Chè Việt Nam chưa có thương hiệu riêng dù xuất khẩu đứng thứ 5 thế giới; Tiềm năng tăng trưởng của Điện tử Samsung có còn bền vững? ; 8.700 tỉ dời cảng Tân Thuận và xây cầu Thủ Thiêm 4; Lộ diện 6 quốc gia và vùng lãnh thổ "vào tầm ngắm" của Mỹ về thao túng tiền tệ
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-04-2017
- Cập nhật : 16/04/2017
Tình báo Mỹ bị nghi xâm nhập mạng lưới ngân hàng toàn cầu
Tình báo Mỹ bị một nhóm hacker cáo buộc xâm nhập hệ thống mạng lưới ngân hàng toàn cầu nhằm theo dõi các dòng tiền phục vụ những tổ chức khủng bố quốc tế.
NSA bị nghi ngờ giám sát hoạt động lưu thông tiền của nhiều ngân hàng trên thế giới. Ảnh minh họa: Reuters.
Nhóm hacker có tên "Shadow Brokers" ngày 14/4 công bố một số tài liệu cho thấy Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã xâm nhập vào hệ thống mạng của hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) và theo dõi hoạt động lưu thông tiền tệ của một số ngân hàng Trung Đông và Mỹ Latinh, theo Reuters.
Chuyên gia tư vấn an ninh mạng Shane Shook, từng giúp đỡ các ngân hàng này điều tra lỗ hổng trong hệ thống mạng của SWIFT, cho biết NSA có thể điều chỉnh các mã máy tính để truy cập vào những máy chủ của SWIFT, theo dõi hoạt động nhắn tin.
Theo các chuyên gia phân tích an ninh mạng, những tài liệu do Shadow Brokers công bố cũng cho thấy NSA tấn công vào kẽ hở của các phiên bản khác nhau của hệ điều hành Windows vốn vẫn đang được sử dụng trong hệ thống máy tính của nhiều ngân hàng trên thế giới.
Mustafa Al-Bassam, chuyên gia khoa học máy tính tại trường College London, cho biết trên Twitter rằng tài liệu của Shadow Brokers cáo buộc NSA tấn công một loạt các ngân hàng, công ty dầu lửa và đầu tư ở Palestine, Các Tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE), Kuwait, Qatar và Yemen.
Tuy nhiên Reuters vẫn chưa thể xác nhận tính xác thực của những tài liệu Shadow Brokers đưa ra. NSA cũng chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.(VNE)
-----------------------------------------------------
Đề nghị cho cá nhân, hộ kinh doanh vay tiền được khấu trừ chi phí thuế
Ngân hàng Nhà nước vừa đề nghị Bộ Tài chính xem xét hướng dẫn cho phép khấu trừ chi phí lãi tiền vay trong trường hợp cá nhân hộ kinh doanh, DN tư nhân vay vốn phục vụ cho hoạt động của DN.
Ngân hàng Nhà nước vừa gửi Công văn số 1878 đề nghị Bộ Tài chính xem xét hướng dẫn cho phép khấu trừ chi phí lãi tiền vay trong trường hợp cá nhân hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) tư nhân vay vốn phục vụ cho hoạt động của DN.
Bởi tất cả DN tư nhân, hộ kinh doanh đều đang vướng quy định ở Thông tư 39 do Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, có hiệu lực từ 15.3.2017 quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân. Như vậy, tổ chức không có tư cách pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, DN tư nhân... sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn. Từ đó, Thông tư 39 quy định cá nhân được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, DN tư nhân của chính cá nhân đó.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai Thông tư 39, các DN và tổ chức tín dụng phản ánh khó khăn, vướng mắc về việc khấu trừ chi phí lãi vay khi tính thu nhập chịu thuế của DN tư nhân. Cụ thể, theo Thông tư số 78 của Bộ Tài chính, người nộp thuế thu nhập DN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập chịu thuế, nên chi phí lãi vay phát sinh từ việc cá nhân chủ DN tư nhân vay vốn phục vụ hoạt động của chính DN đó có thể không được xem xét khấu trừ khi tính thuế thu nhập của DN tư nhân.(TN)
-----------------------
Cổ đông Vinamilk thắc mắc việc đại gia xây dựng vào Hội đồng quản trị
Đề xuất đưa ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch một doanh nghiệp trái ngành là Coteccons - vào HĐQT khiến cổ đông Vinamilk lo ảnh hưởng đến công ty.
Cuộc họp Đại hội cổ đông Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk, mã CK: VNM) tổ chức sáng 15/4 ở TP HCM sôi động với những chất vấn của cổ đông về nhân sự Hội đồng quản trị (HĐQT) mới. Trường hợp được quan tâm nhất là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Coteccons - Nguyễn Bá Dương, một trong hai cá nhân được ban lãnh đạo đưa vào danh sách đề xuất với vai trò thành viên HĐQT độc lập.
Theo những ý kiến phát biểu tại cuộc họp, ông Dương là lãnh đạo một doanh nghiệp khác ngành, cũng bị dư luận than phiền về một số dự án. "Vậy mời ông Dương tham gia HĐQT của Vinamilk là với mục tiêu gì?", một cổ đông chất vấn.
Đáp lại thắc mắc, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên chia sẻ bà thấy hơi buồn khi cổ đông nghĩ về thành viên mới như vậy, bởi việc lựa chọn đã được HĐQT nghiên cứu rất kỹ.
"Sở dĩ chúng tôi chọn ông Dương là vì cơ cấu mới trong HĐQT có 3 thành viên độc lập phụ trách 3 tiểu ban quan trọng là nhân sự, ban kiểm toán và lương thưởng. Ông Dương là một trong top 10 nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của doanh nghiệp Việt, lại có rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý. Do vậy, HĐQT cử ông làm trưởng tiểu ban lương thưởng để làm sao chi lương thưởng hài hòa cho cán bộ công nhân viên", bà Liên giải thích và hy vọng cổ đông chấp thuận thông qua.Với việc thay đổi cơ cấu quản trị, kiểm soát mới thì từ năm nay, Vinamilk sẽ tăng số lượng thành viên HĐQT từ 6 lên 9 người, danh sách ứng viên cũng xuất hiện nhiều gương mặt mới, trong đó có lãnh đạo Coteccons, Big C.
Với kế hoạch kinh doanh mà Vinamilk trình, nhiều cổ đông cho rằng còn khá thận trong. Tuy nhiên, bà Liên lý giải đó là kế hoạch tối thiểu mà công ty đạt được, với nguyên tắc là phải lấy được thị phần, phát triển bền vững... "Dẫu vậy, công ty sẽ luôn vượt kế hoạch đề ra và chia cổ tức cho cổ đông luôn cao hơn mức dự kiến", nữ lãnh đạo này cam kết.
Một ví dụ được bà Mai Kiều Liên đưa ra là với sữa đậu nành, kem... Tuy doanh số đạt vài nghìn tỷ đồng một năm hiện nay chưa phải là lớn so với những mảng khác, song với nguyên tắc trên, khi có cơ hội, Vinamilk sẽ tập trung mạnh để đánh chiếm.
Về thị trường nước ngoài, vị này cho rằng vẫn chưa thể nói trước thị trường nào sẽ mang lại tăng trưởng cho công ty nhưng kỳ vọng đến năm 2021, doanh số ngoài Việt Nam sẽ đạt 19.000 tỷ đồng, chiếm 25% tổng doanh thu thông qua hoạt động xuất khẩu và M&A.
Đối với lộ trình thoái vốn của SCIC, lãnh đạo Vinamilk cho hay kế hoạch bán cổ phần đợt hai đang được trình lên Chính phủ. SCIC sẽ tuân thủ thông lệ thị trường tối ưu hóa vốn nhà nước và lựa chọn nhà đầu tư cam kết lâu dài, mang lại giá trị bền vững cho công ty. "Cổ đông cũng không nên quá lo lắng khi lãnh đạo đối tác Thái Lan nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại doanh nghiệp. Bởi lẽ, chúng ta đang chung một thuyền và sẽ làm sao để thương hiệu càng phát triển, lợi nhuận ngày càng tăng", bà Liên nói.
Cũng tại đại hội, lãnh đạo Vinamilk cũng chia sẻ doanh thu quý I đã tăng hơn 16% và lợi nhuận sau thuế hơn 34%. Hiện công ty có 10 trang trại nuôi bò sữa và sẽ hướng tới tự động hóa trong tương lai. Năm nay, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu 51.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.735 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 4% so với 2016. Cổ tức dự kiến tối thiếu 50% lợi nhuận sau thuế.
Thù lao cho HĐQT nếu hoàn thành kế hoạch trên sẽ tăng lên 20 tỷ đồng. Cổ đông cũng đã thông qua phương án đưa số thành viên hội đồng lên 9 người cũng như cơ cấu nhân sự mà ban lãnh đạo đề xuất (trong đó có trường hợp ông Nguyễn Bá Dương).
Với kế hoạch 5 năm tới (2017 – 2021), Vinamilk kỳ vọng trở thành công ty sữa tạo ra giá trị gia tăng nhiều nhất tại Đông Nam Á. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư vào các thị trường đang phát triển và mới nổi tại Đông Nam Á để xây dựng các công ty con thành công thông qua việc M&A và hợp tác. Vinamilk cũng sẽ tìm kiếm cơ hội tại Mỹ và khu vực Australia – New Zealand để tăng cường năng lực sản xuất và nguồn nguyên liệu.
Tổng doanh thu mục tiêu là 80.000 tỷ đồng, trong đó nội địa góp 61.000 tỷ đồng (chiếm 75%), doanh thu tại các thị trường nước ngoài 19.000 tỷ đồng (chiếm 25%). Đến năm 2021, tổng số lượng đàn bò tại các trang trại dự kiến đạt 44.400 con, mạng lại lượng sữa 157.000 tấn một năm, cùng với 251.000 tấn thu mua từ nông dân.(VNE)
-------------------------------------
Uber lần đầu công bố doanh thu
Công ty này tỏ ra khá hài lòng với 6,5 tỷ USD thu về trong năm 2016, dù vẫn lỗ ròng 2,8 tỷ USD.
Uber Technologies không phải là công ty niêm yết. Vì thế, họ không bị yêu cầu công bố tài chính cho công chúng. Tuy nhiên, ứng dụng đi chung xe đã quyết định lần đầu làm việc này, khi tiết lộ số liệu trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Bloomberg.
Theo đó, tổng số tiền khách sử dụng dịch vụ đã trả cho ứng dụng (trước khi Uber chia cho lái xe) năm 2016 đã tăng hơn gấp đôi, lên 20 tỷ USD. Số tiền mà công ty thu về thực tế là 6,5 tỷ USD. Lỗ ròng của Uber đã được điều chỉnh là 2,8 tỷ USD, sau khi trừ thị trường Trung Quốc đã được bán hồi năm ngoái. Công ty cho biết tăng trưởng doanh thu của họ đã vượt xa khoản lỗ, và kỳ vọng việc kinh doanh sẽ vẫn trong quỹ đạo tốt, khi đang phải giải quyết các scandal gần đây. Uber từ chối cung cấp số liệu tài chính quý I năm nay, chỉ tiết lộ chúng vẫn theo đúng dự báo.
"Chúng tôi rất may mắn vì việc kinh doanh tăng trưởng đều đặn. Việc này đã giúp chúng tôi có khoảng trống để thực hiện các thay đổi cần thiết về lãnh đạo, kế toán, văn hóa và quan hệ với lái xe", Rachel Holt – người đứng đầu mảng đi chung xe tại Uber cho biết.
Những tháng gần đây, Uber đã vướng vào một loạt rắc rối. Nhiều lãnh đạo bị tố cáo quấy rối nhân viên. Văn hóa công ty bị đánh giá là "độc hại". Mảng xe tự lái thì bị đối thủ Waymo của Alphabet kiện vì đánh cắp công nghệ. Còn CEO - Travis Kalanick bị chỉ trích vì thiếu lịch sự khi tranh cãi với một lái xe Uber về giá cước giảm. Hàng loạt lãnh đạo Uber đã rời đi sau những sự việc này, còn bản thân Kalanick cũng đang tích cực tìm Giám đốc Tác nghiệp (COO) để giúp ông quản lý công ty.
Dù vậy, việc kinh doanh của Uber vẫn đang tăng trưởng rất nhanh. Trong 3 tháng cuối năm 2016, số tiền hành khách trả cho ứng dụng Uber đã tăng 28% so với quý trước, lên 6,9 tỷ USD. Uber đạt doanh thu ròng 2,9 tỷ USD trong quý đó, tăng 74%. Khoản lỗ ròng tăng 6,1% lên 991 triệu USD.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu vượt xa lỗ cho thấy triển vọng khá tươi sáng. Tuy nhiên, Uber vẫn đang lỗ khá lớn, Evan Rawley – Giáo sư tại Đại học Columbia cho biết. "Số tiền họ đốt một quý thế là quá nhiều", ông nhận định.
Được định giá 69 tỷ USD, Uber hiện hoạt động tại hơn 75 quốc gia. Công ty này đã chi rất mạnh tay để cạnh tranh tại Trung Quốc, với khoản lỗ khoảng 1 tỷ USD năm ngoái tại thị trường này. Dù vậy, đến tháng 8, họ đã phải bán mảng này cho đối thủ Trung Quốc – Didi Chuxing. Uber cho biết họ hiện có 7 tỷ USD tiền mặt. (VNE)