tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 10-04-2017

  • Cập nhật : 10/04/2017

Ôtô giá rẻ ồ ạt về Việt Nam, hải quan yêu cầu truy xuất nguồn gốc

Tổng cục Hải quan lưu ý cơ quan hải quan các địa phương kiểm tra việc đáp ứng tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá ASEAN đối với các ôtô nhập khẩu nguyên chiếc nhằm chống gian lận thương mại.

oto gia re o at ve viet nam, hai quan yeu cau truy xuat nguon goc

Ôtô giá rẻ ồ ạt về Việt Nam, hải quan yêu cầu truy xuất nguồn gốc

Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các tiêu chí nguồn gốc xuất xứ (C/O) đối với mặt hàng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu khi áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Cơ quan này lưu ý, kiểm tra việc đáp ứng các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá ASEAN đối với các ôtô nhập khẩu nguyên chiếc trong quá trình làm thủ tục hải quan để chống gian lận, hưởng lợi khi nhập xe vào Việt Nam khi thời điểm áp dụng xoá bỏ thuế quan đối với ôtô từ các nước ASEAN ngày càng đến gần.

Tổng cục Hải quan yêu cầu, trong trường hợp có nghi vấn liên quan đến tính hợp lệ của C/O, các thông tin khai báo C/O hay xuất xứ thực tế của hàng hóa nhập khẩu các cục hải quan tỉnh, thành phố phải gửi báo cáo và hồ sơ liên quan về Tổng cục để tiến hành xác minh. Cơ quan này cũng chỉ rõ những nghi vấn như có dấu hiệu giả mạo chữ ký, con dấu C/O, sự không phù hợp giữa thông tin về hàng hóa khai báo trên C/O với chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, nghi ngờ về tiêu chí xuất xứ khai báo trên C/O hay qua kiểm tra thực tế phát hiện xuất xứ thể hiện trên hàng hóa khác với khai báo, quy định về vận chuyển trực tiếp…

Trong thời gian xác minh, hàng nhập khẩu không được áp dụng các thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt, chỉ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi tối huệ quốc - (MFN), mức ưu đãi thấp hơn ưu đãi đặc biệt.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tiến hành rà soát C/O của các lô hàng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu đã cho hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt từ 1/1/2017 đến nay. Nếu có dấu hiệu vi phạm, chủ động tổ chức kiểm tra sau thông quan và báo cáo kết quả về Tổng cục Hải quan. 

Trước đó, từ đầu năm 2017 thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ chỉ còn 30% thay vì 40% như năm 2016. Sang năm 2018, các mặt hàng ôtô từ các nước ASEAN sẽ được bãi bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu. Số liệu thống kê của ngành hải quan cho thấy lượng xe nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam tăng mạnh trong những tháng đầu năm, thậm chí gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Hiện, trong khu vực ASEAN, 2 quốc gia xuất khẩu ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam là Thái Lan, Indonesia. (VNE)
---------------------------------

Đề xuất lấp hồ Thành Công để... xây nhà tái định cư

Mới đây, tại Hội thảo khoa học về cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng đã không ngại ngần đề xuất tạo quỹ đất để xây nhà tái định cư tại chỗ cho các hộ đang sinh sống ở chung cư Thành Công.

dai dien chu dau tu viet hung de xuat lap 1ha ho thanh cong de xay nha tai dinh cu (anh minh hoa)

Đại diện chủ đầu tư Việt Hưng đề xuất lấp 1ha hồ Thành công để xây nhà tái định cư (Ảnh minh họa)

Cụ thể vị đại diện đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép lấp 1ha hồ Thành Công để lấy đất xây nhà tái định cư cho các hộ dân đang sống tại chung cư Thành Công cũ thuộc diện cải tạo. Ngay khi đề xuất được đưa ra, cả hội trường cười ồ lên, song vị đại diện trấn an: “Các vị đừng vội cười, hãy nghe tôi nói”. Theo đó, đại diện chủ đầu tư Việt Hưng, lý giải: Đây là phương án táo bạo song được nhiều các hộ dân chấp thuận, bởi họ không phải rời đi tạm cư nơi khác, lại tận mắt chứng kiến nhà tái định cư được xây dựng như thế nào. “Khi người dân đồng ý chuyển sang nhà tái định cư tại chỗ, chủ đầu tư mới tính phương án cải tạo chung cư cũ, mà không mất nhiều thời gian cho việc giải phóng mặt bằng, đền bù”, vị này cho hay.

Cũng theo vị đại diện trên, với phương án cải tạo chung cư cũ trên đất vàng mà chỉ cho xây nhà 24 tầng,chắc chắn chủ đầu tư không thể cân đối tài chính để thực hiện. “ Nếu chỉ cho xây nhà 24 tầng lại cộng thêm các tầng hầm thì đổi lại phải cho chủ đầu tư chúng tôi quỹ đất đối ứng, nhưng phương án này khá khó khăn”, đại diện Việt Hưng nói. Vì thế, chủ đầu tư đề xuất phương án 2 bao gồm các điều kiện: Thứ nhất chấp nhận tái định cư tại chỗ hiện hữu 100%; diện tích căn hộ tối thiểu 45m2; giữ lại các công trình tiện tích của khu chung cư, cải tạo khu đô thị xanh mật độ dân cư thấp. Thứ hai, đề nghị xây khối nhà tái định cư tối thiểu 24 tầng nhưng có điểm nhấn, cho nâng cao tối đa 45 tầng đối với khối nhà thương mại; Cho phép mở rộng ranh giới quy hoạch để có biện pháp thi công tốt nhất, có quỹ đất sạch làm nhà tái định cư…

Trước những đề xuất trên, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhận định: Trong công tác cải tạo, quy hoạch chung cư cũ, để tìm được lời giải đảm bảo lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân không dễ chút nào. “Có những đề xuất mà ngay cả Thành phố cũng không dám quyết, cụ thể ở đây là lấp 1 ha hồ Thành Công làm nhà cho dân, mặc dù chủ đầu tư nói sẽ đào thêm hồ chỗ khác. Tuy nhiên, qua đề xuất này cũng nảy ra cơ chế xác định vị trí tái định cư cho người dân xem trước. Nếu người dân đồng ý sẽ xây ngay nhà tái định cư, sau đó mới phá chung cư cũ và làm tiếp các hạng mục khác. Như vậy người dân có nhà về ở luôn, không phải đi nơi khác”, ông Hùng nói.

Theo vị Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, mặc dù đã rất quyết tâm, ngay cả có sự chỉ đạo từ TƯ xuống, công tác cải tạo chung cư cũ của Thủ đô tới nay mới chỉ được 1%. Hà Nội hiện vẫn còn hơn 1.200 nhà chung cư cũ. “Không phải thấy khó mà không làm. Lâu nay, Hà Nội trăn trở rất nhiều về công tác cải tạo chung cư cũ. Hà Nội cũng đã dùng nhiều mô hình với các chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp bên ngoài tuy nhiên chỉ mới giải quyết được từng khu nhỏ lẻ, không đạt hiệu quả mong muốn”, ông Hùng nhận định.

Được biết, trước đó, Thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho 18 nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác điều tra xã hội học, xây dựng nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch lại 26 khu chung cư cũ.(BGT)
----------------------------------------

Hàng loạt nhà bán lẻ Mỹ đóng cửa hàng vì ế ẩm

Theo Bloomberg, trong phân khúc bình dân, chuỗi cửa hàng giày Payless phổ biến vừa đệ đơn xin phá sản và thông báo kế hoạch đóng cửa hàng trăm chi nhánh. Ở phân khúc cao cấp, thương hiệu thời trang xa xỉ Ralph Lauren cho hay họ sẽ đóng cửa cửa hàng quan trọng là Fifth Avenue Polo ở thành phố New York. Cửa hàng này là biểu tượng của thời trang xa xỉ nhưng cũ kỹ, vốn không còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng ngày nay.

Hãng bán lẻ quần áo thanh thiếu niên Rue21 có thể là đơn vị kế tiếp. Chuỗi bán lẻ này có khoảng 1.000 chi nhánh và đang chuẩn bị nộp đơn xin phá sản trong tháng này. Chỉ mới vài năm trước, công ty còn được bán cho hãng tư nhân Apax Partners với giá khoảng 1 tỉ USD.

Nhà phân tích Noel Hebert của Bloomberg Intelligence cho hay: “Đây là ngành công nghiệp vẫn đang đi tìm câu trả lời. Tôi không biết liệu có bao nhiêu trung tâm mua sắm có thể tự đổi mới”.

Sự lao dốc chóng mặt của rất nhiều nhà bán lẻ khiến không ít trung tâm thương mại dư đến hàng trăm chỗ trống. Dù vậy, nỗi đau ngành này có thể chỉ mới bắt đầu. Hơn 10% diện tích bán lẻ của Mỹ có thể cần được đóng cửa hoặc tái thương lượng để có giá thuê thấp hơn trong nhiều năm tới.

cua hang polo ralph lauren anh: reuters

Cửa hàng Polo Ralph Lauren Ảnh: Reuters

Ngành bán lẻ lao dốc cũng tác động đến công ăn việc làm. Theo số liệu mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, các hãng bán lẻ nước này cắt giảm khoảng 30.000 việc làm trong tháng 3. Đây là mức tinh giảm nhân sự ngang bằng với tháng 2, đánh dấu hai tháng tệ nhất kể từ năm 2009.

CEO Urban Outfitters Richard Hayne không ngại chia sẻ thẳng trên truyền thông hồi tháng trước. Nhiều trung tâm mua sắm và quá nhiều cửa hàng mọc lên trong những năm gần đây, song họ chỉ bán có cùng một thứ: quần áo. “Điều này tạo ra bong bóng. Giống như bong bóng bất động sản, chúng đang nổ tung. Chúng ta đang nhìn thấy hệ quả: cửa hàng đóng cửa còn giá thuê đi xuống. Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong tương lai gần, thậm chí có thể tăng tốc”.

Hiện tốc độ đóng cửa cửa hàng so với cùng kỳ năm ngoái ở Mỹ đang ở mức cao nhất từ năm 2008 - thời điểm đợt suy thoái kinh tế đang lên cao. Khoảng 2.880 cửa hàng đóng cửa từ đầu năm đến nay, trong khi cùng kỳ năm 2016, có 1.153 cửa hàng biến mất. Cả năm nay, ngành bán lẻ Mỹ có thể mất 8.640 cửa hàng. Con số trên cao hơn mức đỉnh điểm là 6.200 vào năm 2008.

Những vụ phá sản góp phần gia tăng xu hướng trên. Payless đang đóng cửa 400 cửa hàng trong tổng số 4.000 chi nhánh với tổng cộng 22.000 nhân viên. HHGregg, Gordmans Stores và Gander Mountain đều phá sản trong năm nay. Hãng RadioShack thì cũng đang chuẩn bị phá sản lần thứ nhì trong hai năm. Một số doanh nghiệp khác cũng đang cật lực giảm bớt số chi nhánh là Sears Holdings, Macy’s và J.C. Penney.(TN)
------------------------------------------------

Siết chặt kiểm tra thịt nhập khẩu

Từ ngày 10-4, người khai hải quan phải nộp bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ do nước xuất khẩu cấp khi làm thủ tục hải quan đối với các lô hàng thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu.

Trường hợp mua bán qua bên thứ ba, phải thể hiện rõ tên nhà sản xuất trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Đó là yêu cầu của Bộ Tài chính trong công văn vừa gửi cục hải quan các địa phương,

Riêng với thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu có xuất xứ từ Brazil, ngoài yêu cầu ngừng nhập sản phẩm của 21 nhà máy giết mổ và chế biến thịt đang bị cơ quan chức năng Brazil điều tra (từ ngày 23-3, theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT), các lô sản phẩm về đến cửa khẩu trước ngày 23-3 phải được hải quan kiểm tra thực tế toàn bộ.

Trong đó, cần lưu ý đến thành phần, hạn sử dụng, nhãn hiệu, điều kiện bảo quản, an toàn thực phẩm... của hàng hóa nhập khẩu, đồng thời yêu cầu phải lưu giữ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, không cho phép đưa về bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm dịch.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm 2017 đến hết ngày 15-3, cả nước nhập khẩu 22.500 tấn thịt gà các loại, trị giá 19,8 triệu USD.

Trước đó, trong năm 2016, VN đã chi tới 107,8 triệu USD để nhập 140.000 tấn thịt gà (gà nguyên con, đùi gà, cánh gà, thịt gà khác), với mức giá bình quân trước thuế 0,77 USD/kg, tương đương 17.000 đồng/kg.

Trong đó, VN chủ yếu nhập thịt gà có xuất xứ từ Mỹ, với hơn 12.200 tấn (trị giá hơn 10,1 triệu USD) kể từ đầu năm đến ngày 15-3.

Trong năm 2016, VN chi tới 61,1 triệu USD để nhập thịt gà từ Mỹ, chiếm 56% tổng trị giá nhập khẩu thịt gà các loại. Đứng thứ hai trong danh sách này là Brazil, Hàn Quốc...

Ghi nhận trên thị trường vào ngày 8-4 cho thấy cánh gà đông lạnh nhập khẩu có xuất xứ Brazil được bày bán trở lại tại siêu thị Metro sau khoảng 2 tuần vắng bóng. Tại siêu thị Metro Hà Đông (Hà Nội), cánh gà có giá 69.900 đồng/kg.

Trong khi đó, thị trường trong nước hiện có bán đủ các loại thịt được nhập về từ nhiều nước như Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Ba Lan, Ấn Độ, Úc…(TT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục