tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-12-2017

  • Cập nhật : 01/12/2017

Đầu tư nước ngoài vào TP. HCM: Bất động sản tiến ngôi, thu hút hơn 1 tỷ USD

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh trong 11 tháng đầu năm đạt 1,01 tỷ USD, chiếm 51,5% tổng vốn đăng ký cấp mới, với 24 dự án.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Số liệu thống kê của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh công bố cho biết, từ đầu năm đến ngày 15/11/2016, TP. Hồ Chí Minh đã cấp phép 751 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1,97 tỷ USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Có 201 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với vốn đầu tư đạt 991 triệu USD; vốn góp, mua cổ phần có 2.014 dự án với vốn đầu tư đạt 2,56 tỷ USD.

Như vậy, từ đầu năm đến ngày 15/11, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt gần 5,52 tỷ USD, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Phân theo lĩnh vực đầu tư hoạt động kinh doanh bất động sản đứng đầu với 24 dự án, vốn đầu tư đạt 1,01 tỷ USD, chiếm 51,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp sau là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 45 dự án, vốn đầu tư đạt gần 480 triệu USD, chiếm 24,4%; thương nghiệp có vốn 212,2 triệu USD, chiếm 10,8%; ….

Phân theo quốc gia đầu tư, Hàn Quốc dẫn đầu với 142 dự án, vốn đầu tư đạt 1,03 tỷ USD, chiếm 52,6% tổng vốn; Hoa Kỳ với 33 dự án, với vốn đầu tư 253 triệu USD; Nhật Bản chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư….(Bizlive)
------------------------

Quy định ký quỹ làm khổ doanh nghiệp

Quy định thời gian ký quỹ trước 15 ngày, phát sinh “giấy phép con” và các chi phí không chính thức thậm chí cao hơn chi phí trong quy định… là những vướng mắc lớn khiến doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiến hành các thủ tục hải quan.

 

hoat dong nghiep vu tai chi cuc hai quan thuy an - cuc hai quan thua thien hue. anh: quang hung.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thủy An - Cục Hải quan Thừa Thiên Huế. Ảnh: Quang Hùng.

 

Chia sẻ với PV, ông Vũ Đức Minh - đại diện Công ty TNHH Chế tạo máy Citizen Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn về yêu cầu thủ tục “Thông báo nhập khẩu phế liệu” theo phụ lục 12 về “mẫu văn bản thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông qua”.

Ký quỹ làm gia tăng thời gian và chi phí

Vì trên thực tế, khi nhập khẩu phế liệu, doanh nghiệp đã phải dựa vào “giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất” để làm thủ tục thông quan.

“Thông báo nhập khẩu phế liệu này giống như một “giấy phép con” mà doanh nghiệp phải xin để làm thủ tục hải quan, điều này ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp đề nghị bãi bỏ” - đại diện Công ty Citizen Việt Nam kiến nghị.

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng cho biết, quy định tại Khoản 1, điều 59, Nghị định 38/2015 về quản lý chất thải và phế liệu theo quy định “tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 15 ngày làm việc”. Thực tế thì quy định này đã tạo ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Có cùng quan điểm trên, đại diện Công ty CPTM Thái Hưng, đơn vị kinh doanh mặt hàng thép phế liệu cũng cho rằng, nhiều lô hàng từ khi ký hợp đồng tới khi hàng về cảng rất ngắn ngày. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải lưu bãi để chờ đủ thời hạn ký quỹ mới được thông quan. Bên cạnh đó, giấy thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu thực tế cũng mất 5 ngày làm việc từ khi nhận đủ hồ sơ. Điều này cũng dẫn tới phát sinh chi phí lưu tàu, container tại cảng đối với doanh nghiệp.

Theo khảo sát mới đây của VCCI, doanh nghiệp làm thủ tục hải quan vẫn mất chi phí ngoài quy định quá nhiều vì còn quá nhiều khâu doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với phía hải quan.

Cần hệ thống phân nhánh văn bản

Bên cạnh vấn đề liên quan tới thủ tục nhập khẩu phế liệu, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên 22.000 doanh nghiệp mới đây cũng cho thấy, doanh nghiệp phản hồi, phải tự bồi dưỡng cho công chức cán bộ Hải quan.

“Trong thực tế, doanh nghiệp vẫn e sợ thủ tục hải quan do công chức cán bộ Hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó mà làm chậm hồ sơ của mình hoặc hay bắt lỗi nhỏ nhặt của doanh nghiệp để làm khó, nên doanh nghiệp phải tự mình bồi dưỡng cho công chức cán bộ Hải quan ở hầu hết các khâu khi làm thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Chi phí ngoài quy định quá nhiều vì còn quá nhiều khâu doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với phía hải quan” - VCCI cho biết.

Thông tin chính sách, pháp luật Hải quan có nhiều thay đổi nhưng chưa phổ biến rộng rãi, doanh nghiệp nhiều lúc chưa tiếp cận được, dẫn đến bị động. Thậm chí bị chậm tiến độ ra tờ khai do chưa cập nhật kịp sự thay đổi về thủ tục, chính sách mới. Trong một số trường hợp, sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan chưa đồng bộ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, doanh nghiệp cho biết gặp rất nhiều khó khăn với các “giấy phép con” liên quan. Đơn cử như qua cửa Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cũng phải mất rất nhiều thủ tục.

Doanh nghiệp kiến nghị ngành Hải quan phối hợp với các cơ quan liên quan cắt giảm bớt các loại “giấy phép con”. Đồng thời, có một hệ thống phân nhánh văn bản cụ thể rõ ràng để phân biệt tách lọc và chọn lựa các quy định của các cơ quan chuyên ngành một cách nhanh dễ dàng và chính xác nhất.(DDDN)
-------------------------

Hàng loạt công ty xi măng kinh doanh bết bát, mất gần hết vốn

Bộ Tài chính mới đây đã có công văn gửi Bộ Xây dựng về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đã hé lộ hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính khá bết bát của một số công ty con thuộc Vicem.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng có doanh thu 1.807 tỷ đồng trong năm 2016, lợi nhuận 74 tỷ đồng. Công ty đã giảm bớt áp lực về nguồn và dòng tiền trả nợ vay, bù đắp một phần lỗ luỹ kế. 

Tuy nhiên, đến thời điểm 31/12/2016, công ty này vẫn còn số lỗ luỹ kế tới 285 tỷ đồng, vẫn phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn cho thấy công ty vẫn mất cân đối về tài chính, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn thấp (0,64), vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.021 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 638 tỷ đồng do không bảo toàn được vốn.

Hay như tại Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, năm 2016 doanh thu đạt 1,532 tỷ đồng và có lãi 36,57 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2016, vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.132 tỷ đồng nhưng do có số lỗ luỹ kế quá lớn (1.120 tỷ đồng) nên vốn chủ sở hữu chỉ còn 68,86 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 28 lần, hệ số thanh toán ngắn hạn 0,55.

Vicem Tam Điệp rơi vào tình trạng gần mất hết vốn, mất an toàn tài chính nghiêm trọng và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ, hoạt động công ty hoàn toàn phụ thuộc vào các khoản vốn vay, chiếm dụng và hỗ trợ từ công ty mẹ - Vicem.

Đối với các công ty con là công ty cổ phần cũng trong tình trạng không mấy khả dĩ.

Tại Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên 1, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn và hệ số khả năng tức thời thấp cho thấy công ty sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối tài chính.

Tại Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ tháng 3/2016, sau khi Vicem tiếp nhận vốn tại công ty này, Vicem đã hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu sản xuất, tiêu thụ, tài chính, tổ chứ, hệ thống quản trị kinh doanh. 

Đến nay, một số chỉ tiêu đã cải thiện, công ty đã có lãi nhưng lỗ luỹ kế đến cuối năm 2016 vẫn lớn, ở mức 2.523 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.541 tỷ đồng, nợ phải trả là 7.638 tỷ đồng cho thấy công ty bị mất cân đối và an toàn tài chính nghiêm trọng, việc cân đối dòng tiền để trả nợ trong những năm tiếp theo sẽ gặp khó khăn.

