Tồn kho bất động sản còn gần 41.500 tỷ đồng
IMF: Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong 2016
Chi mạnh cho quảng cáo, khuyến mãi, Vinacafe lần đầu tiên báo lỗ
Yêu cầu doanh nghiệp Thái Lan giải trình vụ mua Metro
Một loạt sản phẩm thịt từ Nga sắp tràn vào Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh 04-05-2016
- Cập nhật : 04/05/2016
Xuất siêu là do nhập siêu giảm?
Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu quý I/2016 so với cùng kỳ năm trước bị giảm tương đối sâu (4,8%); tính ra do giá giảm mà kim ngạch bị giảm tới trên 2,2 tỷ USD. Giảm sâu nhất là dầu thô với trên 312 triệu USD, giá cà phê làm giảm 178 triệu USD, giá sắt thép làm giảm 166 triệu USD, giá xăng dầu làm giảm 137 triệu USD, giá thủy sản làm giảm 108 triệu USD, giá cao su làm giảm 71 triệu USD, giá sắn và sản phẩm từ sắn làm giảm 66 triệu USD, giá rau quả làm giảm 33 triệu USD, giá gỗ và sản phẩm của gỗ làm giảm 33 triệu USD, giá hạt tiêu làm giảm 29 triệu USD...
Trong hai khu vực xuất khẩu, khu vực trong nước so với khu vực có vốn đầu tưnước ngoài tăng thấp hơn (4,1% so với 9,2%); có tỷ trọng thấp hơn (28,6% so với 71,4%) và giảm so với cùng kỳ năm trước (28,6% so với 29,6%).
Cũng có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (điện thoại, dệt may, máy tính và hàng điện tử, giày dép, máy móc, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, phương tiện vận tải), ít hơn cùng kỳ năm trước mặt hàng dầu thô.
Trong tổng mức tăng 3,302 tỷ USD, một số mặt hàng đóng góp mức tăng khá trên 100 triệu USD là điện thoại (tăng 2,011 tỷ USD), dệt may (tăng 432 triệu USD), máy móc (tăng 375 triệu USD), máy tính và sản phẩm điện tử (tăng 324 triệu USD), nguyên phụ liệu dệt may, giày dép (tăng 252 triệu USD), rau quả (tăng 242 triệu USD), gạo (tăng 135 triệu USD), cà phê (tăng 102 triệu USD), túi xách, ví, va li, mũ, ô dù (tăng 102 triệu USD). Trong số các mặt hàng quy mô kim ngạch giảm lớn có dầu thô (giảm 560 triệu USD), máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (giảm 192 triệu USD), sắn và sản phẩm từ sắn (giảm 141 triệu USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (giảm 120 triệu USD).
Trong 85 thị trường, có 46 thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao, đóng góp lớn có Hoa Kỳ (1,24 tỷ USD), Trung Quốc (552 triệu USD), Hàn Quốc (641 triệu USD), Hà Lan (333 triệu USD), Anh (237 triệu USD). Có 39 thị trường giảm so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là Singapore (323 triệu USD), Malaysia (148 triệu USD), Thổ Nhĩ Kỳ (146 triệu USD), Brazil (128 triệu USD, Indonesia (121 triệu USD).
Cũng có 9 thị trường đạt trên 1 tỷ USD như như Hoa Kỳ (8,338 tỷ USD), Trung Quốc (4,197 tỷ USD), Nhật Bản (3,248 tỷ USD), Hàn Quốc (2,444 tỷ USD), Đức (1,427 tỷ USD), các Tiểu vương quốc Ả Rập (1,375 tỷ USD), Hà Lan (1,29 tỷ USD), Anh (1,161 tỷ USD)…
Xuất siêu là một tin vui, góp phần chuyển vị thế của Việt Nam trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ, ổn định tỷ giá... tuy nhiên từ đầu năm tới nay, xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm bởi giá giảm và có một phần do nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng ở trong nước giảm. Ngoài ra, dù nhập siêu của khu vực trong nước và với một số thị trường giảm, nhưng mức nhập siêu còn lớn, ở một số thị trường mức nhập siêu còn tăng.
Dầu rớt giá, công ty Saudi Arabia đuổi 50.000 nhân viên nước ngoài
Công ty xây dựng Binladin Group - do cha của trùm khủng bố Osama Bin Laden thành lập, là một trong những công ty có đông nhân viên nhất Saudi Arabia, bị tố nợ lương công nhân nhiều tháng qua.
Xe buýt bị công nhân đốt phá sau khi tin tức Binladin Group sa thải 50.000 người loan ra, trong đó nhiều người bị nợ lương - Ảnh chụp từ video clip
Ngay trước Ngày Quốc tế lao động 1-5, báo chí Saudi Arabia loan tin công ty đã sa thải 50.000 nhân viên nước ngoài, dẫn đến hàng ngàn nhân viên biểu tình phản đối và châm lửa đốt hàng loạt xe buýt của công ty.
Ngày 1-5, thiếu tá Nayef al-Sharif - người phát ngôn Cơ quan bảo vệ công dân Mecca, nơi Binladin Group đặt trụ sở, cho biết không có ai bị thương và họ đã mở cuộc điều tra.
Những người biểu tình nói họ bị công ty nợ lương nhiều tháng qua, có người bị nợ lương nửa năm. Hiện công ty chưa bình luận về các vụ biểu tình, cũng không phản hồi cáo buộc của nhân viên.
Các nguồn tin cho biết Binladin Group đang nợ 30 tỉ USD do ảnh hưởng của giá dầu giảm.
Binladin Group được cha của ông trùm al-Qaeda Osama Bin Laden thành lập năm 1931, là một trong những công ty sử dụng lao động lớn nhất Saudi Arabia với tổng cộng 200.000 nhân viên.
Nhiều dự án lớn ở Saudi Arabia do công ty này xây dựng, trong đó có các tòa tháp cao tầng ở thủ đô Riyadh, các trường đại học và các sân bay tại thành phố cảng phía tây Jeddah...
Từ tháng 9-2015, chính phủ Saudi Arabia đã cấm công ty tham gia đấu thầu sau vụ sập cần cẩu ở thánh địa Mecca làm 107 người thiệt mạng.
Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu giải trình vụ Metro bị thâu tóm
Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương Đặng Phương Nam vừa ký văn bản yêu cầu doanh nghiệp của “đại gia” Thái Lan giải trình sau việc thâu tóm Metro Cash&Carry theo Luật cạnh tranh VN.
Cụ thể, theo văn bản đã được gửi tới Công ty TNHH MM Mega VN (vốn là Công ty TNHH Metro Cash&Carry, đã đổi tên sau khi đại gia Thái Lan mua lại), Cục Quản lý cạnh tranh cho biết đã nhận được yêu cầu của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề nghị kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như công bằng trong cạnh tranh.
Vì vậy, Cục yêu cầu Công ty TNHH MM Mega VN giải trình về quá trình và các thủ tục giao dịch mua lại Metro Cash&Carry VN.
Nhiều ý kiến đặt ra về khả năng có vị trí thống lĩnh thị trường nếu MM Mega VN đã hoặc sẽ có hoạt động mua bán, sát nhập.
Trong văn bản, Cục Quản lý Cạnh tranh yêu cầu đồng thời với việc giải trình quá trình mua bán, cần cung cấp báo cáo thị phần kết hợp của các bên tham gia tập trung kinh tế trong hai năm 2013-2014 theo quy định của Luật cạnh tranh.
MM Mega VN được yêu cầu phải trình tài liệu, báo cáo trước ngày 30-5-2016.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Công ty TNHH Metro Cash&Carry đã tiến hành thay đổi giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 9 ngày 25-1-2016 để đổi tên thành Công ty TNHH MM Mega VN.
Do đây là doanh nghiệp thành lập theo quy định của VN, tại VN và hoạt động ở VN, vì vậy, doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của Luật cạnh tranh.
Tăng trưởng xuất khẩu sắp tới ngưỡng
Số liệu được Tổng cục Thống kê ước tính, tháng 4/2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 14,1 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kể cả dầu thô ước đạt 9,98 tỷ USD, giảm 8,5%, còn khu vực trong nước ước đạt 4,1 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước.
Trong khi đó, tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 52,9 tỷ USD, tăng 6,0% (tương đương 3 tỷ USD). Trong đó, khu vực FDI, kể cả dầu thô tăng 7,3%, còn khu vực đầu tư trong nước tăng 2,9%.
Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, cần có giải pháp để tiếp tục mở rộng thị trường mới, phát triển các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Ảnh: Đ.T
Một tín hiệu tích cực là xuất khẩu của khu vực trong nước đã bắt đầu có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nhìn vào sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2014, cũng như sự giảm tốc tăng trưởng xuất khẩu trong 4 tháng qua, không thể không lo lắng. “Năm 2016 sẽ là một năm khó khăn trong sản xuất công nghiệp cũng như trong xuất nhập khẩu”, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương thừa nhận.
Cũng phải nhắc lại rằng, năm 2015, sau nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, Việt Nam đã không đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu (10%). Nguyên nhân được chỉ ra là do giá xuất khẩu dầu thô giảm mạnh và do những khó khăn trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Tình hình đang tiếp tục trong năm 2016, thậm chí còn xấu hơn.
Con số được ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhắc tới, đó là xuất khẩu dầu thô trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 678 triệu USD, giảm 52,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số lượng chỉ giảm 22,2%. Những tháng đầu năm, giá dầu thô chỉ đạt mức bình quân 36 USD/thùng, giảm 38,4% so cùng kỳ, tác động mạnh tới kim ngạch xuất khẩu dầu thô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.
Điều đáng nói là, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu giảm tốc không chỉ vì xuất khẩu nhóm hàng nguyên liệu khoáng sản giảm tới 44,9% (xuất khẩu than đá cũng ước đạt 86.000 tấn, giảm 88,5% về lượng và giảm 91,4% về kim ngạch), mà còn vì ngay cả nhóm hàng công nghiệp chế biến - vốn là “cứu cánh” cho tăng trưởng xuất khẩu của cả nước cũng giảm tốc.
Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến chỉ tăng trưởng khoảng 7,1% so với cùng kỳ năm 2015. “Đây là mức tăng trưởng khá thấp so với năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu là một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhóm này như dệt may, da giày, linh kiện điện tử có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015”, ông Lâm nhận xét.
FDI chính là khu vực luôn đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, góp phần quan trọng “kéo” tăng trưởng xuất khẩu của cả nước lên cao. Song 4 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI cũng chỉ đạt 7,3%, còn thấp hơn cả mục tiêu đề ra, nên không thể giúp sức đẩy tăng trưởng xuất khẩu của cả nước lên cao. Con số tăng trưởng xuất khẩu của 4 tháng chỉ là 6% - quá thấp so với mục tiêu điều hành năm 2016 (tăng 10%).
“Tình hình sẽ còn khó khăn trong những tháng cuối năm, khi tăng trưởng kinh tếcủa Trung Quốc chậm lại, tác động tới sức mua của không chỉ thị trường Trung Quốc, mà cả thị trường toàn cầu. Sự bất ổn và khó khăn của kinh tế toàn cầu, nhất là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn”, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nói.
Thực tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng qua, xuất khẩu sang thị trường ASEAN ước chỉ đạt 5,4 tỷ USD, giảm 13,5%, còn xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 4,5 tỷ USD, giảm nhẹ 0,2%...
Dù theo Tổng cục Thống kê, việc xuất khẩu tháng 4/2016 giảm so với tháng trước là do tháng này có số lượng ngày làm việc ít hơn 3 ngày so với tháng trước, nhưng một điều rõ ràng là tăng trưởng xuất khẩu đang có xu hướng giảm khá mạnh, nếu không có giải pháp thúc đẩy thì năm 2016, nguy cơ không đạt mục tiêu này là hoàn toàn có thể.
Ở đây cũng cần nhấn mạnh một điều đã từng được các chuyên gia kinh tế nhắc tới, đó là ở một thời điểm nào đó, khi tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, đã “tới ngưỡng” thì không thể kỳ vọng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm nào cũng tăng cao. Nhìn vào con số trong thực tế trong 4 tháng qua, chẳng hạn xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng trưởng 23,8%; nhưng dệt may chỉ còn tăng trưởng 6,2%; giày dép tăng trưởng 4,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 6,8%, thì có thể thời điểm “tới ngưỡng” sắp bắt đầu.
Nếu vậy, để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cần có giải pháp để tiếp tục mở rộng thị trường mới, cũng như phát triển các mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh. Trong đó, một trong những giải pháp được nhấn mạnh là tăng cường phổ biến, hướng dẫn, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA); đồng thời, chủ động, tích cực trong đàm phán FTA nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Lâu nay, theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam chưa biết tận dụng các lợi thế do các FTA mang lại. (BĐT)
Tập đoàn Sanitas sẽ đầu tư vào Thừa Thiên Huế trong lĩnh vực y tế chất lượng cao
Đó là nội dung trao đổi giữa đại diện lãnh đạo Tập đoàn Sanitas và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương tại buổi làm việc vừa qua (chiều 2/5) nhân chuyến thăm tỉnh Thừa Thiên Huế của bà Jehanne Roccas- Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo Tập đoàn Sanitas.
Tại buổi làm việc, Đại sứ Jehanne Roccas và lãnh đạo Tập đoàn Sanitas (Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực y tế, có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới) giới thiệu khái quát về các thành tựu nổi bật của ngành y tế Vương quốc Bỉ, các hoạt động dịch vụ y tế và đào tạo nhân lực ngành y của Tập đoàn Sanitas.
Đại sứ Jehanne Roccas bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác mạnh mẽ hơn với tỉnh Thừa Thiên Huế trong lĩnh vực y tế, nhất là các dự án về phòng chống ung thư. Ông Daniel, đại diện Tập đoàn Sanitas cho biết hiện nay tập đoàn này đang triển khai hợp tác đầu tư để thiết lập mạng lưới y tế chất lượng cao tại Việt Nam và mong muốn thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước mắt, Tập đoàn Sanitas sẽ nghiên cứu hợp tác với Bệnh viên Trung ương Huế và Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế trong chiến lược giảm viện phí và nâng cao chất lượng y tế.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, Thừa Thiên Huế đánh giá rất cao hiệu quả tích cực của các dự án do phía Bỉ tài trợ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, đặc biệt là hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao y tế kỹ thuật cao; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác tích cực từ Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực y tế. Hy vọng Tập đoàn Sanitas sẽ sớm có dự án hợp tác đầu tư triển khai tại Thừa Thiên Huế.
Sau buổi làm việc, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam và lãnh đạo Tập đoàn Sanitas đã đến khảo sát thực tế và làm việc trực tiếp tại Bệnh viên Trung ương Huế và Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế. (BĐT)