Lạc quan với TPP, DN muốn đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính
TPP có thể chính thức ký kết vào ngày 4/2/2016
Thái Lan lo ngại các nhà đầu tư rút vốn sang Việt Nam vì TPP
Giá thép xuống dưới ngưỡng 10 triệu đồng/tấn
Thái Lan muốn bán hết 13 triệu tấn gạo dự trữ vào năm 2017
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 13-01-2016
- Cập nhật : 13/01/2016
Thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng kỷ lục
IDI vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI), thành viên của Sao Mai Group, lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2015 (VNR500). Như vậy Sao Mai Group có đến 2 thành viên hiện diện trong bảng xếp hạng này.
'Sang Myanmar tận dụng làn sóng đầu tư vàng từ Nhật Bản'
Theo lãnh đạo Fecon, việc tham gia vào thị trường Myanmar lúc này sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với hàng loạt dự án mới, những nguồn đầu tư từ vốn FDI và đặc biệt là làn sóng vàng từ các doanh nghiệp Nhật Bản.
Một trong những doanh nghiệp Việt Nam mới nhất đặt chân vàoMyanmar là Công ty Cổ phần Kỹ thuật Nền móng và Công trình ngầm FECON với việc thành lập công ty liên danh FECON Rainbow, đặt trụ sở tại TP Yangon - Myanmar. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thanh – GĐ Kinh doanh Công ty FECON để tìm hiểu thêm về thị trường Myanmar và có những góc nhìn mới về thị trường này.
Được biết, FECON vừa trúng gói thầu trị giá 2 triệu USD tại thị trường Myanmar xin ông cho biết thêm về dự án này?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Đúng vậy, FECON vừa nhận được thư trúng thầu gói cung cấp và thi công bấc thấm, xử lý nền cho dự án Mở rộng cảng quốc tế Yangon – cảng Thilawa– ký với một tổng thầu Nhật Bản. Chúng tôi sẽ bắt đầu thi công tại đây từ đầu năm 2016, kéo dài trong khoảng 8 tháng. Hiện tại FECON đã bắt đầu công tác vận chuyển vật liệu sang nước bạn, đồng thời đưa tới đây 20 kỹ sư, kỹ thuật viên để đảm bảo thi công đúng thời hạn với chất lượng tốt nhất.
Vậy chiến lược sắp tới của Fecon tại thị trường này là gì?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Không chỉ gói thầu này, FECON đã hoàn thành các thủ tục thành lập công ty liên doanh với một công ty địa phương, lấy tên là FECON Rainbow. Dự kiến, tháng 1.2016, công ty sẽ chính thức ra mắt và đặt trụ sở tại TP Yangon – Myanmar.
Như bạn đã biết, Myanmar vừa hoàn thành cuộc bầu cử lịch sử với chiến thắng thuộc về phe dân chủ. Năm 2016 dự kiến sẽ là năm bùng nổ tại Myanmar với hàng loạt các dự án mở cửa, cải tổ đất nước trên nhiều phương diện: Công nghiệp, năng lượng, hạ tầng, bất động sản… và đó đều là những lĩnh vực mà FECON có ưu thế. Trong vòng khoảng 1-2 thập kỷ tới, Myanmar cần xây dựng hàng nghìn km đường cao tốc và các nhà máy nhiệt điện để cung cấp đủ nguồn điện cho sự phát triển của đất nước.
Chính vì thế, FECON Rainbow ra đời, sẽ tiếp cận các dự án trong các lĩnh vực như xây dựng cảng biển, xây dựng các khu nhà cao tầng, chung cư, xây dựng nhiệt điện, và các công trình hạ tầng khác.
Ngay bên cạnh cảng Thilawa mà chúng tôi sẽ tham gia thi công, đang hình thành một khu công nghiệp lớn, rộng đến 2.500 hecta với vốn đầu tư đến từ chính phủ Nhật Bản. Và đây sẽ là những dự án gần nhất mà chúng tôi hướng đến. Ngoài ra, FECON cũng đang theo đuổi một sự án nhiệt điện ở miền nam Myanmar.
Nhiều doanh nghiệp cũng từng xác định sẽ tham gia thị trường Myanmar nhưng sau đó đều rút lui. Cơ sở nào khiến Fecon lại tự tin như vậy?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Myanmar là thị trường còn mới và còn nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn bắt đầu tham gia thị trường này, là cơ chế chính sách còn khá bảo thủ, chưa tiếp cận với chuẩn quốc tế do nền kinh tế khép kín trong thời gian quá dài.
Tiếp đến là cơ sở hạ tầng yếu, nguồn nhân công thiếu cả về lượng và chất, và cuối cùng là những khó khăn về cạnh tranh. Bắt đầu từ khoảng năm 2010, Myanmar đã là thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cả những nhà đầu tư Việt Nam.
Hiện tại, Trung Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Myanamar, các doanh nghiệp Trung Quốc, Malaysia, Indornesia… hiện cũng đã có mặt tại đất nước hấp dẫn nhất Châu Á này và đây chính là những “đối thủ” cạnh tranh đáng gờm cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có FECON.
Tuy nhiên, dù đã khởi động khá lâu, nhưng phải cho đến thời điểm hiện tại, thị trường này mới thực sự sôi động với hàng loạt dự án mới, những nguồn đầu tư từ vốn FDI và đặc biệt là làn sóng vàng từ các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đây chính là 1 lợi thế của FECON – khi hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản này đều đã là khách hàng, đối tác quen thuộc, truyền thống của chúng tôi trong suốt 10 năm qua tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, lựa chọn đối tác địa phương có đủ năng lực cũng là yếu tố cần và đủ để phòng ngừa rủi ro khi “đánh bắt xa bờ”, chúng tôi đã may mắn tìm được đối tác đồng quan điểm phát triển tại Myanmar.
Một lợi thế khiến FECON tự tin, chính là nguồn nhân lực mạnh, có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Công nghệ của FECON trong lĩnh vực xử lý nền – móng vượt trội hơn so với các doanh nghiệp địa phương và các nhà thầu Trung Quốc, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho các Chủ đầu tư có yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ .
IBM Việt Nam có Tổng giám đốc mới
IBM công bố bổ nhiệm ông Eric CW Yeo làm Tổng Giám đốc IBM Việt Nam vào hôm nay 12.1, thay ông Jee Toon Tan.
Ông Eric CW Yeo, đến từ Singapore, sẽ thay thế ông Jee Toon Tan, khi ông Jee Toon chuyển sang nắm giữ vị trí Giám đốc vùng phụ trách các giải pháp phân tích kinh doanh của IBM ASEAN.
Theo IBM, ông Eric CW Yeo gần đây nhất giữ chức Giám đốc phụ trách các giải pháp kinh doanh số, quan hệ khách hàng và các thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh của IBM ASEAN. Ông Eric đã dẫn dắt một đội ngũ các chuyên gia về giải pháp kinh doanh và sản phẩm trong các lĩnh vực điện toán đám mây, dữ liệu lớn và công nghệ phân tích, công nghệ di động, các giải pháp kinh doanh qua mạng xã hội, và các giải pháp an toàn, bảo mật. Đội ngũ kinh doanh của Eric đã đạt được nhiều giải thưởng và ghi nhận của IBM ASEAN và IBM toàn cầu về các thành tích doanh số.
Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao tại IBM ASEAN và IBM Singapore, ông Eric Yeo có nhiều hiểu biết về các thị trường mới nổi, cách xây dựng các mối quan hệ với các đối tác. Ông Eric đã từng nắm giữ các chức vụ tại IBM như: Giám đốc Bộ phận Đối tác Kinh doanh của khu vực ASEAN, Giám đốc các Kênh phân phối các giải pháp phần mềm khu vực ASEAN, Trợ lý cấp cao và Tư vấn chiến lược cho Tổng giám đốc IBM ASEAN, v.v.
Trước khi gia nhập IBM, Eric làm chủ một doanh nghiệp tại Singapore, sau đó sinh sống và hoàn thành một khóa học sau đại học tại Melbourne, Australia.
Việc bổ nhiệm ông Eric và Jee Toon vào các vị trí mới là một phần trong làn sóng chuyển đổi khẩn trương của IBM để trở thành một công ty về các giải pháp kinh doanh dựa trên điện toán nhận thức (cognitive business) và điện toán đám mây.
Năm 2014, IBM công bố các sáng kiến chiến lược liên quan đến dữ liệu, điện toán đám mây và công nghệ tương tác, được củng cố bằng các giải pháp an ninh, bảo mật. IBM đã triển khai những khoản đầu tư nhiều tỉ USD vào việc xây dựng bộ phận Điện toán Đám mây IBM Cloud trên phạm vi toàn cầu, phát triển các giải pháp trên nền tảng công nghệ nhận thức Watson, và thực hiện nhiều thương vụ mua lại và hợp tác lớn, đặc biệt là hợp tác với Apple để mang công nghệ di động đến với các doanh nghiệp.
Năm 2015, IBM cơ cấu lại tập đoàn xoay quanh các cơ hội chiến lược, thành lập các bộ phận kinh doanh tích hợp mới nhằm mang lại một danh mục phù hợp các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp cho các khách hàng, với tốc độ nhanh hơn và linh hoạt hơn. Cách đây 3 tháng, IBM đã chính thức công bố Các Giải pháp Kinh doanh dựa trên Điện toán Nhận thức (Cognitive Business) – một cách nhìn hoàn toàn khác biệt về một kỷ nguyên mới của điện toán và kinh doanh.
BIDV Tây Sài Gòn bị lừa hơn 21 tỷ đồng
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn tình nghi lãnh đạo của BIDV Tây Sài Gòn đã bỏ qua quy trình, quy định về việc kiểm tra hồ sơ trước khi phê duyệt, ký hợp đồng tín dụng... dẫn đến việc Chi nhánh bị lừa đảo số tiền trên.
Ngày 12/1, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can Hoàng Thái Hà - nguyên Trưởng phòng khách hàng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Tây Sài Gòn, Hoàng Thị Bích Hồng - nguyên cán bộ tín dụng của chi nhánh để điều tra hành vi Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Liên quan đến vụ án, Huỳnh Công Thiện - Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Thiện Linh cũng bị khởi tố về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công ty của ông Thiện là chủ đầu tư Khu thương mại quốc tế - Siêu thị Vinmart tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Quá trình đầu tư, Công ty TNHH Đầu tư Thiện Linh đã ký kết hợp đồng vay tiền của BIDV Tây Sài Gòn. Tuy nhiên, do kinh doanh không hiệu quả, thất thoát vốn nên ông Thiện lập ra hai công ty Thúy Hà và Thiện Thành với mục đích tiếp tục vay tiền ngân hàng.
Sau khi lập hai công ty mới, ông Thiện chỉ đạo lập khống phương án kinh doanh, kê khống tài sản đảm bảo và làm giả hồ sơ vay vốn. Bằng cách này, hai công ty do ông Thiện lập ra đã vay được trên 100 tỷ đồng từ BIDV Tây Sài Gòn.
Số tiền vay được, ông Thiện sử dụng vào nhiều mục đích cá nhân khác nhau như trả nợ, mua bán bất động sản... đến nay không có khả năng khắc phục hậu quả. Quá trình xác minh, cơ quan chức năng đã xác định ông Thiện có hành vi lừa đảo của ngân hàng số tiền trên 21 tỷ đồng.
Đối với hai bị can nguyên là cán bộ BIDV Tây Sài Gòn, cơ quan chức năng tình nghi họ không thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, BIDV trong việc kiểm tra, thẩm định hồ sơ vay vốn. Do đó, hai người này không phát hiện được việc ông Huỳnh Công Thiện lập khống hồ sơ vay tiền và chiếm đoạt số tiền trên.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn tình nghi lãnh đạo của BIDV Tây Sài Gòn đã bỏ qua quy trình, quy định về việc kiểm tra hồ sơ trước khi phê duyệt, ký hợp đồng tín dụng... dẫn đến việc Chi nhánh bị lừa đảo số tiền trên.
Cơ quan điều tra đang làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến vụ án.