Đánh giá lại nhu cầu thị trường BĐS ở Hà Nội, TPHCM
Phát triển vật liệu kính tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam
Kinh tế Mỹ: Chưa kịp mừng... đã lo
Anh có thể phải tăng thuế, cắt giảm chi tiêu để đối phó Brexit
CASS: Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,6% trong năm nay
Tin kinh tế đọc nhanh 29-06-2016
- Cập nhật : 29/06/2016
Hàn Quốc và Nhật Bản rót gần 90 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam
Hàn Quốc là quán quân đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với khoảng 48,5 tỷ USD, trong khi Nhật Bản đứng thứ hai đạt 39,8 tỷ USD.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm, cả nước có 1.145 dự án mới với tổng vốn đăng ký là 7,5 tỷ USD, tăng 95% so với cùng kỳ. Đồng thời có 535 dự án tăng vốn lên 3,8 tỷ USD, tăng 129% so với cùng kỳ.
Như vậy, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 11,3 tỷ USD, tăng 105% so với cùng kỳ.
Đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,99 tỷ USD, chiếm 35% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,23 tỷ USD. Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,13 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư.
Luỹ kế, Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 48,5 tỷ USD FDI vào 5.364 dự án. Trong khi Nhật Bản đầu tư khoảng 39,8 tỷ USD với 3.117 dự án. Như vậy, hai đại gia châu Á này đã rót tổng cộng khoảng 88,3 tỷ USD vào Việt Nam.
Ở thập kỷ trước, dòng vốn FDI của Nhật vào Việt Nam rất dồi dào nhưng trong 2 năm gần đây việc đầu tư bị chậm lại. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đã vươn lên và bỏ xa Nhật Bản về lượng vốn đầu tư và số dự án tại Việt Nam.
Trong nửa đầu năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 8 tỷ USD.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 25 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 605 triệu USD. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 562 triệu USD.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh thành phố, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn nhất với 39 dự án mới và bổ sung với hơn 1,7 tỷ USD. Hà Nội đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,63 tỷ USD. Tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai đều đạt trên dưới 1 tỷ USD.
Một số dự án lớn được cấp phép trong nửa đầu năm 2016 là dự án LG Display Hải Phòng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD chuyên sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng.
Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung, tổng vốn 300 triệu USD nhằm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao tại Hà Nội.
Dự án nhà máy điện gió Hàn Quốc Trà Vinh (giai đoạn 2), tổng vốn 247,6 triệu USD, chuyên sản xuất điện từ năng lượng gió cung cấp vào lưới điện quốc gia.
Ngoài ra, một số dự án khác như Midtown kinh doanh bất động sản, dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống, dự án Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương của Đài Loan đều có vốn đầu tư trên 200 triệu USD.(VNEX)
Xuất khẩu gạo giảm 5,9%
Trong 5 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu tăng nhưng khối lượng và giá trị xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 ước đạt 359 nghìn tấn với giá trị đạt 163 triệu USD.
Kết quả này đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm ước đạt 2,69 triệu tấn, trị giá 1,21 tỷ USD, giảm lần lượt 9,8% về khối lượng và 5,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 5 tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 449 USD/tấn, tăng 3,28% so với cùng kỳ năm 2015.
Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2016 với 35,5% thị phần. Trong cùng thời gian, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 803,1 triệu tấn và 371,98 triệu USD, giảm 12,76% về khối lượng và giảm 1,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai với 13,28% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 350,7 nghìn tấn và 139,14 triệu USD, tăng 44,3 lần về khối lượng và 43,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Một số thị trường khác có giá trị tăng mạnh là Gana (38,36%) và Đài Loan (24,04%). Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines (46,18%), Malaysia (49,07%), Singapore (30,43%) và Hồng Kông (9,17%).
Tăng trưởng GDP có dấu hiệu chững lại
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP sau 6 tháng ước đạt 5,52%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm ngoái.
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó quý I tăng 5,48%, còn quý II tăng 5,55%.
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012-2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015. Tốc độ tăng GDP 6 tháng các năm 2012-2014 lần lượt là 4,93%, 4,90% và 5,22%.
Trong mức tăng 5,52% của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,35%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,82%, thấp hơn nhiều mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,20%. Còn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm 2015.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, ngành sản xuất và phân phối điện và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng trưởng khá tốt với mức tăng tương ứng là 11,7% và 8,10%. Đặc biệt, ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 8,8%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây.
Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 tới nay. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 3,77%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Xét về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,94%; khu vực dịch vụ chiếm 41,01%. So với cùng kỳ năm ngoái, cơ cấu này thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản.(NCĐT)
Anh bị hạ xếp hạng tín nhiệm
Hai hãng xếp hạng tín nhiệm là Standard & Poor's và Fitch đều đã hạ mức tín nhiệm của Anh.
Ngày 27/6, hai hãng xếp hạng tín nhiệm là Standard & Poor's và Fitch đều đã hạ mức tín nhiệm của Anh, đồng thời cảnh báo các nguy cơ dẫn tới những biến động về kinh tế và chính trị sau khi đa số cử tri nước này bỏ phiếu ủng hộ rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua.
Standard & Poor's hạ 2 bậc tín nhiệm của “xứ sương mù” từ mức AAA xuống AA, đồng thời dự báo triển vọng kinh tế tiêu cực trong dài hạn đối với London.
Tuyên bố của hãng nêu rõ quyết định Brexit là sự kiện có tác động mạnh đến sự phát triển lâu dài, khiến các chính sách của Anh ít ổn định và kém hiệu quả hơn. Brexit cũng có thể làm giảm hiệu suất kinh tế của nước này, trong đó có phân khúc các dịch vụ tài chính lớn vốn góp phần chủ yếu tạo việc làm cho người lao động.
Trong khi đó, hãng Fitch cũng hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm đối với Anh từ AA+ xuống AA kèm theo dự báo triển vọng kinh tế kém khả quan. Hãng này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh năm 2017 và 2018 xuống 0,9%, từ mức 2% trước đó.
Fitch nhận định tình hình bất ổn xuất phát từ lựa chọn Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân sẽ khiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh suy giảm đột ngột trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, cả hai hãng đều đánh giá khả năng Scotland tổ chức lần hai cuộc trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh như một nguy cơ rủi ro cao đối với tương lai của nước này.
Sự biến động về chính trị hậu Brexit, trong đó có quyết định từ chức của Thủ tướng David Cameron và cuộc khủng hoảng lãnh đạo của Công đảng đối lập, cùng những chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền và việc thiếu đi đường hướng rõ ràng trong mối quan hệ thương mại của Anh với EU trong tương lai là những nguyên nhân khiến nước này phải đối diện ngày càng nhiều nguy cơ bất ổn, như suy giảm lòng tin, hoạt động đầu tư, tăng trưởng GDP và các lĩnh vực tài chính công ở Anh giảm sút...
Trước đó, trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 vừa qua, 51,9% cử tri Anh đã lựa chọn ra khỏi EU, so với tỷ lệ 48,1% cử tri bỏ phiếu ở lại EU. Kết quả này được xem là một “cú sốc” mạnh đối với các thị trường châu Âu, đồng thời khiến đồng bảng Anh sụt giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong vòng 30 năm qua. Trước tình hình này, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng đã đưa ra dự báo “tiêu cực” về triển vọng kinh tế Anh, song vẫn giữ nguyên mức xếp hạng AA1.(VN+)
Tín dụng cả nước 6 tháng tăng 6,2%
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,2%, thấp hơn mức tăng 6,28% cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến thời điểm ngày 20/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,07% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 5,09%).
Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,23%, cao hơn mức tăng 4,58% của cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,2%, thấp hơn mức tăng 6,28% cùng kỳ năm trước.
Cơ quan thống kê cũng cho hay, mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định. Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,5-5,4%/năm, trong khi kỳ hạn trên 6 tháng từ 5,4-7,2%/năm.
Hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đều có dòng tín dụng tăng trưởng cao. Cụ thể, sau 6 tháng, tín dụng tại TPHCM tăng 5,9%, trong khi tại Hà Nội, tín dụng tăng 5,1% sau 5 tháng.
Báo cáo về thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm, Tổng cục cho biết doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường quý II/2016 ước tính tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 16%, còn doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 35%. Đến nay, có khoảng 61 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trên thị trường.