tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 13-08-2017

  • Cập nhật : 13/08/2017

Sàn tiền ảo Coinbase nhận đầu tư 100 triệu USD

Được thành lập từ năm 2012, Coinbase đã có sự phát triển mạnh mẽ trong vòng hơn 1 năm qua.

duoc thanh lap tu nam 2012, coinbase da co su phat trien manh me trong vong hon 1 nam qua.nguon anh: cryptoninjas.net

Được thành lập từ năm 2012, Coinbase đã có sự phát triển mạnh mẽ trong vòng hơn 1 năm qua.Nguồn ảnh: cryptoninjas.net

Mới đây, sàn tiền ảo Coinbase vừa nhận được một khoản đầu tư trị giá 100 triệu USD, từ một nhóm nhà đầu tư bao gồm IVP, Spark Capital, Greylock Partners, Battery Ventures, Section 32 và Draper Associates.

Theo phát ngôn viên Megan Hernbroth của Coinbase, công ty dự định sẽ dùng số vốn này để mở rộng đội ngũ kỹ thuật và hỗ trợ khách hàng, mở văn phòng tại New York cho sàn GDAX (công ty con của Coinbase), và phát triển trình duyệt di động Toshi chuyên dành cho hệ thống tiền ảo ethereum.

Được thành lập từ năm 2012, Coinbase đã có sự phát triển mạnh mẽ trong vòng hơn 1 năm qua, sau khi giúp các khách hàng giao dịch lượng tiền ảo tổng trị giá hơn 25 tỷ USD. Một trong số các cổ đông của Coinbase chính là Sàn chứng khoán New York (NYSE).

Tuy nhiên, Coinbase cũng đã có vài lần vấp ngã trong 2 tháng trở lại đây. Hôm 21/6, giá ethereum đã có lúc giảm từ 317,81 USD xuống còn 10 cent trên sàn GDAX, do một giao dịch giá trị lớn làm hàng loạt các thuật toán bị rối loạn, khiến giá ethereum chỉ còn 10 cent trong vòng 45 mili giây. May mắn là sau đó giá cả đã quay lại mức 300 USD trong vòng 10 giây. Theo Hernbroth cho biết, tất cả các khách hàng của GDAX bị ảnh hưởng bởi sự cố này đã được bồi thường. Để ngăn ngừa hiện tượng này lặp lại, Coinbase đang xem xét việc phát triển các cơ chế phòng vệ để tự động ngắt giao dịch khi có sự cố xảy ra.

Sau đó vào đầu tháng 8 này, khi cộng đồng bitcoin (BTC) bị tách làm đôi và dẫn tới sự ra đời của đồng tiền ảo mới bitcoin cash (BCC), Coinbase đã lúng túng trong việc xử lý chuyện này. Đầu tiên, công ty tuyên bố sẽ không hỗ trợ BCC, trong khi đúng ra tất cả những ai sở hữu BTC đều phải được nhận một lượng BCC tương đương. Điều này khiến nhiều khách hàng giận dữ và đe dọa kiện tụng. Sau đó, Coinbase đã phải xuống nước và cho biết sẽ cho phép các khách hàng được dùng BCC từ ngày 1/1/2018 nếu “không có rủi ro nào xuất hiện thêm”.(NCĐT)
--------------------------

Nhận định về khả năng giảm lãi suất những tháng cuối năm 2017

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, những tháng cuối năm 2017, việc giảm lãi suất đang có nhiều yếu tố hỗ trợ từ phía trong nước và quốc tế.

Cụ thể là áp lực từ tỷ giá không quá lớn, đồng USD đã giảm hơn 7% so với đầu năm và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong năm nay hiện xuống dưới 50%.

Cùng với đó, lạm phát nhiều khả năng đạt dưới mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra, việc phát hành trái phiếu Chính phủ năm tháng còn lại của năm 2017 chỉ còn khoảng 25% kế hoạch, lợi suất trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn cũng đồng loạt giảm 0,2-0,3 điểm % so với thời điểm cuối tháng Sáu, thấp hơn khoảng 1 điểm % so với cùng kỳ 2016 ở các kỳ hạn, tạo điều kiện hỗ trợ việc giảm lãi suất đối với khu vực ngân hàng.

Cuối cùng, động thái từ nhà điều hành đang hỗ trợ lớn cho việc giảm lãi suất, đó là việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành trong tháng Bảy vừa qua. Cùng với đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn cũng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Đặc biệt, nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 ngày 19/7.

Báo cáo về tình hình kinh tế tháng 7/2017 và bảy tháng đầu năm 2017 của Ủy ban này cho biết, trên thị trường lãi suất huy động tương đối ổn định. Tính đến 20/6, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,7%, 6 tháng ở mức 5,68%, 12 tháng ở mức 6,8%, 12-36 tháng ở mức 7,07%.

Lãi suất cho vay có dấu hiệu giảm dần sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn một số lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay năm lĩnh vực ưu tiên giảm về mức 6,5%/năm, cá biệt đã có ngân hàng thương mại giảm về 6%/năm, thấp hơn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước 0,5%.

Cũng tại báo cáo này, tín dụng tháng Bảy tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ước tính đến hết tháng 7/2017, tín dụng tăng 9,3% so với cuối năm 2016, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn có xu hướng giảm, ước chiếm khoảng 53,9% tổng tín dụng, thời điểm cuối năm 2016 là 55,1%.

Về tín dụng ngắn hạn, ước tính chiếm tỷ trọng 46,1% (cuối năm 2016 chiếm 44,9%). Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tiếp tục duy trì ổn định. Tín dụng Việt Nam đồng chiếm khoảng 91,7% tổng tín dụng, tín dụng ngoại tệ chiếm 8,3% tổng tín dụng.(Vietnam+)
---------------------

Trung Quốc hụt hơi trong cuộc đua số 1 với Mỹ

Các chính sách khó đoán và quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng đang khiến cỗ máy kinh tế Trung Quốc dần mất đà.

Hãng bảo hiểm Trung Quốc – Anbang Insurance gần đây đang tuột dốc không phanh. Mới cách đây không lâu, họ còn là biểu tượng cho tham vọng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc, khi liên tục theo đuổi các thương vụ M&A quốc tế. Nhưng hiện tại, Chính phủ Trung Quốc được cho là đang gây sức ép buộc họ bán tài sản ngoại và mang tiền về nước.

Nếu điều này là đúng, Trung Quốc chỉ càng cho các nhà đầu tư nước ngoài thêm lý do để e ngại làm ăn với công ty nước này. Đó là sự bất ổn định trong chính sách can thiệp vào các vấn đề tài chính tư nhân.

Tuy nhiên, Anbang chỉ là một dấu chấm trong bức tranh tổng thể về tương lai kinh tế Trung Quốc. Trong tất cả lĩnh vực, đà tăng trưởng của Trung Quốc nhằm vươn tới vị trí siêu cường kinh tế toàn cầu đều đang chững lại.

Gần như cả thế giới tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể ngăn chặn. Một khảo sát gần đây của Pew Research Center cho thấy dù phần lớn nhận định Mỹ vẫn là nền kinh tế hàng đầu thế giới, Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách. Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình cũng càng củng cố quan điểm này khi xây dựng cho nước mình hình tượng luôn cổ vũ toàn cầu hóa và có nhiều bước tiến về kinh tế cũng như thương mại.

Công nhân Trung Quốc làm việc trong một nhà máy ở An Huy. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các số liệu lại cho thấy một câu chuyện khác. Người ta vẫn cho rằng Trung Quốc đang nhấn chìm thế giới khi xuất khẩu mọi thứ, từ điện thoại di động, thép đến giày thể thao. Nhưng trên thực tế, cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc đang gặp trục trặc. Giai đoạn 2006 – 2011, tổng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng gần gấp đôi, giúp nước này vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng từ đó, tốc độ này còn chưa tới 11%, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Xu hướng chậm lại cũng diễn ra tương tự với đồng Nhân dân tệ (NDT). Cuối năm 2014, NDT lọt top 5 tiền tệ được dùng phổ biến nhất trong thanh toán toàn cầu, chiếm 2,2% giá trị giao dịch. Trung Quốc từng bám rất sát mục tiêu dài hạn là biến NDT thành đối thủ thực sự của đồng đôla Mỹ. Tuy nhiên, quá trình này đã đảo chiều. Hồi tháng 6, tổng giá trị giao dịch thanh toán quốc tế bằng đồng NDT chỉ là 2%, lùi xuống dưới đôla Canada.

Trên thị trường vốn Trung Quốc, dù Chính phủ nước này đã mở cửa phần nào thị trường cổ phiếu và trái phiếu cho nhà đầu tư ngoại, nhà đầu tư vẫn thích mua cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong hoặc New York hơn là Thượng Hải hay Thâm Quyến.

Nguyên nhân của việc này một phần là Trung Quốc đang trải qua giai đoạn chuyển dịch khó khăn mà nước nào cũng phải đối mặt khi mất lợi thế giá rẻ. Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước như Ấn Độ hay Việt Nam – những nơi có giá nhân công rẻ hơn, Trung Quốc đang dần mất sân chơi tại các lĩnh vực như xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ. Trong khi đó, tốc độ thay thế các ngành xuất khẩu truyền thống bằng ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao vẫn chưa diễn ra đủ nhanh. Năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu 708.000 xe, giảm mạnh so với 910.000 xe năm 2014.

Bên cạnh đó, chính sách của Trung Quốc cũng không hoàn toàn hỗ trợ quá trình mở rộng trên toàn cầu. Đồng NDT vẫn bị cho ra rìa trên thị trường tiền tệ vì chính phủ Trung Quốc thường xuyên can thiệp. Hồi tháng 5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đảo ngược chính sách tự do hóa giao dịch NDT trước đây, để tăng kiểm soát nội tệ. Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa quên được Bắc Kinh đã can thiệp mạnh tay đến thế nào để ngăn chứng khoán lao dốc năm 2015. Việc này khiến họ càng e ngại nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc.

Không lĩnh vực nào cho thấy sự bất nhất giữa tham vọng toàn cầu và chính sách thực sự của Trung Quốc rõ ràng hơn là đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Có thời điểm, giới chức khuyến khích các công ty làm M&A ở nước ngoài, tạo ra làn sóng mua sắm của các công ty như Anbang Insurance. Tuy nhiên, việc này cũng khiến hoạt động vay nợ để đi mua tăng theo.

Khi phát hiện ra vấn đề này, Chính phủ Trung Quốc khắc phục bằng cách đột ngột thay đổi chính sách và kìm hãm các thương vụ quốc tế. Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vẫn tăng 9% nửa đầu năm nay, nhưng chỉ nhờ một thương vụ lớn – Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc - ChemChina mua Syngenta. Nếu trừ đi, giá trị các thương vụ sẽ giảm một phần ba.

Nguyên nhân sâu xa của sự chững lại là Trung Quốc không thể ngừng can thiệp vào thị trường. Để khôi phục xuất khẩu, Trung Quốc đã tung chương trình hỗ trợ để nâng cấp sản xuất có tên “Made in China 2025”. Để giúp các công ty mở rộng hoạt động trong khu vực, họ đưa ra sáng kiến Vành đai, Con đường, dựa trên ý tưởng hồi sinh Con đường Tơ lụa trước đây.

Kể cả chưa có sự can thiệp của Chính phủ, các công ty Trung Quốc cũng đã đủ khó khăn trong quá trình chuyển mình thành người chơi toàn cầu, do phải cạnh tranh về thương hiệu, công nghệ, tài chính và kiến thức chuyên môn. Vì thế, sự trì trệ này được dự báo còn lâu nữa mới chấm dứt.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục