Trung Quốc vẫn ăn gạo Việt nhiều nhất
Lộ trình xóa thuế nhập và xuất khẩu
Thông quan tự động vẫn còn gặp khó
Thái Lan 'chuộng' cá tra Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp Việt bị kiện chống bán phá giá
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-11-2015
- Cập nhật : 06/11/2015
Các nước công bố toàn văn TPP
Sau một tháng kể từ khi tuyên bố kết thúc đàm phán, chiều 5-11 văn kiện của hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cuối cùng cũng đã được chính thức công bố.
Lãnh đạo 12 nước tại buổi họp báo sau khi kết thúc đàm phán TPP tại thành phố Atlanta - Mỹ. Ảnh: AFP
New Zealand, nước mà các thành viên TPP nộp lưu chiểu văn bản hiệp định, là nước đầu tiên công bố nội dung toàn văn hiệp định TPP, các nước thành viên TPP sẽ đồng loạt đăng nội dung này lên trang web của mỗi nước.
Các văn bản sẽ tiếp tục được xem xét pháp lý, và sẽ được dịch sang phiên bản tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha trước khi chính thức chữ ký.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, dự kiến 3g30 ngày 5-11, Bộ Công thương VN cũng sẽ công bố nội dung văn kiện TPP.
Văn kiện gồm 30 chương tương ứng với 30 nội dung mà hiệp định đã đàm phán xuyên suốt trước đó.
Trong đó khẳng định việc thành lập một hiệp định khu vực toàn diện như TPP là nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế, tự do hóa thương mại và đầu tư, đem lại tốc độ tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội, tạo cơ hội cho người lao động và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức sống, lợi ích người tiêu dùng, giảm đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Xuất khẩu cà phê rang xay tăng mạnh
Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến xuất khẩu cà phê chế biến (rang xay, hòa tan).
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2012 xuất khẩu cà phê chế biến đạt gần 52.000 tấn đã tăng lên 54.000 tấn vào 2014, chiếm 3,2% tổng lượng xuất khẩu, giá trị đạt gần 274 triệu USD, chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu cà phê chế biến gần 52.000 tấn với kim ngạch 226 triệu USD. Dự kiến cả năm, lượng xuất khẩu cà phê chế biến có thể tăng 25% so với 2014, đạt mức xuất khẩu 68.000 tấn, trị giá trên 300 triệu USD.
Trong khi cà phê chế biến tăng mạnh thì ở chiều ngược lại cà phê nhân xuất khẩu ngày một giảm. Năm 2012, mặt hàng xuất khẩu này đạt gần 1,7 triệu tấn, nhưng sang năm 2013 chỉ xuất được trên 1,2 triệu tấn và tăng lên 1,6 triệu tấn trong năm 2014. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê nhân chỉ đạt 900.000 tấn.
Theo Vicofa, có hai nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cà phê nhân giảm. Thứ nhất là do thời tiết thay đổi nên cà phê mất mùa khiến sản lượng giảm khoảng 20%. Thứ hai là nhiều hãng cà phê ngoại đưa các nhà máy chế biến đi vào hoạt động, cùng với nhiều cơ sở rang xay nhỏ phát triển khiến cà phê chế biến gia tăng. Vifoca nhận định, cà phê nhân xuất khẩu sẽ giảm dần để nhường chỗ cho cà phê rang xay và hòa tan đang tăng trưởng nhanh.
Cổ phiếu Facebook lập kỷ lục
Facebook đạt doanh thu 4,5 tỷ USD quý trước, cao hơn so với 4,37 tỷ USD dự đoán bởi các nhà phân tích tham gia khảo sát của Bloomberg. Lợi nhuận ròng là 896 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.Mỗi ngày, có 1,01 tỷ người truy cập Facebook. Số người dùng hàng tháng cũng tăng 14% lên 1,55 tỷ. Số người dùng các dịch vụ khác của hãng như Instagram, Messenger và WhatsApp cũng tăng lên, đạt lần lượt 400 triệu, 700 triệu và 900 triệu.
Facebook đã rất tích cực quảng cáo để tận dụng những con số khổng lồ này. Quý trước là lần đầu tiên hãng đưa quảng cáo vào dịch vụ chia sẻ ảnh Instagram, đồng thời tăng số quảng cáo video. Những con số này đã có tác dụng, kéo doanh thu của Facebook trên mỗi người dùng lên 2,97 USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng cộng, nguồn thu từ mảng quảng cáo đã tăng 45,4% lên 4,3 tỷ USD. Riêng mảng di động đóng góp 78% số này, cao hơn so với 66% cùng kỳ năm ngoái.
Những tin tức trên đã giúp cổ phiếu Facebook tăng 5,2% trong phiên giao dịch thỏa thuận, lên đỉnh 109,34 USD. Từ đầu năm, mã này đã tăng 33%.
Facebook hiện có 12.000 nhân viên, sau khi tuyển mới 1.000 người quý trước. Sheryl Sandberg - Giám đốc Tác nghiệp (CFO) đang lên kế hoạch tăng tầm ảnh hưởng của mạng xã hội này lên kỳ bầu cử tại Mỹ năm tới. Bà muốn mỗi nghị sĩ đều có một tài khoản.
Facebook cho biết họ đang nỗ lực cải thiện chất lượng lẫn giá cả quảng cáo. Họ thuyết phục các công ty rằng mình có những cách marketing toàn diện, giúp nhắm đến khách hàng tiềm năng trên tất cả thiết bị. Vì người dùng Facebook phải đăng ký bằng thông tin thật, mạng xã hội này có thể giúp các công ty quản lý và tìm khác hàng mục tiêu dễ dàng hơn. Hiện tại, đối tượng quảng cáo còn được mở rộng tới hơn 400 triệu người dùng Instagram.
Theo eMarketer, các doanh nghiệp có thể chi 17,4% cho quảng cáo di động trên Facebook năm nay. Tỷ lệ này năm ngoái với quảng cáo trên Google là 33,7%.
Phần lớn doanh thu của Facebook đến từ người dùng tại Mỹ và Canada. Trung bình, họ thu được 10,49 USD mỗi người từ hai thị trường này. Con số này tại châu Á – Thái Bình Dương chỉ là 1,39 USD.
Bên cạnh đó, dù Facebook đang bị cấm tại Trung Quốc, đây lại là một trong những thị trường quảng cáo lớn nhất của họ. Do các công ty nước này đang tìm cách quảng bá ra quốc tế. CEO Mark Zuckkerberg cũng bày tỏ hy vọng ngày nào đó sẽ gia nhập thị trường Trung Quốc. "Bạn không thể đặt mục tiêu kết nối thế giới mà bỏ qua quốc gia lớn nhất được. Đây là câu hỏi chúng tôi đang phải tìm lời đáp", anh nói.
Chè Lâm Đồng quá phụ thuộc vào Đài Loan
Là tỉnh có diện tích chè đứng đầu cả nước với 22.000 ha, sản lượng 230.000 tấn một năm, nhưng từ lâu thị trường tiêu thụ chè của Lâm Đồng chỉ tập trung chủ yếu vào Đài Loan (Trung Quốc). Từ khi các nhà nhập khẩu "đỏng đảnh’’ với việc đưa ra hàng rào kỹ thuật, khống chế hợp chất sâu bọ fipronil xuống mức 0,002( MMP), trong khi tiêu chuẩn đòi hỏi của châu Âu chỉ ở mức 0,005 (MMP) thì lập tức hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh và chế biến chè Lâm Đồng rơi vào thế bế tắc thị trường.
Thống kê của Sở Nông nghiệp Lâm Đồng cho biết, hiện toàn tỉnh đang tồn kho 4.938 tấn chè thành phẩm, trong đó chè đen là 2.590 tấn, chè xanh 1.600 tấn và chè ô long là 668 tấn. Nguyên nhân của việc tồn kho này là chè Lâm Đồng không đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng mà phía Đài Loan đưa ra.Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Lâm Đồng cho rằng, với mức fipronil 0,002 (MMP) mà Đài Loan đưa ra, cánh đồng chè dù được quản lý nông dược nghiêm ngặt cách mấy nhưng chỉ cần một nông hộ gần đó bơm một loại thuốc trừ sâu bọ khác thì hơi nước từ loại thuốc này bay vào vườn chè cũng đủ làm cho cả vườn nhiễm thuốc.
Ông A Toàn - Phó tổng thư ký Hội doanh nghiệp Đài Loan tại Lâm Đồng thì cho rằng, việc Đài Loan đưa ra hàng rào kỹ thuật thật khó để lấy lý do không mua chè từ Lâm Đồng có dấu hiệu của việc cạnh tranh không lành mạnh. Hơn 10 năm trước, lúc thị trường Đài Loan và Trung Quốc thiếu hụt nguồn chè ô long cao cấp, hàng chục doanh nghiệp Đài Loan đã tìm đến Lâm Đồng để đầu tư trồng và chế biến chè ô long xuất về lại Đài Loan.
Hiện nay, nguồn cung từ Đài Loan và Trung Quốc đã dồi dào hơn, nhưng giá chè ô long vẫn cao hơn chè Lâm Đồng nên họ phải đưa ra hàng rào kỹ thuật để bảo hộ hàng trong nước. Thậm chí, cách đây không lâu, còn có tình trạng một số trang mạng tung tin sai sự thật việc chè Lâm Đồng canh tác trên những vùng đất nhiễm dioxin khiến các doanh nghiệp sản xuất chè một phen điêu đứng.
Một chủ doanh nghiệp sản xuất chè tại Bảo Lộc cho biết, từ lâu do quá phụ thuộc vào thị trường Đài Loan, dẫn tới cả máy móc thiết bị dùng sản xuất chè cũng được nhập khẩu tới 90% từ Đài Loan. Nếu bây giờ tìm thị trường mới, theo yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa của khách hàng, các doanh nghiệp sản xuất chè sẽ buộc phải thay đổi công nghệ chế biến, mà đây là điều không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng chuyển đổi khi sản phẩm chè đang gặp bế tắc như hiện nay.
Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp cũng thừa nhận, hiện vẫn có những thị trường chấp nhận tiêu thụ chè của Lâm Đồng, nhưng chất lượng không đáp ứng được đòi hỏi của đối tác. Lâu nay các doanh nghiệp chế biến chè thường chỉ sở hữu diện tích chè rất ít, nguyên liệu chủ yếu là liên kết thu mua của nông dân. Tuy việc chuyển giao kỹ thuật và quy trình canh tác có được phổ biến, nhưng việc quản lý thực hiện chưa chặt chẽ dẫn đến chất lượng chè nguyên liệu không đồng đều.
Trong khi đó, ông Đoàn Trọng Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty chè Lâm Đồng cho biết thêm, ngành chè Lâm Đồng đang gặp khó khăn mới, cụ thể là sản phẩm chè đen lâu nay được thị trường Afganistan và Pakistan tiêu thụ với khối lượng khá lớn, nhưng thời gian gần đây bị chậm thanh toán khiến nhiều doanh nghiệp không dám tiếp tục xuất hàng.
Trước những khó khăn của ngành chè địa phương, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra giải pháp, đầu năm 2016 tỉnh Lâm Đồng sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà cụ thể là Cục Bảo vệ thực vật loại hẳn những hợp chất có chứa fipronil ra khỏi danh mục sử dụng cho cây chè. Về lâu dài, cần quy hoạch lại diện tích theo hướng liền canh, hạn chế những diện tích nhỏ lẻ nằm cách quãng dạng “da beo’’. Việc liên kết sản xuất với nông dân cũng cần phải chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo ổn định chất lượng chè nguyên liệu.
Lượng lớn bò Australia sẽ đổ về Việt Nam sau TPP
Tại Diễn đàn chính sách nông nghiệp thường niên diễn ra ngày 4/11, ông Đỗ Huy Thiệp - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết không chỉ số lượng lớn thịt bò đông lạnh nhập khẩu về Việt Nam thời gian qua, mà bò sống cũng được đưa về nước ngày càng gia tăng kể cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch.
Bò nhập khẩu được ghi nhận nhiều nhất từ thị trường Australia. Năm 2012, có khoảng 3.500 con, sau đó một năm tăng gấp đôi 70.000 con và đến 2014 đã là 170.000 con. Năm nay, dù chưa có số liệu chính thức, nhưng theo vị này, khả năng số lượng nhập sẽ không giảm so với trước đó.
Trong nhiều nguyên nhân, ông Thiệp cho rằng hiện có rất nhiều doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi cung ứng giết mổ và phân phối về tận chợ, trung tâm thương mại tại các địa phương trong cả nước nên họ sẽ nhập khẩu với số lượng lớn.
"Nhưng đây là lĩnh vực không được bảo hộ ngành hàng. Chăn nuôi trâu, bò tại Việt Nam không phải là thu nhập chính của nhiều hộ nông dân, nên thực tế này không ảnh hưởng quá lớn đến sinh kế của người nuôi. Chỉ có ngành hàng thịt bò đông lạnh sẽ chịu tổn thương nặng nhất khi Việt Nam vào TPP ", ông Thiệp nói.
Với thịt gà và lợn đông lạnh, theo đại diện Ipsard, sau khi vào TPP, sẽ có sự chuyển dịch thị trường nhập khẩu thịt gà từ Brazil sang Mỹ, và thịt lợn từ Đan Mạch, Tây Ban Nha sang Mỹ, Canada do Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế từ các nước thành viên TPP.
Đối với việc tiêu thụ các sản phẩm đông lạnh, ông Thiệp cho biết, hầu hết các sản phẩm gia súc, gia cầm nhập khẩu được đưa vào các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp... Người tiêu dùng thông thường có sử dụng nhưng số lượng không đáng kể. Do đó, đối tượng bị ảnh hưởng sau khi các sản phẩm này ồ ạt nhập về Việt Nam là các hộ nuôi trồng, sản xuất quy mô lớn.