tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-07-2017

  • Cập nhật : 02/07/2017

CMC sẽ tung quân ra thị trường nước ngoài

Đây là cách Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã CMG, sàn HOSE) tìm dư địa mới để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh thị trường trong nước đang bão hòa dần và bị cạnh tranh khốc liệt.

du kien, vao thang 8/2017, cmc se thanh lap cong ty con tai nhat ban (cmc japan) va xac dinh day se la mot thi truong nen tang cho cmc tai hai ngoai.

Dự kiến, vào tháng 8/2017, CMC sẽ thành lập công ty con tại Nhật Bản (CMC Japan) và xác định đây sẽ là một thị trường nền tảng cho CMC tại hải ngoại.

Mục tiêu doanh thu gần 5.000 tỷ đồng

Mới đây, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của CMC đã thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính 2017 (từ ngày 1/4/2017 đến 31/3/2018), với doanh thu thuần dự kiến đạt 4.895 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 207,7 tỷ đồng, tăng trưởng 11%.

Trong từng lĩnh vực cụ thể, CMC đều đặt ra các mục tiêu khá tham vọng. Lĩnh vực tích hợp duy trì top 2 công ty tích hợp hệ thống hàng đầu Việt Nam, hướng tới cung cấp  dịch vụ toàn cầu. Lĩnh vực phần mềm duy trì top 5 công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam, cung cấp dịch vụ toàn cầu. Lĩnh vực viễn thông duy trì top 4 doanh nghiệp hạ tầng viễn thông hàng đầu Việt Nam. Lĩnh vực phân phối, lắp ráp đặt mục tiêu giảm tỷ trọng phân phối và chuyển dịch sang lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, duy trì là công ty dịch vụ về bảo hành, bảo trì và sửa chữa điện tử hàng đầu Việt Nam.

Một trong những định hướng đáng chú ý của CMC trong giai đoạn tới là sẽ tung quân ra thị trường hải ngoại. Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc CMC, CMC đã có mặt ở Nhật Bản từ 10 năm nay, nhưng Công ty chưa thực sự có chiến lược đầu tư mạnh bạo. Tuy nhiên, khoảng tháng 8/2017, CMC sẽ thành lập công ty con tại Nhật Bản (CMC Japan) và xác định đây sẽ là một thị trường nền tảng cho CMC tại hải ngoại.

Chiến lược của CMC ở thị trường nước ngoài là sẽ xây dựng chuỗi các sản phẩm dịch vụ mà công ty này đã phát triển thành công tại thị trường trong nước nhằm tạo ra dư địa, tăng doanh thu cho Công ty. Theo ông Chính, đó là cách Công ty tìm dư địa mới để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh thị trường trong nước đang bão hòa dần và bị cạnh tranh khốc liệt.

Bài toán vốn

Mặc dù đặt ra những mục tiêu khá tham vọng, nhưng theo lãnh đạo CMC, nếu nhu cầu đầu tư trong năm 2017 dưới 300 tỷ đồng, Công ty vẫn có thể cân đối được bằng các nguồn vốn hiện tại và vay tín dụng. Do đó, CMC có thể chưa cần thực hiện việc huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu doanh nghiệp, ít nhất là trong năm nay. Tuy nhiên, theo ông Chính, về chiến lược dài hạn, CMC vẫn quan tâm việc tiếp xúc, tìm kiếm các nhà đầu tư và ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược.

Chiến lược của CMC ở thị trường nước ngoài là sẽ xây dựng chuỗi các sản phẩm dịch vụ mà công ty này đã phát triển thành công tại thị trường trong nước nhằm tạo ra dư địa, tăng doanh thu cho Công ty.

Về tình hình tài chính hiện tại của CMC, đến cuối năm tài chính 2016 (kết thúc ngày 31/3/2017), tiền và các khoản tương đương tiền đạt 125 tỷ đồng, tăng khá mạnh so với mức gần 87,7 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Hoạt động kinh doanh của công ty này trong năm qua đã tạo sự tích lũy nguồn tiền khá tốt, với lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 271 tỷ đồng (năm trước dương 188,7 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu của Công ty đã tăng từ mức 1.097 tỷ đồng lên 1.169 tỷ đồng, trong đó CMC đã tích lũy được 224 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.

Các chỉ số tài chính cơ bản của CMC (vòng quay hàng tồn kho, phải thu, tổng tài sản…) vẫn giữ ổn định trong 2 năm qua, không có biến động lớn. Tuy nhiên, tình hình vay nợ cũng có phần nhúc nhích tăng trong năm qua, từ mức 1.098 tỷ đồng lên mức 1.246 tỷ đồng. Theo ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc tài chính của Công ty, nợ phải trả tăng trong năm do nhu cầu của Công ty vay thêm vốn để phục vụ các hoạt động kinh doanh.

Vay nợ tăng cũng khiến chỉ số khả năng thanh toán có phần giảm thấp hơn năm trước. Cụ thể, khả năng thanh toán nhanh giảm từ 1,18 lần năm 2015 xuống 1 lần năm 2016, khả năng thanh toán ngắn hạn giảm từ 1,39 lần xuống 1,18 lần. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, đây vẫn là mức an toàn, hơn nữa việc duy trì tỷ lệ này quá cao cũng không cần thiết, vì như vậy sẽ không khai thác tối đa được nguồn lực tài chính. (Baodautu)
--------------------

7-Eleven 'thất trận' ở Indonesia

Được chào đón ở Việt Nam, thành công ở Thái Lan và Singapore, nhưng 7-Eleven lại phải đóng cửa toàn bộ sau 8 năm có mặt ở Indonesia.

7-Eleven từng đạt được những thành công nhất định tại Indonesia. Modern International, đơn vị điều hành thương hiệu này, khai trương cửa hàng đầu tiên vào năm 2009 và cũng có giai đoạn liên tục mở rộng chuỗi ra ngoài Jakarta.

Tuy nhiên, cuối tuần trước, Modern tuyên bố sẽ đóng toàn bộ 136 cửa hàng 7-Eleven tại Indonesia. Quyết định được đưa ra sau khi thương vụ bán lại chuỗi này cho tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group - Thái Lan) với trị giá 75 triệu đôla vào đầu tháng bất thành.

Công ty con CP All của Charoen Pokphand chính là đơn vị điều hành 7-Eleven Thái Lan, thị trường lớn thứ hai trên thế giới sau Nhật Bản của thương hiệu này. Dẫu thế, CP All không mấy mặn mà với 7-Eleven tại Indonesia.Sự kiện không làm Arifin, nhân viên giữ xe của một cửa hàng 7-Eleven ở ngoại ô Jakarta ngạc nhiên. “Các cửa hàng luôn đông đúc nhưng khách hàng không mua gì nhiều. Họ đến để hẹn hò và dùng ké wifi. Họ còn mang cả laptop để đến ngồi hàng giờ mà chỉ mua một ly nước”, Arifin cho biết.

gioi tre indonesia thich den 7-eleven de hen ho va dung wifi mien phi. anh: the new york times

Giới trẻ Indonesia thích đến 7-Eleven để hẹn hò và dùng wifi miễn phí. Ảnh: The New York Times

Với giới trẻ Indonesia, 7-Eleven mang đến một không gian giải trí thời thượng. Hệ thống cửa hàng ven đường với các món ăn giá cả phải chăng mang đến cho họ cảm giác truyền thống. Tuy nhiên, họ lại được tận hưởng chỗ ngồi thoải mái có máy lạnh, wifi miễn phí như một quán cà phê hiện đại. Thực tế, một nửa không gian các cửa hàng 7-Eleven tại Indonesia là dành cho ăn uống.

Cuối cùng, điều đó không đủ để 7-Eleven tồn tại, khi mà thương hiệu này phải cạnh tranh với Alfamart và Indomaret, hai hệ thống cửa hàng tiện lợi nội địa với lịch sử lâu đời và mạng lưới rộng khắp Indonesia. Đó là chưa kể những quầy thức ăn đường phố lúc nào cũng đông đúc người mua.

Ban đầu, Alfamart và Indomaret cũng học theo 7-Eleven khi thấy đối thủ mới đạt được những thành công nhất định. Hai chuỗi này đã hoạt động khá lâu dưới dạng siêu thị nhỏ. Về sau, cả hai hướng đến mô hình cửa hàng tạp hóa bán thực phẩm tươi sống hơn là một cửa hàng tiện lợi, không tập trung nhiều vào thức ăn và đồ uống có cồn.

"Doanh thu của 7-Eleven không đủ để trang trải chi phí hoạt động như điện, đèn, wifi và các chi phí khác", Reza Priyambada, chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán Bina Artha ở Indonesia bình luận.

Doanh thu 7-Eleven tại Indonesia đạt đỉnh vào năm 2014 với 917,77 tỷ rupiah, tương đương hơn 69 triệu đôla với đỉnh điểm 190 cửa hàng. Tuy nhiên, ngày vui không kéo dài. Tháng 4/2015, chính phủ Indonesia cấm bán đồ uống có cồn trong các cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ. Vào thời điểm đó, mặt hàng này chiếm 15% doanh thu của 7-Eleven.

5 tháng sau đó, chính phủ nước này nới lỏng lệnh cấm, cho phép các chính quyền địa phương tự quyết định áp dụng lệnh cấm. Tuy nhiên, Jakarta và một số thành phố khác vẫn giữ nguyên quy định.

Ngoài ra, theo Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Indonesia Tutum Rahanta, 7-Eleven còn vướng một số trở ngại khác liên quan tới giấy phép. Năm 2012, Bộ Thương mại Indonesia từng cảnh cáo 7-Eleven về việc kinh doanh một số mặt hàng khi chưa có giấy phép tương ứng.

Quy định cấm bán đồ uống có cồn khiến doanh thu của 7-Eleven giảm 8,8% năm 2015, còn 886,84 tỷ rupiah, tức gần 67 triệu đôla. Bản thân Modern phải chịu lỗ ròng 54,76 tỷ rupiah, tức hơn 4 triệu đôla.

Trong khi đó, Alfamart và Indomaret không chịu tác động nhiều bởi lệnh cấm, thậm chí doanh thu còn tăng. Mỗi thương hiệu đang sở hữu hơn 13.000 cửa hàng, bán đồ tạp hóa và thức ăn nhẹ khắp Indonesia trong hơn 20 năm qua.

Modern bắt đầu đóng cửa 21 cửa hàng 7-Eleven vào năm ngoái, giữa bối cảnh doanh thu sụt giảm. Doanh thu chuỗi này đã giảm 23,9% xuống 675,28 tỷ rupiah (gần 51 triệu đôla). Modern lỗ đến 764,32 tỷ rupiah (hơn 57 triệu đôla). Bước sang 2017, Modern tiếp tục đóng thêm 30 cửa hàng 7-Eleven.

Cổ phiếu của Modern đạt đỉnh 1.050 rupiah cách đây 4 năm, giờ chỉ được giao dịch quanh mốc 50 rupiah. Không có 7-Eleven, doanh nghiệp này sẽ chỉ còn là một doanh nghiệp nhỏ. Giá trị vốn hóa thị trường của Modern ở mức 228,7 tỷ rupiah, chỉ bằng 1/4 so với khoản tiền mà CP Group dự tính chi ra để mua chuỗi 7-Eleven tại Indonesia  của công ty này.(Vnexpress)
-----------------------

7 doanh nghiệp bị phạt vì phát tán tin nhắn rác

Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông vừa xử phạt 7 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ nội dung số vì hành vi phát tán tin nhắn rác để quảng cáo dịch vụ.

Tổng số tiền xử phạt các DN vi phạm là 280 triệu đồng. Cụ thể, mức phạt cho các DN vi phạm hành vi phát tán tin nhắn rác là 40 triệu đồng.

Theo Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện vấn nạn tin nhắn rác với nội dung quảng cáo cho các dịch vụ từ kinh doanh bất động sản, sim số đẹp, quà tặng âm nhạc, dịch vụ truyền hình cáp, cho vay vốn ngân hàng, thời trang… cho tới tin nhắn dẫn dụ, lừa đảo vẫn liên tục tấn công người dùng bất kể ngày đêm gây bức xúc cho khách hàng.

Các DN cung cấp dịch vụ nội dung chủ yếu vi phạm trong số 4 hành vi sau: gửi, phát tán tin nhắn rác để quảng cáo trên đầu số cung cấp dịch vụ nội dung; cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số khi cung cấp dịch vụ nội dung; cung cấp dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề và không cung cấp công khai thông tin về giá cước gọi điện đến tổng đài 1900xxxx (cung cấp các dịch vụ thông tin, giải trí, thương mại).(Thanhnien)
---------------------------

Cần loại bỏ tiếp 50% điều kiện kinh doanh

Các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh vô lý cần tiếp tục loại bỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, đóng góp tăng trưởng kinh tế.

Những đề xuất trên được đưa ra hôm qua (30.6) tại buổi công bố báo cáo rà soát các điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở VN, do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.

Nhiều điều kiện không phù hợp

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho hay từ 267 ngành nghề có điều kiện kinh doanh theo luật Đầu tư 2014, đến năm 2016 đã rút xuống còn 243 ngành. Song con số các điều kiện kinh doanh của 243 ngành này lên đến 5.719 (điều kiện) là rất lớn. Trong đó, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh được đặt ra mà không tuân thủ đúng nguyên tắc bảo vệ lợi ích công cộng, an ninh an toàn xã hội. Vì thế, theo ông Tuấn, tính cần thiết duy trì các điều kiện này là không cao, hoặc có thể thay bằng biện pháp quản lý khác. 

 

16 ngành nghề có điều kiện kinh doanh chưa phù hợp, gồm: xuất khẩu gạo; kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng đông lạnh; hoạt động dịch vụ trọng tài thương mại; kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; kinh doanh dịch vụ logistics; sản xuất mũ bảo hiểm, dịch vụ lữ hành; sản xuất, sửa chữa chai khí dầu mỏ hóa lỏng LPG; kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng, bảo hành xe ô tô; kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển; kinh doanh dịch vụ vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim; kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu; kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo.

Còn 10 ngành nghề kinh doanh có phạm vi kiểm soát không phù hợp gồm: kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương; kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; kinh doanh phân bón; nhượng quyền thương mại; kinh doanh thủy sản; kinh doanh giống cây trồng vật nuôi; kinh doanh giống thủy sản; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực chuyên ngành của Bộ NN-PTNT.

 

 

"Như điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, việc ảnh hưởng đến an ninh năng lượng là không rõ và có thể xử lý bằng chính sách dự trữ quốc gia, trong khi điều kiện này lại tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp (DN), ảnh hưởng cả người trồng lúa", ông Tuấn đơn cử.

 

Tương tự, với các điều kiện đặt ra trong sản xuất mũ bảo hiểm, ông Tuấn cho rằng nhà nước có thể kiểm soát qua chất lượng mũ lưu thông trên thị trường, chứ không cần phải quy định những điều kiện cơ sở về mút xốp… Bên cạnh đó, vì mỗi DN có thể chỉ tham gia một công đoạn trong quá trình này, nên quy định vậy là làm khó DN.

Vì lẽ đó, báo cáo của 2 tổ chức trên đưa ra kiến nghị loại bỏ 16 ngành nghề khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện; đồng thời, liệt kê danh mục 10 ngành nghề có phạm vi kiểm soát (quản lý) chưa phù hợp.

Cần đánh giá chi phí của các quy định ảnh hưởng ra sao với DN

Bình luận về báo cáo, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty luật Basico, cho rằng phải bãi bỏ khoảng 50% các điều kiện kinh doanh, chứ không chỉ ở con số 26 mà VCCI kiến nghị.

Theo luật sư Đức, dù số ngành nghề có điều kiện trên danh nghĩa đã từ 267 (năm 2014) xuống còn 243 như hiện nay, song nó không phải là giảm mà chỉ là sự "sắp xếp lại". "Như với kinh doanh vàng, trước đây 4 ngành nghề kinh doanh vàng có điều kiện là vàng miếng, vàng tài khoản, vàng nguyên liệu và kinh doanh vàng trang sức, thì nay được gộp chung thành một ngành là kinh doanh vàng", ông Đức dẫn chứng và nói thêm, nếu có 10 ngành kinh doanh có điều kiện được giảm thì có 7 ngành mới mọc lên phải chịu điều kiện, nên thực tế cuộc chiến loại bỏ điều kiện kinh doanh rất nửa vời. "Mới đây nhất, việc Bộ GTVT cấm dịch vụ đi xe chung là ví dụ. Đây là lệnh cấm thiếu căn cứ vì không có trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chứ chưa nói đến sự tiến bộ, lợi ích của loại hình này mang lại cho người dùng", ông Đức phân tích.

Chuyên gia Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), thì lo ngại vì vẫn còn quá nhiều điều kiện kinh doanh nằm trong quy chuẩn, quy hoạch. "Như sản xuất nước mắm, cơ quan quản lý đặt ra quy chuẩn từ nhà xưởng, ánh sáng..., trong khi là người dùng, tôi chỉ quan tâm chai nước mắm chất lượng tốt, an toàn, chứ họ làm gì, sản xuất ra sao tôi không quan tâm", ông Vinh nói và đề nghị cần làm rõ nội hàm thế nào là ảnh hưởng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng, vì quản lý nhà nước thường vin vào đây để giải thích không rõ ràng khi ban hành điều kiện kinh doanh.

Ông Vinh cũng nhìn nhận, DN đăng ký thành lập trong nước rất nhiều nhưng “khai tử” cũng nhiều, mà lý do chính là môi trường kinh doanh không thuận lợi, chi phí cao, cộng với sự nhũng nhiễu của cán bộ thực thi. "Cần có đánh giá chi phí của các quy định ảnh hưởng ra sao với DN, cũng như làm sao thiết kế quy định để DN chịu ít chi phí nhất", ông Vinh kiến nghị.(Thanhnien)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục