Giá gạo Việt Nam giảm khi vào mùa thu hoạch, gạo Thái Lan vững
Xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ có thể bị giảm 2 tỷ USD khi TPP được thực thi.
Brexit: Thêm cơ hội cho đồng NDT trong giao dịch quốc tế
Brexit sẽ tác động tới vai trò trung tâm tài chính của London
Đầu tư 4.500 tỷ đồng cho dự án Trung tâm năng lượng điện tái tạo Bình Định
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-07-2016
- Cập nhật : 03/07/2016
Anh không thể đàm phán thương mại với EU nếu chưa rời khối
Theo quan điểm của ủy viên thương mại EU Cecilia Malmström, nước Anh không thể đàm phán về các điều khoản hợp tác thương mại mới với EU nếu chưa thực rời đi.
“Trước tiên Anh phải rời khối đã rồi mới tới chuyện đàm phán” - theo BBC, bà Cecilia Malmström - ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) - đã bày tỏ quan điểm này trong chương trình Newsnight ngày 30-6.
Sau khi Anh chính thức rời khỏi EU, họ trở thành “nước thứ ba” theo các điều khoản EU, bà Cecilia Malmström nói.
Các nguyên tắc của WTO ngăn cấm các trường hợp giữa các nước có những ưu đãi riêng biệt trong thương mại. Nói cách khác, các nước có hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc của WTO sẽ phải áp mức thuế với nhau tương tự như mức thuế họ áp với các nước khác trên thế giới.Điều này có nghĩa, hoạt động thương mại giữa Anh và EU sẽ được tiến hành dựa trên các nguyên tắc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho tới khi thỏa thuận mới đạt được.
Một thỏa thuận thương mại gần đây giữa EU và Canada đã phải mất 7 năm thương thuyết.
Thỏa thuận thương mại giữa EU với Canada cần có sự thông qua của tất cả các quốc gia thành viên EU, sau đó cần thêm một đến hai năm nữa để chính thức có hiệu lực.
Bà Cecilia Malmström, ủy viên thương mại EU, nhấn mạnh các đàm phán chi tiết về quan hệ hợp tác thương mại mới giữa Anh và EU sẽ không thể bắt đầu cho tới khi hoàn tất quá trình rời EU chính thức của Anh. Tức là kích hoạt điều 50 trong hiệp ước EU và cần ít nhất 2 năm hoàn tất thủ tục rời khối.
Bà Cecilia Malmström nói: “Thực sự có hai cuộc đàm phán. Cuộc thứ nhất là phải đàm phán ra đi, sau đó là cuộc đàm phán về mối quan hệ mới, bất kể nó thế nào. Cuộc trưng cầu ý dân, điều mà đương nhiên chúng tôi ghi nhận và tôn trọng nhưng lại không có hiệu lực pháp luật.
Trước hết cần có một thông báo, điều này vị thủ tướng tiếp theo sẽ làm, tôi hi vọng sẽ nhanh chóng. Và rồi quá trình đó có thể bắt đầu”.
S&P hạ điểm tín dụng của EU sau Brexit
Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) vừa công bố hạ mức tín dụng của EU từ AA+ xuống còn AA sau cuộc trưng cầu ý dân tại Anh.
Theo Guardian, thông cáo từ S&P cho biết: “Sau quyết định của người Anh sẽ rời EU… chúng tôi đã đánh giá lại quan điểm cố kết bên trong Liên minh châu Âu, điều mà hiện chúng tôi xem như một yếu tố trung tính chứ không còn tích cực nữa”.
Các nhà đầu tư quốc tế thường căn cứ vào hạng mức tín nhiệm do các cơ quan xếp hạng tín dụng đưa ra để “chọn mặt gửi vàng” cho những khối tài sản của họ.
Tuy nhiên trong những ngày qua, những lo ngại về tác động lan truyền của kết quả trưng cầu ý dân tại Anh đối với lợi nhuận của các tập đoàn lớn tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đang ngày càng tăng.
Hãng S&P cũng là cơ quan xếp hạng cuối cùng trong nhóm ba ông lớn hoạt động trong lĩnh vực xếp hạng tín dụng của thế giới quyết định hạ mức tín nhiệm của Anh từ AAA xuống còn AA.
Trước đó hãng Fitch cũng hạ mức xếp hạng tín dụng của Anh từ AA+ xuống còn AA.
Marc Faber: Tất cả tiền giấy sẽ vô giá trị
Nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ đang lo ngại về chính sách của các ngân hàng trung ương toàn cầu, đặc biệt sau sự kiện Brexit.
"Tiền đang trở nên vô giá trị khi liên tục được in. Nói cách khác, sức mua của tiền mặt sẽ tiếp tục giảm, như nó vẫn giảm hàng trăm năm qua", Faber cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC hôm qua. Ông là tác giả báo cáo nổi tiếng về đầu tư - Gloom, Boom & Doom, có biệt danh là Dr. Doom do thường đưa ra những quan điểm bi quan. Sau sự kiện trưng cầu dân ý Anh tuần trước, Faber cho rằng Anh, Nhật Bản và Mỹ sẽ càng in tiền mạnh hơn nữa. Vì thế, ông dự báo USD sẽ tiếp tục đi xuống so với các kim loại quý như vàng, bạc và bạch kim. Đây là những hàng hóa ông cho là sẽ "vượt trội" so với chứng khoán Mỹ.
"Nhà đầu tư nên mua kim loại quý", ông gợi ý. Faber nhận thấy các công ty khai mỏ, nông nghiệp và dịch vụ dầu khí đang có giá trị lớn. Dù vậy, nhìn chung, ông cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ không thể tăng điểm thêm nữa.
Trong khi đó, Art Hogan - chiến lược gia thị trường tại Wunderlich Securities cho rằng nửa cuối năm, thị trường sẽ có sự cải thiện. Giá dầu và USD đã bình ổn, việc này sẽ giúp các hãng xuất khẩu và công ty đa quốc gia tăng lợi nhuận.
Mark Luschini - chiến lược gia đầu tư tại Janney Montgomery Scott thì dự báo thị trường sẽ như nửa đầu năm. Nếu có tăng cũng chỉ ở mức một chữ số. Theo ông, chỉ số S&P 500 năm nay sẽ tăng khoảng 5-6%.
Doanh nghiệp Việt lỗ nghìn tỷ vì đồng yên tăng giá kỷ lục
ay nợ nhiều bằng tiền tệ của Nhật khiến một số doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng lớn với mỗi biến động của đồng tiền này.
Ngày 1/7, tỷ giá yên Nhật được Vietcombank niêm yết ở mức một yên "ăn" 217 đồng. 6 tháng trước đó, con số này là 187 đồng. Như vậy so với đầu năm, yên Nhật đã tăng giá trên 16% so với tiền đồng. Diễn biến này tạo ra nguy cơ ăn mòn lợi nhuận và ảnh hướng đến kết quả kinh doanh, khả năng chi trả của các doanh nghiệp Việt có dư nợ lớn bằng đồng yên.
Nhiệt điện Phả Lại là một ví dụ, khi kết quả kinh doanh những năm qua luôn chịu tác động bởi sự lên xuống của đồng tiền này với hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận có thể mất. Quý I/2016, doanh nghiệp lỗ 156 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 57 tỷ. Ban lãnh đạo công ty cho biết nguyên nhân chủ yếu do tỷ giá (lỗ 252 tỷ đồng).
Theo hợp đồng vay nợ dài hạn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 3, Phả Lại có khoản nợ 22,6 tỷ yên. Công ty đang đánh giá lại các khoản nợ vay có gốc ngoại tệ, đồng thời trích lập chi phí chênh lệch tỷ giá theo quy định. Với khối nợ trên, theo tính toán của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), nếu đồng yên tăng giá 1%, khoản lỗ tỷ giá của Nhiệt điện Phả Lại sẽ cộng thêm 48 tỷ đồng. Khoản tiền này trong năm 2015 của doanh nghiệp ở mức 280 tỷ.
ACV là doanh nghiệp chịu tác động lớn do vay nợ hơn 70,6 tỷ yên.
Một "ông lớn" khác là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng có chung "nỗi đau" với đồng yên, khi là doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ Nhật. Đến cuối năm 2015, ACV có khoản vay nợ 70,6 tỷ yên, trong đó có 19 tỷ vay ODA cho dự án xây dựng nhà ga Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất với lãi suất 1,6%. Ngoài ra, ACV được ưu đãi vay lãi suất dưới 0,5% với thời hạn trả 30-40 năm cho dự án Nhà ga quốc tế Nội Bài (T2).
Dù lãi suất ODA thấp và kỳ hạn trả nợ dài song với số vay lớn, việc đồng yên tăng giá bất thường cũng khiến doanh nghiệp này phải hứng chịu khoản lỗ tỷ giá hàng nghìn tỷ đồng. Ước tính nếu yên Nhật tăng giá 1%, khoản lỗ tỷ giá của ACV là 150 tỷ. Như vậy, với mức chênh lệch khoảng 16% như trên, con số có thể lên hơn 2.100 tỷ đồng (ước tính theo tỷ giá Vietcombank). Trước đó trong năm 2015, ACV cũng lỗ 666 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.
Ngoài lãi vay, việc đồng yên tăng giá cũng ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp có quan hệ trao đổi hàng hóa với Nhật. Như việc Tập đoàn Hoa Sen hằng năm vẫn phải chi số tiền lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước này, nên nhiều khả năng sẽ phải trả số tiền nhiều hơn dự kiến. Các công ty xuyên quốc gia của Nhật đang hoạt động tại Việt Nam như Canon, Toyota, Honda… cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng.
Tuy vậy, đây cũng là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật như Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn FPT hay các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, dệt may, nông sản... Chẳng hạn mỗi năm FPT xuất khẩu khoảng 100 triệu USD giá trị dịch vụ gia công phần mềm sang Nhật, nên với mức tăng giá 1% của đồng yên, doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp này có thể tăng thêm khoảng 1 triệu USD.
Ngay cả trong trường hợp các hợp đồng ký kết được quy giá trị theo đôla Mỹ thì các doanh nghiệp nêu trên vẫn được lợi bởi từ đầu năm đến nay, đồng yên đã tăng tới 17,6% so với USD.
Trước đó, những diễn biến bất ổn của kinh tế toàn cầu từ đầu năm và cơn khủng hoảng Brexit gần đây đã khiến đồng yên - một công cụ trú ẩn truyền thống của giới tài chính - tăng giá kỷ lục, bất chấp Ngân hàng Trung ương Nhật Bản duy trì lãi suất âm. Việc Anh rời EU đã khiến đồng yên tăng giá thêm 3,4%, mức cao nhất từ tháng 9/2014.
Không chỉ các doanh nghiệp chịu thiệt hại, đối với khối nợ công của Việt Nam cũng có nguy cơ phình to (hiện là hơn 2,7 triệu tỷ đồng) khi đồng tiền này tăng giá. Trong các bản tin nợ công gần đây của Bộ Tài chính, cơ cấu nợ theo loại tiền không được công bố. Song theo số liệu từ năm 2013 trở về trước, con số này thường chiếm tỷ lệ cao (38,8% năm 2010).
Theo Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), riêng nợ ODA của Việt Nam với nước này là gần 12 tỷ USD, tính đến cuối năm 2014.
Gần đây, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) cho biết đang có kế hoạch nâng lãi suất, cộng hưởng với việc Anh rời EU... là những sự kiện được dự báo sẽ khiến dòng vốn thế giới dịch chuyển lớn, tìm đến những nơi trú ẩn an toàn là vàng hoặc đồng yên.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật vẫn đang tìm mọi cách để kìm hãm sự tăng giá của đồng tiền này nhằm kích thích kinh tế phát triển. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật - Haruhiko Kuroda cho biết sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến trên thị trường tiền tệ và có thể sẽ đưa ra các biện pháp hạ lãi suất nếu cần thiết. Tuy vậy, theo nhận định của chuyên gia chiến lược tiền tệ tại Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ tại London, đồng yen nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá.