Ba yếu tố có thể đánh tan phép màu kinh tế châu Á; TP.HCM sẽ thu 200 tỉ từ quảng cáo bên hông 2.000 xe buýt; Hai 'ông vua' thủy sản gặp khó; Bầu Đức 'bỏ túi' hàng trăm tỉ đồng từ trồng chanh dây
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 20-08-2017
- Cập nhật : 20/08/2017
Đến năm 2020, đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt 45% GDP
Ngày 14/8/2017, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1191/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030. Nguồn: Internet
Đồng thời, tại Quyết định, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cụ thể:
Thứ nhất, phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương đạt khoảng 38% GDP vào năm 2020 và khoảng 45% GDP vào năm 2030, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030.
Thứ hai, phấn đấu kỳ hạn bình quân danh mục phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước giai đoạn 2017 - 2020 đạt 6 - 7 năm; giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7 - 8 năm. Tăng khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương bình quân phiên lên mức 1% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2020 và 2% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2030; tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ lên mức 50% năm 2020 và mức 60% vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng đã đặt ra nhiều giải pháp thực hiện như: trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ hoàn thiện khung khổ chính sách về thị trường trái phiếu; phát triển thị trường sơ cấp, thứ cấp; phát triển và đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư; phát triển định chế trung gian và dịch vụ thị trường...
Trong đó, về thị trường sơ cấp: Đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để đáp ứng nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư, thiết lập các sản phẩm tài chính và đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường tài chính. Đồng thời, tiếp tục tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo phương thức đấu thầu.
Về thị trường thứ cấp: Cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại Sở Giao dịch chứng khoán phù hợp với tính chất giao dịch thỏa thuận, bảo đảm chế độ báo cáo giao dịch kịp thời, chính xác để xây dựng đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường.
Tăng cường trách nhiệm của thành viên thị trường thứ cấp trong công tác báo cáo giao dịch. Nghiên cứu xây dựng chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán để cung cấp thông tin về tình hình phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp.(TCTC)
---------------------------
Hỗ trợ địa phương giải ngân khoảng 54.000 tỷ đồng từ các nhà tài trợ quốc tế
Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được đưa ra trong Chương trình mục tiêu Hỗ trợ vốn đối ứng ODA cho các địa phương giai đoạn 2016 - 2020 thông qua Quyết định số 1162/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Phấn đấu đến năm 2020 sẽ hỗ trợ 48 địa phương khó khăn về ngân sách có thêm nguồn lực tăng cường giải ngân khoảng 54.000 tỷ đồng của các nhà tài trợ quốc tế. Nguồn: internet
Theo đó, Chương trình mục tiêu Hỗ trợ vốn đối ứng ODA cho các địa phương giai đoạn 2016 - 2020 đề ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020 sẽ hỗ trợ 48 địa phương khó khăn về ngân sách có thêm nguồn lực tăng cường giải ngân phần vốn nước ngoài (khoảng 54.000 tỷ đồng) của các nhà tài trợ quốc tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục bổ sung khoảng 6.976 tỷ đồng vốn đối ứng để thực hiện hoàn thành 300 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011 - 2015 sang giai đoạn 2016 - 2020 sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Thực hiện các dự án khởi công mới giai đoạn 2016 - 2020 thực sự quan trọng được ký kết hiệp định tài trợ; các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2011 - 2015 sang giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3.024 tỷ đồng vốn đối ứng.
Theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg, Chương trình mục tiêu Hỗ trợ vốn đối ứng ODA cho các địa phương giai đoạn 2016 - 2020 sẽ góp phần giúp triển khai thực hiện các dự án ODA do địa phương quản lý bảo đảm đúng tiến độ và hiệu quả; Hỗ trợ vốn đối ứng các dự án ODA từ ngân sách trung ương cho những địa phương nghèo, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trong giai đoạn 2016 - 2020.
Đồng thời, giúp triển khai, thực hiện các nội dung dự án theo đúng Thỏa thuận được ký kết hoặc Hiệp định tài trợ, phù hợp với định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA của Chính phủ; Thực hiện hiệu quả việc sử dụng, quản lý nguồn vốn ODA giai đoạn 2016 - 2020...(TCTC)
--------------------------
Cạnh tranh thu mua nguyên liệu
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất, hiện nay nhiều DN chế biến, xuất khẩu thủy sản đã tăng cường kết nối trực tiếp với ngư dân cũng như các hộ nuôi trồng thủy, hải sản.
Từ đầu năm 2017 đến nay hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản ở TP. Đà Nẵng tương đối ổn định. Từ sự tiếp sức của ngành Ngân hàng, nhiều ngư dân ở địa phương đã có điều kiện đầu tư mua sắm tàu to, máy lớn để vươn khơi xa. Từ đó, khai thác được sản lượng khá với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Hiện, TP. Đà Nẵng có gần 1.200 tàu cá hoạt động đánh bắt hải sản, với tổng công suất hơn 218.000 CV; sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt từ 42.000 đến 45.000 tấn phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Được biết, trên địa bàn thành phố có 5 tàu cá vỏ thép, trong đó có 3 tàu vừa khai thác dịch vụ hậu cần nghề cá vừa hoạt động đánh bắt. Theo số liệu của các cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng, sản lượng thủy, hải sản toàn thành phố khai thác trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt gần 22.900 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, hiện đang tồn tại một nghịch lý là số lượng đánh bắt hàng năm luôn tăng lên. Nhưng, nhiều DN chế biến thủy hải sản trên địa bàn thành phố lại phải luôn đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu. Thời điểm này đang là khoảng thời gian đánh bắt chính trong năm.
Trên lý thuyết, nguồn nguyên liệu cho chế biến thủy hải sản vì thế cũng sẽ tương đối dồi dào. Nhưng, dạo quanh một vòng các DN chế biến thủy hải sản ở khu vực phường Thọ Quang, quận Sơn Trà đều đang lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu. Nhiều DN đang chạy đôn, chạy đáo để tìm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, bảo đảm đơn hàng đã ký với các đối tác.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại & Thủy sản Thuận Phước cho biết, từ lâu nay chúng tôi luôn phải cạnh tranh với các thương lái Trung Quốc để thu mua nguyên liệu. Thông thường, các thương lái đến từ Trung Quốc mua theo kiểu cào bằng, chú trọng về số lượng.
Ví dụ, đối với các sản phẩm tôm, họ ít khi kiểm tra tôm có kháng sinh hay không. Trong khi đó, đối với các DN Việt Nam như, CTCP Thương mại & Thủy sản Thuận Phước hầu hết đang xuất khẩu sang các thị trường “khó tính”, đòi hỏi sự khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc của nguyên liệu như, EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…
Với nhiều rào cản về kỹ thuật đã được các thị trường này thiết lập nên, yêu cầu các DN trong nước phải bảo đảm về đầu vào nguyên liệu, với 100% không tồn dư kháng sinh. Đặc biệt, về phía người dân không ít người chấp nhận chạy theo số lượng, “tiền tươi” khi tự nhận tôm của mình có sử dụng kháng sinh để bán tôm cho thương lái Trung Quốc. Tiếp tay cho thương lái nước ngoài là đội ngũ đầu nậu, sẵn sàng lùng sục, chạy đua với DN trong nước tranh mua nguồn nguyên liệu cho thương lái nước ngoài, hưởng chênh lệch…
Khó khăn về đầu vào nguyên liệu đã và đang ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy hải sản tại TP. Đà Nẵng, cũng như nhiều địa phương khác ở khu vực miền Trung. Đơn cử, tại TP. Đà Nẵng 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Đà Nẵng chỉ đạt khoảng 90 triệu USD. Con số này chưa tương xứng với những tiềm năng vốn có về khai thác, chế biến thủy hải sản ở địa phương.
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất, hiện nay nhiều DN chế biến, xuất khẩu thủy sản đã tăng cường kết nối trực tiếp với ngư dân cũng như các hộ nuôi trồng thủy, hải sản. Ngoài ra, các DN còn lên phương án tìm nguồn nguyên liệu ở những địa phương có khả năng về khai thác cũng như nuôi trồng thủy hải sản như ở Bình Định, Phú Yên hay Khánh Hòa…
Tuy nhiên, nhìn chung đây mới chỉ là những giải pháp tạm thời, mang tính tự “giải cứu” của các DN. Về lâu dài, để tháo gỡ những khó khăn về nguyên liệu đầu vào cho DN chế biến, xuất khẩu thủy sản, rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm hơn nữa của các cơ quan chức năng. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu thủy hải sản một cách bền vững. Đồng thời, tăng cường kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa ngư dân và DN.(TBNH)
-------------------------
Tăng trưởng thần tốc, Viettel Post đạt doanh thu gần 2.000 tỷ đồng sau 6 tháng
Dịch vụ chuyển phát nhanh mang về cho Viettel Post 569 tỷ đồng, chiếm 55% tổng doanh thu, đây cũng là mảng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 69% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2017 với doanh thu 1.033 tỷ đồng – tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, dịch vụ chuyển phát nhanh mang về cho Viettel Post 569 tỷ đồng, chiếm 55% tổng doanh thu.
Đây cũng là mảng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Mảng bán hàng bộ kit, thẻ cào đứng thứ 2 về doanh thu với 319 tỷ đồng, chiếm 31% tổng doanh thu.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Viettel Post ghi nhận doanh thu hợp nhất 1.884 tỷ đồng – tăng 43%. Trong đó, riêng mảng chuyển phát nhanh chiếm 1.040 tỷ đồng – tăng 70% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trước thuế 91,4 tỷ đồng – tăng 25%; Lợi nhuận sau thuế 73 tỷ đồng – tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2017, Viettel Post đã thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 4.334 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 185 tỷ đồng và dự kiến chia cổ tức 15%. Như vậy, sau nửa đầu năm 2017, Viettel Post đã thực hiện 43,5% chỉ tiêu doanh thu và 49,4% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Tại thời điểm cuối quý 2/2017, tổng tài sản Viettel Post đạt 1.212 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty chiếm 825 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính là rất thấp, chỉ khoảng 45 tỷ đồng.(Tienphong)