Từ 5/12, sổ đỏ sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình; Kiểm tra thép xuất sang Mỹ nghi gian lận xuất xứ Trung Quốc; Giám đốc quỹ tín dụng Đồng Nai đã trốn ra nước ngoài; Hà Nội chi bao nhiêu tiền lát đá 930 tuyến vỉa hè?
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-05-2018
- Cập nhật : 22/05/2018
Bộ Tài chính đã tính thiếu nợ nước ngoài của Chính phủ
Theo Kiểm toán Nhà nước, nợ công đến ngày 31/12/2016 của Việt Nam là 2.868.881 tỷ đồng, tăng 5.012 tỷ đồng so với số báo cáo của Chính phủ (bằng 63,71% GDP). Trong đó, nợ Chính phủ là 2.373.175 tỷ đồng (52,71% GDP); nợ được Chính phủ bảo lãnh 461.635 tỷ đồng (10,25% GDP) và nợ chính quyền địa phương 34.071 tỷ đồng (0,76% GDP).
Bộ Tài chính tính thiếu nợ, Bộ KHĐT chưa cập nhật đủ thông tin
Báo cáo cho biết nợ nước ngoài Chính phủ tăng 4.966 tỷ đồng, do một số dự án chưa kịp thời ghi nhận rút vốn. Phần nợ được Chính phủ bảo lãnh vay nước ngoài tăng 18 tỷ đồng, do hạch toán trả nợ quá hạn của dự án Xi măng Hạ Long không đúng niên độ (trả năm 2017).
Ngoài ra, nợ chính quyền địa phương tăng 28 tỷ đồng, do tỉnh Vĩnh Long báo cáo thiếu khoản vay của Công ty TNHH De Heus.
Kiểm toán Nhà nước đánh giá chỉ số nợ công đến cuối năm 2016 vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội (65% GDP). Tuy nhiên, nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2015, gần chạm ngưỡng cho phép.
Hệ số thanh toán trả nợ của Việt Nam là khá cao (tính cả đảo nợ là 20,6% tổng thu ngân sách) và đang có xu hướng tăng lên, gây áp lực bố trí nguồn trả nợ của ngân sách Nhà nước. Lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên càng làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
Qua kiểm toán cho thấy Bộ Tài chính tổng hợp thiếu nợ nước ngoài của Chính phủ. Bộ này chưa rà soát, đối chiếu thường xuyên nợ chính quyền địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng chưa cập nhật đầy đủ thông tin dự án theo kế hoạch thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của nhà tài trợ giai đoạn 2016-2020.
Đến 31/12/2016, chỉ có 30/1.043 dự án ODA cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử về giám sát và đánh giá đầu tư công của Bộ KH&ĐT. Đến 23/12/2017, có 1.060 dự án ODA cập nhật trên hệ thống, nhưng hầu hết chưa được cập nhật đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định, mới có 94/123 bộ, ngành cập nhật thông tin năm 2016 trên hệ thống giám sát.
Địa phương có tiền vẫn phát hành trái phiếu
Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước cho rằng nhiều dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, hoặc ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ nước ngoài.
Đến 31/12/2016, có 60 dự án vay lại chuyển nợ quá hạn (gốc, lãi, phí) 10.556 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ cho vay lại. Trong đó, các dự án Vinashin chiếm 8.180 tỷ đồng; 9 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ quỹ tích lũy trả nợ với dư nợ 4.618 tỷ đồng (đã được khoanh nợ). Đó là dự án Nhà máy xi măng Sông Thao; Nhà máy xi măng Hạ Long; Nhà máy giấy Phương Nam; Nhà máy xi măng Thái Nguyên; Nhà máy thủy điện Xekaman 3; Nhà máy xi măng Đồng Bành; Nhà máy mía đường Sông Con; Xi măng Tam Điệp và Giấy Việt Trì.
Ngoài ra, khoản ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ của VEC để thanh toán trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh 2.477 tỷ đồng chưa được VEC ký nhận nợ với Bộ Tài chính.
Rất nhiều địa phương chưa xây dựng hạn mức vay và không lập kế hoạch vay và trả nợ vay. Bao gồm Cần Thơ, Hải Phòng, tỉnh Thái Bình, Điện Biên, Bình Thuận, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Sóc Trăng, Hưng Yên, Cà Mau, Quảng Ninh, Gia Lai, Quảng Ngãi, Bắc Giang
Việc bố trí vốn cho các công trình cũng không có trong danh mục đăng ký. 11/47 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ đến 31/12/2016 vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Điển hình là một loạt tỉnh như Hà Nam vượt 42%, Đồng Tháp vượt 35,2%, Bình Thuận vượt 28%, Nam Định vượt 25,2%, Phú Yên vượt 20%, Bắc Giang vượt 19%, Lạng Sơn vượt 18,5%, Thái Bình 16,6%, Điện Biên 13,9%, Đắk Lắk 4,4%, Hậu Giang 3,7%.
Cá biệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngân sách địa phương năm 2016 vẫn đảm bảo đủ cho nhu cầu chi đầu tư xây dựng cơ bản nhưng vẫn xây dựng đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, và đã huy động được 500 tỷ đồng. Việc này được đánh giá là không phù hợp, gây lãng phí vốn do hàng năm ngân sách vẫn phải trả một khoản lãi 33,8 tỷ đồng.(Zing)
---------------------
Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro có Tổng Giám đốc mới
Ngày 21/5, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã công bố quyết định của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc bổ nhiệm nhân sự Tổng giám đốc và Chánh kinh tế.
Theo Quyết định số 864/QĐ-DKVN của Hội đồng Thành viên PVN về việc điều động và bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, từ ngày 18/5/2018, ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Phó Tổng giám đốc PVN giữ chức vụ Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro thay cho ông Từ Thành Nghĩa thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc Vietsovpetro để nhận nhiệm vụ tại Văn phòng đại diện PVN ở phía Nam.
Đồng thời Đảng ủy PVN cũng công bố quyết định chỉ định đồng chí Nguyễn Quỳnh Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn, Tổng giám đốc Vietsovpetro tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy và giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Tập đoàn đã trao Quyết định số 865/QĐ-DKVN bổ nhiệm chức vụ Chánh Kinh tế Vietsovpetro đối với đồng chí Trần Công Tín - Trưởng phòng Thương mại Vietsovpetro.
PVN cũng có quyết định chấp thuận cho đồng chí Võ Quang Huy thôi giữ chức Chánh kế toán Vietsovpetro theo nguyện vọng cá nhân. Đồng chí Huy cũng được chuyển đến nhận nhiệm vụ tại Văn phòng đại diện PVN ở phía Nam.
Ông Nguyễn Quỳnh Lâm sinh ngày 30/3/1966. Ông Lâm là Tiến sỹ Địa chất dầu khí.
Ông Lâm bắt đầu làm việc tại PVN vào tháng 7/1993 và đã đảm nhận các chức vụ chính như: Trưởng phòng Công Nghệ Mỏ (Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí); Tổng giám đốc Công ty Điều hành chung Trường Sơn; Phó Trưởng Ban Tìm kiếm thăm dò (Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam); Giám đốc Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí PVEP; Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí; Trưởng Ban Khai thác Dầu khí PVN; Tổng giám đốc Chi nhánh Tập đoàn - Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông; Tổng giám đốc Chi nhánh Tập đoàn - Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc; Phó Tổng giám đốc PVN.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN và ông Maksimov D. N. - Phó Tổng giám đốc Công ty AO Zarubezhneft đã bày tỏ mong muốn tân Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm và Chánh Kinh tế Trần Công Tín nỗ lực cùng cán bộ công nhân viên đưa Vietsovpetro vượt qua thách thức, hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, xứng đáng với truyền thống đơn vị 2 lần Anh hùng, cánh chim đầu đàn của ngành Dầu khí Việt Nam.(TTXVN)
----------------------
Đề xuất đầu tư xây dựng 99 km cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Ngày 21/5, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đơn vị này vừa trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 theo hình thức PPP (hợp tác công tư).
Theo đó, tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với điểm đầu trên Quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh (Bình Thuận), điểm cuối kết nối với tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; trong đó, chiều dài đoạn cao tốc là 99 km, đoạn tuyến nối từ cao tốc đến Quốc lộ 1 là 2,6 km,
Tuyến được quy hoạch quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h. Giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng cao tốc 4 làn xe, bề rộng từ 25 – 27 m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 18.139 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng là 11.012 tỷ đồng.
Để hoàn vốn, nhà đầu tư được thu giá (thu phí) với mức giá 1.500 đồng/km/PCU (xe tiêu chuẩn) với lộ trình tăng giá là 12%/3 năm trong thời gian 17 năm 1 tháng.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Lâm, nếu được Bộ Giao thông Vận tải thông qua, dự án sẽ bắt đầu lựa chọn nhà đầu tư từ quý II/2019; khởi công xây dựng vào cuối năm 2019 và hoàn thành sau 36 tháng xây dựng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cùng với đoạn Hà Nội - Vinh nằm trong dự án đường cao tốc Bắc-Nam là những đoạn quan trọng, có tốc độ phát triển kinh tế năng động bậc nhất cả nước nên cần đầu tư trước để kết nối giao thông, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội.(TTXVN)
----------------------
Vì sao Warren Buffett không tin các nhà kinh tế?
Huyền thoại đầu tư Warren Buffett cho rằng các nhà kinh tế không giúp tăng thêm giá trị cho giới đầu tư. Đâu là lý do khiến ông nghĩ như trên?
Trong một video phỏng vấn năm 2016 thuộc kho lưu trữ Warren Buffett Archive của Warren Buffett, nhà đầu tư tỉ phú giải thích lý do vì sao ông không tin cậy vào dự báo về thị trường tài chính của các nhà kinh tế.
“Thẳng thắn mà nói, tôi không chú ý đến những gì các nhà kinh tế nói. Vâng, hãy nghĩ về điều này. Bạn có những nhà kinh tế với chỉ số thông minh 160, dành cả đời để nghiên cứu kinh tế, nhưng liệu bạn có thể kể tên một nhà kinh tế cực kỳ giàu có, kiếm tiền từ chứng khoán hay không? Không”, ông Buffett nói.
Nhà sáng lập hãng đầu tư Berkshire Hathaway dẫn ví dụ của nhà kinh tế John Maynard Keynes, người từng đi qua nhiều thời đoạn thua lỗ nặng vì giao dịch tiền tệ trong thập niên 1920, 1930, vấp ngã khi đầu cơ cổ phiếu.
Ông Buffett cho hay ông Keynes sử dụng các dự báo cao cấp về kinh tế, chẳng hạn như dự báo chu kỳ tín dụng. Song khi Keynes chuyển sang triết lý giá trị, tập trung vào việc sở hữu vài cổ phiếu của các hãng hoạt động tốt trong dài hạn, hiệu suất đầu tư của ông cải thiện.
Ông Buffett nói: “Nếu bạn nhìn vào lịch sử các nhà kinh tế, họ không kiếm nhiều tiền nhờ mua và bán cổ phiếu, nhưng những người mua và bán cổ phiếu nghe họ. Tôi có một chút không hiểu thực tế này”.(NDH)