Tại một số công ty xi măng khác như Bút Sơn, Hoàng Mai, Bỉm Sơn cũng trong tình trạng phải sử dụng vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn cho thấy chưa hoàn toàn cân đối về tài chính, khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối tài chính.

Đối với một số công ty liên doanh, liên kết vẫn còn công ty có số lỗ luỹ kế lớn. Trong đó, công ty cổ phần Sông Đà 12 lỗ luỹ kế đến thời điểm 31/12/2016 là 63 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá hiệu quả đầu tư của công ty mẹ còn thấp. Đến cuối năm 2016, công ty mẹ cho các công ty con vay 1.260 tỷ đồng, trong đó Công ty xi măng Tam Điệp vay 776 tỷ đồng, Công ty xi măng Bút Sơn vay 246 tỷ đồng, Hải Phòng vay 200 tỷ đồng.

“Do Vicem Hải Phòng và Tam Điệp có số lỗ luỹ kế lớn, tình hình tài chính khó khăn nên các khoản công ty mẹ cho các công ty này vay khó có khả năng thu hồi hoặc thu hồi chậm”, Bộ Tài chính nhấn mạnh trong công văn, đồng thời đề nghị Vicem có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay để không làm thất thoát, bị chiếm dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng: Kiểm tra, rà soát việc cho vay của công ty mẹ và chỉ đạo Vicem có biện pháp thu hồi nợ, đốc thúc doanh nghiệp xây dựng phương án đảm bảo nguồn tiền trả nợ các khoản vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ, ADB...

Trước đó, vào đầu năm 2017, kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng cũng cho biết, Vicem và 20 công ty trực thuộc vướng nhiều sai phạm, thua lỗ nghìn tỷ đồng trong quá trình kinh doanh, đầu tư. Ngoài ra, việc chi trả thù lao cho ban lãnh đạo tại nhiều công ty con của Vicem cũng không phù hợp quy định. Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm tra, làm rõ và báo cáo về vấn đề này. (Bizlive)
---------------------

Fed cân nhắc phát hành tiền ảo riêng

Giữa lúc giá tiền ảo liên tiếp lập kỷ lục, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nghĩ đến việc tạo ra một Bitcoin của riêng mình.

 

bang hieu truoc cong fed new york

Bảng hiệu trước cổng Fed New York

 

Theo CNBC, ông William Dudley, chủ tịch kiêm CEO Fed New York, cho biết hôm 29/11 rằng Fed đang xem xét ý tưởng tạo ra tiền ảo riêng. Fed New York làm như trên ngay cả khi ông Dudley từng nói rằng ông xem bitcoin giống hoạt động đầu cơ, không phải tài sản thích hợp để lưu trữ giá trị.

Khi ông Dudley đưa ra thông tin này cũng là lúc giá Bitcoin đạt mốc cao mới. Chỉ một ngày sau khi cán mốc 10.000 USD, Bitcoin leo tiếp đến 11.000 USD. Dudley không phải là quan chức Fed đầu tiên nhắc đến sự phổ biến ngày càng gia tăng của Bitcoin.

Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker từng nói trong buổi hội thảo hồi tháng 9 rằng ông nghi ngờ nhận định cho rằng Bitcoin có thể làm suy yếu USD, chủ yếu là vì đồng tiền ảo thiếu sự hậu thuẫn từ chính phủ.

“Tờ giấy mà bạn giữ trong túi của bạn, thứ mà chúng ta gọi là tiền, chỉ có giá trị vì chúng ta tin rằng nó có giá trị, vì chúng ta tin rằng chính phủ đứng sau nó”, ông Harker nói.

Đầu năm nay, Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari cũng bày tỏ sự hoài nghi về việc Bitcoin sẽ trở thành tiền tệ, dù ông cho biết công nghệ blockchain đứng sau nó có tiềm năng phát triển thêm. Blockchain là công nghệ ghi lại các giao dịch kỹ thuật số, chìa khóa cho việc giao dịch Bitcoin.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục