Nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn chưa dừng lại; Cherry Úc chính thức được vào Việt Nam; TP.HCM điều chỉnh 451 đồ án quy hoạch; Cảnh báo tình trạng khai sai mã hàng ở khu vực cảng Hải Phòng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-06-2017
- Cập nhật : 02/06/2017
Hãng tàu biển lỗ 3.400 tỷ xin đổi tên
Sau 5 năm thua lỗ liên tiếp, công ty thành viên của Vinalines quyết định đổi tên để chờ ngân hàng khoanh và xoá khoản nợ gần 4.900 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Vận tải biển Bắc (Nosco, mã CK: NOS) vừa công bố nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, trong đó đáng chú ý là thông qua việc đổi tên doanh nghiệp thành Công ty cổ phần Vận tải biển và Thương mại Phương Đông.
Theo lý giải của ông Trịnh Hữu Lương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty thì việc đổi tên nhằm mục đích tạo thuận lợi cho quá trình kết nối với các đối tác, khách hàng khi giao dịch và kinh doanh theo hướng phát triển mới của công ty trong giai đoạn mới... Sau khi thực hiện thủ tục đổi tên trong thời hạn một năm kể từ ngày ra quyết định, nhiều đối tác cam kết sẽ hợp tác để khoanh nợ, xoá nợ và tiếp tục đầu tư.
Do tình hình kinh doanh bết bát kéo dài nhiều năm liên tiếp, ban lãnh đạo công ty từng tính đến việc thực hiện thủ tục phá sản theo luật. Tuy nhiên, vì bán hết tài sản hiện có cũng không đủ trả nợ vay nên một số ngân hàng đồng ý hỗ trợ để công ty tiếp tục hoạt động, từng bước cải thiện tình hình và xử lý nợ.Tính đến cuối quý I năm nay, tổng nợ phải trả của Noso vượt hơn 4.878 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 56%, phần còn lại là các khoản vay dài hạn để mua tàu. Hiện Ngân hàng Nhà nước và Vietcombank là 2 chủ nợ vay dài hạn lớn nhất của công ty.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 công bố trước đó, Nosco ghi nhận doanh thu đạt gần 155 tỷ đồng và mới hoàn thành 97% kế hoạch đề ra. Tuy giảm mạnh so với năm trước, nhưng lỗ sau thuế giảm mạnh so với năm trước vẫn ở mức cao là 340 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế của cổ đông công ty mẹ lên xấp xỉ 3.400 tỷ đồng. Kết quả này khiến đơn vị kiểm toán đặt nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục nếu công ty không tiếp tục nhận được sự đầu tư vốn của các chủ sở hữu.
Ngoài việc bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung của thị trường vận tải biển là hàng hoá khan hiếm, sự cạnh tranh gay gắt khiến cước vận tải giảm bình quân từ 30% đến 50% một chuyến… thì việc số lượng tàu giảm xuống còn 5 chiếc cũng khiến nguồn thu bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ban lãnh đạo công ty nhận định, thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc nên sẽ tạm dừng đầu tư các dự án mới để tập trung khai thác đội tàu hiện có, thắt chặt chi tiêu tối đa. Công ty dự kiến sẽ chuyển đổi linh hoạt giữa hình thức cho thuê tàu và tự khai thác để tăng hiệu suất hoạt động của đội tàu, tập trung vào thị trường hàng hoá xuất nhập khẩu chủ lực là gạo, nông sản và hàng nội địa như than, clinker, sắt thép. Về lâu dài, nếu tình hình được cải thiện, công ty sẽ cân nhắc việc mở rộng ngành nghề kinh doanh có liên quan như dịch vụ logistics.
Dù ký được một số hợp đồng giá trị lớn và dài hạn với đối tác trong và ngoài nước, nhưng công ty vẫn đặt mục tiêu năm nay khá thận trọng do vừa bàn giao một tàu cho các tổ chức tín dụng để xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ vay, các tàu khác chuẩn bị lên đà sửa chữa định kỳ. Theo đó, doanh thu năm nay dự kiến giảm gần phân nửa so với năm trước, đạt khoảng 87,5 tỷ đồng. Công ty tiếp tục đặt mục tiêu giảm lỗ tối đa, dù trong tài liệu trước phiên họp Đại hội đồng cổ đông đề xuất mức lỗ 206 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Vận tải Biển Bắc, tiền thân là Công ty Vận tải Thủy Bắc được thành lập vào năm 1993. Sau đó, công ty chuyển về trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và tiến hành cổ phần hoá. Đây cũng là thời kỳ hoàng kim của doanh nghiệp này khi doanh thu có thời điểm xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, nằm trong nhóm doanh nghiệp dẫn đầu ngành vận tải biển. Cách đây không lâu, Vinalines giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty xuống còn 49%, qua đó từ công ty mẹ trở thành công ty liên kết. (Vnexpress)
------------------------------
Ấn Độ mất vị trí nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của nước này giảm xuống 6,1% trong quý kết thúc ngày 31/3, giảm từ mức 7% trong quý trước đó. Con số này thấp hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia kinh tế và Ấn Độ đã tụt lại sau Trung Quốc (với mức tăng trưởng 6,9% trong cùng quý).
Số liệu do chính phủ Ấn Độ công bố hôm thứ 4 (31/5) cho thấy tăng trưởng 2016-17 chậm lại còn 7,1%, giảm 0,9 điểm phần trăm từ mức 8% năm trước. Kết quả này cho thấy quyết định loại bỏ 86% tiền giấy của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào cuối năm ngoái có thể là nguyên nhân khiến bùng nổ kinh tế dừng lại.
Việc thủ tướng Ấn Độ quyết định loại bỏ 86% tiền giấy dường như là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế nước này chậm lại
Ngày 8/11, ông Modi đột ngột cấm tất cả 2 mệnh giá lớn nhất vào thời điểm đó là tờ 500 và 1.000 Rupee trong một nỗ lực nhằm trừng trị thẳng tay nạn trốn thuế. Động thái bất ngờ làm rung chuyển cả nền kinh tế phụ thuộc vào tiền mặt này và chặn việc phát triển của các ngành chủ yếu. (NDH)
----------------------------
Doanh nghiệp Việt ký các hợp đồng tỷ USD với đối tác Mỹ
Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với các tập đoàn lớn của Mỹ nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo Reuters, General Electrics (GE) vừa ký kết các hợp đồng giá trị khoảng 5,58 tỷ USD với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện, động cơ máy bay và cung cấp dịch vụ. Đây cũng là hợp đồng với một quốc gia lớn nhất mà tập đoàn này từng ký kết.
Cụ thể, Vietjet Air đã đạt thỏa thuận trị giá 3,58 tỷ USD về việc mua động cơ và nhận dịch vụ bảo dưỡng động cơ máy bay của General Electrics. Hãng hàng không của Việt Nam cũng đồng thời ký với các đối tác như GECAS (thuộc GE) và Honeywell các thoả thuận về cung cấp tài chính, thiết bị hàng không khác...Trong khi đó, Tập đoàn Phú Cường cũng có thỏa thuận trị giá khoảng 2 tỷ USD với General Electrics về dự án phát triển điện gió tại Sóc Trăng. Ngoài ra, Tập đoàn FPT cùng UPS cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, cùng hỗ trợ các công ty nhỏ và vừa của Việt Nam (SMEs) nâng cao hiệu suất trong nền kinh tế số thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross (giữa) chứng kiến doanh nghiệp 2 nước trao các thoả thuận hợp tác. Ảnh: VGP
Trước đó, tối 30/5 theo giờ Washington (sáng 31/5, giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ và tiệc chào mừng do Phòng Thương mại Mỹ (USCC). Thủ tướng cũng cho biết về việc ký kết các thỏa thuận với giá trị có thể lên tới 15-17 tỷ USD giữa doanh nghiệp Việt Nam và những tập đoàn lớn của Mỹ.
"Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu công nghệ cao và dịch vụ từ Mỹ. Và trong chuyến thăm lần này, nhiều thỏa thuận quan trọng cũng sẽ được thực hiện", Reuters trích lời Thủ tướng trong tiệc chào mừng của Phòng thương mại Mỹ hôm qua.
Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến công du Mỹ 3 ngày còn có 80-90 doanh nghiệp trong nước. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như PVN, FPT, Vietjet hay SHB...
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch 50 tỷ USD năm 2016, tổng vốn đăng ký các dự án đầu tư trên 10,2 tỷ USD. Nhiều tập đoàn hàng đầu của nước này đã có mặt rất sớm ở Việt Nam và đạt nhiều thành công.(Vnexpress)