tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 03-05-2016

  • Cập nhật : 03/05/2016

Apple mất thương hiệu “iPhone” ở Trung Quốc

Theo phán quyết của một tòa án Bắc Kinh, công ty Trung Quốc, Xintong Tiandi có được các quyền pháp lý để sử dụng thương hiệu "IPHONE" trên sản phẩm của mình theo pháp luật Trung Quốc, trong đó bao gồm da hoặc giả da, túi xách, ví, thắt lưng,...
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Công ty có trụ sở ở Bắc Kinh đã đăng ký nhãn hiệu "IPHONE" cho sản phẩm của mình vào năm 2007, trước khi iPhone của Apple trở nên nổi tiếng tại Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên, Apple bị vướng vào kiện cáo về thương hiệu với các công ty Trung Quốc ở thị trường đông dân nhất thế giới. Vài năm trước, Apple đã phải trả hơn 60 triệu USD để giành lại quyền sử dụng thương hiệu "iPad" ở Trung Quốc trong một vụ kiện với một công ty ở nước này.
Thất bại trong vụ kiện trên là diễn biến bất lợi mới nhất mà "Quả táo khuyết" gặp phải ở Trung Quốc sau khi kết quả kinh doanh quý vừa qua cho thấy doanh số iPhone của Apple sụt giảm lần đầu tiên trong vòng 13 năm qua mà một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này là sự sụt giảm doanh số iPhone ở thị trường Trung Quốc.

Masan không sống nhờ thực phẩm-đồ uống-khoáng sản, mà cỗ máy kiếm tiền nhiều nhất là mảng khác

Masan Nutri-Science đảm nhận mảng chuỗi giá trị đạm động vật của Masan. Cùng kỳ năm 2015, Masan chưa có nguồn thu từ mảng hoạt động này.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Masan (CTCP Tập đoàn Masan-mã chứng khoán MSN ) là một trong những doanh nghiệp lớn mạnh rất nhanh và cùng với đó là sự thay đổi rất nhanh.

Bấy lâu nay, người ta nhầm tưởng Masan là công ty chuyên về ngành hàng tiêu dùng nhanh với các sản phẩm khá quen với người dùng như mì ăn liền Omachi, dầu ăn, cà phê…Masan cũng thường định vị mình là công ty hàng tiêu dùng nên người ta tin là thế.

Việc tập đoàn Masan đầu tư vào lĩnh vực đạm động vật: Masan Nutri-Science nhằm hiện thực hóa mục tiêu đầu tư vào mô hình chuỗi thực phẩm khép kín 3F (Feed-Farm-Food) vốn đang được chi phối chủ yếu bởi các doanh nghiệp ngoại. 

Báo cáo tài chính quý I/2016 vừa được Masan công bố đã khiến giới đầu tư khá ngỡ ngàng. Cụm từ Chuỗi giá trị đạm thực vật không những được nhắc đến với tần suất rất nhiều mà còn đánh bại các ngành hàng khác, trở thành ngành hàng mang lại nhiều doanh thu, lợi nhuận nhất cho Masan.

Cụ thể, Masan báo cáo doanh thu thuần quý I/2016 đạt 8.769 tỷ đồng, tăng 144,6% so với quý I/2015 trong đó Masan Nutri-Science đóng góp 5.183 tỷ đồng vào kết quả hợp nhất. Trong khi đó, ngành hàng thực phẩm và đồ uống đóng góp 2.780 tỷ đồng doanh thu, tăng không đáng kể so với cùng kỳ và mảng khoáng sản và chế biến giá trị gia tăng đóng góp 806 tỷ đồng-giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Từ khi thành lập vào tháng 4/2015, Masan Nutri-Science đã triển khai mô hình kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vào mảng kinh doanh đạm động vật. Các trọng tâm then chốt bao gồm Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, phát kiển ra sản phẩm mới và xây dựng thương hiệu mạnh đầu tiên trên thị trường “Bio-zeem”. Masan Nutri-Science tiếp tục đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2016, đặc biệt là các sản phẩm thức ăn chăn nuôi heo nhờ dòng sản phẩm Bio-zeem.

Ngoài ra, theo Masan, Masan Nutri-Science tiếp tục hiện thực hóa các tiềm năng kết hợp và nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua tích hợp các hoạt động kinh doanh của Proconco và Anco.(Bizlive)


Vướng xác định tính hiệu lực áp dụng biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu

Trong quá trình thực hiện thủ tục đối với mặt hàng thép, Tổng cục Hải quan gặp vướng mắc trong việc xác định tính hiệu lực áp dụng do các văn bản của Bộ Công Thương chưa hướng dẫn cụ thể.

anh minh hoa. anh: tran viet.

Ảnh minh họa. Ảnh: Trần Việt.

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 862/QĐ-BCT về áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài NK vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau. Theo đó, một số mặt hàng phôi thép được áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời là 23,3%, mặt hàng thép dài được áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời là 14,2%.

Tuy nhiên, quyết định trên của Bộ Công Thương lại chưa nêu cụ thể về tính hiệu lực áp dụng quyết định dẫn đến khó khăn cho cơ quan Hải quan khi thực hiện.

Bởi, khoản 2 Điều 25 Luật Hải quan năm 2014 quy định: Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký; khoản 3 Điều 29 quy định: Tờ khai hải quan đã đăng ký có giá trị làm thủ tục hải quan. Chính sách quản lý hàng hóa, chính sách thuế đối với hàng hóa XK, NK được áp dụng tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, trừ trường hợp pháp luật về thuế XK, thuế NK có quy định khác.

Tuy nhiên, Quyết định 862/QĐ-BCT chỉ nói việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời từ ngày 22-3-2016, chưa nói rõ được áp dụng đối với các lô hàng về đến cảng thuộc Việt Nam từ 00h00 ngày 22-3-2016 hay với những tờ khai hải quan đăng ký từ 00h00 ngày 22-3-2016 (do DN được phép đăng ký mở tờ khai hải quan NK trước ngày 22-3-2016 trong khi hàng chưa về đến cảng Việt Nam).

Cũng liên quan đến việc NK mặt hàng thép, Tổng cục Hải quan cho rằng tại Thông tư 12/2015/TT-BCT quy định việc áp dụng chế độ cấp giấy phép NK tự động đối với một số sản phẩm thép chưa hướng dẫn rõ việc xác nhận của Bộ Công Thương trên Giấy phép NK tự động, được thực hiện trước hay sau khi DN đăng ký tờ khai hải quan với cơ quan Hải quan.

Tổng cục Hải quan cho rằng, Bộ Công Thương cần sớm có hướng dẫn để cơ quan Hải quan thực hiện thống nhất.(BHQ)


Bphone một năm nhìn lại

Còn gần 1 tháng nữa, Bphone của Bkav sẽ tròn 1 năm tuổi. Hãy cùng điểm lại những cột mốc đáng nhớ liên quan tới chiếc smartphone siêu phẩm của người Việt này.
mot nam nhin lai bphone cua bkav. anh: t.luan.

Một năm nhìn lại Bphone của Bkav. Ảnh: T.Luân.

Ra mắt chính thức vào cuối tháng 5/2015, nhưng trước đó Bphone đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của cộng đồng người dùng Việt. Bởi sau lần xuất hiện tại sự kiện CES năm ngoái, đây là lần đầu tiên người dùng trong nước được chứng kiến một chiếc điện thoại mệnh danh Made in Việt Nam.
Tất nhiên, chiếc Bphone khi đó chỉ lộ diện duy nhất phần màn hình. Toàn thân máy được bao bọc bởi khung kim loại, che kín đi những đường nét đặc biệt. Trước thời điểm công bố, những tiết lộ về Bphone càng khiến người dùng tỏ ra háo hức, như cấu hình mạnh nhất, thiết kế đẹp nhất, nghe nhạc hay nhất…
Mọi chuyện chỉ thực sự ngã ngũ khi Bphone chính thức được Bkav công bố vào ngày 26/5/2015. Chiếc smartphone siêu phẩm của người Việt được giới thiệu với giá bán khởi điểm từ 9.990.000 đồng, cấu hình ngang các sản phẩm cao cấp của năm ngoái.
Trái với những kỳ vọng ban đầu, chiếc Bphone thế hệ đầu tiên của Bkav nhận về nhiều chỉ trích hơn là khen ngợi. Sản phẩm được nhiều người dùng đánh giá là đắt so với trải nghiệm lẫn cấu hình. Không thể phủ nhận, vì là thế hệ đầu tiên, nên thiếu sót trên Bphone khó tránh khỏi.
gia ban bphone lan dau len ke - anh: chup man hinh.

Giá bán Bphone lần đầu lên kệ - Ảnh: Chụp màn hình.

 

Tất nhiên, vẫn có những điểm đáng hoan nghênh với Bkav. Dù là thế hệ khởi đầu, nhưng hãng công nghệ Việt cũng tạo ra một hệ sinh thái đầy đủ khi xét cả về mặt phần cứng lẫn phần mềm. Máy chạy nền tảng BOS chính chủ, đi kèm rất nhiều phụ kiện độc quyền như ốp lưng, tai nghe, cáp sạc và thậm chí là sạc nhanh.
Sau đó khoảng 1 tuần, Bphone chính thức lên kệ. Ngay trong ngày mở bán đầu tiên, Bkav tuyên bố, máy đạt doanh số khoảng 4.800 chỉ trong 2 giờ. Kết thúc đợt đặt hàng đầu tiên, đại diện Bkav khẳng định, có tới 11.822 đơn đặt hàng Bphone. Trong đó, phiên bản được đặt mua nhiều nhất là 16 GB màu đen.
Tới ngày 18/6/2015, Bphone bắt đầu được giao tới tay các khách hàng đầu tiên. Thế nhưng, phản hồi từ người dùng đều cho thấy Bphone cũng như BOS của hãng không được như mong đợi. Trong đó, vấn đề gây bức xúc nhất chính là BOS thiếu hoàn thiện. Điều này cũng được chính đại diện hãng xác nhận qua văn bản.
Những tưởng sự cố từ Bphone sẽ nhanh chóng được khắc phục, tuy nhiên cho tới ngày 29/6/2015, máy vẫn tiếp tục lỡ hẹn với người dùng. Điều này buộc Bkav phải lùi ngày giao máy tới 3/7/2015. Trong khoảng thời gian sau đó, Bphone đã phải nhận về nhiều ý kiến trái chiều do chưa làm thỏa mãn được khách hàng.
bphone chuyen tu ban online sang ban le van chua thanh cong - anh: t.luan.

Bphone chuyển từ bán online sang bán lẻ vẫn chưa thành công - Ảnh: T.Luân.

 

Và phải cho tới cuối tháng 10, máy mới chính thức được bán lẻ qua một số hệ thống danh tiếng. Mức giá bán lẻ cao hơn hẳn giá bán online là 10.989.000 đồng. Để kích cầu doanh số, Bkav cũng tung ra chương trình trả góp ưu đãi khi mua Bphone. Tuy nhiên, kết quả thu về cũng chẳng mấy khả quan.
Tới đầu tháng 1/2016, máy giảm giá chỉ còn 7,9 triệu đồng sau nửa năm ra mắt. Cho tới nay, các thông tin về Bphone gần như chìm nghỉm trên thị trường công nghệ. Nhiều người tỏ ra tò mò về thế hệ Bphone tiếp theo, bởi vòng đời 1 năm tuổi của chiếc smartphone siêu phẩm ngày nào lại sắp tới.
Câu hỏi mà rất nhiều người dùng đặt ra, đó là sau Bphone, Bkav có tiếp tục cho ra đời Bphone 2? Và nếu chiếc siêu phẩm này một lần nữa được tái xuất, Bkav sẽ đem tới cho người dùng Việt những bất ngờ gì? (TN)

Khai báo sai định mức, một doanh nghiệp FDI bị truy thu trên 2,6 tỷ đồng

Cục Hải quan TP.HCM vừa ra quyết định truy thu gần 2,6 tỷ đồng đối với một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do khai sai định mức đối với hàng sản xuất xuất khẩu (SXXK) và phí bản quyền.

nguyen phu lieu vai nhap lau do cuc hai quan tp.hcm phat hien. anh: t.h

Nguyên phụ liệu vải nhập lậu do Cục Hải quan TP.HCM phát hiện. Ảnh: T.H

Vụ việc trên được phát hiện qua công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ). Theo hồ sơ vụ việc, Công ty TNHH C. (Chi nhánh Mỹ Phước- Bình Dương) là công ty con 100% vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất và NK mặt hàng bàn chải đánh răng,  thực hiện loại hình nhập SXXK.

Qua kiểm tra các hồ sơ, chứng từ hải quan từ tháng 12-2010 đến tháng 11-2015, đoàn kiểm tra phát hiện có sự chênh lệnh nguyên liệu nhập khẩu sản xuất hàng XK . Cụ thể, theo biểu đồ tỷ lệ hao hụt nguyên phụ liệu thực tế sản xuất trung bình do công ty do công ty thống kê qua các năm từ 2010 đến 2015 là 2%, trong khi đó, khi thực hiện thanh khoản, DN  khai báo với cơ quan Hải quan  tỷ lệ hao hụt qua các năm là 3%, tăng 1% so với tỷ lệ sử dụng thực tế.

Chi cục KTSTQ kết luận, việc khai báo sai 1% về tỷ lệ hao hụt nguyên liệu nguyên liệu đã dẫn đến lượng nguyên liệu sử dụng thực tế để sản xuất hàng XK ít hơn lượng nguyên liệu thanh khoản với cơ quan Hải quan. Thực tế này dẫn đến lượng nguyên liệu tồn kho thực tế lớn hơn lớn hơn so với số nguyên liệu tồn kho thanh khoản . Tuy nhiên số nguyên liệu này không còn trên thực tế.

Đoàn kiểm tra đã thực hiện truy thu trên 2,1 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, thuế GTGT trên 1,8 tỷ đồng, thuế NK trên 312 triệu đồng.

Ngoài ra, qua công tác KTSTQ đối với phí bản quyền, cơ quan Hải quan phát hiện, từ năm 2010 đến nay, công ty trả  tiền cho công ty mẹ ở Mỹ để sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trong sản xuất kinh doanh, quảng cáo.. với tổng số tiền trên 62 tỷ đồng. Số tiền này được tính 5% tổng doanh thu thuần của toàn bộ bàn chải đánh răng đã bán ra tại Việt Nam cho 3 loại hàng hóa: NK nguyên chiếc, bàn chải đánh răng sản xuất tại Việt Nam và bàn chải gia công, đóng gói bao bì tại Việt Nam.

Trong đó,theo số liệu tờ khai NK kinh doanh, tổng số lượng bàn chải NK nguyên chiếc trên 9,3 triệu cái, công ty thông báo số tiền bản quyền tương ứng đã trả cho công ty mẹ gần 2,2 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan xác định, số tiền này phát sinh sau khi NK, là khoản phải khai và công vào trị giá tính thuế theo quy định, nhưng công ty chưa thực hiện. Do đó, Cục Hải quan TP.HCM thực hiện truy thu trên 456 triệu đồng.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục