tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 09-09-2017

  • Cập nhật : 09/09/2017

Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD trong tháng 8, gấp 4 lần so với dự đoán

Trong tháng 8, Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD. Trước đó, Tổng Cục thống kê ước tính Việt Nam xuất siêu 400 triệu USD - bằng 1/4 so số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong tháng 8 khá vững.

Trong tháng 8/2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 19,7 tỷ USD, tăng 11,9% so với tháng 7.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 135,03 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 95,08 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng các loại điện thoại và linh kiện trong tháng 8 đứng đầu bảng đạt 4,1 tỷ USD tăng 34,4% so với tháng 7. Xếp thứ 2 là hàng dệt, may đạt 2,6 tỷ USD, tăng 8,6%. Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện các loại đứng thứ 3 với 2,42 tỷ USD, tăng 16,2%.

Top 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong tháng 8/2017 (Số liệu: Tổng cục Hải quan)

Xuất khẩu một số mặt hàng có chiều hướng tăng mạnh so với tháng 7. Dẫn đầu là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, tăng 34,4%. Đứng thứ 2 là chất dẻo nguyên liệu đạt 46,6 triệu USD, tăng 33,7%. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm đứng thứ 3 đạt 52,1 triệu USD, tăng 29,4%.

Top 10 mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhanh nhất trong tháng 8/2017 (Số liệu: Tổng cục Hải quan)

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8 đạt 18,1 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 135,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 81,8 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy tính trong tháng 8, Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD. Trước đó, Tổng Cục thống kê ước tính Việt Nam xuất siêu 400 triệu USD - bằng 1/4 so với số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong tháng 8 khá vững. (NDH)
--------------------

“Ma trận” giá xe máy tháng Ngâu tại Việt Nam

Không có kiểu giảm giá điên cuồng như ôtô trước thời điểm bản lề 2018, thị trường xe máy chứng kiến những chiêu kích cầu trên diện rộng giữa các đối thủ trong tháng Ngâu, đặc biệt mùa khai giảng năm học mới.

khach hang xem xe tai mot dai ly o quan binh thanh.

Khách hàng xem xe tại một đại lý ở Quận Bình Thạnh.

Khảo sát của VnExpress tại TP HCM, các mẫu xe "hot" của Honda vẫn duy trì mức đội giá vài triệu đồng như Honda Air Blade, SH 125i/150i. Riêng sản phẩm mới dành cho nữ, Lead 2017 giá bán chênh khoảng 2-3 triệu đồng so với giá đề xuất lần lượt 37,5 triệu bản tiêu chuẩn và 39,3 triệu bản cao cấp.

Một Head trên đường Đỗ Xuân Hợp, Quận 9, Lead giá 39,5-42,7 triệu đồng. Nhân viên bán hàng cho hay lượng xe về ít và hết ngay trong vài ngày có mặt ở đại lý. "Xe này mới, giá bán như thế này là không quá cao vì sắp tới có thể giá sẽ tăng", người này nói thêm kèm lời giải thích tháng 7 âm lịch thường sức mua yếu.

Một số đại lý khác cũng đưa ra mức giá gần như tương tự và không quên kèm theo quà khuyến mãi. Tuy nhiên, không phải mẫu xe Honda nào cũng đội giá. Trường hợp ngược lại xảy ra trên Wave Alpha 2017 và mẫu côn tay Winner.

Mẫu xe số phổ thông Alpha mới ra mắt hồi đầu 2017 với động cơ nâng từ 100 lên 110 phân khối, kiểu dáng thay đổi đôi chút đang bán dưới giá đề xuất. Đơn cử một Head ở Bình Thạnh, Alpha 2017 chỉ bán ở mức 17,1 triệu chưa phí lăn bánh.

Nếu cộng thêm quà tặng 600 nghìn đồng không quy đổi vào giá xe và nhiều hiện vật khác, mẫu xe của Honda xuống giá hơn một triệu đồng. Giá đề xuất của Alpha 2017 là 17,8 triệu.

honda wave alpha 2017 la mot trong nhung mau xe giam gia.

Honda Wave Alpha 2017 là một trong những mẫu xe giảm giá.

Ngược lại, phiên bản đời 2016 động cơ 100 phân khối hết hàng tại các đại lý. Nhiều cửa hàng tư nhân được dịp nâng giá. "22 triệu chưa giấy, chỉ còn hai chiếc màu đen, đỏ này thôi", chủ cửa hàng ở Thủ Đức đáp nhanh khi khách hỏi mua. Một cửa hàng trên đường Hồng Bàng, Quận 5 cũng có giá gần tương đương.

Ngoài tâm lý kiêng cữ trong tháng Ngâu, mùa sinh viên bắt đầu năm học mới cũng là lý do khiến các đại lý chăm chút hơn ở khoản kích cầu. Trường hợp của Yamaha là một ví dụ.

Mẫu xe số phổ thông Sirius hiện có giá gần tương tự mức đề xuất, từ 18,5-23 triệu đồng. Mức giá này đã tính gộp khoản hỗ trợ người mua nửa triệu đồng tính luôn vào giá bán. Theo lý giải của phần lớn các nhân viên bán hàng, việc giảm giá nhẹ và tặng thêm quà để thu hút người mua, nhất là đối tượng sinh viên.

Nguyễn Văn Hùng, sinh viên năm hai trường Đại học Kinh tế - Luật TP HCM đang đợi tiền gửi từ gia đình ở Đăk Nông để sắm chiếc Sirius mới. "Đợt này giá xe đang giảm, mình cũng cần xe để đi làm thêm nên sẽ cùng anh trai đi mua khi đủ tiền", Hùng nói.

Xe ga Janus của Yamaha cũng đang có những hỗ trợ cho người mua, đối tượng nữ giới. Mức giá không chênh lệch nhiều so với mức đề xuất. Trong khi mẫu côn tay Exciter trái ngược đối thủ Honda Winner, vẫn đội giá cao.

Phiên bản Movistar hay đen nhám đều đội giá khoảng 2-4 triệu đồng so với mức đề xuất. Tại một Yamaha Town khu vực Quận 9, Exciter bản Movistar giá 50,1 triệu, Matte Black 49,1 triệu chưa tính chi phí lăn bánh. Mức đề xuất của hai phiên bản này lần lượt là 46 triệu và 45,5 triệu.

Không có kiểu loạn giá như Yamaha và Honda, các sản phẩm của thương hiệu Nhật Suzuki giá ổn định. Hiện tại, hãng này có gói hỗ trợ nửa triệu lệ phí trước bạ kèm quà tặng, áp dụng cho mẫu côn tay Axelo hay xe ga Impulse. Thương hiệu Italy Piaggio ít sôi nổi hơn nhưng cũng có quà tặng kèm cho khách mua xe để kích cầu.

Việc giá xe máy tăng, giảm hiện không còn là điều bất thường và phần lớn diễn ra ở những sản phẩm "hot", của các thương hiệu có thị phần cao như Honda, Yamaha. Người tiêu dùng đã quen dần với biến động giá xe theo mùa hoặc theo nhu cầu từ các đại lý. Thậm chí việc tăng phí trước bạ xe máy gần đây cũng không phải là trở ngại lớn đối với nhiều người Việt khi có quyết định mua.

Thị trường xe máy đang trong giai đoạn tăng trưởng cầm chừng, không có đột phá lớn về doanh số tiêu thụ. Phân khúc xe số, xe ga từ phổ thông đến cao cấp đang trở nên chật chội, khiến các hãng tính đến hướng đi mới, nơi môtô là nhân tố quan trọng.(Vnexpress)
-------------------------------

5 dự án thua lỗ của PVN được xử lý ra sao?

