Google đang có ý định thâu tóm Telegram với giá 1 tỷ USD, quyết tâm đánh Facebook
Rõ ràng là Google cần có một nền tảng nhắn tin mới để cạnh tranh tốt hơn với WhatsApp, Facebook Messenger và Skype.
Trong những ngày gần đây, giới truyền thông Nga đã bắt đầu bàn tán về một thương vụ có thể gây xôn xao dư luận: Pavel Durov, nhà sáng lập của ứng dụng nhắn tin mã hóa Telegram đã gặp gỡ với CEO Google Sundar Pichai để bàn về khả năng Google mua lại Telegram. Thương vụ này được cho là có giá 1 tỷ USD.
Thông tin nói trên được 2 trang tin độc lập của Nga dẫn lời các nguồn tin nội bộ công bố, song cả 2 đều cho biết Durov đã từ chối thương vụ này ngay từ khi bắt đầu. Nhà sáng lập này của Telegram luôn có quan điểm chống đối mạnh mẽ dành cho các tập đoàn Hoa Kỳ, và đây cũng là một trong những lý do Telegram có mức độ bảo mật cao nhất thế giới, thậm chí còn vượt qua cả WhatsApp của Facebook.
Tuy vậy, Google rất có thể sẽ tiếp tục đeo bám Telegram trong thương vụ này. Như chúng tôi đã từng phân tích, mua lại Telegram sẽ là đặc biệt hợp lý bởi Google cần có một ứng dụng nhắn tin có thể thực sự cạnh tranh với WhatsApp, Facebook Messenger và Skype. Cuộc cách mạng chatbot hoàn toàn có thể khiến vai trò của các chợ ứng dụng trở nên mờ nhạt, và rõ ràng là cho đến giờ phút này Hangouts rõ ràng đã thất thế trước các dịch vụ đối thủ.
Trước đây 3 năm, Google cũng đã từng đánh tiếng mua lại WhatsApp với giá 1 tỷ USD trước khi bị đại địch thủ Facebook vượt mặt với khoản tiền lớn hơn con số trên tới... 20 lần. Khoản tiền từng được coi là quá lớn này nay đã phát huy tác dụng, bởi ngay cả đối thủ lớn nhất của Facebook trên cuộc chiến ứng dụng chat/gọi video là Skype của Microsoft cũng chỉ có khoảng 300 triệu người dùng. WhatsApp hiện có 1 tỷ người dùng còn Facebook Messenger có khoảng 800 triệu người dùng.
Ông Putin phê chuẩn FTA giữ Liên minh Kinh tế Á Âu và Việt Nam
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký duyệt đạo luật phê chuẩn Hiệp định và hai giao thức về thương mại tự do giữa các thành viên của Liên minh Kinh tế Á Âu và Việt Nam.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký duyệt đạo luật phê chuẩn Hiệp định và hai Giao thức về thương mại tự do giữa các thành viên của Liên minh Kinh tế Á Âu - bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan và Việt Nam, Sputnik đưa tin.
Hiệp định này đã được ký kết tại làng Burabay thuộc Kazakhstan ngày 29 tháng Năm 2015.
"Phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và các nước thành viên của Liên minh, là một bên, và Việt Nam, là bên kia", đó là lời văn trong đạo luật được công bố ngày Chủ nhật trên cổng thông tin chính thức về pháp luật.
Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai Bên sẽ đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18-20% hàng năm.
Liên minh Kinh tế Á-Âu có dân số hơn 175 triệu người với tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD, tuy là một tổ chức kinh tế mới được thành lập nhưng có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ hướng tới một không gian kinh tế thống nhất.
Nhóm G7 cam kết thúc đẩy đầu tư và bảo đảm an ninh năng lượng
Các Bộ trưởng Năng lượng của nhóm G7 nhất trí về việc cần tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, cơ sở hạ tầng và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Ngày 2/5, các bộ trưởng Năng lượng của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đã nhất trí về việc cần tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, cơ sở hạ tầng và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định.
Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày tại thành phố Kitakyushu, Tây Nam Nhật Bản, các bộ trưởng Năng lượng G7 đã ra tuyên bố chung nêu rõ năng lượng đóng một vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh các cuộc tranh chấp, xung đột và thiên tai thảm họa trên thế giới gia tăng đang đe dọa làm cản trở nguồn cung ổn định, nhóm G7 nhận thấy cần phải tiếp tục vai trò đầu tàu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.
Trong các phiên thảo luận, các bộ trưởng đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Italy và Nhật Bản đã nhất trí rằng cần đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy sản xuất năng lượng đáp ứng nhu cầu được dự báo sẽ tăng về lâu dài tại các thị trường mới nổi.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đầu tư toàn cầu vào sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đã giảm 20% trong năm 2015 trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh.
Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào các dự án phát triển dầu mỏ và khí đốt, cả trong khu vực công và khu vực tư nhân, nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định lâu dài để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh nhu cầu tại châu Á đang ngày càng tăng.
Các bộ trưởng G7 khẳng định cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các nhà máy năng lượng sử dụng nhiên liệu hiệu quả và giảm thiểu tác động đến môi trường, phát triển các công nghệ năng lượng sạch nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng kêu gọi lập kế hoạch nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt tự nhiên trong các trường hợp khẩn cấp.
Tuyên bố chung nhất trí nghiên cứu thiết lập một hệ thống thông qua IEA để chia sẻ thông tin về tình hình cung-cầu và các tuyến đường vận chuyển nhằm tránh sự thiết hụt nguồn cung khí đốt.
Các bộ trưởng cũng chia sẻ quan điểm về việc phát triển thị trường khí hóa lỏng nhằm hoàn thiện hệ thống định giá theo thị trường, đồng thời cải thiện tình trạng thanh khoản và sự linh hoạt trong giao dịch.
Kết quả của hội nghị trên sẽ được xem xét trong phiên thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh thường niên G7 dự kiến diễn ra vào cuối tháng Năm tại Ise-Shima, thuộc tỉnh Mie, miền Trung Nhật Bản.(Vietnam+)
Gucci yêu cầu Hong Kong ngừng bán hàng mã nhái thương hiệu
Gucci yêu cầu các cửa hàng kinh doanh hàng mã ở Hong Kong không bán sản phẩm nhái thương hiệu phục vụ tang ma.
Tại Hong Kong có nhiều sản phẩm hàng mã lấy tên thương hiệu Gucci.
Rất nhiều cửa hàng hàng mã ở Đặc khu hành chính Hong Kong bán hàng mã sử dụng thương hiệu của Gucci như túi xách và những sản phẩm khác.
“Chúng tôi tôn trọng truyền thống tang ma và chúng tôi tin rằng các chủ cửa hàng không có ý định nhái thương hiệu của Gucci. Nhưng chúng tôi gửi thư này đến các cửa hàng và yêu cầu ngưng kinh doanh những sản phẩm này”, công ty Gucci viết trong thông cáo gửi cho AFP hôm 29/4.
“Gucci cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và chúng tôi làm điều này khắp nơi trên thế giới”, thông báo của Gucci viết tiếp.
Tuy nhiên, hãng này cho biết chưa có ý định kiện các cửa hàng kinh doanh hàng nhái cũng như những nhà sản xuất vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ của Gucci.
Gucci xuất hiện tại thị trường Hong Kong khá lâu, từ năm 1974 và đang sở hữu 11 cửa hàng. Lời nhắc nhở của Gucci đưa ra khi có nhiều cửa hàng hàng mã làm ăn phát đạt vì hàng nhái phục vụ dịch vụ cõi âm này.
Các cửa hàng cảm thấy bất ngờ trước lời cảnh báo của Gucci. “Những sản phẩm này chỉ dành cho người chết, không phải cho người sống sử dụng. Đó chỉ là vì chúng tôi muốn tưởng nhớ đến ông bà và gửi cho họ”, To Chin-sung, 65 tuổi, chủ 1 cửa hàng hàng mã nói.
“Đó không phải là hàng nhái, nó chỉ rất giống với hàng thật thôi”, ông To nói tiếp và cho biết chưa nhận được thông báo từ Gucci. "Nếu có nhận được, tôi sẽ gửi ngay cho người chết", ông ta đùa.
Nhật báo tiếng Hoa Apple Daily dẫn lời một luật sư ở Hong Kong nói rằng, dù hàng nhái sử dụng cho người chết cũng bị xem là vi phạm, theo Telegraph. Gucci là một trong những thương hiệu xa xỉ bị làm nhái nhiều khắp nơi trên thế giới cho cả khách hàng "bên này và bên kia thế giới".(TN)
3 “đại gia” hàng tiêu dùng hủy hợp đồng dầu cọ với Malaysia
Unilever, công ty sở hữu 400 nhãn hàng như Dove, Ponds và Vaseline..., vừa thông báo sẽ hủy thỏa thuận mua dầu cọ từ công ty dầu cọ lớn thứ 2 Malaysia là IOI, vì công ty này liên quan đến những vụ cháy rừng lớn ở Indonesia, theo The Nation.
Quyết định được đưa ra sau khi IOI bị Hội nghị bàn tròn về dầu cọ bền vững của một nhóm các thành viên môi trường trong ngành dầu cọ toàn cầu đình chỉ tư cách thành viên.
Ngoài Unilever, hai nhà sản xuất thực phẩm danh tiếng của Mỹ là Mars và Kellogg’s cũng loại IOI khỏi danh sách nhà cung cấp dầu cọ hàng đầu của mình. Cả 2 công ty đã tiến hành các bước để dừng hợp đồng với chi nhánh IOI Loders Croklaan.
Việc hủy hợp đồng với IOI sẽ gây hiệu ứng dây chuyền lên ngành dầu cọ của Malaysia, khi mà các công ty toàn cầu khác cũng tuyên bố sẽ không dùng nguyên liệu từ các nhà cung cấp vi phạm luật Bảo vệ môi trường hoặc sử dụng lao động trẻ em.
Tháng 7 năm ngoái, những cánh rừng ở vùng Tây Kalimantan của Indonesia bốc cháy nhiều tuần, gây ra tình trạng khói mù ở nhiều nước Đông Nam Á. Nhiều công ty dầu cọ và giấy đã bị cáo buộc chịu trách nhiệm trong thảm họa môi trường này.
(
Tinkinhte
tổng hợp)