tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 23-05-2018

  • Cập nhật : 23/05/2018

Giới siêu giàu Nga đang "rửa" hàng trăm tỉ bảng Anh mỗi năm tại London?

Theo báo cáo từ Ủy ban Đối ngoại Anh, dòng tiền lớn của người Nga tại London đã khiến Anh không thể chỉ trích Điện Kremlin quá quyết liệt.

gioi sieu giau nga dang "rua" hang tram ti bang anh moi nam tai london?

Giới siêu giàu Nga đang "rửa" hàng trăm tỉ bảng Anh mỗi năm tại London?

Reuters dẫn lời một nghị sĩ Anh cho biết, chính những khối tài sản và lượng tiền khổng lồ của Nga trong các hệ thống tài chính London là rào cản lớn nhất khiến nước này không thể đáp trả chính sách đối ngoại quyết liệt từ phía Moskva.

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Anh đã trở thành trung tâm thu hút hoạt động tài chính và nguồn tiền lớn ở châu Âu. Tới nay, London vẫn được cho là lựa chọn ưa thích của các nhà tài phiệt và quan chức Nga - những nhân vật không chỉ đặc biệt giàu có mà còn có khả năng chi phối tình hình an ninh, chính trị quốc gia.

Gần đây, Anh và Nga đã có những động thái trả đũa ngoại giao lẫn nhau rất quyết liệt sau khi một cựu điệp viên Nga cùng con gái bị tấn công hóa học tại thành phố Salisbury. Không bên nào chịu nhận trách nhiệm trong vụ án này.

Theo báo cáo từ Ủy ban Đối ngoại Anh, dòng tiền lớn của người Nga tại London đã khiến Anh không thể chỉ trích Điện Kremlin quá quyết liệt.

"Cần phải nói rõ rằng, những thiệt hại mà 'tiền bẩn' của Nga gây ra đối với chính sách đối ngoại của Anh lớn hơn rất nhiều lợi ích mà nó đem lại cho London", chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện Anh Tom Tugendhat nói.

Ông Tugendhat sau đó đề nghị bộ máy chính quyền hợp tác cùng các nước đồng minh trên thế giới thắt chặt các hoạt động tài chính của công dân Nga, bao gồm hoạt động mua bán trái phiếu chính phủ và các giao dịch ngân hàng chưa bị cấm vận khác.

Theo Reuters, Nga đã bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và một loạt các vụ tấn công mạng trên khắp thế giới.

Hồi tháng 4, Mỹ đã áp đặt thêm cấm vận với Nga, nhắm đòn trừng phạt vào những đồng minh của tổng thống Vladimir Putin vì cho rằng Moksva đã thao túng bầu cử Mỹ.

Cơ quan Phòng chống Tội phạm Quốc gia Anh trong tháng này công bố báo cáo cho rằng hoạt động rửa tiền lên tới hàng trăm tỉ bảng Anh mỗi năm của giới siêu giàu Nga đã gây ảnh hưởng không nhỏ.

"Việc các nhân vật có liên quan tới Điện Kremlin sử dụng London làm kho chứa tài sản tham nhũng đã cho thấy chiến lược sâu rộng hơn của Nga, và là mối đe dọa tiềm tàng cho an ninh quốc gia Anh", bản báo cáo viết.

Sau khi cùng một loạt các nước trục xuất những nhân viên ngoại giao của Nga, Anh đã cam kết sẽ áp đặt nhiều lệnh cấm vận hơn nhằm vào người Nga.

Nhưng theo ông Tugendhat, chính phủ Anh cần làm nhiều hơn để chặn đứng hoàn toàn vòng luẩn quẩn cho phép Nga mua trái phiếu chính phủ Anh với sự trợ giúp của các tổ chức tài chính đã bị cấm vận.(Thoidai)
-----------------------

'Ông lớn' giấy Việt chi ngàn tỉ quyết đấu giấy ngoại

Không chịu lép vế, các doanh nghiệp (DN) lớn ngành giấy trong nước đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để nâng công suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh với DN ngoại.

Thị trường giấy Việt Nam được xem là tiềm năng nhưng các DN nước ngoài vẫn chiếm lợi thế, các DN giấy trong nước vẫn tiếp tục phát triển nhưng chiếm lĩnh “miếng bánh” nhỏ hơn.

Không chịu lép vế, các DN lớn ngành giấy trong nước đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để nâng công suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh với DN ngoại. Như Tập đoàn giấy Tân Mai, một trong những “ông lớn” của ngành giấy Việt Nam, đã chủ động đầu tư thêm nhiều nhà máy mới ở các địa bàn trọng điểm phía Nam với hơn 4.000 tỉ đồng đầu tư.

Ông Trần Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Mai, cho biết hiện nay tập đoàn, song song với việc phát triển vùng nguyên liệu dài hạn, việc đầu tư các nhà máy giấy là nỗ lực của tập đoàn trong việc nội địa hóa thị phần giấy, giúp DN nội cạnh tranh với các DN nước ngoài tại thị trường nội địa.

Qua đó, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm với giá thành rẻ hơn, khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường và góp phần vào các chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Trong xu hướng đa lợi ích đó, Tân Mai đặt mục tiêu là DN tiên phong và đã có những bước chuẩn bị kỹ càng để cạnh tranh trong dài hạn.

Ông lớn giấy Việt chi ngàn tỉ quyết đấu giấy ngoại - Ảnh 1.

Tập đoàn giấy Tân Mai ký kết với Công ty Papcel (Cộng hòa Czech) về việc lắp đặt dây chuyền máy giấy và chuyển giao công nghệ vận hành tại dự án Nhà máy giấy Tân Mai Miền Đông với tổng giá trị 28 triệu euro (tương đương hơn 700 tỉ đồng).

