tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 27-09-2017

  • Cập nhật : 27/09/2017

Thanh long Bình Thuận giá cao kỷ lục

Tuần qua, giá thanh long tại tỉnh Bình Thuận có lúc lên tới hơn 30.000 đồng một kg. 

Thanh long Bình Thuận giá cao kỷ lục

Ảnh minh họa.

Nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận hiện đang thu hoạch lứa cuối vụ và chuẩn bị chuyển sang lứa hàng đầu vụ chong đèn. Ông Lê Văn Hùng, nông dân xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận cho biết thu hoạch được 10 tấn thanh long bán với giá 20.000 đồng một kg.

“Thời điểm này năm ngoái thanh long có giá khoảng 9.000 đồng một kg, còn năm nay tăng hơn gấp đôi. Lứa này gia đình tôi thu về hơn 200 triệu đồng”, ông Hùng nói.  

Theo người trồng thanh long, với giá khoảng 15.000 đồng một kg là nông dân đã có lãi. Trong vòng nửa tháng qua, giá thu mua trái cây này tăng vùn vụt đạt mức trung bình 22.000 đồng một kg. Riêng cuối tuần qua, giá thanh long có lúc tăng lên 30.000-33.000 đồng mỗi kg do nguồn hàng thiếu, trong khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đang tăng mạnh. 

Chị Nguyễn Thị Thảo, chủ vựa thu mua tại thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam lý giải: “Giá thanh long lên xuống đều tùy thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thời điểm này bên đó chuẩn bị đón tết Trung Thu, họ tiêu thụ thanh long để cúng rằm tháng 8 mạnh lắm. Do vậy, mặt hàng thanh long rất hút, đẩy giá lên cao”.  

Bình Thuận có khoảng 27.000 ha thanh long, cho sản lượng khoảng nửa triệu tấn một năm. Hơn 80% sản lượng được xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Bên cạnh tìm kiếm thêm thị trường mới, tỉnh Bình Thuận tiếp tục củng cố thị trường truyền thống này thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện giao thương thuận lợi. (Vnexpress)
------------------------

Cảnh báo nguy cơ hải sản Việt Nam bị EU phạt thẻ đỏ

Cộng đồng doanh nghiệp (DN), lãnh đạo Bộ NN&PTNT lo ngại nguy cơ Việt Nam có khả năng cao bị Liên minh châu Âu (EU) phạt thẻ vàng về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Tình hình nghiêm trọng

Tại hội nghị “DN hải sản cam kết chống khai thác IUU” do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức chiều 25-9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cảnh báo đây là vụ việc nghiêm trọng, gây nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU. Sau đó có thể sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu sang thị trường Mỹ và nhiều thị trường khác.

Với hơn 40% sản lượng hải sản của DN xuất khẩu vào EU, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, nói bà đang “lo sốt vó”. Bởi đến ngày 30-9, tức chỉ còn bốn ngày nữa, là thời hạn cuối cùng hải sản xuất khẩu Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu theo quy định IUU.

Nếu không đáp ứng được chắc chắn sẽ bị thẻ vàng, trong khi đó các quy định như lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá cần rất nhiều thời gian, hệ thống pháp lý lại chưa sửa đổi phù hợp với cam kết quốc tế về các quy định IUU.

Khi EU giơ thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của DN qua khu vực này sẽ giảm do các khách hàng sẽ rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU, thậm chí họ sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng. Ngoài ra, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác.

Điều này sẽ khiến DN Việt mất thời gian, chi phí. Riêng phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng.

“Đáng lo ngại nhất là nếu bị thẻ vàng nguy cơ hàng bị trả về rất cao, khi đó một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu chi phí tăng thêm 5.000-10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng)/container. Nếu bị thẻ đỏ coi như hải sản Việt bị cấm xuất khẩu vào EU thì thiệt hại còn khủng khiếp hơn” - bà Sắc phân tích.

Cảnh báo nguy cơ hải sản Việt Nam bị EU phạt thẻ đỏ  - ảnh 1
Các doanh nghiệp cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp. Ảnh: QUANG HUY

Đồng quan điểm, ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood), cũng chỉ ra hệ lụy nếu hải sản xuất khẩu của Việt Nam bị thẻ vàng của EU. Rủi ro lớn nhất là tỉ lệ lớn các container hàng sẽ bị từ chối, trả lại, tổn thất DN nói riêng và chung cho ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam là cực kỳ lớn.

“Thực tế Philippines có đến 70% lô hàng bị từ chối, trả lại vì không đáp ứng quy định IUU của EU” - ông Hoài dẫn chứng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, cho biết nếu bị thẻ vàng IUU, tên quốc gia bị cảnh báo sẽ bị bêu trên các tạp chí, website chính thức của EU. Điều này sẽ làm xấu đi hình ảnh và ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản nước đó. Đồng thời các thị trường khác có thể sẽ áp dụng quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn dành cho Việt Nam nếu bị EU phạt thẻ vàng.

Phải “bắt tay” lấy thẻ xanh

Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc nhận định ngành hải sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn cơ hội, thời gian để đáp ứng quy định về IUU. Tuy nhiên, một mình DN không làm nổi mà cần Nhà nước chung tay, thay đổi chính sách, khung thể chế pháp lý để quản lý tốt về khai thác đánh bắt hải sản.

“Thực tế tàu bè khai thác đánh bắt hải sản Việt Nam nhỏ và nhiều nên để quản lý, lắp đặt thiết bị giám sát trên mỗi tàu cần rất nhiều thời gian. Vì vậy, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, DN và ngư dân cùng bắt tay làm ngay thì mới kịp” - bà Sắc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết Việt Nam không dung túng các hành vi tàu cá vi phạm vùng biển các nước và xử lý nghiêm các vi phạm. Chính phủ rất quan tâm khắc phục, xử lý vấn đề này.

Hiệp hội sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh về những trường hợp khai thác hải sản bất hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Sau đó chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam xử lý theo quy định.

Ông NGUYỄN HOÀI NAMPhó Tổng Thư ký VASEP

“Trong thời gian tới, phấn đấu 100% số tàu cá đánh bắt xa bờ của cả nước sẽ được lắp các thiết bị giám sát và bật thiết bị kết nối 24/24 giờ. Bộ cũng đang xây dựng đề án khai thác viễn dương, ký kết hợp tác với các nước nhằm tổ chức khai thác hợp pháp, đồng thời thiết lập đường dây nóng để ngăn chặn các hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp” - Thứ trưởng Tám thông tin.

Theo ông Tám, việc thực hiện quy định IUU là nhằm tăng cường quản lý nghề cá ở Việt Nam theo hướng bền vững và hiệu quả hơn. “VASEP cần kiến nghị EU lùi thời hạn ra thẻ vàng đến 31-12-2017 để Việt Nam kịp thời gian đưa vấn đề IUU với Việt Nam vào trong dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới” - ông Nam nói.

Cảnh báo nguy cơ hải sản Việt Nam bị EU phạt thẻ đỏ  - ảnh 2
 Việc thực hiện quy định IUU là nhằm tăng cường quản lý nghề cá ở Việt Nam theo hướng bền vững và hiệu quả hơn

Ngay tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, cho hay cộng đồng DN hải sản nhất trí đồng lòng chung tay thực hiện nghiêm túc các quy định về IUU.

Các DN cũng cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp. Nói không với những loài hải sản quý hiếm, những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định.(PLO)
----------------------

Hơn 9,4 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm

Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 26/9 cho biết: Đến tháng 9/2017, đã có hơn 9,44 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Khách du lịch nước ngoài tham quan lăng Vua Tự Đức (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Riêng trong tháng 9/2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 975.952 lượt, giảm 20,6% so với tháng trước, tăng 18,6% so với  cùng kỳ năm 2016. Cũng trong 9 tháng, lượng khách du lịch nội địa đạt 57,9 triệu lượt (trong đó có 27,8 triệu lượt khách lưu trú). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 376.000 tỷ đồng, tăng 26,5% so cùng kỳ năm 2016. 

Trong tháng 9/2017, Tổng cục Du lịch đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến, phát động tại các thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là chương trình phát động thị trường tại 4 nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển (từ ngày 13-22/9); tại 4 thành phố của Nhật Bản gồm Kanagawa, Tokyo, Sendai và Nagoya (từ ngày 15 - 23/9). 

Từ ngày 25-30/9, Tổng cục Du lịch cũng sẽ tiếp tục quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam tại 3 thị trường Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Bên cạnh đó, trong tháng này, du lịch Việt Nam cũng tham gia một số hội chợ quốc tế lớn như Hội chợ Du lịch quốc tế JATA tại Nhật Bản, Hội chợ du lịch quốc tế Top Resa tại Pháp… 

Tại thị trường Nhật Bản, lần đầu tiên Tổng cục Du lịch giới thiệu, quảng bá du lịch Việt Nam tại thành phố Sendai, nhận được sự quan tâm và đánh giá rất cao của chính quyền, cộng đồng, doanh nghiệp địa phương. Hội thảo thu hút sự quan tâm của gần 100 đại diện doanh nghiệp lữ hành Nhật Bản và Việt Nam tham dự. 

Trong định hướng phát triển du lịch, Việt Nam luôn xác định Nhật Bản là thị trường lớn, quan trọng. Những năm gần đây, số lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam luôn nằm trong nhóm 3 quốc gia có lượng khách đến Việt Nam đông nhất. Năm 2016, Việt Nam đã đón khoảng 740.000 lượt khách du lịch Nhật Bản, tăng 10% so với năm 2015. 

Trong 8 tháng của năm 2017, Việt Nam đã đón 518.028 khách du lịch Nhật Bản, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, lượng khách Việt Nam đi du lịch Nhật Bản cũng tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. Năm 2016 đã có 234.000 khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản, tăng 26 % so với năm 2015. 

Với hiệu quả từ các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch ở nhiều thị trường trọng điểm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017 của ngành là đón 13 triệu lượt khách quốc tế... 

Cũng trong tháng 9/2017, lần đầu tiên Tổng cục Du lịch tổ chức Hội thi tay nghề du lịch Việt Nam quy mô toàn quốc ở 6 nội dung nghiệp vụ: Hướng dẫn viên du lịch; pha chế đồ uống; chế biến món ăn; phục vụ buồng; lễ tân khách sạn; phục vụ nhà hàng. 

Hội thi nhằm tôn vinh người lao động các nghề trong ngành du lịch, tạo điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm việc nâng cao tay nghề. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ lao động ngành du lịch trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước xây dựng du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.(TTXVN)
--------------------

Nhà đầu tư 'lảng' chung cư sang 'ôm' đất nền, nhà ở

Theo các chuyên gia và công ty nghiên cứu tư vấn bất động sản, phân khúc đất nền đang được các nhà đầu tư quan tâm trở lại, giá giao dịch tăng hơn trước. Thậm chí, nhiều người đang kỳ vọng đây sẽ là phân khúc “hot” trong thời gian tới.

Biển quảng cáo và tờ rơi mua bán đất tại khu vực xã Vĩnh Lộc A, B - huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Theo số liệu của Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến thời điểm này, tổng giá trị tồn kho bất động trên toàn quốc còn khoảng 26.294 tỷ đồng. Trong số này, lượng tồn kho đất nền nhà ở vẫn chiếm giá trị lớn nhất, hơn 3,1 triệu m2, tương đương 12.572 tỷ đồng. 

 

Tuy nhiên, qua đánh giá của các chuyên gia và công ty nghiên cứu tư vấn bất động sản, phân khúc đất nền đang được các nhà đầu tư quan tâm trở lại, giá giao dịch tăng hơn trước. Thậm chí, nhiều người đang kỳ vọng đây sẽ là phân khúc “hot” trong thời gian tới. 


Chị Thùy Liên ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, trước đây gia đình chị đã từng bỏ tiền đầu tư chung cư để “lướt sóng”, tuy nhiên phương án này đã không còn hấp dẫn và an toàn nữa mà chuyển sang chọn đất nền để tìm kiếm cơ hội sinh lời mới. 

Lý giải về chuyện không còn “mặn mà” đầu tư chung cư, chị Thùy Liên cho hay, hiện các căn hộ cao tầng bung ra quá nhiều, rơi vào tình trạng “bão hòa” nên thanh khoản khó khăn. Giá trị đầu tư cũng không phải nhỏ nhưng lại phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan như tiến độ công trình, uy tín của chủ đầu tư, hay như nếu vướng vào các vụ tranh chấp liên quan đến dự án thì giá vừa sụt giảm, lại khó bán. Bởi vậy, độ rủi ro cao hơn so với đầu tư đất nền, mình tự quyết mà tính pháp lý lại đảm bảo. 

"Đầu tư đất nền cũng chia theo các mục tiêu rõ ràng. Có người chọn mua đất nền, nhà ở xen lẫn trong các khu dân cư hiện hữu. Có tiền thì cứ thấy rẻ là ôm vào, lãi lại bán. Thậm chí, vừa “đặt cọc” mua mà gặp khách có nhu cầu cũng bán trao tay ngay. Câu chuyện kiểu như thế này không hiếm", anh Nguyễn Văn Hướng, nhân viên môi giới bất động sản khu vực Hai Bà Trưng kể lại. 

Một bộ phận khác lại chọn cách đầu tư vào đất nền khu đô thị. Nhất là sau thời gian dài “ngủ quên” do dự án chậm tiến độ, nhiều chủ nhân các lô đất này muốn bán nhanh, thâm chí chấp nhận “lỗ” để thu tiền về. Mua được giá rẻ, nhiều nhà đầu tư chờ "hái quả ngọt" khi có thông tin dự án rậm rịch khởi động lại.

Lợi thế nhất của đất nền tại các khu đô thị mới mở là được hưởng hạ tầng đồng bộ của toàn khu vực, kết nối giao thông tốt và đặc biệt là mật độ xây dựng tốt hơn hẳn nhà trong các khu dân cư cũ. Đặc biệt, nếu mua sớm và chọn những khu vực xa trung tâm một chút nhưng có triển vọng hạ tầng phát triển kết nối để “đón lõng” trước thì khả năng sinh lời dự báo cũng sẽ cao hơn nhiều. 

Với những nhà đầu tư sành sỏi, có thông tin thì chọn cách bám theo các quy hoạch “trên giấy”. Họ tìm mua và đợi sẵn ở khu vực gần các dự án lớn trong tương lai. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư này cũng khá mạo hiểm bởi nếu không nắm vững thông tin thì chính lô đất họ “ôm” lại có nguy cơ nằm trong diện giải tỏa làm đường. 

Thế nhưng, xu hướng đầu tư đất nền đang được ưu chuộng cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đây là sản phẩm mang tính đặc thù của thị trường bất động sản, đáp ứng cho cả 2 mục đích an cư và đầu tư. Bởi vậy, phân khúc này chưa bao giờ hết “hot”. 

Niềm tin giá đất tăng dần theo thời gian hoặc giữ giá tốt hơn những tài sản khác khiến người Việt Nam luôn ưu tiên loại sản phẩm này, thậm chí họ còn mua đất nền để chờ cơ hội tăng giá hoặc làm của để dành, của hồi môn. Cũng có người cho rằng, mua nhà phố hoặc đất nền mang lại cho chủ sở hữu cảm giác mình là người chủ thực sự của tài sản có giá trị. Người sử dụng được toàn quyền quyết định, từ thiết kế xây dựng, kinh doanh hay cho thuê... 

Mặt khác, hiện thị trường chung cư tại Việt Nam đang bão hòa và bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó phải kể đến các vụ tranh chấp sở hữu chung - riêng, bất đồng về cách quản lý và cung ứng dịch vụ trong các tòa nhà, nhiều chi phí phát sinh thêm... vẫn đang diễn ra khắp nơi. Điều này khiến tâm lý muốn sở hữu nhà ở riêng lẻ hoặc đất nền ngày càng bộc lộ rõ.   

Quảng cáo mua bán đất tại khu vực huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Điểm qua 3 đô thị lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian 2 năm trở lại đây đều diễn ra các cơn “sốt” đất nền, nhất là với các khu vừa được quy hoạch hạ tầng hấp dẫn. Thậm chí, mới có “tin đồn” mở đường đã khiến người mua lao vào cuộc chiến “săn đất” khiến giá bị đẩy lên vù vù. 

Đơn cử như khu vực quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) nơi có hàng loạt dự án hạ tầng lớn được công bố cũng tạo nên cơn sốt đất. Hay như Thành phố Hồ Chí Minh cũng trải qua cơn sốt đất nền tại khu đông thành phố. Còn Hà Nội cũng “nóng” lên với  đất dự án Thanh Hà Cienco 5 (Hà Đông) khi giá bị đẩy lên khá mạnh, có thời điểm cao gấp 1,5 - 2 lần so với giá trên hợp đồng mua bán ban đầu... 

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam,  thị trường đang có biến động về giá kể từ tháng 3 năm nay; trong đó, đất nền nhà phố “tăng nhiệt” nhanh nhất. Với tình hình của thị trường, phân khúc này sẽ còn tăng trưởng ấn tượng. 

Giải thích về hiện tượng này, ông Đính cho rằng, đất nền nhà phố bị lãng quên trong thời gian dài vì các chủ đầu tư đuổi theo phân khúc căn hộ. Điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh, hạ tầng nhiều khu vực phát triển rất nhanh, các khu đô thị mọc lên ở khắp nơi, nhưng giá đất nền lại rất thấp. Cơ hội này đã thu hút giới đầu tư tham gia thị trường, mua gom đất nền, khiến phân khúc này hồi sinh mạnh mẽ. 

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng cũng cảnh báo việc không để đất tăng giá theo “tin đồn”. Muốn vậy, ngành chức năng nắm bắt thông tin, triển khai các giải pháp ổn định thị trường, tránh để xảy ra tình trạng giá đất tăng “ảo” do thổi giá, gây tác động xấu đến thị trường bất động sản. 

Để phòng ngừa tình trạng “sốt” đất nền, theo Bộ Xây dựng, các địa phương cần công khai thông tin quy hoạch các khu vực cũng như tiến độ triển khai dự án từ giao thông, hạ tầng và cả bất động sản.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục