Ô tô nhập vào Việt Nam tiếp tục kêu khó vì Nghị định 116; Số lượng nhà đầu tư “tiền ảo” tăng chóng mặt; Vinamilk là thương hiệu được lựa chọn nhiều nhất tại Việt Nam 4 năm liên tiếp
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 23-05-2018
- Cập nhật : 23/05/2018
Ngành mía đường phản đối áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt
Hiệp hội mía đường vừa chính thức có văn bản phản đối đề xuất của Bộ Tài chính về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10% đối với mặt hàng nước giải khát.
Theo dự thảo sửa đổi 5 luật thuế (trong đó có luật thuế TTĐB) được Bộ Tài chính hoàn thiện và đưa ra lấy ý kiến từ cuối năm 2017, Bộ Tài chính đề xuất các mặt hàng nước giải khát có đường (trừ sữa) sẽ phải chịu thuế TTĐB 10%, đồng thời nâng thuế giá trị gia tăng (GTGT) thêm 2%, áp dụng từ năm 2019.
Lý do được Bộ Tài chính viện dẫn cho đề xuất này là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt nhằm giảm tình trạng người dân thừa cân, béo phì và mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, ngay khi được đưa ra lấy ý kiến, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của các hiệp hội, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Mới đây nhất, Hiệp hội mía đường đã lên tiếng, cho rằng cần xem xét lại đề xuất này một cách thấu đáo và toàn diện.
Theo Hiệp hội mía đường, áp thuế TTĐB đối với nước ngọt không phải là một thực tiễn phổ biến trên thế giới và trong khu vực. Số lượng các quốc gia áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống nói chung bao gồm đồ uống có đường và không có đường, chiếm khoảng 25% trong số các quốc gia trên thế giới.
Ngoài ra, tác động của việc áp dụng chính sách thuế TTĐB trong việc cải thiện về sức khỏe cho người tiêu dùng, cụ thể là giảm t lệ béo phì hay tiểu đường chưa được khẳng định ở bất kỳ quốc gia nào.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia áp dụng thuế TTĐB ở khu vực châu Á Thái Bình Dương vẫn có tỉ lệ béo phì tăng liên tục trong những năm qua. Các chuyên gia về thuế hay về sức khỏe cũng không bảo đảm được rằng việc tăng thuế đối với nước ngọt sẽ làm giảm tỉ lệ người béo phì hay tiểu đường, vì có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến các bệnh này. Ngoài ra, việc tăng thuế chưa chắc đã dẫn đến giảm tiêu thụ nước ngọt ở khu vực thành thị, nơi tập trung nhiều người có thu nhập cao hoặc trung bình và có khả năng chi trả cho các sản phẩm phổ thông như nước ngọt dù giá có tăng lên.
Chính vì những lý do đó, Hiệp hội mía đường đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc áp thuế TTĐB, tăng thuế GTGT đối với đồ uống có đường. Đồng thời, cần có khảo sát đánh giá toàn diện, đầy đủ, thấu đáo tác động của chính sách này đối với ngành mía đường trong nước và ngành sản xuất nước giải khát và người tiêu dùng cũng như kinh tế - xã hội.
Song song đó, cần kiểm soát chặt và không cho dùng sản phẩm đường lỏng HFCS là nguyên liệu sản xuất đồ uống để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là kiểm soát bệnh tiểu đường và béo phì.
Cũng phản đối đề xuất tăng thuế TTĐB đối với nước ngọt có đường lên 10%, trước đó, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát cho biết nếu áp thuế TTĐB 10% với nước ngọt, cộng thêm thuế GTGT tăng từ 10% lên 12%, thuế GTGT với đường tăng từ 5% lên 6% thì giá thành của nước ngọt sẽ tăng lên ít nhất là 12%. Doanh nghiệp ngành hàng này sẽ khó cạnh tranh và nguy cơ phải giảm quy mô sản xuất. (NLĐ)
--------------------------
Quảng Ninh không chấp thuận dự án xây nhà máy hóa chất gần vịnh Hạ Long
Ngày 22/5, Ban Quản lý Khu kinh tế (Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh) đã chính thức có văn bản công bố không chấp thuận chủ trương thu hút Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy sản xuất xút 20.000 tấn/năm và các sản phẩm khác (chất trợ lắng PAC và chất tẩy rửa javen) tại Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long theo hồ sơ đề nghị của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh thương mại Tân Tiến.
Theo văn bản được công bố, trường hợp Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh thương mại Tân Tiến (có trụ sở ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) có nhu cầu tiếp tục đầu tư dự án nêu trên tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ hướng dẫn thủ tục đầu tư dự án tại địa điểm khác.
Như TTXVN đưa tin, dự án sản xuất hóa chất độc hại kể trên đã gây tâm lý quan ngại cho người dân Hạ Long bởi vị trí của dự án này nằm ngay gần sông Cửa Lục, con sông đổ thẳng ra Di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Trước đó, năm 2015, Công ty Tân Tiến lập hồ sơ đề xuất mở rộng Dự án xưởng sản xuất hóa chất và chế biến bột than tại lô đất M1-2 (đang hoạt động tại Khu công nghiệp Việt Hưng từ năm 2013) với phần mở rộng là xây dựng Nhà máy sản xuất xút 20 ngàn tấn/năm và các thương phẩm khác tại vị trí lô đất M3 Khu Công nghiệp Việt Hưng (rộng 3ha).
Ngày 4/5/2016, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần hai; trong đó, quy mô dự án được điều chỉnh thành: Phèn lọc nước 982 tấn/năm, xút 20 ngàn tấn/năm; axit clohydric (HCL) 30% công suất 44,9 ngàn tấn/năm; Clo lỏng 2,4 ngàn tấn/năm và javen 3,6 ngàn tấn/năm.
Ngày 20/3/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, trong đó có khuyến cáo ảnh hưởng trong trường hợp có sự cố rò rỉ hóa chất Clo ra môi trường.
Trên cơ sở khảo sát thực tế một số dự án sản xuất hóa chất, Ban Quản lý Khu kinh tế đã làm việc với Công ty Tân Tiến để trao đổi về những nguy cơ ô nhiễm môi trường của dự án. Sau buổi làm việc, hai bên đã ký biên bản về việc xin thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần hai đã cấp trước đó để xin cấp lại dự án mới.
Sau đó, Công ty Tân Tiến lập hồ sơ đăng ký đầu tư với dự án mới: Nhà máy sản xuất xút 20 ngàn tấn/năm và các sản phẩm xử lý nước với mục tiêu: Chế biến xút 20 ngàn tấn/năm, chất trợ lắng PAC dạng bột 20 ngàn tấn/năm và javen 3,6 ngàn tấn/năm (không sản xuất clo lỏng và axit clohydric thương phẩm).
Sau khi nhận được hồ sơ, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã chủ động chủ trì cuộc họp làm việc với nhà đầu tư, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh để xem xét, đánh giá các nội dung đề xuất của dự án trên cơ sở không xung đột lợi ích với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác của cộng đồng dân cư khu vực xung quanh dự án, đảm bảo tuân thủ định hướng phát triển của Quảng Ninh là tăng trưởng bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, Dự án trên đã vấp phải sự phản đối của giới kinh doanh du lịch cũng như các chuyên gia về công tác quy hoạch, xây dựng, môi trường bởi lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố về môi trường sẽ ảnh hưởng xấu trực tiếp đến vịnh Hạ Long và gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch, dịch vụ của Quảng Ninh.
Ông Trần Đông A, từng là chuyên viên cao cấp về công tác quy hoạch, xây dựng và môi trường của tỉnh Quảng Ninh, hiện trú ở Tổ 5, khu 5, phường Hồng Hải (thành phố Hạ Long) nhận định: Việc từ chối dự án trên của cơ quan quản lý nhà nước là đúng đắn, phù hợp với chủ trương phát bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.(TTXVN)
-----------------------------
Vinashin không lối ra, mỗi năm vẫn lỗ 5.000 - 7.000 tỉ đồng
Theo đại biểu QH Nguyễn Phi Thường, năm 2010, Chính phủ có đề án tái cơ cấu Vinashin và thực hiện từ năm 2012-2013 nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn thua lỗ 5.000 tỉ-7.000 tỉ đồng, không có lối ra.
Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam Vinashin (nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ - SBIC) hiện vẫn đang thua lỗ trầm trọng sau hơn 5 năm thực hiện tái cơ cấu - Ảnh minh hoạ
Thảo luận tổ Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2017, những tháng đầu năm 2018 và quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 diễn ra sáng nay ngày 22-5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nêu tình trạng đáng quan ngại về tình hình quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay.
ĐB Nguyễn Phi Thường cho biết QH vừa kết thúc đợt giám sát về vấn đề này tại các doanh nghiệp Nhà nước, sẽ gửi báo cáo giám sát đến các ĐBQH trong thời gian tới. Kết quả giám sát cho thấy vẫn còn nguyên đó những vấn đề phải giám sát từ QH khoá XII đến nay, trong đó những tồn tại hạn chế, thậm chí cả những doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, nợ xấu rất nóng của thời kỳ từ QH khoá XII.
Cụ thể, như Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin - nay đổi tên thành Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ - SBIC). Mặc dù đã có đề án tái cơ cấu được thông qua từ năm 2012-2013, trong đó đề ra tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng đến nay tình hình càng trầm trọng hơn. Mỗi năm doanh nghiệp này vẫn lỗ thêm 5.000 tỉ đồng-7.000 tỉ đồng và quan trọng là không có hướng ra, tái cơ cấu không bám sát đề án. Rõ ràng khâu thực hiện có vấn đề và là căn bệnh mãn tính, nếu không điều chỉnh sẽ rất khó để doanh nghiệp phát triển.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường nêu tình trạng đáng quan ngại về tình hình quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay
Góp ý vào lĩnh vực y tế, ĐB Nguyễn Phước Lộc nêu thực trạng còn nhiều bức xúc về chuyện thu phí, giá dịch vụ y tế; giải ngân đầu tư cho y tế còn thấp (chỉ 2,4%); hoạt động sản xuất mua bán dược phẩm không được quản lý chặt chẽ như vụ Vinaca sản xuất thuốc trị ung thư từ bột than tre; còn xảy ra nhiều vụ tấn công cán bộ y tế gây bức xúc…
Ông Lộc lưu ý đây là những vấn đề đang diễn biến phức tạp và cần đặc biệt quan tâm. "Nhìn thì tưởng đơn giản nhưng tấn công cán bộ y tế, là người đang điều trị cho bệnh nhân, có nghĩa là đã tước đi quyền được điều trị của các bệnh nhân kế tiếp. Việc này như chúng ta đang tấn công phi công và lái xe đang làm nhiệm vụ. Nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề này, để sự việc ngày càng phức tạp, sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị giữa các bác sĩ và bệnh nhân"- ông Lộc góp ý.
Cũng nêu ý kiến trong lĩnh vực y tế, ĐB Phạm Khánh Phong Lan mong muốn vụ Vinaca cần được xử lý nghiêm để có tính răn đe đối với những trường hợp khác. "Sức khỏe, tính mạng của người dân đang bị đe dọa bởi những con người vụ lợi và mất đạo đức này"- bà Lan bức xúc.
Đồng tình với ĐB Nguyễn Phước Lộc, ĐB Lan cho rằng hầu như chưa có giải pháp trong vấn đề bảo vệ bác sĩ tránh khỏi các vụ tấn công. "Từ những vụ việc vừa qua, phải tạo ra được hành lang pháp lý, một cơ chế bảo vệ nhân viên y tế. Hiện giờ, nhân viên y tế rất thiệt thòi"- bà Lan nói.
Dẫn vụ toà xử bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ tai biến y khoa ở BVĐK Hòa Bình, bà Lan bày tỏ: "Ngành y tế rất hoang mang. Việc xử phải đúng người đúng tội. Sao lại đổ hết tội cho một bác sĩ trực tiếp lo cứu chữa cho bệnh nhân trong khi bác sĩ đó làm sao biết được chất lượng nước, máy móc như thế nào".
Chỉ rõ thực trạng thiếu hệ thống pháp lý bảo vệ các bác sĩ, bà Lan cho rằng "quan trọng nhất với ngành y là con người" và "bác sĩ khi sơ sẩy mà không có sự bảo vệ của pháp luật là không được". "Sao không có đề xuất chính thức về đãi ngộ cho ngành y tế? Kêu gọi bác sĩ thể hiện y đức nhưng cần môi trường để thể hiện y đức; họ cần nuôi sống gia đình"- bà Lan thẳng thắn.(NLĐ)
-----------------------
Sản lượng cà phê của Brazil sẽ đạt mức cao kỷ lục niên vụ 2018-2019
Sản lượng thu hoạch cà phê của Brazil trong niên vụ 2018-2019 (bắt đầu từ đầu tháng 7/2018) dự kiến sẽ tăng lên mức cao kỷ lục 60,2 triệu bao loại 60 kg/bao, tăng 18% so với niên vụ trước, trong bối cảnh nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới sẽ đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay.
Sản lượng thu hoạch cà phê của Brazil trong niên vụ 2018-2019 dự kiến sẽ tăng lên mức cao kỷ lục. Ảnh: brazilmonitor.com
Theo một nguồn tin từ New York, điều kiện thời tiết tốt hỗ trợ các khu vực trồng cây ra hoa trái, nhất là vùng trồng cà phê robusta. Thêm vào đó, phần lớn các cây cà phê arabica đang trong chu kỳ phát triển hai năm một lần, góp phần nâng cao sản lượng thu hoạch.
Năng suất thu hoạch cà phê của Brazil trong niên vụ 2018-19 dự kiến đạt mức kỷ lục 29,2 bao/ha, tăng so với mức tương ứng 25,2 bao/ha trong niên vụ hiện thời.
Sản lượng cà phê robusta của nước này dự báo đạt 15,7 triệu bao, tăng so với mức 12,4 triệu bao của niên vụ 2017-18. Trong khi sản lượng cà phê arabica ước tăng từ 35,3 triệu bao trong niên vụ hiện nay lên 44,5 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê của Brazil trong niên vụ tới dự kiến đạt 35,3 triệu bao, tăng 16% so với niên vụ trước đó. (TTXVN)