Xuất khẩu cao su Việt Nam tăng vọt; TP.HCM tồn trên 10.000 căn nhà sở hữu Nhà nước; Hoa Kỳ muốn giúp Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo; Máy bay thương mại đầu tiên của Nhật sẽ thay đổi cuộc chơi hàng không?
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 13-08-2017
- Cập nhật : 13/08/2017
Didi đang "truy sát" Uber trên toàn cầu như thế nào?
Chiến lược mới của Didi là hỗ trợ các đối thủ của Uber trên toàn cầu về cả mặt kỹ thuật lẫn tài chính.
Chiến lược mới của Didi là hỗ trợ các đối thủ của Uber trên toàn cầu về cả mặt kỹ thuật lẫn tài chính.Nguồn ảnh: CNN Money
Nếu Uber nghĩ rằng mối đe dọa từ Didi Chuxing đã qua sau khi bán lại chi nhánh ở Trung Quốc cho công ty này, xem ra họ đã sai lầm.
Didi đang tích cực đầu tư vào các đối thủ của Uber trên toàn thế giới. Gần đây nhất, công ty này tuyên bố đã đầu tư một khoản tiền không tiết lộ vào dịch vụ gọi xe Careem (Dubai).
Kể từ tháng 3/2016, Careem đã có cuộc thảo luận với Didi cũng như với những các công ty khác đã từng liên minh với Didi như Lyft (Mỹ) và Ola (Ấn Độ).
Tuy Didi chưa mở rộng hoạt động ra bên ngoài Trung Quốc, nhưng công ty đã đầu tư và liên minh với các công ty cùng ngành tại ít nhất 5 khu vực khác. Trước Careem, Didi đã đầu tư 100 triệu USD vào công ty 99 của Brazil. Gần đây, Didi cùng với SoftBank đã đầu tư thêm 2 tỉ USD vào Grab (Singapore).
Trước đó, Didi đã đầu tư một khoản tiền không tiết lộ vào Taxify của Châu Âu, và vào năm 2015 Didi cũng đầu tư và đồng ý chia sẻ một số kiến thức chuyên môn với Ola và Lyft.
Didi hiện được chống lưng bởi nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có cả SoftBank và Apple. Họ đang muốn tạo ra một mạng lưới các công ty vận tải trên toàn cầu, cho phép người dùng Didi có thể gọi xe từ Lyft khi họ đến Mỹ và ngược lại. Grab và Lyft cũng đã tung ra ứng dụng đặt xe chéo (cross-booking) giữa 2 bên, nhưng sau đó kế hoạch này bị dừng lại vì chi phí cao và yêu cầu nhiều nhân công.
Chiến lược hiện tại của Didi là hỗ trợ các đối thủ cạnh tranh của Uber bằng cả tài nguyên và kiến thức kỹ thuật, trái với việc mở rộng sự hiện diện thông qua các ứng dụng đặt chéo, hoặc thực sự mở rộng hoạt động ra bên ngoài Trung Quốc.
Về phần mình, Uber vẫn hiện diện ở nhiều thành phố hơn (hơn 550 địa điểm) so với Didi. Sau khi rút lui khỏi Trung Quốc, Uber cũng đã thực hiện sáp nhập các hoạt động của mình tại Nga và một số quốc gia lân cận với đối thủ cạnh tranh tại khu vực này là Yandex. Uber cũng đang có sự phát triển mạnh mẽ tại Mỹ Latinh, và Mexico lẫn Brazil đều nằm trong số 5 thị trường phát triển nhanh nhất của công ty. Trong khi đó, Didi chỉ mới bắt đầu những bước đi đầu tiên trong kế hoạch vươn ra toàn cầu. (NCĐT)
-------------------------------
Ông Trump ban bố tình trạng khẩn cấp về lạm dụng thuốc
Ngày 10-8 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về việc lạm dụng thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện và cho biết chính quyền đang làm việc để ban bố chính thức tình trạng này.
Phát biểu với các PV ở New Jersey, ông Trump cho biết: “Khủng hoảng thuốc giảm đau gây nghiện đang rất cấp bách và tôi chính thức nói rằng chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp. Chúng tôi dự định phác thảo và ban bố chính thức văn bản tình trạng khẩn cấp. Đây là một vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta chưa từng gặp phải trước đó”.
Tuyên bố này có thể giúp mở rộng thêm nguồn lực và sự hỗ trợ để giải quyết tình trạng lạm dụng thuốc ngày càng trầm trọng tại Mỹ. Ông Trump cho biết: “Chúng ta sẽ dành nhiều thời gian, nhiều nỗ lực và nhiều tiền bạc cho khủng hoảng lạm dụng thuốc gây nghiện này. Đây là vấn đề toàn cầu chứ không phải chỉ là vấn đề của nước Mỹ”.
Theo báo cáo từ Nhà Trắng, mỗi ngày có hơn 100 người Mỹ thiệt mạng vì sử dụng thuốc quá liều. Theo trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ, trong năm 2015, thuốc gây nghiện liên quan đến hơn 33.000 trường hợp tử vong.(PLO)
------------------------------
Buôn lậu thuốc lá gia tăng vì thu lợi nhuận tới 350%
Vừa qua, MTTQ tỉnh Long An đã chính thức tổ chức hội nghị tuyên truyền về tác hại của việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá ngoại nhập. Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Công văn số 3671/MTTW - BTT của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc phối hợp tuyên tuyền tác hại của việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá ngoại nhập lậu, hướng tới mục tiêu từng bước đẩy lùi vấn nạn thuốc lá nhập lậu đang hoành hành tại một số tỉnh biên giới Tây Nam.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg về tăng cường công tác đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu. Chỉ thị đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong công tác chống buôn lậu thuốc lá ngoại nhập trên toàn quốc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tình hình số vụ buôn lậu thuốc lá mà các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ thời gian qua chỉ chiếm tỉ lệ khiêm tốn so với thực trạng hiện nay.
Nguyên nhân buôn lậu là vì thuốc lá có sức hấp dẫn do gọn nhẹ, dễ vận chuyển, lợi nhuận 350%, trốn tất cả các loại thuế gồm: thuế tiêu thụ đặc biệt 70%; đóng góp quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá 1,5%; thuế giá trị gia tăng 10%; và thuế nhập khẩu 135%. Buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận chỉ sau ma túy.
Theo thống kê, thuốc lá lậu hiện đang chiếm gần 20% thị phần, gây thất thu khoảng 10.000 tỉ tiền thuế/năm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị
Trước thực trạng này, Chính phủ cùng các bộ, ngành rất quyết liệt trong công tác chống buôn lậu thuốc lá. Cụ thể, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2017 đã thống nhất sẽ tịch thu thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu sẽ bị tịch thu để tiêu hủy. Trường hợp đặc biệt sẽ do Thủ tướng quyết định.
BLHS sửa đổi mới đây cũng quy định sẽ truy cứu TNHS, phạt tù từ đến năm năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 1.500 bao đến 3.000 bao; phạt tù từ 5-10 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; và phạt tù tới 15 năm khi buôn bán, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên.
Để ngăn ngừa tình trạng buôn lậu thuốc lá, thời gian tới MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ tuyên truyền vận động nhân dân không tiếp tay cho hàng giả, hàng lậu, trong đó có thuốc lá nhập lậu.(PLO)
--------------------------
Coca-Cola thưởng 1 triệu USD cho người tìm ra chất làm ngọt tự nhiên mới
Coca-Cola đưa ra một thách thức mở cho mọi người là phát triển 'một hợp chất tự nhiên, an toàn, có ít hoặc không có calorie'.
Theo Reuters, hãng Coca-Cola cho biết khi thông báo về thách thức mới này: “Dù có rất nhiều nghiên cứu phát hiện và phát triển các hợp chất có ít hoặc không có calorie, chúng tôi vẫn nghĩ rằng sẽ còn thêm nhiều hợp chất mới có thể được phát hiện và phát triển”. Để nhiều người chú ý hơn về cuộc thi tìm ra hợp chất mới, công ty nước giải khát treo giải 1 triệu USD cho người chiến thắng.
Hợp chất mới phải không chứa hoặc không chiết xuất từ stevia, lo han guo (quả túc) hay bất kỳ cái tên nào trong danh sách các loài hoặc chất được bảo vệ bởi bất kỳ cơ quan chức năng nào thuộc bất kỳ quốc gia nào. Các nhà cung cấp cũng phải đưa ra “bằng chứng hợp lý” rằng hợp chất an toàn cho tiêu thụ. Ngoài ra, hợp chất cũng cần được chứng minh là ổn định trong ánh nắng mặt trời và trong nước có độ pH thấp.
Về phần mình, Coca-Cola sẽ tự tìm kiếm sự chấp thuận từ giới chức các nước khác nhau để sử dụng hợp chất mới. Hạn chót của cuộc thi là ngày 18.1.2018.
Hãng nước giải khát cũng tung ra một chiến dịch bổ sung, đề nghị người tiêu dùng thử phương pháp làm ngọt thực phẩm hoặc thức uống theo cách riêng của văn hóa, cộng đồng hay gia đình họ. Hãng sẽ chọn 5 người trúng thưởng chia nhau giải 100.000 USD.
Hôm 26.7, Coca-Cola công bố kế hoạch ra mắt Coca-Cola Zero Sugar, loại thức uống Coke-Zero mới, ở Mỹ, trong bối cảnh hãng mở rộng ra thị trường thức uống ít đường và không có ga. Thông báo này đến giữa lúc lợi nhuận quý 2/2017 của hãng giảm 60% xuống còn 1,4 tỉ USD, và doanh thu giảm 16% xuống còn 9,7 tỉ USD.(Thanhnien)