Bộ trưởng Tài chính: 'Phần lớn doanh nghiệp được xóa nợ thuế đã phá sản'
Chính phủ ban hành kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô
Giá dầu giảm do kinh tế Trung Quốc giảm tốc
Doanh nghiệp quân đội nộp ngân sách hơn 2 tỷ USD mỗi năm
Chín năm, 59 doanh nghiệp được bảo lãnh tín dụng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-11-2015
- Cập nhật : 02/11/2015
Ngân hàng đau đầu tìm cách đòi nợ
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng đã được đưa về mức an toàn tuy nhiên các ngân hàng và VAMC vẫn đang gặp nhiều vướng mắc về hành lang pháp lý để xử lý triệt để những khoản nợ rủi ro này.
Là người trực tiếp xử lý nợ xấu của Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), TS. Lê Cẩm Ninh, Phó ban Quản lý và xử lý nợ xấu cho biết trong ba năm qua, công tác thu hồi nợ đã được ngân hàng thực hiện rất nghiêm ngặt. Ban lãnh đạo ngân hàng không chỉ thường xuyên làm việc với các chi nhánh mà chủ động rà soát thực trạng của từng khoản nợ, phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng...
Tuy nhiên, ông Ninh chỉ ra xử lý tài sản bảo đảm (TSĐB) hiện nay không chỉ riêng tại ngân hàng Vietinbank mà còn ở nhiều ngân hàng khác gặp khó khăn và vướng mắc về hành lang pháp lý. Để dẫn chứng, ông Ninh kể thêm câu chuyện mà ông từng tham gia công tác cưỡng chế thu hồi tài sản, trong đó hình ảnh các anh công an đùn đẩy nhau việc ai có súng người đó đi trước và họ không cưỡng chế người đó ra khỏi TSĐB mà họ chỉ làm theo nhiệm vụ giữ trật tự an ninh, trong khi khách hàng thì chây ỳ, chống đối cực kỳ quyết liệt. Ông cho biết có vụ kéo dài chục năm, khiến các cán bộ ngân hàng thu hồi nợ rất mệt mỏi.
Theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP ban hành ngày 29/12/2006 của Chính phủ, Điều 63 quy định: TCTD có quyền yêu cầu bên giữ TSBĐ phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ TSBĐ không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ TSBĐ để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trong quá trình tiến hành thu giữ TSBĐ, nếu bên giữ TSBĐ có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý TSBĐ có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ TSBĐ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ TSBĐ.
Theo ông Ninh, pháp lý cho phép ngân hàng được quyền thu giữ TSBĐ cho mình nhưng trong trường hợp bị chống đối, cản trở,… thì chỉ quy định: ngân hàng được yêu cầu cơ quan chức năng giữ gìn trật tự để ngân hàng thực hiện quyền thu giữ tài sản. Xét về trách nhiệm, cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ bằng quyền hạn giữ gìn an ninh chung chứ hoàn toàn không tham gia vào chuyện bảo vệ quyền thu hồi TSBĐ hợp pháp của ngân hàng nếu xảy ra chống đối, cản trở.
Vì vậy, đại diện ngân hàng Vietinbank kiến nghị có sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý để tháo gỡ vướng mắc trong hành lang pháp lý giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu.
Thu hồi được tài sản đảm bảo đã khó, tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả bán nợ, TSĐB còn rất khiêm tốn. TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho biết. “Bản thân ngân hàng của tôi mất 3 - 4 năm vẫn không bán được tài sản đảm bảo của một doanh nghiệp nhà nước". Do đó, ông cho rằng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chưa quyết liệt.
Vấn đề thứ hai, Việt Nam chưa có cơ chế thị trường phù hợp, như tỷ lệ chia lỗ chênh lệch của giá nợ xấu mua vào và bán ra. Ví dụ, Thái Lan quy định lãi và lỗ cùng san sẻ với tỷ lệ 50-50. Ông Lực bày tỏ quan điểm, giữa VAMC và các TCTD nên có cơ chế chia sẻ khoản chênh lệch giữa giá mua nợ xấu và giá bán theo tư duy thị trường: lỗ cùng chịu, lãi cùng chia.
Giãi bày về những bất cập hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC chỉ ra, các TCTD phối hợp với VAMC tiến hành thu giữ, phát mại TSĐB, tuy nhiên khách hàng không bàn giao tài sản, không có mặt theo thời gian, địa điểm thu giữ, thậm chí có nhiều trường hợp khách hàng đi ra khỏi địa phương… Trường hợp thu giữ được thì việc bán đấu giá gặp khó khăn như: bên đảm bảo không hợp tác vấn đề thỏa thuận giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức định giá… dẫn đến VAMC và TCTD không thể xử lý để thu hồi nợ.
Ông Hùng kể có trường hợp TCTD bán nợ cho VAMC sau đó phối hợp tiến hành thu giữ tài sản để phát mại, sau khi thu giữ để tiến hành phát mại thì khách hàng khởi kiện tài sản có tranh chấp từ trước khi bán nợ cho VAMC. Tình huống này đưa VAMC vào tình thế phải xử lý sau khi có bằng chứng TSĐB có tranh chấp và phải trả lại khoản nợ cho TCTD, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò của VAMC…
"Trong thời gian qua, rất nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật tại Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến mua bán và xử lý nợ, về sở hữu đất đai, về tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò còn hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề về bán nợ, bán tài sản bảo đảm..., các nhà đầu tư chỉ mới tiếp cận để tìm hiểu bước đầu mà chưa chính thức đặt vấn đề cụ thể", ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng từ năm 2016, sau thời gian tập trung mua nợ bằng TPĐB, VAMC sẽ tập trung toàn lực vào bán nợ, bán tài sản,…và mua nợ theo giá thị trường đối với những khoản nợ xấu mới phát sinh, hạn chế dần việc mua nợ bằng TPĐB.
"Nếu tiềm lực đủ mạnh, VAMC sẽ hướng đến việc bỏ vốn mua cổ phần của các TCTD để tham gia tái cấu trúc TCTD" - vị chủ tịch VAMC khẳng định.
Khởi tố 16 bị can tại Ngân hàng Xây dựng
16 người nguyên là giám đốc, phó giám đốc, cán bộ tín dụng... Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) bị khởi tố.
Ngày 1-11, thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an, cho biết tiến hành mở rộng điều tra vụ án kinh tế xảy ra tại VNCB, cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 16 người nguyên là giám đốc, phó giám đốc, cán bộ tín dụng... về các tội "thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng”. Các quyết định này đều đã được Viện KSND tối cao phê chuẩn.
Theo đó, ông Phạm Thế Tuân, nguyên tổ phó tổ giám sát VNCB, thành viên hội đồng thành viên VNCB, bị khởi tố về tội "thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; ông Lê Công Thảo, nguyên giám đốc trung tâm công nghệ thông tin của VNCB, bị khởi tố tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng"; 14 bị can còn lại bị khởi tố về tội “vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng”.
Cơ quan điều tra xác định ông Phạm Thế Tuân không báo cáo kịp thời hoặc có đề xuất biện pháp nhưng không quyết liệt ngăn chặn, thu hồi việc Phạm Công Danh và đồng phạm chuyển tiền ra khỏi VNCB liên tục trong thời gian dài gây thiệt hại cho VNCB gần 2.500 tỉ đồng.
Ông Hoàng Việt Thắng khi giữ chức vụ phó giám đốc chi nhánh đã tiếp nhận hồ sơ từ nhân viên phòng kinh doanh và ký đồng ý cho 4 công ty vay tiền. Ông Thắng chỉ kiểm tra hồ sơ vay nhưng không tiếp xúc hướng dẫn khách hàng, không thẩm định thực tế và ký đồng ý trình lên hội đồng tín dụng VNCB xem xét, quyết định.
Ngoài ra bị can này còn là thành viên hội đồng tín dụng chi nhánh, đã ký duyệt hồ sơ vay để hoàn thiện thủ tục. Hành vi của bị can Thắng đã vi phạm quy trình, quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước và VNCB, giúp sức cho Pham Công Danh rút gần 1.300 tỉ đồng.
Đối với bị can Lê Khắc Thái, nguyên phó chủ tịch hội đồng tín dụng chi nhánh, cơ quan điều tra xác định bị can này đã ký biên bản họp hội đồng tín dụng đồng ý cho vay đối với 4 công ty. Ông Thái không trực tiếp tham gia tiếp xúc khách hàng và thẩm định hồ sơ vay thực tế; thực hiện không đúng quy trình cho vay của Ngân hàng Nhà nước và VNCB; giúp sức cho Pham Công Danh rút 950 tỉ đồng...
Trước đó, tháng 7-2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Công Danh (49 tuổi, trú tại TP.HCM) - nguyên chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị VNCB - để điều tra làm rõ hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra tại VNCB.
Cơ quan điều tra xác định các bị can trong vụ án gây thiệt hại cho Nhà nước trên 10.000 tỉ đồng.
Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội gấp hơn 1,5 lần cả nước
Trong 5 năm 2010 - 2015, kinh tế Hà Nội tăng trưởng bình quân 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung cả nước.
Samsung tính cắt giảm 30% nhân sự toàn cầu
Theo nguồn tin của Korea Times, Samsung đang lên kế hoạch thực hiện một đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn trên phạm vi toàn cầu.
Theo đó, việc cắt giảm nhân sự của Samsung là nhằm ổn định lại quỹ tài chính của công ty, trước khi năm 2015 kết thúc.
Cụ thể, những nhân sự đang làm việc với năng suất ở mức trung bình sẽ bị buộc rời khỏi công ty. Trong khi đó, những nhân sự cấp cao ở các bộ phận không còn quan trọng cũng sẽ được "khuyến khích" nghỉ hưu sớm.
Nguồn tin ban đầu cho biết, những người làm trong lĩnh vực tài chính, nhân sự, marketing, nhân viên cơ khí... sẽ là đối tượng bị "trảm" đầu tiên. Dự kiến, đợt này Samsung sẽ sa thải khoảng 30% nhân sự toàn cầu.
Kết thúc quý 3/2015, ở mảng kinh doanh di động, Samsung vẫn là công ty có lượng bán ra smartphone lớn nhất thế giới với 84,5 triệu chiếc và nắm giữ khoảng 23,9% thị phần smartphone toàn cầu.
Tuy nhiên, đây chỉ là tín hiệu vui của Samsung trong khoảng thời gian gần đây, khi mà nhiều quý trước, Samsung liên tục bị sụt giảm doanh thu ở mảnh di động, đặc biệt là khi có thêm sự cạnh tranh từ nhiều hãng sản xuất smartphone Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc đón thêm tin xấu
Trung Quốc vừa công bố báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất của nước này tiếp tục bị thu hẹp trong tháng 10. Đây là dấu hiệu cho thấy ngành sản xuất của Trung Quốc vẫn chưa thoát đáy với lực cầu trên toàn cầu suy yếu và áp lực giảm phát vẫn đang gia tăng.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm nay (1/11), trong tháng 10 chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức giữ nguyên ở mức 49,8 điểm, thấp hơn so với mức dự báo 50 điểm được các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra trước đó.
Đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này ở dưới 50 điểm – ngưỡng phân cách giữa co hẹp và suy giảm. Trong khi đó chỉ số PMI phi sản xuất (đo lường hoạt động của các ngành dịch vụ và xây dựng) giảm từ mức 53,4 điểm của tháng 9 xuống còn 53,1 điểm – thấp nhất kể từ tháng 12/2008.
Theo Liu Ligang, chuyên gia kinh tế đến từ ngân hàng ANZ chi nhánh Hồng Kông, khu vực sản xuất của Trung Quốc vẫn đang co hẹp nhưng đã ổn định. “Chúng tôi vẫn tin rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi rất nhẹ trong 2 tháng cuối năm nhờ sự hỗ trợ từ hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng”.
Số liệu mới nhất nhấn mạnh những thách thức đang đe dọa các cỗ máy tăng trưởng đã cũ kỹ của Trung Quốc. Đồng thời, qua đây có thể thấy chính sách nới lỏng tiền tệ của NHTW Trung Quốc vẫn chưa thể tạo lực đẩy cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó các công ty lớn và tập đoàn nhà nước đang dần ổn định trở lại.