Theo ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho biết ngành giấy rất có tiềm năng nên các DN mới đổ vốn vào để đầu tư, nâng công suất hoạt động tại Việt Nam lên. Tuy nhiên, sân chơi của ngành giấy sẽ thuộc về các DN lớn, DN nước ngoài có tiềm lực lớn. Các DN giấy trong nước cần phải tiếp tục đầu tư tăng năng lực cạnh tranh.

Theo ước tính đến năm 2018, công suất của hàng loạt dự án nhà máy sản xuất giấy ở Việt Nam sẽ vào khoảng 3 triệu tấn giấy/năm. Dù nguồn cung cho thị trường sẽ được gia tăng nhưng theo dự báo, Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu khoảng 400.000 tấn giấy kraft (giấy tái sinh, dùng nhiều trong công nghiệp và Việt Nam chưa sản xuất được) thay vì phải nhập khẩu 1,6 triệu tấn giấy các loại như hiện nay.

Giới chuyên gia lưu ý các DN giấy Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của hàng nhập khẩu.(PLO)
-------------------------

Bán lẻ Việt xuất hiện tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”

Số liệu từ Bộ Công Thương và các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đang ngày càng gay gắt với sự tham gia của nhiều đại gia tên tuổi thế giới. Tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” xuất hiện trong khi hàng hóa Việt Nam vào các siêu thị bắt đầu gặp phải những rào cản.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và quá trình hội nhập, ngành thương mại dịch vụ Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng gay gắt hơn.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, giai đoạn 2011- 2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm, đạt 3.568,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2016 và đạt 3.234,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2017. Trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ  ước đạt  hơn 1.399 nghìn tỷ đồng, tăng 9,85% so với cùng kỳ 2017.

Tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Hiện cả nước có 957 siêu thị tại 62 tỉnh, thành phố (Hà Giang là tỉnh chưa có siêu thị) và 189 trung tâm thương mại tại 51 tỉnh, thành phố. Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Tại các khu vực nông thôn, ngoại thành thì chưa phát triển siêu thị.

Dù có tốc độ tăng trưởng ở mức cao, theo ông Đông, ngành thương mại dịch vụ nước ta còn nhiều hạn chế như tăng trưởng chưa bền vững, dịch vụ hỗ trợ hoạt động thương mại còn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn; các hoạt động thương mại truyền thống chưa bắt kịpphát triển của thương mại điện tử, thương mại số hóa. Trong khi ở khu vực nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ còn thưa thớt.

Đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam, kết quả khảo sát hiện trạng mở rộng lĩnh vực bán lẻ tại 30 quốc gia đang phát triển trên thế giới của Hãng tư vấn A.T. Kearney cho thấy, Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và là “miếng mồi” béo bở đối với các nhà đầu tư. Khảo sát cũng xếp Việt Nam vào vị trí thứ 6 trong bảng đánh giá về chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu trong năm 2017.

Hiện, nhiều đại gia bán lẻ, đại gia thương mại điện tử nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Việt Nam khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này trở nên gay gắt hơn. Số liệu thống kê cho thấy, bán lẻ là một trong những ngành tăng trưởng mạnh mẽ nhất ở thị trường Việt Nam.(TienPhong)
--------------------------

Microsoft mua công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo Semantic Machines

Hãng Microsoft đã chính thức mua lại Semantic Machines - startup có trụ sở tại Berkeley (Mỹ), chuyên về trí tuệ nhân tạo giao tiếp giúp các con bot có thể trò chuyện với người.

Công nghệ của Semantic Machines sẽ giúp cho các sản phẩm về trí tuệ nhân tạo giao tiếp của Microsoft trở nên tự nhiên hơn /// Ảnh: Reuters

Công nghệ của Semantic Machines sẽ giúp cho các sản phẩm về trí tuệ nhân tạo giao tiếp của Microsoft trở nên tự nhiên hơn -ẢNH: REUTERS

Theo TechCrunch, Semantic Machines được thành lập vào năm 2014 bằng hình thức gọi vốn, đã nhận được khoản tiền 20,9 triệu USD từ các nhà đầu tư General Catalyst và Bain Capital Ventures. Hãng hoạt động trong các lĩnh vực tổng hợp giọng nói, học tập sâu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Semantic Machines hiện là giải pháp có thể giải quyết một trong những thách thức lớn nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) giao tiếp: khiến những con bot trở nên giống người hơn.

Theo người phát ngôn của Semantic Machines, AI của hãngcó thể tạo ra các cuộc hội thoại không chỉ trả lời hoặc dự đoán các câu hỏi chính xác hơn mà còn tự nhiên và trôi chảy.

Hiện Semantic Machines có đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo chuyên về giao tiếp như Larry Gillick - cựu khoa học trưởng cho Siri tại Apple, giáo sư Dan Klein của Berkeley và giáo sư Percy Liang của đại học Stanford cùng hàng loạt chuyên gia về ngôn ngữ trước đây từng làm việc cho Nuance Communications.

Thay vì xây dựng các sản phẩm riêng, Semantic Machines tập trung vào các khách hàng doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa nó sẽ phù hợp với các sản phẩm dựa trên AI của Microsoft như Microsoft Cognitive Services, Azure Bot Service đang được sử dụng bởi 1,3 triệu nhà phát triển, cũng như các trợ lý ảo Cortana và Xiaolce.

Thương vụ này sẽ giúp Microsoft tăng cường các dịch vụ AI kể trên để có thể cạnh tranh với các đối thủ như Alexa của Amazon, Siri của Apple, Assistant của Google và Bixby của Samsung.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục