Trung Quốc có nhiều hơn một 'Thung lũng Silicon'; Aeon, 7-Eleven "mạnh tay" mở rộng; 25 doanh nghiệp đa cấp vi phạm bị xóa sổ; PVN đã thành lập 'hụt' ngân hàng Hồng Việt như thế nào?
Tin kinh tế đọc nhanh 20-08-2017
- Cập nhật : 20/08/2017
Thống nhất một đầu mối quản lý nợ công: Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết
Đầu mối quản lý nợ công đang là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và vẫn băn khoăn khi cho ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công, chiều ngày 17/8.
Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, trong quản lý nợ công, giữa Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Cơ quan soạn thảo còn có ý kiến khác nhau.
Theo đó, Chính phủ đề nghị giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như quy định hiện hành nhằm bảo đảm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và không phải điều chỉnh các luật có liên quan.
Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách lại đề nghị quy định thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công vì đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách bộ máy hành chính; phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại Ngân sách nhà nước, quản lý nợ công.
Việc quy định nhiều cơ quan cùng là đầu mối quản lý nợ công sẽ không khắc phục được tình trạng quản lý phân tán, phối hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay còn khó khăn, bất cập hiện nay.
Tuy nhiên, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách cũng lo ngại việc thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công đòi hỏi phải điều chỉnh, sắp xếp lại bộ máy liên quan đến công tác quản lý nợ tại một số cơ quan. Vì vậy, cơ quan này đề xuất quy định rõ Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và điều chỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành.
Chia sẻ về các ý kiến còn khác nhau về việc thống nhất chung một đầu mối hay giữ nguyên ba đầu mối trong quản lý nợ công hiện nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án là một đầu mối vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa khắc phục tồn tại, hạn chế hiện nay.
"Chúng ta muốn hội nhập với kinh tế thế giới, thì cũng phải hội nhập trong công tác quản lý nền tài chính - tiền tệ: Ngân hàng làm quản lý chính sách tiền tệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư lo về định hướng chiến lược phát triển... còn tài chính đất nước thì nên để cho Bộ Tài chính làm. Tài chính mới làm được việc là thu gì, chi gì, thiếu chi thì vay đâu, vay về làm gì phải đúng mục tiêu chiến lược, kế hoạch đề ra và phải lo để cân đối trả nợ.” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị có nguyên tắc rất quan trọng là “một việc chỉ một người làm” và “một người làm nhiều việc”. Nhưng thực tế công tác quản lý nợ công hiện đang là “một việc ba người làm”. Bởi vậy, "Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm ngay từ đầu là một đầu mối."- Bộ trưởng nói.
Nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "một bộ làm nhiều việc, nhưng một việc không để nhiều bộ làm"; "một người đi đàm phán, một người phân bổ vốn, một người cân đối để trả nợ, thì ở trên thế giới rất hiếm quốc gia nào giống Việt Nam".
Do vậy, cần phải thống nhất đầu mối quản lý nợ công, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Nếu đưa ra lý do không thay đổi đầu mối quản lý để tránh làm xáo trộn chức năng nhiệm vụ tổ chức của một số cơ quan thì không thuyết phục, không hợp lý với việc cải cách hành chính nhà nước hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, nếu vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, thì đề nghị hai cơ quan này cần làm việc thêm với nhau để thống nhất lại, đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bàn lại với nhau, trên tinh thần của Nghị quyết 07, vì lợi ích quốc gia. Đồng thời, đề nghị Chính phủ phải có báo cáo đánh giá tác động để xem xét, nếu như tập trung vào một đầu mối thì có lợi gì, nếu để như hiện nay thì có lợi gì và 2 cơ quan thống nhất với nhau, sau đó sẽ trình ra Ủy ban thường vụ Quốc hội trong phiên họp sau.(TCTC)
------------------------
Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam có dấu hiệu gia tăng
Báo cáo kinh tế tháng 7 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố hôm 2/8 cho thấy, dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài gia tăng do tăng trưởng kinh tế tháng 7 tiếp tục đà phục hồi.
Từ đầu tháng 7, khối ngoại mua ròng 135 triệu USD, trong đó mua ròng 29 triệu USD cổ phiếu và 106 triệu USD trái phiếu. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Theo đó, dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục gia tăng do kinh tế vĩ mô có dấu hiệu phục hồi, lạm phát ở mức thấp.
Từ đầu tháng 7, khối ngoại mua ròng 135 triệu USD, trong đó mua ròng 29 triệu USD cổ phiếu và 106 triệu USD trái phiếu.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 1,2 tỷ USD.
Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đạt 25,4 tỷ USD, tăng 25% so với cuối năm 2016.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,3% và trên thị trường trái phiếu Chính phủ là 5,3%.
Trong khi đó, báo cáo mới đây của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, chỉ riêng trên Sở này, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh 18,2% so với tháng trước với với tổng cộng 69,52 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng giá trị giao dịch đạt 906,99 tỷ đồng, trong đó giao dịch mua vào đạt 321,6 tỷ đồng, giao dịch bán ra 585,3 tỷ đồng.(TCTC)
-------------------------------
Bội chi ngân sách 7 tháng ước khoảng 28,48 nghìn tỷ đồng
Bộ Tài chính vừa cho biết, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 7 ước đạt 98,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5 nghìn tỷ đồng so với tháng 6; lũy kế đến hết tháng 7, ước đạt 666,68 nghìn tỷ đồng, bằng 55% dự toán năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, thu nội địa tháng 7 ước đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng so với tháng 6.
Lý giải nguyên ngân, Bộ Tài chính cho biết, chủ yếu do tháng 7 là thời hạn các doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý 2/2017 theo chế độ quy định, như: thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền cổ tức từ các công ty cổ phần do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, "các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh có xu hướng tăng, cho thấy đà tăng trưởng của nền inh tế đã có ảnh hưởng tích cực đến số thu NSNN".
Lũy kế đến hết tháng 7, thu nội địa ước đạt 532,5 nghìn tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán năm, tăng 9,4% so cùng ỳ năm 2016. Trong đó: thu tiền bán bớt cổ phần sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạt 16,7% dự toán năm, bằng mức thực hiện cùng ỳ năm 2016; thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ đạt 40,7% dự toán năm, giảm 11%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 93,5% dự toán năm, tăng 29,8%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 77,9% dự toán năm, tăng 13,8%; các khoản thu nội địa còn lại đạt 53,7% dự toán năm, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt, tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán năm và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả nước có 43/63 địa phương thu nội địa đạt từ 56% dự toán năm trở lên, trong đó không thu tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết thì có 12 địa phương đạt trên 62% dự toán năm; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn 20 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán năm (dưới 56%); 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Thu từ dầu thô tháng 7 ước đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 660 tỷ đồng so với tháng 6, chủ yếu do giá dầu thô trên thị trường thế giới từ cuối tháng 6/2017 dao động ở mức thấp. Mặc dù vậy, lũy kế đến hết tháng 7, thu từ dầu thô ước đạt 27,1 nghìn tỷ đồng, bằng 70,8% dự toán năm, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng dầu thanh toán 7 tháng ước đạ 7,94 triệu tấn, bằng 64,6% kế hoạch, bằng 88,6% so với cùng kỳ năm 2016; giá dầu thanh toán bình quân 7 tháng khoảng 53,7 USD/thùng, cao hơn 3,7 USD/thùng so với giá tính dự toán năm.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 7 ước đạt 22 nghìn tỷ đồng, sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (6,1 nghìn tỷ đồng), thu cân đối ngân sách đạt 15,87 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 7 ước đạt 165 nghìn tỷ đồng, bằng 57,9% dự toán năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (59,5 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 105,58 nghìn tỷ đồng, bằng 58,7% dự toán năm.
Trong khi đó, tổng chi NSNN tháng 7 ước 110,2 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 7 tháng đạt 695,16 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán năm, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 7 tháng đạt khoảng 119,36 nghìn tỷ đồng, bằng 33,4% dự toán năm, tăng 15,1% cùng kỳ năm 2016. Riêng chi đầu tư XDCB, Bộ tài chính cho biết, những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác giải ngân vốn đầu tư những tháng gần đây đã và đang tạo chuyển biến trong thanh toán vốn đấu tư. Ước tính vốn đầu tư thanh toán trong tháng 7 tăng khoảng 1,8 lần so với tháng 6.
Chi trả nợ lãi uớc thực hiện 7 tháng đạt 62,29 nghìn tỷ đồng, bằng 63% dự toán năm, tăng 15,1% so cùng kỳ năm 2016.
Chi thường xuyên ước thực hiện 7 tháng đạt 511,29 nghìn tỷ đồng, bằng 57% dự toán năm, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016.
Như vậy, bội chi ngân sách nhà nước 7 tháng ước khoảng 28,48 nghìn tỷ đồng, mới chỉ bằng gần 16% mức bội chi cả năm mà Quốc hội phê duyệt là 178,3 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,5% GDP).(TBNH)
----------------------------
Mỹ chính thức điều tra vi phạm bản quyền của Trung Quốc
Chính quyền Mỹ tuyên bố chính thức mở cuộc điều tra chi tiết về những cáo buộc sai phạm trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump và các quan chức chính quyền Mỹ trong buổi ký sắc lệnh chỉ đạo Đại diện thương mại Mỹ hoàn tất điều tra đánh giá về các vấn đề thương mại với Trung Quốc tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters
Theo hãng tin AFP, ngày 18-8, ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, cho biết trong thông cáo: “Ngày thứ hai (14-8) Tổng thống Trump đã chỉ đạo tôi xem xét những điều luật, chính sách và quá trình thực thi của Trung Quốc có thể gây tổn hại tới các quyền sở hữu trí tuệ cũng như sự ứng dụng và phát triển công nghệ của Mỹ”.
“Sau khi tham vấn các bên liên quan và những cơ quan chính phủ khác, tôi đã quyết định những vấn đề nghiêm trọng này cần phải có một cuộc điều tra chi tiết”, ông Robert khẳng định.
Các công ty nước ngoài từ lâu đã phàn nàn về việc chính quyền Bắc Kinh đã không có cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ cho họ.
Chưa nói trong một số trường hợp họ còn bị ép buộc phải chia sẻ bí mật công nghệ với các đối tác Trung Quốc để đổi lấy quyền được đặt chân vào thị trường tiềm năng.
Ông Lighthizer sẽ mở cuộc điều tra căn cứ theo điều 301 của luật thương mại Mỹ để giải quyết vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.
Sau khi ông Trump ký phê chuẩn sắc lệnh hướng dẫn thực thi việc điều tra những cáo buộc vi phạm bản quyền của Trung Quốc đầu tuần này, Bắc Kinh đã chỉ trích và cảnh báo “tất cả đều thua” nếu xảy ra cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc sau Liên minh châu Âu. Năm ngoái mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc gần 310 tỉ USD.(Tuoitre)