tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-04-2017

  • Cập nhật : 17/04/2017

Ô tô nhập từ Indonesia bất ngờ tăng chóng mặt

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy ô tô nhập khẩu từ các nước như Anh, Canada, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản về Việt Nam đã giảm mạnh. Cụ thể, ba tháng đầu năm 2017 chỉ có 105 chiếc ô tô nhập khẩu từ Anh về Việt Nam trong khi cùng kỳ năm 2016 là 235 chiếc, giảm 50%.

Ô tô nhập khẩu từ Đức về Việt Nam cũng giảm khá mạnh, ba tháng đầu năm Việt Nam chỉ nhập 365 chiếc, so với cùng kỳ giảm hơn 50%. Trung bình mỗi chiếc xe nhập từ Đức giá khai báo là hơn 1,7 tỉ đồng/chiếc. Hiện nay, tại thị trường Việt Nam có sự hiện diện của các thương hiệu xe nổi tiếng từ Đức như BMW, Mercedes-Benz, Audi, Porsche. Lượng ô tô nhập từ Nhật về đã giảm khi ba tháng đầu năm nay chỉ có hơn 1.000 chiếc trong khi cùng kỳ năm ngoái là gần 1.700 chiếc, giảm tới 641 chiếc.

Trong khi đó, ô tô nhập khẩu từ ASEAN, Ấn Độ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là ô tô nhập khẩu từ Indonesia tăng tốc độ chóng mặt. Ba tháng năm 2017 có tới hơn 4.400 ô tô Indonesia nhập về Việt Nam trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có 833 chiếc, tăng tới năm lần.

o to asean tieu thu tot nho gia ngay cang giam, phu hop tui tien cua da so nguoi tieu dung viet anh: quang huy

Ô tô ASEAN tiêu thụ tốt nhờ giá ngày càng giảm, phù hợp túi tiền của đa số người tiêu dùng Việt Ảnh: QUANG HUY

Ô tô Thái Lan tiếp tục giữ vị trí quán quân trong số các thị trường ô tô nhập của Việt Nam khi có hơn 10.000 chiếc nhập về trong khi cùng kỳ là 7.800 chiếc, tăng hơn 1.200 chiếc. Gần mọt nửa số ô tô Thái Lan nhập về là xe bán tải.

Ô tô Ấn Độ ba tháng năm ngoái chỉ có 1.172 chiếc nhập về thì ba tháng năm nay lượng ô tô nhập về lên tới gần 4.800 chiếc, gấp hơn bốn lần cùng kỳ năm trước. Ô tô Ấn Độ nhập về chủ yếu là loại dưới chín chỗ.

Anh Nguyễn Duy Minh, chủ một đại lý kinh doanh ô tô nhập khẩu tại TP.HCM, cho rằng lượng ô tô nhập từ Đức, Anh hay Nhật giảm là do thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao đối với những dòng xe có dung tích động cơ lớn chủ yếu lại nhập từ các nước này khiến giá xe tăng cao hơn. Ngược lại, những dòng xe nhập từ ASEAN giá lại ngày càng giảm vì thuế nhập khẩu giảm, thuế tiêu thụ đặc biệt có những dòng xe có dung tích động cơ nhỏ giảm nên được người tiêu dùng chọn mua ngày càng nhiều.(PLO)
-----------------------------------------

Giá thép có xu hướng giảm

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA: Do giá thép nguyên liệu thế giới đang trong xu hướng giảm và nhiều nhà phân phối xả hàng đầu cơ, nên giá thép giảm nhẹ.

Tại thị trường trong nước, giá thép xây dựng bán cuối tháng 3/2017 vào khoảng 11.000 - 11.200 đồng/kg ở cả phía Bắc và phía Nam, giảm nhẹ khoảng 400 đồng/kg. Sang đầu tháng 4, giá bán thép tiếp tục giảm từ 200 - 400 đồng/kg.

cong nhan cong ty co phan can thep gia sang chuan bi phoi thep dua vao day chuyen can thep. anh: hoang nguyen - ttxvn

Công nhân Công ty cổ phần cán thép Gia Sàng chuẩn bị phôi thép đưa vào dây chuyền cán thép. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Theo số liệu từ VSA, giá quặng sắt loại 62% Fe tiếp tục đà giảm từ cuối tháng 3, hiện ở mức 80,9 USD/tấn CFR cảng Tianjin, giảm 4,4 USD/tấn so với hồi đầu tháng 3, tương ứng 5,2%. Dự báo giá quặng sắt trong quý II/2017 sẽ tiếp tục giảm và đến tháng 6 chỉ còn hơn 74 USD/tấn...

Giá thép phế sau khi tăng vào cuối năm 2016 và đạt đỉnh ở mức 315 USD/tấn CFR Đông Á vào giữa tháng 3/2017 đã quay đầu giảm liên tục. Hiện nay, giá thép phế ở mức 265 - 270 USD/tấn.

Giá phôi thép sau khi tiếp tục đà tăng hồi đầu tháng 3/2017 ở mức 445 - 450 USD, đến nay cũng đã giảm khoảng 10 USD/tấn, hiện còn 430 - 440 USD/tấn. Trong khi đó, t hép cuộn cán nóng cũng giảm 34 USD/tấn so với hồi đầu tháng 3, hiện chỉ còn 475 - 480 USD/tấn.

VSA cho biết, mức giá giảm là do các nhà phân phối tiếp tục xả hàng đầu cơ và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nhà sản xuất trong nước trong việc duy trì thị phần.

Trong quý I/2017, sản xuất thép trong nước tăng trưởng tốt, đạt hơn 4,6 triệu tấn, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2016. Bán hàng thép trong nước tăng trưởng khá, đạt hơn 3,76 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2016. Nhìn chung, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép quý I có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, mức tăng trưởng bán hàng này đạt thấp hơn so với mức dự báo của năm 2017 là 12%.

Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, hiện đang xuất hiện nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm mua lại các nhà sản xuất thép thua lỗ của Việt Nam. Từ năm 2016, các đoàn xúc tiến của Trung Quốc đã gặp Hiệp hội để trao đổi, tìm kiếm cơ hội giới thiệu những máy móc, thiết bị. Nhiều nhà máy thép Trung Quốc cũng đã đầu tư tại Việt Nam như: Công ty thép không gỉ tư nhân Tsing Shan Iron và Yongjin metal hợp tác đầu tư nhà máy thép không gỉ 300.000 tấn/năm tại Nhơn Trạch, Đồng Nai...(TTXVN)
------------------------------------

Samsung tạm ngừng hoạt động đầu tư sau khi Phó chủ tịch bị bắt

Các nguồn tin ngày 16/4 cho biết Samsung Electronics Co., nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã ngừng tất cả các hoạt động mua bán cổ phần và sáp nhập (M&A) cũng như đầu tư mới sau khi Phó Chủ tịch Lee Jae-yong của Tập đoàn Samsung bị bắt giam.

Bên cạnh đó, Samsung cũng đã dừng việc chuyển đổi tập đoàn này sang hình thức công ty cổ phần (holding-company) được cho là sẽ minh bạch hơn đối với các cổ đông. 

Những thay đổi khác có thể nhận thấy là Samsung đã đình chỉ cuộc họp hàng tuần giữa các giám đốc điều hành chi nhánh.
Sự vắng bóng của các hoạt động đầu tư và mở rộng kinh doanh sẽ ảnh hưởng tới khả năng ứng phó và sức cạnh tranh của Samsung.

tru so cua tap doan samsung electronics o seoul, han quoc. anh: afp/ttxvn

Trụ sở của Tập đoàn Samsung Electronics ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Yonhap, ước tính lợi nhuận hoạt động của Samsung Electronics có thể đạt 9.900 tỷ won (8,6 tỷ USD) trong quý I/2017, so với mức 6.680 tỷ won cùng kỳ năm ngoái, nhờ nhu cầu mạnh đối với mặt hàng chip nhớ. Đây sẽ là doanh lợi hàng quý cao thứ hai từ trước đến nay của Samsung Electronics.
Phó chủ tịch Lee Jae-young đã bị bắt giữ khoảng hai tháng nay sau khi dính líu đến vụ bê bối liên quan đến tham nhũng. Ông Lee đã điều hành Samsung Electronics và nhiều chi nhánh khác của Tập đoàn Samsung, trong ba năm qua. Dưới sự dẫn dắt của ông, Samsung đã tham gia vào nhiều thương vụ M&A kể từ tháng 5/2014, trong đó có thương vụ mua doanh nghiệp điện tử và nghe nhìn Harman của Mỹ với mức giá kỷ lục 9.000 tỷ won hồi tháng 11 năm ngoái.
Trong một thông tin có liên quan, theo kết quả đánh giá của Top Employers Institute (một tổ chức toàn cầu chuyên đánh giá chiến lược quản lý nhân sự của các doanh nghiệp), Samsung Electronics, đã lần thứ tư liên tiếp giữ vị trí đầu bảng trong số những doanh nghiệp mà người lao động mong muốn được làm việc ở Brazil. 

Hồi đầu năm nay, Samsung cũng giành được Giải thưởng Randstad 2017 của Nga cho lĩnh vực điện và hàng điện tử tiêu dùng. Giải thưởng này vinh danh các doanh nghiệp hoạt động ở Nga được bình chọn và đánh giá tốt về nơi làm việc.(Baotintuc)
-------------------------------------

Đón cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực

Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gặp trắc trở, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) dự báo sẽ mang lại những cơ hội rất lớn cho Việt Nam.

Dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng để tận dụng được cơ hội này phải phụ thuộc vào quá trình cải cách thể chế của Việt Nam và công tác chuẩn bị của Chính phủ cùng khu vực doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

RCEP là hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN và 6 nước đối tác đã có FTA với ASEAN bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. So với các hiệp định đã ký, RCEP có mức độ cam kết mở rộng và cam kết tự do hóa sâu hơn trong thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

Hơn nữa, các nước thành viên của RCEP chiếm tới 24% GDP toàn thế giới và 28% thương mại toàn cầu. Vì vậy, Hiệp định này hứa hẹn mang lại những cơ hội lớn cho các quốc gia thành viên, nhất là các quốc gia có mức độ phát triển thấp.

Theo các chuyên gia thương mại, các hiệp định có mức độ hội nhập sâu rộng thì các nước chậm phát triển sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Đối với RCEP, Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia có mức độ phát triển thấp hơn các nền kinh tế còn lại, nên cơ hội để Việt Nam và Campuchia hưởng lợi từ hiệp định này là rất lớn. Không chỉ vậy, Việt Nam còn đang ở giai đoạn đầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong khi RCEP lại có mức độ cam kết hội nhập sâu, rộng hơn về thương mại, đầu tư. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ, tích cực đến hoạt động xuất khẩu, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Để tận dụng tốt nhất cơ hội từ RCEP, các chuyên gia thương mại nhấn mạnh: Chính phủ và các cơ quan chức năng cần những động thái tích cực hơn trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng cho mọi thành phần kinh tế. Ngoài ra, cũng cần có những định hướng tuyên truyền rõ ràng giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức và có định hướng đầu tư phù hợp.

Đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng: RCEP là một trong những khu vực có mạng lưới sản xuất kinh doanh năng động và phát triển trên thế giới. Vì thế, doanh nghiệp cần nghiên cứu thật kỹ và gắn đầu tư vào các mạng lưới cũng như chuỗi giá trị cụ thể. Ngoài ra, các mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị thuộc khu vực RCEP rất chuyên nghiệp, nhưng đa phần dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn kinh tế đến từ các nước lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Do đó, doanh nghiệp phải tìm hiểu rất kỹ đối tác đang chi phối chuỗi này mới có thể thành công trong kinh doanh.

Thông tin trên trang Web của Trung tâm WTO –VCCI cho biết, phiên đàm phán thứ 17 của RCEP được tổ chức tại Kobe (Nhật Bản) trong tuần cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 2017 vừa qua, nhằm thúc đẩy hoàn tất đàm phán vào tháng 11 năm nay. (TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục