tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 13-08-2017

  • Cập nhật : 13/08/2017

Cổ đông lớn nhất của Uber kiện cựu CEO Travis Kalanick

Quỹ Benchmark Capital đã buộc tội Kalanick có hành vi lừa đảo để "tăng quyền lực của mình tại Uber vì những động cơ tư lợi".

quy benchmark capital da buoc toi kalanick co hanh vi lua dao de "tang quyen luc cua minh tai uber vi nhung dong co tu loi".nguon anh: getty images/ the guardian

Quỹ Benchmark Capital đã buộc tội Kalanick có hành vi lừa đảo để "tăng quyền lực của mình tại Uber vì những động cơ tư lợi".Nguồn ảnh: Getty Images/ The Guardian

Nhà sáng lập kiêm cựu CEO của Uber là Travis Kalanick đang bị kiện bởi một trong những cổ đông lớn nhất của công ty là Benchmark Capital. Benchmark đã buộc tội Kalanick có hành vi lừa đảo để "tăng quyền lực của mình tại Uber vì những động cơ tư lợi".

Sự kiện này cho thấy "trò chơi vương quyền" tại Uber đang căng thẳng tới mức nào, khi mà mức định giá của công ty đã lên tới 69 tỷ USD.

Theo tin từ trang Axios, Benchmark đã đệ đơn lên tòa án Delaware vào hôm thứ Năm vừa qua, và đây là một động thái nhằm tìm cách loại bỏ Kalanick khỏi Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Uber và ngăn cản ông can thiệp vào các vấn đề kinh doanh của Uber. Phía Benchmark yêu cầu ông Kalanick phải bồi thường cho các hành vi "gian lận, vi phạm nhiệm vụ uỷ thác, và vi phạm các nghĩa vụ" mà ông này đã gây ra.

Kalanick đã phản bác lại vụ kiện. Thông qua một người phát ngôn, ông cho rằng cáo buộc chống lại ông là "hoàn toàn không có căn cứ, đầy những lời dối trá và buộc tội sai trái".

Cái tên Uber vốn dĩ vẫn hay gắn liền với đủ loại scandal, nhưng công ty đã rơi vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu vào tháng 2/2017, sau khi xuất hiện cáo buộc rằng môi trường làm việc của Uber tràn lan các vụ quấy rối tình dục lan rộng và phân biệt đối xử về giới. Điều này đã dẫn đến hai cuộc điều tra về văn hoá của công ty, 20 nhân viên bị sa thải, sự ra đi của các nhà lãnh đạo hàng đầu, và đỉnh điểm là việc Kalanick từ chức hồi tháng 6.

Benchmark đã không công khai chỉ trích Kalanick trong giai đoạn trước khi ông từ chức, nhưng trong đơn khởi kiện mới đây thì Benchmark đã đưa ra hàng loạt lời than phiền về những hành vi "quản lý tồi tệ và hành vi sai trái của Kalanick ở Uber".

Theo đó, Benchmark cho biết rằng Kalanick đã không tiết lộ thông tin quan trọng về start-up công nghệ xe tự hành Otto trước khi Uber mua lại nó với giá 680 triệu USD vào năm 2016. Quyết định mua lại này sau đó đã chịu nhiều chỉ trích bởi hãng Waymo (công ty con của Google), khi Waymo cáo buộc nhà sáng lập của Otto là Anthony Levandowski đã lấy cắp tài sản trí tuệ từ Google và mang nó đến Uber.

Vụ kiện cho thấy rõ ràng rằng Benchmark muốn đổ lỗi cho cá nhân Kalanick vì đã gây ra rủi ro nghiêm trọng cho khả năng phát triển công nghệ xe tự hành của Uber.

Đơn kiện của Benchmark cũng nhắc lại các vụ bê bối khác liên quan đến Kalanick, bao gồm cả việc can thiệp vào hồ sơ y tế của một nạn nhân bị cưỡng hiếp tại v8an phòng Uber ở Ấn Độ, cũng như phần mềm Greyball được Uber sử dụng để đánh lừa các cơ quan hành pháp địa phương tại những nơi mà Uber được xem là bất hợp pháp.

Benchmark cũng cáo buộc rằng bằng cách che giấu không cho HĐQT về các hành động và thông tin nhạy cảm như trên, Kalanick đã thuyết phục được họ bổ sung thêm 3 ghế bổ sung vào HĐQT vào năm 2016. Benchmark tuyên bố rằng những chiếc ghế này đã được tạo từ sự gian lận, và vụ kiện này là nhằm bỏ đi những chiếc ghế này. Và vì Kalanick đang giữ một ghế HĐQT sau khi rời ghế giành cho CEO, ông cũng sẽ bị đẩy khỏi HĐQT của Uber.

Cáo buộc của Benchmark nói rằng: "Vai trò không thích hợp của Kalanick tại HĐQT đe dọa tính hiệu quả trong việc quản lý Uber trong thời kỳ quan trọng này. Hơn nữa, giá trị khoản đầu tư của Benchmark vào Uber bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự hiện diện của Kalanick tại HĐQT".

Một người phát ngôn cho Kalanick đã gọi vụ kiện là "hoàn toàn không có căn cứ, đầy những lời dối trá và buộc tội sai trái". Bản tuyên bố này cáo buộc Benchmark đã "hành động vì lợi ích của mình chứ không vì lợi ích của Uber, của các nhân viên và các cổ đông khác", và nói rằng Kalanick "sẽ tiếp tục hành động vì lợi ích của Uber và tất cả các bên liên quan".

Uber từ chối bình luận về vụ kiện. Công ty vẫn chưa bổ nhiệm CEO mới sau sự ra đi của ông Kalanick. Công ty cũng chưa thể bổ nhiệm một số vị trí hàng đầu khác, kể cả vị trí giám đốc hoạt động (COO).

Trước đó vào thứ Năm, phó chủ tịch cao cấp về hoạt động toàn cầu của Uber là Ryan Graves đã từ chức. Graves là nhân viên đầu tiên của Uber và là thành viên HĐQT của Uber, một vị trí mà ông sẽ tiếp tục nắm giữ.(NCĐT)
---------------------------

Trung Quốc cảnh báo Mỹ về việc tăng thuế nhôm

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 10.8 lên tiếng phản đối những quyết định sơ bộ của Mỹ về việc tăng thuế nhập khẩu nhôm từ Trung Quốc.

bai nhom tai wuxi, giang to, trung quoc anh: reuters

Bãi nhôm tại Wuxi, Giang Tô, Trung Quốc ẢNH: REUTERS

Theo CNN, trong một tuyên bố đăng trên trang web chính thức của mình, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng cáo buộc của Mỹ về việc các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc nhận được trợ cấp từ chính phủ để bán phá giá nhôm ra thị trường là “không có nền tảng”. Đồng thời cảnh báo Washington nên hành động thận trọng và đưa ra một quyết định công bằng nếu không muốn làm tổn hại đến mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

Bắc Kinh phàn nàn rằng động thái áp đặt thuế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc với tỷ lệ từ 16,5% đến 81% là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bỏ qua “sự hợp tác tích cực” giữa chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp Mỹ.

Theo các quan chức Đại lục, nguyên nhân của việc áp thuế nhôm đến từ kết quả điều tra được Tổng thống Trump tiến hành vào tháng 4.2017 về cáo buộc cho rằng nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc gây tổn hại cho an ninh quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói đó là hai việc hoàn toàn khác nhau và kết quả điều tra dự kiến sẽ được công bố vào ngày 23.10.2017.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong đơn kiện gửi lên chính phủ, Hiệp hội Nhôm Mỹ đã xác định được hơn 230 công ty Trung Quốc mà họ cho là đã tham gia vào việc bán phá giá nhôm trên thị trường.

Theo một số nhà phân tích, chính quyền Tổng thống Trump gần đây thường đưa ra những thông điệp lộn xộn về lập trường thương mại với Trung Quốc. Tuần trước, Mỹ cũng thông báo sẽ điều tra về các hoạt động thương mại không công bằng của Đại lục trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy diễn ra. Có lẽ Tổng thống Trump đã hoãn lại vì thái độ hợp tác mới đây của Bắc Kinh đối với các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc dành cho Triều Tiên.(Thanhnien)
-----------------------------

Thế giới đã thay đổi ra sao vào đúng 10 năm sau khủng hoảng?

ngay 9/8/2007, cuoc khung hoang tai chinh da duoc cham ngoinguon anh: cnbc/getty images

Ngày 9/8/2007, cuộc khủng hoảng tài chính đã được châm ngòiNguồn ảnh: CNBC/Getty Images

Cách đây đúng 10 năm vào ngày 9/8/2007, ngân hàng BNP Paribas của Pháp đã chặn không cho các quỹ phòng hộ chuyên đầu tư vào các khoản vay thế chấp tại Mỹ rút tiền khỏi ngân hàng này.

Ngày hôm đó đã đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng tín dụng, khiến ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ vào một năm sau đó, và mở ra cuộc Đại suy thoái (Great Recession) trong giai đoạn 2007-2009.

Alexis Stenfors, cựu giao dịch viên (trader) của Merrill Lynch, đã trở nên "nổi tiếng" vì khiến cho công ty mình thua lỗ 450 triệu USD do các giao dịch tiền tệ sai lầm. Stenfors bình luận: "Thật sự là cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ đã bắt đầu sớm hơn một chút vào tháng 2 năm 2007, nhưng thị trường tiền tệ đã không lưu ý điều này cho đến tháng 8". Ông Stenfors hiện là giáo sư về kinh doanh tại Đại học Portsmouth của Anh.

Ông nói tiếp: "Chúng tôi nhận ra rằng vấn đề đã vượt ra khỏi những khoản vay thế chấp dưới chuẩn (subprime mortgagte) ở Mỹ và nó sẽ lan rộng ra tất cả các thị trường ở mọi nơi."

Một thập kỉ sau thảm họa đó, có nhiều thứ đã thay đổi:

Các ngân hàng trung ương tích cực vào cuộc

Năm 2008 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã phối hợp hành động để giải cứu hệ thống tài chính bằng cách cắt giảm lãi suất, tái cấp vốn cho các ngân hàng, mua lại những tài sản xấu, và bơm thanh khoản vào nền kinh tế thông qua các chương trình mua trái phiếu chính phủ.

Theo Stenfors, trước đó chưa bao giờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và các nước khác đã phối hợp cùng nhau chặt chẽ như vậy. Ông nói: "Chưa ai từng tưởng tượng rằng các ngân hàng trung ương có thể hoặc sẽ làm được những việc có quy mô lớn như vậy, và họ đã làm tiếp chuyện đó nhiều lần. Điều này hoàn toàn thay đổi nhận thức về các tổ chức này”.

Các chính phủ xiết chặt quy định trong ngành ngân hàng

Rất nhiều quy định tài chính đã được ban hành kể từ sau cuộc khủng hoảng. Trong đó có đạo luật Dodd-Frank được ban hành năm 2010 tại Mỹ, buộc các ngân hàng phải nắm giữ nhiều vốn hơn để bù đắp các khoản lỗ tiềm tàng, hạn chế giao dịch đầu cơ, và bắt buộc các ngân hàng phải tách biệt hoạt động ngân hàng đầu tư và ngân hàng bán lẻ để giảm bớt khả năng sử dụng tiền gửi cho các giao dịch rủi ro. Hiện nay, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang muốn rút lại các quy định của Dodd-Frank.

Ở châu Âu, các nhà hoạch định chính sách đã cố gắng làm cho hệ thống tài chính khu vực trở nên linh hoạt hơn bằng cách tăng cường năng lực của ECB trong việc giám sát các ngân hàng. Điều này bao gồm các bài "kiểm tra sức chịu đựng" (stress test) của ngân hàng đối với các khủng hoảng trong tương lai, và tăng tính minh bạch đối với các loại tài sải phái sinh phức tạp.

Michael Lever, một chuyên gia về quy định toàn cầu tại Hiệp hội Thị trường Tài chính châu Âu (AFME), cho biết các cơ quan của Mỹ đã hành động nhanh hơn các đối tác châu Âu trong việc kiểm tra sức chịu đựng, tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết các vấn đề với nợ xấu. Ông Lever nói: "Về cơ bản, nước Mỹ đã hoàn tất việc khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính".

Lãi suất siêu thấp

Vào tháng 8.2007, lãi suất chuẩn của Fed là 5,25%. Ngày nay, mặc dù Fed đã tăng lãi suất 4 lần kể từ ​​tháng 12/2015, nhưng mức lãi suất quỹ liên bang chỉ ở mức từ 1% đến 1,25%.

Tại Vương quốc Anh, lãi suất cơ bản hiện chỉ là 0,25% so với mức 5,75% của một thập kỷ trước. Lãi suất chuẩn của ECB hiện là 0%, so với mức 4% của năm 2007. Thậm chí, tại một nước thường có lãi suất cao như Trung Quốc, lãi suất cũng đã giảm còn 4,3%, so với mức 7,5% của năm 2007.

Các mức lãi suất siêu thấp này không chỉ phản ánh rằng đà hồi phục kinh tế toàn cầu là khá chậm chạp, mà còn cho thấy lạm phát đang thấp bất thường ngay cả khi kinh tế tăng trưởng trở lại. Lãi suất thấp là điều tốt cho những người có khoản vay thế chấp và các khoản nợ khác, nhưng lại là vấn đề với người gửi tiết kiệm.

Các nhà nghiên cứu của Fed là Michael Kiley và John Roberts đã ước tính trong một bài nghiên cứu gần đây rằng lãi suất dài hạn "tự nhiên" là khoảng 3%. Tuy nhiên, Fed đã miễn cưỡng trong việc tăng tốc lãi suất, do lạm phát tiếp tục nằm dưới mức mục tiêu 2%.

Triển vọng kinh tế đã sáng sủa hơn một chút

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết triển vọng kinh tế của Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha đang tăng lên. Eurostat, cơ quan thống kê cho 19 quốc gia sử dụng đồng euro, dự báo tăng trưởng hàng năm của eurozone sẽ đạt 2,1% trong năm nay, nhanh nhất trong một thập kỷ qua. Tây Ban Nha, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng tài chính, gần đây đã có số người thất nghiệp xuống dưới mức 4 triệu người lần đầu tiên trong 8 năm qua.

Tại Mỹ, giá cổ phiếu đang giao dịch ở mức kỷ lục, và báo cáo việc làm tháng 7 của Bộ Lao động cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất 16 nămlà 4,3%. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã lưu ý vào tháng 6 rằng triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế toàn cầu đang ở mức tích cực nhất trong một thời gian dài.

Báo cáo của BIS cũng xác định một số nguy cơ có thể đe dọa những triển vọng cải thiện, bao gồm lạm phát gia tăng, sức tiêu thụ và đầu tư yếu hơn, và tăng cường bảo hộ thương mại.

Sự phục hồi cũng không đồng đều giữa các khu vực. Tại Hy Lạp, tâm điểm của khủng hoảng nợ công châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp là khoảng 25%. Nền kinh tế Brazil đã suy giảm 3,6% trong năm ngoái và quốc gia này đang bị kẹt trong cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ ​​trước tới nay. Theo Stenfors, các công ty Trung Quốc cũng đang đối mặt với một núi nợ, và tại Bắc Âu, các khoản vay tiêu dùng của các hộ gia đình đang ở mức cao đáng lo ngại.

Ông Stenfors nói thêm: "Các chính phủ đã có nhiều thay đổi và tăng cường khả năng của mình, các ngân hàng trung ương đã can thiệp với tất cả các biện pháp khác thường có thể, nhưng các nền kinh tế không cải thiện quá nhiều. Tình hình thất nghiệp và GDP ở một số nước đã ổn, nhưng tình hình mấy năm qua vẫn không thể gọi là tốt đẹp".(NCĐT)
--------------------------

Bất động sản Hong Kong tiếp tục tăng giá

Hong Kong nổi tiếng với các không gian sống đắt tiền. Thành phố này đứng đầu danh sách những thành phố khó để sở hữu bất động sản nhất trên thế giới trong bảy năm liền.

Chỉ số đánh giá khả năng chi trả cho nhà ở của Hong Kong - được đánh giá bằng tỷ lệ thu nhập chi cho các khoản vay thế chấp, đã tăng lên 67% trong quý II, theo một thông báo từ chính quyền Hong Kong vào thứ Sáu tuần trước. Chỉ số này cao hơn mức 56% cùng kỳ 2016.

Thị trường nhà ở tại Hong Kong tiếp tục tăng giá trong quý II.

Những con số mới nhất đang tạo thách thức lớn cho trưởng đặc khu kinh tế Hong Kong - bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), trong nỗ lực thu hẹp giá nhà tại thành phố được đánh giá là đắt đỏ nhất thế giới.

Theo số liệu của Demographia, người Hong Kong có thu nhập trung bình mất 18 năm để mua nhà. Trong khi, thời gian tại Sydney (Australia) là 12 năm, London (Anh) là 8,5 năm và dưới 6 năm với New York (Mỹ).

Số lượng giao dịch nhà ở tại Hong Kong tăng 43% lên 18.892 giao dịch vào quý II, nhu cầu cao từ thị trường tạo đà khiến giá bất động sản tiếp tục tăng mạnh. Chỉ số City Leading Index của Centaline Property tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 160,3 vào 30/7. Chỉ số này đã tăng 11% trong năm nay và tăng 50% trong 5 năm qua.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục