhà nông yên tâm về đầu ra", anh Nam cho hay.
Hiện, cả nước có hơn 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm. Theo số liệu khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay trái cây Việt đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Thanh long là loại quả xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp trong nước khi chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch; trong khi những loại quả khác như xoài, nhãn, vải... đang được thị trường các nước Nhật Bản, EU... ưa chuộng. Bên cạnh đó, cơ hội cho người nông dân Việt Nam nói chung và người trồng trái cây nói riêng đang được rộng mở khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do thời gian tới sẽ có hiệu lực.
Mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD
Bà Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, cho biết hiện Australia đã cho phép nhập khẩu 28 tấn quả vải từ Việt Nam và New Zealand cũng đang kiểm tra quy trình trồng chôm chôm, cũng như xem xét nhập khẩu loại trái cây này... Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây từ Australia, Nga... cũng đang có mong muốn nhập khẩu trái cây Việt Nam. Riêng ngành nông nghiệp cũng đang làm những thủ tục cần thiết, giải quyết khó khăn cho việc xuất khẩu vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, thanh long... sang các thị trường trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan...
"Trong năm 2015, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 3 triệu tấn vải, 100 tấn nhãn sang Hoa Kỳ. Ngành chức năng dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm nay có thể đạt kim ngạch tới 2 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với năm 2015 nhờ vào sự mở cửa của ba thị trường khó tính gồm Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ. Hiện việc kiểm dịch đối với trái cây xuất khẩu đang được tăng cường, đặc biệt là vào các thị trường khó tính, như thanh long, nhãn, chôm chôm và xoài. Tuy nhiên, thủ tục sẽ được đơn giản hóa nhằm vừa đảm bảo chất lượng vừa giúp các doanh nghiệp xuất khẩu dễ dàng hơn trong kinh doanh", bà Mai chia sẻ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của các nhà nhập khẩu về số lượng trái cây bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần liên kết chặt chẽ với nông dân để ký kết hợp đồng, giám sát chất lượng từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm trái cây... Riêng nhà vườn phải nhanh chóng thay đổi thói quen sản xuất, thích nghi với điều kiện sản xuất mới cùng với doanh nghiệp xây dựng được chuỗi sản xuất, xuất khẩu bền vững.
"Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vừa thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình Hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững ở một số loại trái cây chủ chốt. Riêng thanh long, các nhà vườn, hợp tác xã sẽ được chọn lựa đào tạo, huấn luyện những kỹ thuật, kỹ năng cơ bản từ sản xuất cho đến tiếp cận thị trường, hướng tới xuất khẩu vào các thị trường khó tính", bà Mai nói thêm.
TPHCM: Gần 700 dự án BĐS bị thu hồi, tạm ngưng thi công
Báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016 vừa được Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) công bố cho thấy, năm 2015 thị trường bất động sản đã có dấu hiệu tăng trưởng nóng, có xu hướng tăng rất mạnh các dự án bất động sản cao cấp.
Số liệu thống kê của HoREA cũng cho thấy, giá bán bất động sản cao cấp tại nhiều dự án bất động sản cũng tăng từ 5% đến trên dưới 15% so với năm trước. Toàn thành phố hiện có 1.409 dự án bất động sản nhưng có đến 190 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư hoặc hết hạn đầu tư.
Trong số 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai có đến 405 dự án chưa khởi công, trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công. Như vậy, số lượng các dự án bị thu hồi, bị tạm ngưng thi công và chưa khởi công đến hết tháng 2/2016 đã lên đến 692 dự án, chiếm 49,1% tổng số dự án.
“Đây là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản cần phải có giải pháp hợp lý”, báo cáo của HoREA nhận định.
Bên cạnh đó, nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM không thể triển khai được do vướng đền bù giải tỏa, có những dự án đã giải phóng mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% đất dự án, nhưng phần diện tích còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được rất cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và đảm bảo lợi ích của người có đất.
Trong năm 2015, thị trường bất động sản TP.HCM có sự tăng trưởng rất mạnh trên tất cả các phân khúc, quy mô thị trường tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Trong đó, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư tăng trưởng khá mạnh; phân khúc nhà ở thương mại loại căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ vẫn là phân khúc phát triển bền vững, trụ cột của thị trường, đáp ứng nhu cầu thật của phần lớn người tiêu dùng, và hiện nay cung không đủ cầu. Điều đáng lưu ý là phân khúc bất động sản cao cấp có sự tăng trưởng lớn nhất, tập trung vào khu nam và khu đông thành phố.
Quy mô tín dụng vào thị trường bất động sản TP.HCM đến nay đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 10,3% của cả nước. Lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt 5,5 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 21,6%.
Trong năm qua, thành phố đã thu hút được khoảng 1,3 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản.