tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 28-09-2017

  • Cập nhật : 28/09/2017

VAMC tính bán 8 lô đất của Tập đoàn Hoàn Cầu để thu hồi hơn 2.400 tỷ nợ xấu

Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC) đang tìm kiếm đơn vị có kinh nghiệm và năng lực để thẩm định giá trị khoản nợ xấu bao gồm cả tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu của Công ty cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hòa và công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang.

Được biết, Công ty cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hòa và Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang là thành viên của Tập đoàn Hoàn Cầu.

Khoản nợ của 2 công ty này thực chất được VAMC mua lại của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Cụ thể, Sacombank đã cho nhóm công ty Hoàn Cầu vay tiền để xây dựng dự án chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ. Tài sản thế chấp là 8 lô đất có tổng diện tích trên 51.454m2, tại phường Tân Thuận, quận 7, TP.HCM.

Tổng giá trị định giá của 8 lô đất khi cho vay là trên 2.418 tỷ đồng.

Thông tin từ VAMC cho biết, Công ty cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hòa có tổng dư nợ gốc là 1.300 tỷ đồng, tổng nợ lãi và phí trên 84 tỷ đồng. VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt trị giá 1.300 tỷ đồng.

Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang có nợ gốc là 1.100 tỷ đồng, tổng nợ lãi và phí trên 93 tỷ đồng. VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt trị giá 1.100 tỷ đồng.

Như vậy, tổng nợ gốc của 2 công ty thành viên của Tập đoàn Hoàn Cầu là 2.400 tỷ đồng, tổng lãi và phí là 177 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoàn Cầu được thành lập năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu là 193 tỷ đồng, do bà Trần Thị Hường (cố Chủ tịch NamABank) làm Chủ Tịch Hội đồng thành viên. Lĩnh vực hoạt động của Hoàn Cầu rộng khắp với các dự án bất động sản, du lịch - khách sạn, tài chính ngân hàng, giáo dục y tế, truyền thông - quảng cáo.

Năm 2015, Hoàn Cầu tăng vốn lên 1.170 tỷ đồng và mở bán các dự án nghỉ dưỡng Diamond Bay City tại Nha Trang. Đến năm 2016, Tập đoàn chính thức giới thiệu siêu dự án Diamond City tại phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP HCM.

Diamond City là khu phức hợp dịch vụ thương mại và căn hộ cao cấp có diện tích hơn 14,3 ha với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng.(Vietnamfinance)
-------------------------

Tốn thêm 2.000 tỉ dán tem, giá bia sẽ tăng cao

Việc dán tem bia sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, chưa kể các loại thuế, phí sẽ tăng...  chắc chắn khiến giá bia sẽ tăng cao.

Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo lần 3 đề án Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia,  trong đó có đề xuất dán tem đối với mặt hàng bia để chống hàng giả, tăng thu ngân sách.

Bộ Công Thương cho biết hiện có 119 cơ sở sản xuất bia có sản lượng trung bình 20-25 triệu lít/năm/cơ sở, sản lượng năm 2016 đạt 3,78 tỉ lít bia, tổng nộp ngân sách đạt 30.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, thị trường bia đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý với hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến có cả bia giả, bia lậu... Điều đó khiến ngân sách bị thất thu mỗi năm lên tới 2.000-3.000 tỉ đồng.

Do đó Bộ Công Thương cũng tính toán việc dán tem bia giúp ngân sách tăng thu hơn 2.000 tỉ đồng, giúp doanh nghiệp tiết giảm được các thay đổi mẫu mã, tem nhãn… để chống hàng lậu, hàng giả.

Theo đó, giá thành một tem bia giấy là 179 đồng, với tem được in phun trực tiếp là 145,44 đồng. Dán tem chống hàng giả có tính bảo mật cao trên từng sản phẩm bia. Khi dán tem, nguy cơ tái sử dụng nhãn bia là không thể. Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bia sẽ thanh toán nhãn bia cho nhà cung cấp, được tính là chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết cách đây ba năm Bộ Công Thương trình lên Chính phủ đề án này nhưng đã tạm dừng lại. Dự thảo lần 3 này, hiệp hội không được lấy ý kiến đóng góp.

"Thực tế cho thấy việc nâng cao quản lý nhà nước đưa ra chủ yếu vẫn là giải pháp dán tem bia. Trong khi nâng cao năng lực quản lý nhà nước có nhiều vấn đề chứ không phải dán tem" - VBA nêu quan điểm.

Mặt khác, việc thực hiện dán tem bia sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, chưa kể các loại thuế, phí sẽ tăng trong thời gian tới. Như vậy chắc chắn khiến giá bia sẽ tăng cao, thị trường tiêu thụ giảm, đóng góp cho ngân sách cũng bị ảnh hưởng…

VBA ước tính nếu thực hiện việc dán tem như đề án đưa ra, các doanh nghiệp trong hiệp hội sẽ phải dán hơn 10 tỉ con tem, tốn gần 2.000 tỉ đồng, chưa kể chi phí máy móc, bảo dưỡng… 

Tốn thêm 2.000 tỉ dán tem, giá bia sẽ tăng cao   - ảnh 1
Sabeco từng cho biết việc dán tem khiến chi phí sẽ tăng cao, doanh nghiệp này phải bỏ ra 900 tỉ đồng cho việc dán tem.

Trước việc Bộ Công Thương nhận định đề án dán tem bia giúp thu ngân sách 2.000 tỉ đồng, đại diện VBA cho rằng chưa có điều tra chính xác mà Bộ ước tính ngân sách thu về 2.000 tỉ đồng là mâu thuẫn, không thuyết phục.

“Do đó chúng tôi sẽ kiến nghị lên Chính phủ đề án này cần xem xét nó tác động đến hoạt động sản xuất, đóng góp ngân sách… như thế nào, phải cân nhắc kỹ chứ không thể đưa ra như thế” - đại diện VBA nhấn mạnh.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất bia cũng quan ngại khi các máy dán tem bia có công suất thấp, chỉ khoảng 40.000 sản phẩm/giờ trong khi các thiết bị hiện tại đang sản xuất với công suất lên tới 120.000 sản phẩm/giờ.(PLO)
------------------

Unilever mua lại Carver Korea với giá 2,7 tỷ USD

Unilever vừa công bố việc mua lại cổ phần chi phối trong công ty mỹ phẩm Carver Korea (Hàn Quốc) với giá 2,69 tỷ USD.

Mới đây, tập đoàn hàng tiêu dùng Unilever (Anh-Hà Lan) đã công bố việc thâu tóm cổ phần chi phối trong công ty mỹ phẩm Carver Korea (Hàn Quốc) với giá 2,27 tỷ euro (2,69 tỷ USD). Đây được xem là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử ngành mỹ phẩm Hàn Quốc.

Theo đó, Unilever đã mua 95,39% cổ phần trong Carver Korea, bao gồm việc mua lại 60,39% cổ phần từ 2 nhà đầu tư trước đó làGoldman Sachs và Bain Capital. Năm ngoái, Goldman và Bain đã thành lập một liên doanh năm ngoái để mua số cổ phần đó với giá 430 tỷ won (377 triệu USD).Unilever cũng mua lại 35% cổ phần từ người sáng lập của Carver là Lee Sang-rok.

Cả Unilever Hàn Quốc và Carver Korea đều đã từ chối giải thích chi tiết về thương vụ này, cũng như về cơ chế vận hành của Carver sau khi thâu tóm.

Được thành lập vào năm 1999, ban đầuCarver Korea chỉ tập trung cung cấp mỹ phẩm cho các thẩm mỹ viện tư nhân.Từ năm 2013, khi chuyển hướng sang bán sản phẩm thông qua các kênh mua sắm tại nhà (home shopping), công ty này đã có sự tăng trưởng ngoạn mục.Năm 2016, doanh thu của Carver tăng 174% lên 429,5 tỷ won (376 triệu USD), trong khi lợi nhuận hoạt động đạt 180 tỷ won (175,5 triệu USD). Các thương hiệu nổi tiếng của Carver có AHC, Shara và Vivito.

Các chuyên gia ngành mỹ phẩm cho rằng Unilever đã mua lại Carver để tận dụng vị thế hiện nay của công ty này tại thị trường Trung Quốc.

"Các sản phẩm của chúng tôi, đặc biệt là mặt nạ, rất được khách hàng Trung Quốc yêu thích", người phát ngôn của Carver Korea nói với tờ The Investor.“Chúng tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi vụ mâu thuẫn THAAD”.

Trước đó, một số công ty mỹ phẩm Hàn Quốc, có cả tập đoàn lớn Amorepacific (chủ sở hữu của Etude House, innisfree và Laneige), đã bị sụt giảm mạnh doanh thu ở Trung Quốc, do mâu thuẫn kéo dài giữa Bắc Kinh và Seoul xoay quanh việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. (NCĐT)
--------------------------

Anh có thể phải trả 10 tỷ bảng tiền lương hưu vào 'hóa đơn Brexit'

Nước Anh đang đối mặt với áp lực phải trả thêm 10 tỷ bảng vào hóa đơn Brexit - về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) để trang trải cho những khoản lương hưu tăng vọt của các nhân viên, quan chức và nghị sĩ EU do bổ sung biên chế trong giai đoạn 2000 - 2010.

Số liệu do EU công bố ngày 26/9 cho thấy chi phí lương hưu cho các công chức khối này đã tăng 5,4% trong năm ngoái lên mức 59 tỷ bảng Anh (tương đương 67 tỷ euro). Với những số liệu điều chỉnh này, mức đóng góp vào ngân sách EU mà Anh được yêu cầu phải thanh toán để rời khỏi khối đã tăng từ 226 tỷ euro lên 234 tỷ euro.

Đầu tuần này, quan chức phụ trách đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, tuyên bố sẽ không bàn bạc về thỏa thuận chuyển tiếp với nước Anh trừ khi hai bên đạt được thỏa thuận về nghĩa vụ tài chính của Anh đối với ngân sách của EU, bao gồm cả tiền lương cho các công chức về hưu.

 

anh co the phai tra 10 ty bang tien luong huu vao 'hoa don brexit'.

Anh có thể phải trả 10 tỷ bảng tiền lương hưu vào 'hóa đơn Brexit'.


Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định trong bài phát biểu tại Florence, Italy tuần trước về việc sẽ tôn trọng những “cam kết” được đưa ra trong thời gian Anh là thành viên của EU.

“Hóa đơn Brexit” là một chủ đề nhạy cảm đối với Chính phủ Anh, trong bối cảnh nhiều cử tri nước này phản đối việc Anh phải trả tiền cho EU để rời khỏi khối.

Nhiều nghị sĩ Anh cũng chỉ trích Chính phủ nước này và EU việc người dân nước này phải nộp thuế để trả những khoản tiền lương hưu lớn cho các quan chức EU ở Brussels, vốn đã có nhiều ưu đãi như nghỉ hưu sớm và miễn giảm thu nhập trong thời gian làm việc.

Lương hưu của EU vẫn được đánh giá là “hậu hĩnh”, khi các quan chức thường nghỉ hưu ở tuổi 62, với mức lương hưu trung bình khoảng 46.000 bảng mỗi năm.

Phần lớn tiền lương hưu được áp dụng đối với các quan chức EU, đặc biệt là các công chức. Tuy nhiên, các thành viên của Ủy ban châu Âu (EC), Tòa án Công lý châu Âu và các thành viên Nghị viện châu Âu cũng được hưởng lương hưu sau khi không còn làm việc.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục