Ninh Thuận khởi công nhà máy điện gió Đầm Nại 1.523 tỉ đồng; Rót 60.000 tỉ, 12 dự án thua lỗ vẫn mắc nợ trên 50.000 tỉ; Lùi thời điểm áp dụng tăng giá viện phí để tránh lạm phát; Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực
Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-01-2018
- Cập nhật : 17/01/2018
Hàng tiêu dùng nhanh: thương hiệu nội địa chiếm ưu thế
Các báo cáo nghiên cứu thị trường được công bố gần đây cho thấy, trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), nhiều thương hiệu nội địa tại châu Á, trong đó có Việt Nam, đang có những bước tiến lớn và đang vượt lên trên các đối thủ đến từ các tập đoàn đa quốc gia.
Báo cáo “Asia Brand Power” (Thương hiệu châu Á) vừa được Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố hôm 15-1, đưa ra nhận định rằng các thương hiệu châu Á tiếp tục lớn mạnh tại thị trường trong nước và đang vươn lên dẫn đầu tại nhiều quốc gia trong những năm gần đây.
Tại Việt Nam, theo Kantar Worldpanel, dù ở nông thôn hay thành thị thì thị phần của các thương hiệu nội địa đều vượt trội so với các thương hiệu toàn cầu. Cụ thể, ở thị trường nông thôn, các thương hiệu nội địa đang nắm giữ đến 78% thị phần, gấp hơn 3,5 lần so với thị phần của thương hiệu quốc tế. Ở thị trường thành thị, tỷ lệ lần lượt là 71% và 29%.
Ông David Anjoubault, Giám đốc điều hành Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết, lợi thế của các thương hiệu nội địa không chỉ ở việc am tường thị hiếu địa phương, mà còn được sự hỗ trợ trong việc phân phối bởi các đối tác bán lẻ cả truyền thống lẫn hiện đại.
Cũng theo Kantar Worldpanel, thành công này của các thương hiệu nội địa là nhờ mối quan hệ hợp tác vững chắc với cái nhà bán lẻ trong nước. Các nhà bán lẻ nội địa được nhận định là đã đóng vai trò “người bảo hộ” cho các thương hiệu trong nước.
Mối quan hệ này, theo ông Marcy Kou, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Kantar Worldpanel, là hai bên cùng có lợi. Theo đó, các nhà bán lẻ giúp các thương hiệu nội địa tiếp cận người tiêu dùng trong nước dễ hơn các đối thủ quốc tế nhưng đồng thời các nhà sản xuất cũng hỗ trợ các chiến lược bán hàng cho các nhà bán lẻ để đón đầu và đáp ứng những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Trước đó, báo cáo “Top 100 doanh nghiệp FMCG đang hoạt động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương” của Nielsen cũng đưa ra lời nhận định tương tự. Trên cơ sở quan sát và phân tích bốn ngành hàng lớn là thực phẩm, nước giải khát, sản phẩm chăm sóc nhà cửa và chăm sóc cá nhân, Nielsen nhận xét trong năm 2016, trong khi các doanh nghiệp đa quốc gia tăng trưởng 2% về giá trị (so với 5% trong năm 2014), thì các doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam đã đạt được mức 7% (so với 5% hai năm trước). Các doanh nghiệp nội địa đóng góp đến 42% trong tổng số doanh thu của toàn ngành hàng FMCG.
Xét ở từng ngành, các doanh nghiệp nội địa cũng có ưu thế về thị phần ở ngành thực phẩm và nước giải khát với tỷ lệ lần lượt là 69% và 45%. Ở ngành chăm sóc nhà cửa và chăm sóc cá nhân, doanh nghiệp đa quốc gia có lợi thế hơn nhưng xét về tốc độ tăng trưởng thì các doanh nghiệp nội địa lại có mức tăng tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam, sự tăng trưởng của các thương hiệu Việt Nam đến từ nhiều yếu tố như chất lượng sản phẩm ngày càng được cải tiến; giá cạnh tranh; hệ thống phân phối rộng khắp được duy trì liên tục trong thời gian dài, có khả năng tiếp cận người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa.(TBKTSG)
-------------------------
VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 khoảng 6,65%
Bản báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 4 và năm 2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố một lần nữa phản ánh một năm thành công của kinh tế Việt Nam. Cơ quan này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 khoảng 6,65%.
Theo đó, 2017 là năm đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra. Trong đó, GDP cả nước ước tăng 6,81%, cao hơn mục tiêu đã đề ra là 6,7%. Trong khi lạm phát cả năm được kiểm soát ở mức thấp, trái với những dự đoán về gia tăng lạm phát trong quý cuối năm do sự điều chỉnh giá các mặt hàng như y tế, giáo dục và xăng dầu. “Điều này phản ánh chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng của NHNN, cũng như nỗ lực của các cấp trong việc kiềm chế giá cả thị trường”, TS.Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR bình luận.
Đáng chú ý cán cân thanh toán tổng thể thặng dư đã giúp NHNN bổ sung lượng dự trữ ngoại hối lớn. Dự trữ ngoại hối cao giúp NHNN có thêm không gian để tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, điều này tiếp tục đặt ra thách thức cho NHNN trong việc kiểm soát và trung hòa lượng ngoại tệ này nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô trong thời gian tới.
Một thành công nữa của Việt Nam trong năm qua là môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện tích cực. Chỉ số xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh (EDBI) của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố được cải thiện mạnh mẽ. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam 2017-2018 tiếp tục nhảy 14 bậc, phản ánh kết quả tích cực của ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải cách hành chính và môi trường đầu tư. Điều đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đẹp này, VEPR cũng chỉ ra những vấn đề “chưa thể yên tâm”. Viện trưởng VEPR - TS.Nguyễn Đức Thành nói: Xuất siêu lớn của khu vực FDI một mặt góp phần quan trọng mang lại một năm thặng dư thương mại cao, mặt khác đặt ra câu hỏi về tính bền vững của nền kinh tế nội địa khi phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Cũng chính bới vậy ông Thành tỏ ra rất thận trọng trong các dự báo, bởi cho dù đã có mức tăng trưởng nhanh trong năm qua, nhưng nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế. Đó là sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Đó là động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động.
“Nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay. Bên cạnh đó, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, VEPR lưu ý.
Cho rằng áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn, và trên tinh thần thận trọng TS.Thành dự báo tăng trưởng GDP 2018 vào khoảng 6,65%. "Điều quan trọng là nếu không có sự cải thiện vững chắc các vấn đề còn tồn tại thì cơ hội đến rồi sẽ đi”, TS.Thành kết luận.(TBNH)
--------------------------------
VEPR: Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn tiếp tục cản trở nền kinh tế
TS. Nguyễn Đức Thành nhận định rằng kinh tế Việt Nam có một sự tăng trưởng bất thường trong nửa cuối năm và các con số báo cáo có thể cao hơn mức bình thường.
TS. Nguyễn Đức Thành trình bày báo Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý IV/2017 của VEPR. Ảnh: VEPR
Tại Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý IV/2017, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng năm 2017 có thể nói là một năm thành công của kinh tế Việt Nam khi là năm đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra.
Trong đó, GDP cả nước ước tăng 6,81%, cao hơn mục tiêu 6,7%, dù từ đầu năm các chuyên gia cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế không đưa ra nhiều kỳ vọng lạc quan.
Liệu tăng trưởng GDP có cao quá mức?
Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 cao quá, đặc biệt là quý III và IV. Do đó, VEPR đã kiểm tra lại thông qua Chỉ số hoạt động kinh tế (VEPI). Chỉ số do VEPR xây dựng dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng tín dụng và chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI).
“Chúng tôi tìm kiếm các nguồn tăng trưởng khác ổng định hơn mà không bị lệ thuộc quá nhiều vào các con số mang tính chất thành tích của Tổng cục Thống kê. Theo đó, các con số theo VEPR thấp hơn Tổng cục Thống kê công bố”, TS. Thành nói.
Mức tăng trưởng này hơi thấp hơn so với công bố của Tổng cục Thống kê về tăng trưởng GDP, do chỉ số VEPI luôn có xu hướng biến động ổn định hơn. Hai quý cuối của năm có sự tăng trưởng mạnh, mặc dù không cao như các con số được công bố nhưng các khuynh hướng giống nhau.
Cụ thể, VEPI Quý 4 đạt 7,28%, cao hơn nhiều so với các quý trước và cùng kỳ năm 2016, trong khi mức tăng trưởng GDP công bố là 7,65%.
Nguồn: Tính toán của VEPR
“Việc chỉ số VEPI vẫn thấp hơn có thể phản ánh rằng tăng trưởng GDP không thực sự vượt bậc như thực tế, tiếp tục cho thấy cần phải lưu ý đến sự thống nhất giữa các nguồn số liệu”, báo cáo nhấn mạnh.
TS. Thành cho biết các chuyên gia của VEPR cũng sử dụng các mô hình kinh tế lượng khác để dự báo tăng trưởng kinh tế của quý III và quý IV, và kết quả cho thấy các dự báo đều năm dưới mức được báo cáo.
“Điều đó cho thấy thứ nhất, kinh tế Việt Nam có một sự tăng trưởng bất thường trong nửa cuối năm. Thứ hai, các con số báo cáo có thể cao hơn mức bình thường”, Viện trưởng VEPR nói.
Kinh tế Việt Nam đối mặt những lực cản nào?
Nhận xét chung về kinh tế Việt Nam, TS. Thành cho rằng kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ quyết tâm theo đuổi được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế.
Thứ nhất, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan.
“Nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay. Bên cạnh đó, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, báo cáo lưu ý.
Thứ hai, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao vẫn tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế. Trong khi nguồn vốn chi đầu tư công vẫn còn hạn chế, chi thường xuyên vẫn ở mức cao tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp vốn vay ODA, các nhà tài trợ nước ngoài sẽ lần lượt rút dần và chỉ cho vay với các mức lãi suất kém ưu đãi hơn, Việt Nam sẽ cần sử dụng nhiều hơn nguồn nội lực của mình làm động lực cho tăng trưởng.
Chính phủ cũng cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện trong thời gian qua, VEPR khuyến nghị.
Thứ ba, việc phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn liên quan đến địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới.
Nhóm nghiên cứu VEPR cho rằng những mục tiêu cho năm 2018 là có thể đạt được, với các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì.
VEPR dự báo tăng trưởng GDP sẽ tăng đều theo từng quý trong năm 2018, đạt 6,02% trong quý I, 6,41% trong quý II, 7,08% trong quý III, và 7,27% trong quý IV. Tính chung cả năm, GDP được dự báo tăng 6,65%. Lạm phát được dự báo xung quanh 4%.
“Dự báo trên dựa trên nguyên tắc thận trọng. Điều đó cho thấy tăng trưởng GDP của Việt Nam cứ không phải năm nay cao thì năm sau cũng cao như vậy, nếu như không có các cải thiện vững chắc", TS. Thanh nói. (Bizlive)
-------------------------------
Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Tôi thấy lo vì số doanh nghiệp ra khỏi thị trường"
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn do môi trường kinh doanh chưa thuận lợi. Điều này có thể dẫn đến nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển hướng đầu tư ở Singapore.
Chia sẻ tại buổi Họp báo công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2017, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: "Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký tăng cao trong năm 2017 cao hơn so với năm trước nhưng sức ép thị trường lớn khiến các doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường cũng lớn do tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) sau tháng 9 (tháng Bảy âm lịch), tình hình đăng ký doanh nghiệp trở nên ảm đạm khi chỉ 8.610 doanh nghiệp thành lập mới, con số này đã tăng mạnh trở lại vào Quý IV với mức trung bình 10.964 doanh nghiệp thành lập mới mỗi tháng.
Tính chung cả năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới cao hơn 15,2% so với năm 2016, với 1.295,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký, tăng 45,4%. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là trên 60.000 doanh nghiệp.
"Trong lòng tôi vẫn thấy lo hơn đối với những doanh nghiệp rút khỏi thị trường vì đấy là những doanh nghiệp đã hoạt động trong một thời gian nhất định trên thị trường."
Bà Lan cho rằng bên cạnh những sức ép của tiến trình hội nhập, môi trường kinh doanh cũng là nhân tố không mấy thuận lợi đối với nhiều doanh nghiệp. Theo đó, môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, đặc biệt về thuế và các phí không chính thức. Mặc dù chính phủ đã nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng "trên nóng dưới lạnh" tức là các cấp ở bên dưới vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.
Vị chuyên gia kinh tế dẫn chứng thời gian gần đây Bộ Tài chính liên tục đề xuất tăng một số loại thuế mặc dù bị phản đối kịch liệt.
"Nếu tăng thuế thì trong tương lai sức chịu đứng của nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước sẽ thế nào?", bà Lan trăn trở.
Giải thích cho vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng bước vào năm 2018, nhiều loại thuế nhập khẩu sẽ giảm về còn 0% do Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết ngành hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết riêng khoản thu của ngành hải quan do chịu tác động từ việc cắt giảm thuế từ các hiệp định tự do giảm khoảng 30.000 tỷ đồng.
"Đây là hồi chuông cảnh báo đối với nền kinh tế năm 2018", ông Doanh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông cho rằng doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế. Việt Nam hiện vẫn còn đang dựa vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quá nhiều trong khi tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của các doanh nghiệp này vẫn còn thấp.
Ông Doanh đề xuất cần có sự chuyển hướng về chính sách. xóa bỏ lợi ích nhóm, tình trạng "biếu xén". Nếu như không cải cách thể chế, tạo thuận lợi, nhiều doanh nghiệp trẻ sẽ đăng ký ở Singapore. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, đồng tiền "có chân", và ngày càng nhiều bạn trẻ sẽ mở công ty ở Singapore. Tại đây chỉ mất 10 USD và sau 2 tiếng doanh nghiệp có thể hoạt động. Nếu như vậy, các doanh nghiệp Việt sẽ đóng thuế, tạo việc làm, đóng góp GDP cho Singapore.(NDH)