Quy định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế; An Giang điều động, bổ nhiệm hàng loạt lãnh đạo chủ chốt; TPHCM cảnh báo thêm dự án 'ma' bị rao bán; 4 “lát cắt” thị trường nhà đất năm 2017
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-12-2017
- Cập nhật : 01/12/2017
Gia nhập Việt Nam 3 năm, Grab báo lỗ ngày càng “khủng”
Trong 3 năm hoạt động tại Việt Nam, Grab báo lỗ hơn 938 tỷ đồng, trong đó, năm 2014 lỗ 51,6 tỷ đồng, năm 2015 lỗ hơn 441 tỷ đồng và năm 2016 lỗ 444,7 tỷ đồng.
Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri kỳ III, Quốc hội khoá XIV, Bộ Tài chính cho biết, Công ty TNHH Grabtaxi được Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM cấp phép kinh doanh năm 2014, sau 5 lần điều chỉnh giấy phép kinh doanh, hiện nay công ty này có vốn điều lệ 20 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của Grabtaxi được hình thành với 2 thành viên góp vốn gồm: một công ty ở nước ngoài góp 49% và cá nhân ở Việt Nam góp vốn 51%.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Grabtaxi đã được kiểm toán thì trong 3 năm hoạt động tại Việt Nam, công ty lỗ 938,2 tỷ đồng chủ yếu là do chi phí tiếp thị, quảng cáo lớn và giá dịch vụ rẻ hơn các hãng taxi truyền thống. Trong đó, năm 2014 lỗ 51,6 tỷ đồng, năm 2015 lỗ hơn 441 tỷ đồng và năm 2016 lỗ 444,7 tỷ đồng.
Hiện nay trên sổ sách kế toán của công ty TNHH Grabtaxi tại Việt Nam đang ghi nhận một khoản vay 50 triệu USD từ công ty Grabtaxi Malaysia.
Bộ Tài chính cho biết, căn cứ theo quy định về quản lý thuế thì công ty Grabtaxi thuộc trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao, đưa vào diện giám sát trọng điểm. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền, để rà soát nguồn tài trợ vốn từ nước ngoài của Grabtaxi để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại nếu có.
Trước đó, ông Đặng Duy Khanh, Phó vụ trưởng Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, có mặt tại Việt Nam từ tháng 2/2014, theo báo cáo tài chính của Công ty TNHH GrabTaxi, tổng doanh thu 3 năm 2004-2016 là 1.755 tỷ đồng, số thuế đã kê khai và nộp là hơn 9,5 tỷ đồng.
Đại diện cơ quan thuế cho biết, vừa qua, Cục Thuế TPHCM đã thanh tra pháp luật thuế 3 năm với đơn vị này. Kết quả đã xử lý vi phạm sau thanh tra gần 3 tỷ đồng, trong đó truy thu thuế xấp xỉ 2,3 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã nộp đủ số thuế nói trên.
Tiếp đó, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 16/11, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng việc Grab báo lỗ lũy kế 938 tỷ đồng trong 3 năm qua có thể là hành động trốn thuế.
Trả lời về vấn đề này, người đứng đầu ngành tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết công tác quản lý thuế vẫn đang được thực hiện và không có chuyện thất thu như nhiều đại biểu nhắc đến. Theo đó, Uber và Grab đã tự giác kê khai thuế. Sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế cũng đã thu thêm từ các đơn vị này.
Bình luận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, Nhà nước hiện không thiếu quy định pháp luật để quản lý thuế đối với Uber, Grab cũng như thương mại điện tử.
"Vấn đề là chúng ta cần đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn, triệt để hơn, phù hợp hơn để quản lý thu thuế tốt nhất, theo tinh thần chỉ đạo chung là Chính phủ kiến tạo và Chính phủ điện tử”, bà Cúc nói.(Bizlive)
--------------------------
Người Hồng Kông cảm thấy tự tin nhất về nền kinh tế trong 3 năm qua
Gần hai phần ba số người được hỏi cho rằng khả năng cạnh tranh kinh tế của Hồng Kông sẽ không thay đổi hoặc sẽ được cải thiện vào năm 2018, tăng so với 37% so với dự báo cho năm 2017.
Theo khảo sát được công bố hôm 28/11 của CPA Australia, một trong những hãng kế toán lớn nhất thế giới, sự tự tin về khả năng cạnh tranh kinh tế của Hồng Kông đang ở mức cao nhất trong vòng ba năm qua, trong đó quá trình đổi mới và ứng dụng công nghệ được xem là động lực chính cho tương lai của thành phố.
“Các chuyên gia kinh doanh hy vọng Hồng Kông sẽ duy trì vị thế là một trong những thị trường cạnh tranh nhất thế giới”, Ivan Au, Tổng giám đốc khu vực Hồng Kông - Trung Quốc của CPA Australia, nói.
Kết quả khảo sát cho thấy việc nằm gần với Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, các dự án cơ sở hạ tầng thúc đẩy sự kết nối giữa Hồng Kông - Đại lục, và hệ thống thuế của thành phố là ba yếu tố thuận lợi chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hồng Kông trong năm tới. Song, môi trường chính trị địa phương, giá bất động sản cao và chi phí sinh hoạt gia tăng có thể sẽ là những yếu tố cản trở sự phát triển.
Theo South China Morning Post, hơn một phần ba số người được hỏi cho rằng chính quyền Hồng Kông cần nhấn mạnh hơn vào phát triển đổi mới và công nghệ vì đó là cách tốt nhất để cải thiện khả năng cạnh tranh trong tương lai.
“Thành phố này đã nhìn thấy sự phát triển của fintech, công nghệ cung cấp các dịch vụ tài chính, nhưng để trở thành một thị trường cạnh tranh thì đòi hỏi cần phải có nhiều vốn và chuyên môn hơn”, Roy Lo, thành viên trong hội đồng Hồng Kông - Trung Quốc của CPA Australia, cho hay.
Theo ông Au, ngoài các yếu tố kể trên thì việc chính quyền thành phố đang tập trung vào các chính sách đúng đắn dường như cũng giúp gia tăng tinh thần lạc quan về kinh tế nói chung, cũng như khả năng cạnh tranh toàn cầu của Hồng Kông.(Thanhnien)
----------------------
Các đại lý Hyundai ở Mỹ nổi giận vì không được bán xe Genesis
Khoảng 352 đại lý đầu tư nâng cấp cơ sở lẫn nhân sự, nhưng chỉ khoảng 100 trong số đó được bán sản phẩm từ thương hiệu hạng sang Genesis.
Căng thẳng nổi lên tại hội nghị của ủy ban các đại lý diễn ra ở Dallas trong tháng 11, khi một nhóm đông người tham dự đột ngột bỏ ra khỏi cuộc họp, theo Automotive News.
Sự việc cho thấy nỗi thất vọng ngày một tăng từ các đại lý Hyundai, nơi bán cả các sản phẩm Genesis, đồng thời phản ánh quan điểm của các chủ đại lý về vai trò của họ đối với hệ thống bán lẻ Genesis mới.
Mọi thứ xuất phát từ một quyết định tiềm năng của Hyundai về việc mở các điểm bán hàng cho Genesis tại những địa điểm lựa chọn với các nhà bán lẻ không phải đại lý Hyundai. Các đại lý nản lòng do cách thể hiện sự tri ân của Hyundai đối với những đại lý không được bán xe Genesis.
Các thành viên của ủy ban các đại lý rời khỏi cuộc họp với số đông, đồng thời cho biết muốn thảo luận riêng. Nhưng sau đó, tất cả trở lại hội nghị, tiếp tục bàn bạc.
Trước đó, nhiều đại lý Hyundai từng hy vọng có thêm đặc quyền bán Genesis. Thực tế, họ từng được bán mẫu sedan hạng sang Genesis G80 và hơn một phần ba số đại lý đã đầu tư nâng cấp cơ sở và đào tạo nhân sự để bán sản phẩm chủ đạo là Genesus G90. Thương hiệu hạng sang mới của Hyundai mang lại cho các đại lý cơ hội để kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.
Trong khi đó, Hyundai Mỹ vẫn tập trung vào việc định hướng Genesis là thương hiệu hạng sang đồng thời chắt lọc các đại lý chỉ còn lại số lượng khiêm tốn tại một số thị trường chủ chốt - dù rằng việc làm này đang gây xáo động lớn tới hệ thống bán lẻ hiện nay.
Hiện có khoảng 352 cửa hàng và đại lý Hyundai bán Genesis G90, một nguồn tin thân cận với Hyundai cho biết, và hãng xe Hàn muốn giảm xuống còn khoảng 100.
Dự kiến đầu 2018, Hyundai sẽ bán mẫu sedan mới G70, được định vị nằm giữa G80 và G90, ngoài ra là một chiếc coupe và 3 mẫu crossover mới khác.
Genesis là thương hiệu hạng sang riêng của Hyundai, giống Lexus của Toyota và Acura của Honda, và chính thức ra mắt vào tháng 11/2015.
Manfred Fitzgerald, cựu giám đốc thương hiệu và thiết kế ở Lamborghini, đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch cấp cao của Genesis. Luc Donckerwolke, cựu giám đốc thiết kế của Bentley, Lamborghini và Audi, chịu trách nhiệm thiết kế. Albert Biermann, từng đứng đầu chi nhánh M của BMW, là giám đốc phân nhánh hiệu suất cao của Genesis.
Geneis G80 và G90 bán ra cuối 2016. Trong năm 2016, thương hiệu hạng sang này bán được tổng cộng hơn 87.100 xe, trong đó có 66.029 chiếc được tiêu thụ tại Hàn Quốc.(Vnexpress)
------------------------
Suốt hai thập kỷ qua, kinh tế Nhật vẫn đau với “vết sẹo” năm 1997
Cuộc khủng hoảng năm 1997 khiến nền kinh tế chịu nhiều tác động nặng nề. Thị trường việc làm rơi vào “kỷ băng hà”.
Tháng 11 năm 1997, kinh tế Nhật đóng băng do hàng loạt tổ chức tài chính lớn sụp đổ, trong đó phải kể đến công ty chứng khoán Sanyo, ngân hàng Hokkaido Takushoku, công ty chứng khoán Yamaichi, và ngân hàng Tokuyo City. Khi nhiều người gửi tiền lao đến ngân hàng cố gắng cứu vớt số tiền của họ, họ được dẫn đến nhiều căn phòng họp kín đáo để có các cuộc bàn thảo riêng.
Trước đó 17 năm, bong bóng trên thị trường chứng khoán Nhật xì hơi. Thế nhưng phải đến mùa thu năm 1997, người ta mới thực sự nhận ra tác hại gây ra bởi nền kinh tế bong bóng.
20 năm sau, kinh tế Nhật đã thay đổi chóng mặt. Người ta từng tin vào cách quản lý của Bộ Tài chính Nhật nhưng cuối cùng khủng hoảng vẫn xảy ra, người ta đặt câu hỏi: “Vậy cuối cùng biết dựa vào ai?”
Dù các chính trị gia bây giờ đã có nhiều quyền lực hơn, thế nhưng cuối cùng người ta vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi trên, còn nước Nhật vẫn tiếp tục đối diện với rủi ro khủng hoảng.
Trước hàng loạt vụ sụp đổ của các tổ chức tài chính vào năm 1997, người ta chưa từng bao giờ nghĩ điều đó có thể xảy ra. Nhưng cuối cùng nó vẫn xảy ra và khiến nền kinh tế chịu nhiều tác động nặng nề. Thị trường việc làm rơi vào “kỷ băng hà”.
Số lượng những người đi làm được ký hợp đồng dài hạn bắt đầu giảm từ năm 1998. Từ năm 1997 đến năm 2003, số lượng người lao động chỉ được ký hợp đồng bán thời gian tăng dần lên, từ tỷ lệ 23% vào năm 1997 lên đến 30% vào năm 2003 và đến năm 2014, con số này đã là 37%.
Mối quan hệ nồng ấm giữa các nhà quản lý với các tổ chức tài chính bị chỉ trích nặng nề. Năm 1998, quan chức Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nhật bị phát hiện dính líu đến bê bối tham nhũng.
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật đều từ chức để chịu trách nhiệm. Cơ quan giám sát mới có tên FSA (Financial Supervisory Agency) được thành lập năm 1998 và sau này đổi tên thành FSA (Financial Services Agency).
Ngày 28/11/1997, bốn ngày sau khi công ty chứng khoán Yamaichi đóng cửa, luật cải tổ lĩnh vực tài khóa đã được áp dụng. Luật này đưa ra giới hạn về mức trần ngân sách cho mỗi hạng mục chi tiêu của chính phủ. Thủ tướng Nhật khi đó là ông Ryutaro Hashimoto đã đặt ra mục tiêu trên làm cốt lõi trong quá trình cải tổ của mình.
Tuy nhiên thời điểm đưa ra luật không thể tệ hại hơn được nữa. Trong bối cảnh kinh tế đi xuống sau khi thuế tiêu dùng được điều chỉnh tăng từ 3% lên 5% vào mùa xuân năm 1997, luật ngân sách trên đã bị chỉ trích nặng nề. Đến tháng Năm năm 1998, luật đã bị trì hoãn thi hành, rồi sau đó đã bị bãi bỏ hoàn toàn bởi Thủ tướng kế vị.
Kinh tế Nhật bắt đầu thực sự diễn biến tích cực từ khi Thủ tướng Junichiro Koizumi lên nắm quyền vào năm 2001. Sau đó, tiếp tục nhiều chính sách thay đổi mới được đưa ra bởi Đảng Dân chủ Nhật từ năm 2009 đến năm 2012 và dưới quyền của Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe.
Dưới thời của Thủ tướng Abe, kinh tế Nhật đã có quá nhiều thay đổi tích cực. Bộ Tài chính Nhật đã không còn quá quyền lực đến mức có thể chi phối cả Thủ tướng. Dưới quyền của Thủ tướng Abe, chương trình kích thích kinh tế Abenomics đã được triển khai, Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) mua mạnh trái phiếu chính phủ Nhật.
Đã hai lần Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trì hoãn việc tăng thuế tiêu dùng lên mức 10% bất chấp phản đối từ phía Bộ Tài chính. Và trước thềm cuộc họp của Hạ viện vào tháng Mười, ông đã trì hoãn việc tăng thuế. Liên minh Đảng của ông đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Hạ viện vừa qua.
Cùng lúc đó, FSA hoàn toàn có quyền độc lập với Bộ Tài chính. Tháng Bảy năm nay, cao ủy Nobuchika Mori đã được bổ nhiệm thêm nhiệm kỳ thứ ba và giờ đây có thể được biết đến như một trong những chính trị gia nổi tiếng. FSA đã trở thành cơ quan giám sát quyền lực và đề xuất ra được nhiều chính sách hiệu quả để giải quyết nợ xấu.
Ngày 7/11 năm nay, chỉ số Nikkei 225 trên thị trường chứng khoán Nhật lên mức cao nhất từ tháng Một năm 1992. Số liệu của chính phủ công bố ngày 15/11 cho thấy kinh tế Nhật tăng trưởng 1,4% trong quý III năm nay và như vậy có quý tăng trưởng thứ 7 liên tiếp, chuỗi thời gian tăng trưởng dài nhất trong 16 năm.
Cuối tháng Ba năm 2017, sau khi thực hiện nhiều biện pháp cải tổ và tái cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng, tổng nợ xấu do các ngân hàng lớn nắm giữ rơi xuống dưới mức 3 nghìn tỷ yên, tức khoảng 27 tỷ USD. Trong khi đó vào thời điểm tháng Ba năm 1998, tổng nợ xấu ước khoảng 30 nghìn tỷ yen.
Tuy nhiên tình hình tài khóa của Nhật đã xấu đi nhiều từ năm 1997. Giờ đây, các ngân hàng khu vực cũng đang đối diện với nhiều vấn đề. Theo tính toán của FSA, khoảng hơn nửa các ngân hàng khu vực giờ đây đang thua lỗ trong hoạt động tín dụng và một số hoạt động kinh doanh cốt lõi khác. Hoạt động của các ngân hàng khó khăn khi BOJ duy trì chính sách lãi suất âm, dân số giảm và nhiều cộng đồng dân cư tan rã.
Hai mươi năm sau khủng hoảng 1997, ở Nhật người ta vẫn hỏi nhau câu hỏi: “Biết tin vào ai bây giờ?” Câu hỏi đó vẫn chưa có câu trả lời.(Bizlive)