Chứng khoán Nhật rớt mạnh theo “lời nguyền tháng Năm”
Tỷ phú Ninh Bình muốn đầu tư dự án hơn 1 tỷ USD dọc sông Hồng
Big C về tay “đại gia” Thái Lan, doanh nghiệp Việt chật vật trong cuộc chơi mới
Trung Quốc tiếp tục bơm tiền vào thị trường
Người Australia xuất khẩu không khí cho Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh 03-05-2016
- Cập nhật : 03/05/2016
Lương tăng 53%, nhân sự cấp cao vẫn thiếu hụt mạnh
Công ty JobStreet.com Việt Nam, vừa công bố báo cáo lương năm 2016 với nhiều sự thay đổi trong Top 10 ngành nghề được trả lương cao nhất. Trong đó, ngành bất động sản và y tế cho thấy mức lương trung bình vượt trội khi dẫn đầu ở hầu hết các cấp bậc.
Năm 2016, mức tăng trưởng về lương của cấp quản lý cấp cao tăng đến 53% so với cùng kỳ năm 2015 và dẫn đầu về mức tăng trưởng trong bảng xếp hạng mức lương của JobStreet.com Việt Nam năm nay.
Trước đó, theo số liệu so sánh công bố trong báo cáo lương của JobStreet.com Việt năm 2014, mức lương nhân sự cấp cao năm 2016 đã tăng đến 117%. Điều này cho thấy nhân sự cấp cao đang là “vùng trọng điểm” thiếu hụt trong những năm gần đây tại thị trường nhân sự Việt Nam.
Ở vị trí quản lý cấp cao, bất động sản vượt hẳn so với vị trí thứ 2 là tiếp thị (Marketing) khi mức lương trung bình cao hơn gần 2 lần (129 triệu đồng/tháng so với 66 triệu đồng/tháng).
Đối với mức lương trung bình của ngành nghề theo từng cấp bậc, y tế và bất động sản cũng tiếp tục chia nhau những vị trí đầu bảng.
Ngành y tế góp mặt đến 2 đại diện (bác sĩ và dược) ở cả 3 cấp độ mới tốt nghiệp, nhân viên và quản lý.
Tuy nhiên, số liệu thống kê của JobStreet.com cho thấy, mức lương của Việt Nam còn thấp so với các quốc gia lân cận trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoại trừ Indonesia có mức lương khá tương đồng với Việt Nam, Singapore, Malaysia và Philippines cho thấy sự vượt trội đáng kể trong việc sử dụng lương để thu hút nhân tài.
Mức lương tại Philippines cao hơn khoảng 1,5 lần so với Việt Nam, Malaysia cao hơn gần 3 lần và Singapore cao hơn gần 6 lần.
Mức chênh lệch này khác biệt theo từng vị trí và nổi bật nhất ở các vị trí mới ra trường và nhân viên. Ở cấp quản lý và quản lý cấp cao, mức chênh lệch về lương được thu hẹp, thấp hơn 4 lần so với Singapore và thấp hơn 2 lần so với Malaysia.
Cụ thể, mức lương trung bình của một sinh viên mới ra trường tại Việt Nam dao động từ 250 USD - 387 USD, trong khi đó con số này tại Singapore là 1.337 USD -1.879 USD.(Bizlive)
Vàng vẫn lấp lánh
Giá vàng tiếp tục đà tăng với giá kỳ hạn tuần qua ghi nhận mức tăng lớn nhất trong 2 tháng. Các quỹ phòng hộ đã bỏ lỡ "bữa tiệc", cắt giảm mạnh nhất tỷ lệ đặt cược giá vàng tăng kể từ tháng 1. Các nhà quản lý tiền tệ may mắn hơn đôi chút khi đổ tiền vào bạc, đưa lượng bạc nắm giữ lên mức cao kỷ lục trước khi kim loại này ghi nhận tháng tăng giá tốt nhất kể từ năm 2013.
Chỉ số Kim loại quý Bloomberg từ đầu năm đến nay tăng 23% trong bối cảnh nhu cầu phương tiện dự trữ gia tăng, ghi nhận mức tăng lớn nhất cho sự khởi đầu một năm trong một thập kỷ qua. Tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm tốc đã buộc các quan chức Fed phải cẩn trọng hơn về việc nâng lãi suất. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tuần qua đã quyết định chưa mở rộng các biện pháp kích thích tiền tệ - động thái khiến các nhà kinh tế học ngạc nhiên và gia tăng áp lực đến đồng bạc xanh - vốn đã suy yếu trong thời gian qua, đồng thời làm tăng tính hấp dẫn của vàng và bạc như khoản đầu tư thay thế.
Tỷ lệ đặt cược giá vàng tăng của các quỹ phòng hộ đã giảm 2,1% xuống 184.087 hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn trong tuần kết thúc vào 26/4, theo số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Mỹ (CFTC). Đà sụt giảm này cho thấy rằng một số nhà đầu tư đã chốt lời sau khi giá vàng tăng trong thời gian qua khi vị thế mua ròng vàng lần đầu tiên giảm trong 6 tuần qua.
Giá vàng kỳ hạn trên sàn Comex hôm thứ Sáu 29/4 đứng ở 1.299 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 1/2015. Giá bạc cũng chạm mức cao nhất trong hơn một năm qua. Chỉ số Hàng hóa Bloomberg, theo dõi diễn biến giá của 22 mặt hàng, cũng ghi nhận tháng tăng lớn nhất trong hơn 5 năm qua.
Các nhà hoạch định chính sách Fed tuần qua đã quyết định giữa nguyên lãi suất trong phiên họp 2 ngày kết thúc vào 27/4 trong khi vẫn để ngỏ khả năng nâng lãi suất vào tháng 6. Số liệu kinh tế cả tuần cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm tốc khi chi tiêu dùng trong tháng 3 không đạt được như dự đoán, doanh số bán nhà mới xây bất ngờ giảm và niềm tin tiêu dùng trong tháng 4 rơi xuống mức thấp nhất 7 tháng qua.
Tỷ lệ dự đoán Fed nâng lãi suất vào tháng 11/2016 giảm xuống 50% so với 80% hồi đầu năm nay.
Lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETP vàng từ đầu năm đến nay tăng 20% lên 1.757,4 tấn, lượng bạc nắm giữ tăng 5,2% lên 19.828,5 tấn.
Tuy vậy, không phải tất cả các nhà phân tích và ngân hàng đều lạc quan về giá vàng. Goldman Sachs hôm 22/4 cho biết, giá vàng sẽ giảm xuống 1.100 USD/ounce trong vòng 3 tháng tới và xuống 1.000 USD/ounce trong một năm tới. Ngân hàng này dự đoán thị trường lao động Mỹ tiếp tục cải thiện sẽ thúc đẩy Fed nâng lãi suất 3 lần trong năm nay, đẩy tăng giá USD trong khi làm giảm tính hấp dẫn của vàng.
Số đơn xin trợ cấp thất nhập của Mỹ hồi giữa tháng 4 dao động ở mức thấp nhất 4 thập kỷ, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ.(NCĐT)
5 kiến nghị Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái gửi tân Thủ tướng
Để tạo điều kiện mở đường cho cộng đồng DN tư nhân Việt Nam phát triển, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái đề xuất 5 kiến nghị như sau:
Một là chính phủ cần nhanh chóng Xây dựng chiến lược tổng thể phát triển quốc gia trong bối cảnh hội nhập bằng sử dụng các chất xám của đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, để thiết kế chiến lược quy hoạch toàn diện các ngànhkinh tế, các vùng miền, các tỉnh thành, trong bức tranh chung của kinh tế Việt Nam theo định hướng chọn lọc, phát huy thế mạnh lợi thế của Đất nước cũng như các ngành, sản phẩm trọng điểm.
.
Không dàn trải, với những cân đối hợp lý để phát triển, tránhphát triển riêng rẽ, cục bộ, chồng chéo làm triệt tiêu hiệu quả lẫn nhau. Trong đó xác định va lượng hóa rõ sự tham gia của kinh tế tư nhân, đồng thời cần những giải pháp có tính đột phá, để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân Không những định hướng chiến lược phát triển cho doanh nghiệp của mình mà còn đóng góp tích cực cho sự hưng thịnh của kinh tế nước nhà .
Bên cạnh đó là giảm sự độc quyền của nhà nước trong một số lĩnh vực như than, điện, ngân hàng, xây dựng, phân bón , cao su,... cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia cac dịch vụ công
Hai là tối đa hoá và cộng hưởng nguồn lực xã hội, khai tác tối đa tiềm năng sẵn có các nguồn lực bằng việc cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận bình đẳng theo cơ chế công khai minh bạch và theo hình thức "nhà nước tạm ứng lợi thế, doanh nghiệp tư nhân quản lý minh bạch và hiệu quả”.
Mạnh dạn giao một số nguồn lực như vốn, đất đai, DNNN… cho doanh nghiệp tư nhân tốt quản lý dưới sự giám sát của nhà nước bằng mục tiêu là hiệu quả sinh lời. Khuyến khích hình thành các Tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vốn vào các Tập đoàn kinh tế nhà nước.
Đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN Theo mục tiêu " Kế thừa và phát triển ". Không phải chỉ thu được tiền mà quan trọng là phát triển mạnh các sản phẩm và dịch vụ hiện có hoặc liên quan đang có lợi thế. Mạnh dạn cho các doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp tư nhân vốn không nhiều nhưng có trình độ quản lý tốt tham gia bằng trình bày phương án kinh doanh,đảm bảo theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, lấy hiệu quả và chất lượng là tiêu chí quan trọng nhất để quyết định.
Tránh làm méo mó mục đích cổ phần hóa, chỉ thu lợi ngắn hạn, không theo chiến lược phát triển chung, hoặc mang lại lợi ích nhóm, không vì lợi ích phát triển kinh tế đất nước.
Tăng cường tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động có quả, tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, tăng cường phương thức thuê mua tài chính, phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam , mở rộng hình thức cho vay tín chấp, cho vay theo dự án sản xuất kinh doanh chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp. Phát triển các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ…
Ba là trong 10 năm tới đầu tư Trực tiếp nước ngoài ( FDI ) vẫn là một kênh quan trọng để thu hút: vốn, công nghệ, trình độquản lý, công ăn việc làm và sức cạnh tranh của Việt Nam. Do vậy , Chính phủ cần tiếp tục mở cửa để thu hút các dòng vốn đầu tư từ các nước trên thế giới.
Các hiệp định thương mại và TPP có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hiệp định đổ vốn vào Việt Nam, cần tạo cơ chế khuyến khích kết nối , Hợp tác , liên doanh giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bốn là kiểm soát dòng vốn quốc gia, cân đối nguồn lực cung cấp cho các ngành theo chiến lược phát triển chung, tránh đầu tư thiên về bất động sản, hạ tầng. Tránh tạo ra bong bóng vì đầu tư thiên lệch và hiệu quả ngắn hạn, tập trung vào xử lý vấn đề nợ xấu và hoạt động hiệu quả của hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp. Nên kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài và các nguồn vốn rẻ đầu tư vào hạ Tầng với các yêu cầu tổng mức đầu tư lớn và thu hồi vốn lâu
Cuối cùng, Đấu tranh quyết liệt va không khoan nhượng với tham nhũng, với tệ nạn nhũng nhiễu, gây khó dễ để ăn tiền của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là ở các cấp thi hành.
Thực hiện nghiêm túc luật pháp đối với doanh nghiệp, không để tình trạng Luật, Nghị định thì mở ra nhưng Thông tư hướng dẫn thì bó lại. Sửa đổi nâng cấp và đồng bộ hóa khuôn khổ pháp lý, hệ thống quản lý Nhà nước và đội ngũ công chức, tạo dựng môi trường sản xuất kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp. Để người dân giám sát và tham gia cuộc chiến chống tham nhũng. Cho phép cộng đồng doanh nghiệp chấm điểm các cơ quan công quyền trước mắt ở cấp cơ sở, từ các Tổng cục, Cục và Sở ban ngành trở xuống làm cơ sở để đổi mới quản lý và xăp xếp cán bộ. (BĐT)
Vì sao nghỉ lễ, giá vàng tăng mạnh?
Chính sự điều chỉnh không tướng xứng giữa hai chiều khiến biên độ mua bán giãn rộng lên 310.000 đồng, khá cao so với mức vài chục nghìn đồng của những ngày trước đó.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), mỗi lượng vàng niêm yết trên website đang giữ mức giá cũ của ngày 29/4, dao động quanh 33,69-33,90 triệu đồng.
Theo tin tức mới cập nhật, giá vàng hôm nay (2/5) trên thị trường thế giới tiếp tục tăng khi giá đồng USD suy giảm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn do dự với quyết định nâng lãi suất.
Theo kết quả khảo sát của bản tin Kitco News, đa số ý kiến của các chuyên gia thị trường và nhà đầu tư đều dự đoán giá vàng trong tuần này sẽ tiếp tục tăng lên. Cụ thể, ở cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco News với các nhà đầu tư cho biết, có tới 73% ý kiến dự đoán giá vàng tuần tới sẽ tăng lên, có 16% ý kiến dự đoán giá đi xuống và 11% ý kiến dự báo giá đi ngang.
Theo chuyên gia cao cấp của tại CMC Markets, Colin Ciesznski, cơ sở để giá vàng có thể tăng là đồng đô la vẫn trong trạng thái suy yếu trong giỏ tiền tệ. Còn Darin Newsom, nhà phân tích cao cấp của Telvent DTN nhận xét mục tiêu trong tuần tới của giá vàng chính là mốc 1,330 USD/ounce. Tuy nhiên ông vẫn khuyên các nhà đầu tư nên cân nhắc một cách thận trọng khi giá vàng đạt đến ngưỡng này bởi đó có thể chỉ là bước tăng trong ngắn hạn.
Chiến lược mới của Manulife tại Việt Nam
Năm 2015 có thể coi là năm thành công của Manulife. Manulife Việt Nam đã đóng góp gì cho kết quả này, thưa ông?
Manulife có tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ tại châu Á trong năm 2015. Năm ngoái cũng là năm thứ ba liên tiếp chúng tôi đạt kỷ lục về doanh thu phí bảo hiểm, với mức tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 1,5 tỷ USD. Mảng kinh doanh quản lý tài sản tại châu Á cũng tăng 56% so với năm trước đó, đạt 12,2 tỷ USD.
Năm qua, Manulife châu Á cũng ghi dấu ấn với thỏa thuận hợp tác độc quyền trong vòng 15 năm với Ngân hàng DBS tại 4 thị trường lớn là Singapore, Hồng Kông, Indonesia và Trung Quốc. Thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1 năm nay và là cơ hội để chúng tôi phục vụ 6 triệu khách hàng từ nguồn này.
Tại Việt Nam, trong năm 2015, chúng tôi đã ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền 10 năm với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Ngoài ra, chúng tôi cũng đạt được một thỏa thuận hợp tác 15 năm với Ngân hàng Standard Chartered để trở thành nhà cung cấp độc quyền Quỹ Tiết kiệm Bắt buộc (Mandatory Provident Fund) tại Hồng Kông, cũng như mua lại mảng kinh doanh hưu trí và bộ phận quản lý đầu tưliên quan trong mảng này của ngân hàng này.
Bên cạnh đó, năm ngoái, chúng tôi đã khởi động Dự án ManulifeMOVE tại Hồng Kông và Ma Cao (tháng Giêng năm nay, Dự án cũng đã được triển khai tại Philippines). Đây là một hoạt động nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe, mà khách hàng tham gia sẽ được nhận phần thưởng khi họ duy trì một cuộc sống năng động mỗi ngày. Chúng tôi cũng bắt đầu triển khai phục vụ khách hàng tại Trung Quốc trên WeChat, một chương trình ứng dụng phổ biến nhất tại đất nước này.
Tại Việt Nam, năm 2015 cũng là một năm nổi bật của Manulife khi tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt mức tăng trưởng 69%. Chúng tôi đã có thể phục vụ nhiều khách hàng hơn khi nâng số lượng tư vấn tài chính lên hơn 20.100 người, tăng 15% so với năm 2014. Chúng tôi cũng khai trương thêm 9 văn phòng kinh doanh mới, mở rộng mạng lưới lên 45 văn phòng tại 32 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.
Năm ngoái, Manulife Việt Nam đã đa dạng hóa kênh phân phối thông qua kênh tiếp thị trực tiếp và bán hàng qua điện thoại. Manulife cũng mở rộng hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) bên cạnh kênh đại lý. Các kênh này đã đóng góp như thế nào vào sự thành công của Công ty?
Đa dạng hóa kênh phân phối là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Tập đoàn Manulife, kể cả ở Việt Nam. Chúng tôi nhận ra rằng, Manulife cần gắn kết với khách hàng theo cách khách hàng mong đợi, dù thông qua hình thức nào: tiếp thị trực tiếp, ngân hàng, hay các đại lý.
Năm ngoái, chúng tôi chính thức triển khai kênh tiếp thị trực tiếp và bán hàng qua điện thoại (DMTM) tại Việt Nam, cùng với việc mở 4 văn phòng dành riêng cho kênh này tại TP.HCM. Mặc dù mới được triển khai, nhưng tính đến cuối năm 2015, kênh DMTM đã đóng góp 2% doanh thu của Manulife Việt Nam. Doanh thu từ kênh DMTM được kỳ vọng tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Chúng tôi cũng tăng cường mảng kinh doanh bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance), thông qua thỏa thuận hợp tác độc quyền với Ngân hàng SCB, bên cạnh các thỏa thuận hợp tác hiện có với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng ANZ và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Chúng tôi cũng triển khai nhiều dịch vụ tiện lợi dành cho khách hàng bao gồm dịch vụ báo tin nhắn SMS và đường dây nóng ưu tiên dành cho khách hàng.
Bên cạnh mục tiêu gia tăng số lượng đội ngũ đại lý tại Việt Nam, chúng tôi cũng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo của mình.
Năm 2015, Manulife Việt Nam có tổng cộng 455 thành viên đạt danh hiệu Câu lạc bộ Bàn tròn triệu đô (Million Dollar Round Table - MDRT - danh hiệu cao quý có giá trị toàn cầu). Đây là danh hiệu dành cho những tư vấn viên tài chính bảo hiểm nhân thọ xuất sắc trên toàn thế giới.
Đây là thành quả quan trọng trong định hướng chuyển đổi mô hình đại lý, nhằm đảm bảo rằng, chúng tôi có những chuyên gia tư vấn luôn mang đến các giải pháp tài chính phù hợp cho khách hàng, thay vì chỉ đơn thuần là bán sản phẩm.
Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong các chiến lược phát triển của Manulife?
Chiến lược toàn cầu của Manulife là tập trung mang đến cho khách hàng những trải nghiệm vượt trội. Dịch vụ bảo hiểm truyền thống tại châu Á trước đây chưa mang đến cho khách hàng sự trải nghiệm thật sự tốt, vì thế, đây chính là cơ hội để đơn giản hóa quy trình và cung cấp các giải pháp bảo hiểm, sức khỏe, quản lý tài sản toàn diện, đáp ứng nhu cầu của khách hàng về điều kiện và các điểm giao dịch ưa thích của họ.
Ngoài năng lực cung cấp các giải pháp tài chính và kênh phân phối đa dạng mà tôi đề cập, chúng tôi cũng đang tập trung vào công nghệ kỹ thuật số để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ hơn. Đây là một trong những điểm quan trọng trong chiến lược của chúng tôi tại Việt Nam và khu vực châu Á.
Hiện số lượng khách hàng sử dụng các ứng dụng kỹ thuật số trong mọi lĩnh vực ở khắp nơi trên thế giới đang tăng nhanh, vì vậy sự cần thiết của công nghệ kỹ thuật số là điều hiển nhiên. Tại Việt Nam, chúng tôi đã nắm bắt các xu hướng kỹ thuật số thông qua việc giới thiệu đến khách hàng trang thông tin trực tuyến dành cho bên mua bảo hiểm – ManuConnect vào đầu năm nay, cho phép khách hàng tra cứu toàn bộ thông tin và lịch sử các giao dịch thay đổi hợp đồng với Công ty.
Chúng tôi cũng ra mắt Manu-iPro, một công cụ hỗ trợ kinh doanh điện tử dành cho đội ngũ đại lý và ngân hàng đối tác của Manulife Việt Nam. Manu-iPro cung cấp cho khách hàng những thông tin về sản phẩm, cũng như giúp khách hàng hiểu cặn kẽ quyền lợi, mức phí và những hạng mục bảo hiểm phù hợp, nhanh chóng và tiện lợi bằng các bảng minh họa chi tiết. Ứng dụng này đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ.
Vậy Tập đoàn Manulife có cam kết nào đối với sự phát triển của thị trường Việt Nam trong giai đoạn mới này?
Manulife luôn cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Năm 1999, chúng tôi là công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài đầu tiên cam kết gắn bó với thị trường này. Tầm nhìn của Công ty là giúp khách hàng hiện thực hóa giấc mơ và nguyện vọng của mình. Tại Việt Nam, chúng tôi đang nỗ lực thực hiện tầm nhìn này bằng việc cung cấp các giải pháp tài chính mới mẻ.
Minh chứng cho những cam kết của chúng tôi tại Việt Nam chính là sự ghi nhận từ Chính phủ Việt Nam với Bằng khen của UBND TP.HCM vào năm ngoái và Bằng khen từ Bộ Tài chính trong tháng 3 vừa qua.
Đây chính là sự công nhận cho những đóng góp tích cực của Manulife cho sự phát triển ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, cũng như những nỗ lực thực hiện trách nhiệm xã hội của chúng tôi trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
Manulife cũng là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ duy nhất phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai chương trình bảo hiểm vi mô dành cho phụ nữ có thu nhập thấp trên cả nước. Chương trình này đã hỗ trợ tích cực cho các chị em phụ nữ tại các vùng nông thôn có nhu cầu tham gia bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ họ và gia đình trước các rủi ro như tai nạn, nằm viện, tử vong.
Quý IV/2015, Manulife Việt Nam đã quyết định tăng vốn điều lệ thêm 175 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của chúng tôi tại Việt Nam lên gần 1.000 tỷ đồng. Điều này chứng minh cam kết phát triển lâu dài và bền vững của Manulife tại thị trường Việt Nam.(BĐT)