Xác định có vàng ở Phú Riềng
Bộ Tài chính chi tiêu ngân sách 'giật gấu vá vai'
Trái phiếu chính phủ sôi động trở lại
Tăng cường vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng
Sau TPP, thuế 12 mặt hàng thủy sản sẽ về 0% ngay lập tức
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-11-2015
- Cập nhật : 02/11/2015
VFA: Không có chuyện tạm dừng xuất khẩu gạo 25% tấm
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã bác bỏ thông tin các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã tạm dừng chào bán loại gạo 25% tấm do nguồn cung thiếu hụt.
Trước đó, dẫn nguồn tin từ Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số cơ quan báo chí trong nước đã cho biết thông tin dừng xuất khẩu gạo như trên.
Cùng bác bỏ thông tin nói trên, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) là doanh nghiệp hội viên của VFA, cho biết khả năng thiếu hụt nguồn gạo phục vụ xuất khẩu là khó có thể xảy ra.
“Khi doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu, ví dụ như Vinafood 2, thì người ta cũng đã có sự tính toán trước hết rồi,” ông cho biết.
Theo báo cáo của VFA, tổng lượng gạo tồn kho của doanh nghiệp hội viên đơn vị này, tính đến ngày 8-10-2015 còn hơn 1,5 triệu tấn, trong khi đó, lượng hợp đồng xuất khẩu còn lại chưa giao là hơn 2,9 triệu tấn. Như vậy, nếu cân đối giữa lượng gạo tồn kho và số lượng hợp đồng còn lại chưa giao, thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang thiếu hụt khoảng 1,4 triệu tấn.
Tuy nhiên, nếu tính luôn diện tích lúa thu đông 2015 (lúa vụ 3) còn lại, chuẩn bị thu hoạch là hơn 470.000 héc ta và khoảng 250.000 héc ta diện tích lúa đông xuân 2015-2016 được xuống giống trong tháng 10-2015, thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động được nguồn cung, đó là chưa kể một lượng rất lớn lúa gạo hàng hóa đang còn trong tay các doanh nghiệp chuyên cung ứng cho doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu.
Liên quan đến gạo 25% tấm, sau khi Việt Nam giành được hợp đồng cung cấp 450.000 tấn gạo (25% tấm) cho Philippines hôm 17-9-2015, giá chào xuất khẩu loại gạo này đã nhảy vọt lên mức 355-365 đô la Mỹ/tấn so với mức 315-325 đô la Mỹ/tấn trước khi có hợp đồng.
Giá chào xuất khẩu gạo 25% tấm tăng mạnh đã kéo giá gạo nguyên liệu và thành phẩm thị trường nội địa của giống IR 50404 - loại gạo dùng chế biến thành gạo 25% tấm - cũng tăng 500-600 đồng/kg và hiện được chào bán với giá 6.600-6.700 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu và 7.600-7.800 đồng/kg đối với gạo thành phẩm. Về tình hình xuất khẩu, báo cáo mới nhất của VFA cho biết trong 20 ngày đầu của tháng 10-2015, doanh nghiệp hội viên tổ chức này đã xuất khẩu được trên 130.000 tấn gạo các loại, trị giá FOB đạt trên 52 triệu đô la Mỹ. Lũy kế xuất khẩu từ ngày 1-1 đến ngày 20-10-2015, doanh nghiệp hội viên đơn vị này bán được gần 4,5 triệu tấn, trị giá FOB đạt gần 1,9 tỉ đô la Mỹ.
Giá xăng có thể giảm từ 500- 600 đồng/lít từ ngày 3/11
Thông tin trên báo Dân Trí, sáng ngày 31/10, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, giá xăng tiếp tục giảm nhẹ trong lần điều chỉnh giá xăng vào ngày 3/11 tới đây.
Trong khi đó, cùng thời điểm này, giá bán lẻ xăng trong nước đối với mặt hàng xăng RON 92 và RON 95 chỉ giảm tương ứng hơn 23%.
Chia sẻ trên báo VietNamnet, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết, bình quân giá xăng dầu diễn biến khá phức tạp, chúng tôi nhập xăng dầu về mỗi ngày một giá khác nhau, đến hôm nay tính ra đã có tổng cộng 11 giá, trong đó có 7 giá giảm và 4 giá tăng. 4 giá tăng này đều rơi vào 3 ngày cuối tuần này, từ thứ 4 đến thứ 6”.
Vào lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 19/10, giá xăng giảm khoảng 136 đồng/lít, xuống còn 18.003 đồng/lít trong khi giá dầu tăng từ 222 - 445 đồng/lít.
Như vậy, về lý thuyết người mua có thể được giảm 500-600 đồng/lít xăng và 300-400 đồng/lít dầu.
Fitch giữ nguyên xếp hạng và triển vọng tín nhiệm Việt Nam
Trong thông báo ra ngày 30/10, Fitch cho biết lý do tổ chức này giữ nguyên xếp hạng và triển vọng tín nhiệm của Việt Nam là nhờ sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô cũng như triển vọng vĩ mô khả quan gần đây trong bối cảnh nợ công và thâm hụt ngân sách vẫn còn cao.
Fitch dự báo thâm hụt ngân sách năm 2015 sẽ ở mức 6% GDP, thấp hơn so mức ước tính 6.2% GDP cho năm 2014 dựa trên số liệu đã được điều chỉnh của tổ chức này. Fitch cũng dự báo thâm hụt ngân sách sẽ cải thiện nhẹ vào năm 2016 lên mức 5.4% GDP.
Theo ước tính của Fitch, tổng nợ công (general government gross debt - GGGD) năm 2014 đã tăng lên mức 47.3% GDP, cao hơn so mức bình quân 42.8% GDP của các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm “BB” và mức 42.3% trong năm 2013.
Fitch kỳ vọng GGGD sẽ tăng lên mức 49.3% GDP trong năm 2015 và ổn định ở mức khoảng 50% GDP khi các cơ quan quản lý tiến tới việc đạt được mục tiêu tài khóa trung hạn là cắt giảm thâm hụt ngân sách chính thức về dưới 4% GDP. Các cơ quan quản lý cũng từng cho biết sẽ không tìm cách để nâng trần nợ công lên mức 65% GDP.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cũng dự báo cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ thu hẹp về mức 0.8% GDP trong năm 2015, sau khi đạt được mức thặng dư bình quân 4.1% GDP trong 4 năm vừa qua. Trong 10 tháng đầu năm nay, nhập khẩu đã tăng vọt 14.3% trong khi xuất khẩu tăng 8.5%. Điều này đã dẫn đến mức thâm hụt ngân sách 4.1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2015, trái với mức thặng dư 2.4 tỷ USD trong cùng kỳ 2014.
Fitch nhận định triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể nếu Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được các quốc gia thành viên thông qua.
Theo Fitch, các nhân tố chính có thể dẫn đến động thái tín nhiệm tích cực là cam kết kiểm soát thâm hụt tài khóa, qua đó góp phần cải thiện triển vọng nợ công; cũng như sự tiến triển hơn nữa của hoạt động cơ cấu ngân hàng.
Goldman Sachs: Giá dầu mỏ có thể tiếp tục giảm mạnh
Tình hình này gợi nhớ những năm 1998 và 2009, khi lượng lưu trữ dầu lên tới mức tối đa, đã đẩy giá dầu xuống tận đáy. Tuy vậy, báo cáo nói trên cũng nêu lên những kỳ vọng cho tương lai: sự cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường dầu sẽ xảy ra trong năm 2016.
Kể từ đầu mùa hè năm 2014 đến đầu năm 2015, giá dầu đã giảm hơn một nửa - dầu Brent từ 100 USD/thùng giảm xuống 45 USD/thùng. Quyết định tháng 11 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) về duy trì hạn ngạch khai thác dầu ở mức 30 triệu thùng/ngày khiến cho giá dầu giảm mạnh. Lý do sụt giảm là sự lo ngại dư thừa nguồn cung nguyên liệu trên thị trường.
Chuyên gia phân tích cao cấp của Ngân hàng Alfa, ông Alexander Kornilov nhấn mạnh: “Tình hình thị trường dầu mỏ hiện nay rất phức tạp. Một mặt, chúng ta thấy giá dầu có vẻ ổn định ở mức 48-50 USD/thùng, cho phép cảm thấy một sự yên tâm ngắn hạn. Mặt khác, triển vọng giá dầu được xác định bởi nhiều yếu tố thực sự khó dự đoán. Trước hết, đó là tình hình khai thác dầu tại Mỹ, ngoài ra giá dầu cũng phụ thuộc vào chính sách của OPEC về chiến lược trong thị trường dầu mỏ toàn cầu.”.
Sapporo Việt Nam đã là DN 100% vốn Nhật
Sapporo Việt Nam đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi số điểm bán lẻ trong thời gian tới, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết.
Tại buổi họp báo công bố chiến lược của công ty này ở TPHCM vào chiều nay, 30-10, ông Mikio Masawaki, Tổng Giám đốc công ty TNHH Sapporo Việt Nam, cho biết tại TPHCM Sapporo có khoảng 4.000 điểm bán bao gồm kênh nhà hàng, beer club, kênh bán lẻ, siêu thị.
Theo một khảo sát nội bộ, hiện tại trong hệ thống nhà hàng, khách sạn, beer club ở TPHCM, thị phần bia Sapporo chiếm 10%. Mong muốn của Sapporo là sẽ nâng thị phần này lên 20% trong thời gian tới,
Tại buổi họp báo, ông Mikio Masawaki cũng công bố chính thức về việc công ty mẹ Sapporo International Inc. đã mua lại 29% cổ phần của Vinataba trong liên doanh Sapporo Việt Nam. Như vậy, từ ngày 11-9-2015 Sapporo Việt Nam chính thức trở thành công ty 100% vốn thuộc sở hữu tập đoàn Sapporo Nhật Bản.
Theo ông Mikio Masawaki, việc đạt được thỏa thuận với Vinataba thành công đến từ hai lý do. Cụ thể Vinataba phải thoái vốn khỏi các dự án ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ Việt Nam, cùng lúc đó Sapporo cũng muốn tăng thêm tính tự chủ và quyết định nhanh hơn để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thị trường trong thời gian tới.
Ông Mikio Masawaki cũng khẳng định sau khi mua lại cổ phần của Vinataba về cơ bản đường hướng phát triển, chiến lược dài hạn của Sapporo không có gì thay đổi.