Người nước ngoài mua nhà Mỹ tăng cao kỷ lục; Ngân hàng Singapore đầu tiên được cấp phép thành lập ngân hàng con tại Việt Nam; Nghề nuôi chim yến phát triển mạnh; Có thể hủy bỏ quy hoạch siêu dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa
Tin kinh tế đọc nhanh 19-07-2017
- Cập nhật : 19/07/2017
IFC cấp thêm khoản vay chuyển đổi trị giá 57 triệu USD cho VPBank
Trong năm 2016 và đầu năm 2017, VPBank đã được IFC và các bên đồng tài trợ cho vay 158 triệu USD và khoản tài trợ thương mại 50 triệu USD.
Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã đồng ý cấp cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khoản vay chuyển đổi trị giá 57 triệu USD. Theo đó, IFC có thể chuyển đổi khoản vay thành cổ phần phổ thông của VPBank trong thời hạn khoản vay.
Khoản vay này, với thời hạn 2 năm và có thể được gia hạn thêm 2 năm nữa, nhằm giúp VPBank mở rộng đối tượng cho vay lại trong phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, một phân khúc chiến lược mà VPBank đang tập trung phát triển.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, trong thời hạn khoản vay còn hiệu lực, IFC được quyền quyết định chuyển đổi phần dư nợ gốc của khoản vay thành cổ phần phổ thông của VPBank. Hiện tại, VPBank đang làm các thủ tục cần thiết để phê duyệt khoản vay chuyển đổi này.
Trong năm 2016 và đầu năm 2017, VPBank đã được IFC và các bên đồng tài trợ cho vay 158 triệu USD với thời hạn 5 năm và khoản tài trợ thương mại trị giá 50 triệu USD giúp VPBank mở rộng vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phát triển các cơ hội thương mại quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho rằng khoản vay này không chỉ giúp VPBank có thêm nguồn vốn trung hạn để cho vay bằng ngoại tệ, mà còn có cơ hội bổ sung nguồn vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu về vốn, củng cố hệ số an toàn vốn (CAR) tối thiểu theo Basel II trong trường hợp IFC thực hiện quyền chuyển đổi nợ thành cổ phần.(NCĐT)
-------------------------
Cảnh báo chiêu lừa đảo của một số doanh nghiệp nhập khẩu tại UAE
Thương vụ VN tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vừa cảnh báo doanh nghiệp (DN) VN cần cảnh giác với các lời chào hỏi mua hàng ở mức giá cao hơn hẳn giá thị trường từ những DN mới, lạ.
Khi đàm phán và ký kết hợp đồng, cần lưu ý hạn chế việc cho trả chậm hoặc nợ tiền. Nếu có cũng chỉ ở mức 10 - 20%, tránh trường hợp nhiều DN cho trả chậm đến 1/2 giá trị lô hàng, khi phát sinh vấn đề sẽ bị đọng vốn và khó giải quyết.
Quan trọng nhất là DN phải sàng lọc và xác minh rõ các đối tác, đặc biệt là đối tác mới lần đầu giao dịch, đối tác tìm kiếm qua internet. Nhiều trường hợp phải sang trực tiếp địa bàn để thẩm định và làm việc với đối tác.
Với các đơn hàng ký kết lần đầu với đối tác mới, cần liên hệ với Thương vụ để đề nghị hỗ trợ, xác minh về pháp nhân và uy tín. Thời gian qua, cơ quan này đã tiếp nhận và xử lý nhiều trường hợp DN VN nhận được lời hỏi mua hàng nông sản, trái cây, và ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu mặt hàng này mang tính lừa đảo, gian lận từ một số DN tại UAE.(Thanhnien)
------------------------------
Việt Nam tiêu thụ 16% ngô của Nga
Vụ mùa năm nay chứng kiến thành quả đáng mừng đối với thị trường ngô xuất khẩu của Nga. Hiện tại, Việt Nam tiêu thụ khoảng 16% tổng lượng ngô xuất khẩu của nước này. Ngoài ra Việt Nam cũng là thị trường quan trọng hỗ trợ giá ngô của Nga trong vụ mùa 2016-2017.
Mùa vụ 2016-2017 ở Nga đã kết thúc không mấy thành công. Theo UkrAgroConsult, nhiều vụ mùa trước Nga không nhận ra tiềm năng xuất khẩu của lúa mỳ và lúa mạch.
Tuy nhiên, đối với thị trường ngô năm nay lại tiềm ẩn rất nhiều tín hiệu tích cực và khả quan. Mặc dù vẫn còn 2 tháng nữa vụ mùa ngô mới kết thúc nhưng xuất khẩu ngô của Nga đã đạt kỷ lục, UkrAgroConsult cho biết.
Vụ mùa năm nay, các nhà xuất khẩu ngô của Nga tăng cường nhắm tới các thị trường truyền thống đồng thời thâm nhập vào các thị trường mới.
Vụ mùa năm nay chứng kiến thành quả đáng mừng đối với thị trường ngô xuất khẩu của Nga. Hiện tại, Việt Nam tiêu thụ khoảng 16% tổng lượng ngô xuất khẩu của nước này. Ngoài ra Việt Nam cũng là thị trường quan trọng hỗ trợ giá ngô của Nga trong vụ mùa 2016-2017.
Bên cạnh đó, lượng xuất khẩu của Nga tới thị trường Iran tăng 4,6 lần trong khoảng thời gian 9/2016- 6/2017 so với vụ mùa 2015-2016. Ngô của Nga cũng thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản.
Tăng trưởng nhu cầu ngô của các quốc gia này đã bù lại so với nhu cầu suy giảm từ các thị trường chính như Liên minh Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Liban và Syria.
Hiện ngô trở thành sản phẩm xuất khẩu chính của Nga trong số các loại ngũ cốc.(NDH)
---------------------------
Nhập khẩu sắt thép từ Ấn Độ tăng đột biến
Lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước đạt 7,91 triệu tấn, trị giá 4,61 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.
Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng Sáu đạt gần 1,1 triệu tấn, trị giá 649 triệu USD. Con số này giảm 10,9% về lượng và giảm 15,6% về trị giá so với tháng trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, lượng sắt thép nhập khẩu đạt 7,91 triệu tấn, trị giá 4,61 tỷ USD, dù giảm 17,3% về lượng, nhưng tăng tới 21,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu là do đơn giá khai báo bình quân sắt thép nhập khẩu tăng mạnh lên 573 USD/tấn, cao hơn mức 396 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái.
Lượng và đơn giá khai báo bình quân sắt thép các loại nhập khẩu 6 tháng đầu năm từ năm 2010 đến 2017. Ảnh: Tổng cục Hải quan
Đáng nói, sắt thép các loại có xuất xứ Ấn Độ nhập về Việt Nam trong nửa đầu năm nay đang có mức tăng đột biến, tăng 20,3 lần về lượng và 13,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, lượng sắt thép xuất xứ Ấn Độ là 812 nghìn tấn, trị giá 422 triệu USD, với đơn giá khai báo bình quân là 519 USD/ tấn. Đây là mức giá thấp nhất trong các thị trường cung cấp sắt thép chủ yếu cho Việt Nam.
Trong số các thị trường cung cấp sắt thép các loại cho Việt Nam từ đầu năm đến nay, Trung Quốc chiếm gần một nửa thị phần nhập khẩu cả về lượng lẫn giá trị. Nước này xuất khẩu 3,95 triệu tấn sắt thép, trị giá 2,23 tỷ USD vào Việt Nam. Tuy giảm 23,8% về lượng nhưng tăng 12,3% về trị giá với đơn giá bình quân đạt 564 USD/tấn.
Trong khi đó, thị trường Nhật Bản cung cấp 1,07 triệu tấn, trị giá 646 triệu USD, giảm 16,7% về lượng và tăng 19,4% về trị giá.(NCĐT)