Việt Nam đủ khả năng tiếp nhận siêu tàu container cập cảng
Như Thanh Niên đã thông tin, sáng ngày 29.10, tàu container CSCL STAR (trọng tải 155.000 DWT; có sức chở 14.000 teau; chiều dài 366 m, thuộc loại siêu lớn trên thế giới) (ảnh) đã cập cảng container Cái Mép.
Việt Nam đủ khả năng tiếp nhận siêu tàu container cập cảng
Để đáp ứng yêu cầu cập cảng theo tiêu chuẩn an toàn cao của hãng tàu cũng như quy định của các cơ quan quản lý nhà nước, hãng tàu China Shipping đã chỉ định Công ty Haivanship (TP.HCM) là đơn vị cung cấp toàn bộ tàu lai dắt cho tàu này.
Haivanship đã điều các tàu lai dắt chuyên dùng thế hệ mới Azimuth Z-peller tốt nhất hiện nay (mỗi tàu có công suất từ 4.000 mã lực trở lên và hầu hết các tàu đều dưới 10 tuổi) để thực hiện việc lai dắt tàu cập và rời cảng an toàn.
Công tác lai dắt hỗ trợ tàu CSCL STAR cập và rời cảng container Cái Mép đã nhận được sự đánh giá cao từ thuyền trưởng, hãng tàu, hoa tiêu cũng như các cơ quan quản lý nhà nước.
Sự kiện này đánh dấu khả năng tiếp nhận các tàu thuộc loại siêu lớn có thể cập cảng VN an toàn nhận hàng đi trực tiếp các nước Mỹ và châu Âu.
Vốn đầu tư toàn xã hội cao nhất trong 3 năm gần đây
Báo cáo tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) cho thấy tiêu dùng và đầu tư tư nhân tiếp tục được cải thiện.
Tính đến 21.9, tổng tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,5% so với cuối năm 2014. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại quý 3 đạt gần 32% GDP, mức cao nhất kể từ 2012. Trong đó, đầu tư khu vực kinh tế tư nhân tăng khá, chiếm gần 38% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (tương đương mức của cả năm 2014). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tính chung 10 tháng 2015 (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 8,4% so cùng kỳ, mức cao nhất so cùng kỳ của 5 năm qua.
Trong 9 tháng, tổng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ đạt 127.473 tỉ đồng bằng 51% kế hoạch năm với tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu ở mức 53,8%. Nếu không được phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn và điều chỉnh lãi suất, dự kiến cả năm 2015 chỉ huy động được khoảng 160.000 tỉ đồng, hụt 90.000 tỉ đồng so với kế hoạch. UBGSTCQG cho rằng tốc độ tăng trưởng các quý tiếp theo có xu hướng chậm lại do kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm, một phần do cơ cấu kinh tế chậm cải cách, chưa tạo được động lực mới cho tăng trưởng, trong khi đó, dư địa chính sách (tài khóa và tiền tệ) ngày càng bị thu hẹp, khó có thể thực thi chính sách kích thích kinh tế.
UBGSTCQG giữ nguyên dự báo từ đầu năm về mức tăng trưởng GDP 6,5% của năm 2015. Động lực chính cho tăng trưởng là ngành công nghiệp và xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng trưởng trong 9 tháng là 9,57%, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Hàng loạt 'ông lớn' dầu khí trên thế giới thi nhau báo lỗ
Ảnh: Nguồn The Street Wall Journal
Hàng loạt "ông lớn" trong lĩnh vực dầu khí đang thi nhau báo lỗ do giá dầu giảm xuống còn 50 USD/thùng.
Hàng loạt công ty dầu khí lớn nhất thế giới đã công bố lợi nhuận giảm mạnh vào ngày 29.10. Đây được xem là hệ quả của việc giá dầu giảm từ trên 100 USD/thùng vào mùa hè năm ngoái xuống mức dưới 50 USD/thùng hiện nay.
Tập đoàn Royal Dutch Shell đã báo lỗ 6,1 tỉ USD trong quý 3 vừa qua sau quyết định không khai thác dầu ở ở Bắc Băng Dương và một dự án khai thác dầu đá phiến ở Canada đã khiến tập đoàn này thiệt hại 7,9 tỉ USD.
Tập đoàn Petro China, nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất về khối lượng ở Trung Quốc, cho biết lợi nhuận ròng trong quý 3 đã giảm hơn 80%.
Total SA, gã khổng lồ dầu khí của Pháp, công bố lợi nhuận ròng đã giảm 69% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty dầu khí Eni SpA của Ý lỗ 952 triệu euro trong quý 3 và quyết định bán 12,5% cổ phần trong Công ty Saipem SpA.
Tiếp đến là Tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đã báo lỗ 1,1 tỉ USD và công bố kế hoạch mới để cắt giảm chi tiêu.
Dù không thua lỗ nhưng hai hãng dầu hàng đầu khác của Mỹ là Exxon Mobil và Chevron cũng báo giảm mạnh về lợi nhuận.
Tuy nhiên, Shell đang là hãng dầu khí gặp nhiều khó khăn nhất hiện nay. Trước đó, hãng này đã bày tỏ lạc quan về hướng đi của giá dầu và đã nhanh chóng thâu tóm BG Group PLC với mức giá 70 tỉ USD.
Bức tranh về thị trường dầu khí thế giới đang trở nên tối sạm dần khi giá dầu chuyển hướng giao dịch ở mức 50 USD/thùng. Trước bối cảnh này, các công ty dầu khí cho biết họ đang vô cùng căng thẳng để thay đổi cách thức kinh doanh trước giá dầu đang ở mức thấp hiện tại.
Hiện nay, nguồn cung dầu từ Mỹ, Nga và Trung Đông đang tỷ lệ nghịch với nhu cầu sử dụng dầu trên thế giới.
Trung Quốc: 'Hiệu ứng domino' xảy ra với ngành sản xuất linh kiện smartphone?
Nhiều nhà sản xuất linh kiện smartphone Trung Quốc đã đóng cửa kể từ nửa cuối năm 2014 do vấn đề tài chính trong đó có nguyên nhân doanh số smartphone giảm, trang National Business News của Thượng Hải cho biết.
Fosunny Electron Technology, công ty cung cấp linh kiện chính cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh trong nước như Huawei và ZTE, đã tuyên bố phá sản vào ngày 8.10 vừa qua.
Ngoài ra, các nhà sản xuất linh kiện smartphone ở tỉnh Quảng Đông hồi đầu tháng này cũng đã tuyên bố đóng cửa.
Theo báo cáo, hiện nay, 3 công ty trong lĩnh vực này đã gánh số nợ lên tới 1,6 tỉ Nhân dân tệ (tương đương với 250 triệu USD).
Từ nửa cuối năm ngoái, hàng loạt công ty bao gồm các chuỗi cung ứng đã liên tiếp đóng cửa. Nhiều người cho rằng, “hiệu ứng domino” (Hiệu ứng domino là một phản ứng chuỗi xảy ra khi xuất hiện một thay đổi nhỏ) đang xảy ra trong ngành sản xuất linh kiện smartphone Trung Quốc, báo cáo cho biết.
Các chuyên gia trong ngành công nghiệp này cho hay, việc hàng loạt công ty cung cấp linh kiện smartphone đóng cửa là do sự tăng trưởng bùng nổ trong thị trường smartphone đã trở nên bão hòa.
Trong năm 2014, các lô hàng điện thoại thông minh của Trung Quốc đã giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước nữa.
Các yếu tố khác là do các nhà sản xuất linh kiện không đạt tiêu chuẩn để ra mắt công chúng và tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện nay trong lĩnh vực này đã làm các sản phẩm của họ nhanh chóng bị lỗi thời, chuyên gia phân tích Sun Yanbiao cho biết.
Ngoài ra, hàng loạt công ty đóng cửa hiện nay là do họ hướng tới phương pháp giảm giá để tăng doanh số và tăng thị phần. Ngoài ra là các công ty này không thể huy động vốn từ thị trường chứng khoán, chuyên gia phân tích Sun Yanbiao cho biết thêm.
Hơn nữa, lượng hàng tồn kho quá mức khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tồn tại được.
Quỹ đầu tư Singapore mua 30% dự án Diamond Lotus
Genesis Global Capital tuyên bố đầu tư 300 triệu USD mua 30% sản phẩm tại chuỗi căn hộ Diamon Lotus do Phúc Khang phát triển.
Dự án được Genesis Global Capital rót vốn là chung cư đăng ký tiêu chuẩn xanh của Mỹ, có tổng vốn đầu tư 1.268 tỷ đồng, tọa lạc trên đường Lê Quang Kim, quận 8, TP HCM. Trong vòng 6 năm, mỗi năm nhà đầu tư Singapore sẽ giải ngân 50 triệu USD cho Tập đoàn Phúc Khang để phát triển dự án này thành các căn hộ dịch vụ để bán và cho thuê, hướng tới nhóm khách hàng là thương gia, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam.
Giám đốc điều hành Genesis Global Capital, Ng Chuan Kai cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư phát triển bất động sản ở Đức, Brasil, Mỹ và hiện nay Việt Nam là thị trường tiếp theo".
Vị này đánh giá Việt Nam là nước đang phát triển, dân số rất đông, đứng thứ 3 của Đông Nam Á, nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Các quy định về nhà ở cũng đã mở cửa cho người nước ngoài được sở hữu nhà, tiến gần đến thông lệ quốc tế. Đặc biệt Hiệp định TPP mới được ký kết hứa hẹn sẽ kích thích nhu cầu về nhà ở của các chuyên gia, doanh nhân nước ngoài tăng lên.
"Hội nhập sâu rộng hứa hẹn thúc đẩy Việt Nam trở thành quốc gia năng động, tăng trưởng cao, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn, du lịch, định cư. Đây chính là cơ hội tốt để đầu tư”, ông Ng Chuan Kai cho hay.
(
Tinkinhte
tổng hợp)