Trong tháng 9, PVN sẽ trình phương án khởi động lại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, ba nhà đầu tư quan tâm đầu tư Dự án Nhiên liệu Sinh học Dung Quất hay PVOil, Toyo, Licogi 16 sẽ vận hành Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Bình Phước...

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết đã hoàn thành công tác rà soát, đánh giá các phương án, giải pháp xử lý 5 dự án chưa hiệu quả là Dự án Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTEX); Dự án Nhiên liệu Sinh học Dung Quất; Dự án Nhiên liệu Sinh học Bình Phước; Dự án Nhiên liệu Sinh học Phú Thọ và Dự án Nhà máy Đóng tàu Dung Quất.

Trong tháng 9 sẽ trình phương án khởi động lại nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

Với Dự án Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTEX), PVN/PVTEX đã làm việc với Vinatex về công tác hợp tác trong giai đoạn tới. Để triển khai chi tiết, bắt đầu từ ngày 6/9, đại diện PVN/PVTEX sẽ khảo sát và tiếp xúc với các đối tác tiêu thụ sản phẩm tiềm năng để triển khai công tác thị trường. Theo kế hoạch, công tác khảo sát, tiếp xúc sẽ kết thúc trước ngày 15/9...

PVTEX đã làm việc với Tập đoàn Fortrec (Singapore) về phương án hợp tác cùng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do thời gian quyết định việc hợp tác kéo dài nên thời gian hiệu lực của các điều kiện cùng hợp tác sản xuất kinh doanh đã hết, đối tác Fortrec hiện đang xem xét để trình lại HĐQT của Fortrec về điều kiện hợp tác trước khi quyết định.

Ngày 23 và 24/8, PVN/PVTEX đã làm việc với đối tác Reliance của Ấn Độ và đã thống nhất các nội dung Reliance sẽ hỗ trợ PVTEX trong quá trình chuẩn bị khởi động lại và vận hành nhà máy: Reliance sẽ hỗ trợ nhân sự vận hành bảo dưỡng, công tác tối ưu hóa, cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Theo kế hoạch, trước ngày 15/9, Reliance và đối tác trong nước sẽ có bản chào chính thức về phương án triển khai. Trong tháng 9, PVN/PVTEX xem xét và làm việc với đối tác, sau đó sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.

Ba nhà đầu tư quan tâm đầu tư Dự án Nhiên liệu Sinh học Dung Quất

Ngày 25/8, Chủ đầu tư BSR-BF đang triển khai công tác đào đất xây hồ cigar để xử lý triệt để vấn đề nước thải. Đồng thời, BSR-BF và các cổ đông đã lập đầu bài mời nhà đầu tư tham gia hợp tác kinh doanh vận hành nhà máy; đã phát hành thư mời hợp tác vận hành sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, có 3 nhà đầu tư đang quan tâm là Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành, Công ty TNHH Tùng Lâm và Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap). Các nhà đầu tư nhận hồ sơ ngày 5/9.

Ngoài ra, BSR-BF đã lựa chọn, ký hợp đồng với một công ty tư vấn triển khai thẩm định giá trị doanh nghiệp, phần vốn góp tại doanh nghiệp và xây dựng phương án thoái vốn. Hiện tại, công ty tư vấn đang tiến hành triển khai công việc.

Trong thời gian tới, BSR-BF và các cổ đông (BSR, PVOil) tổ chức triển khai đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư hợp tác kinh doanh trong tháng 9 và thống nhất phương án khởi động vận hành lại nhà máy; tiếp tục triển khai đào đất, xây hồ cigar khắc phục triệt để hệ thống xử lý nước thải; tiếp tục triển khai công tác định giá xác định giá trị phần vốn góp tại BSR-BF và xây dựng phương án thoái vốn.

PVOil, Toyo, Licogi 16 sẽ vận hành nhà máy Nhiên liệu Sinh học Bình Phước

Tổ công tác chuyên trách của PVN cùng PVOil đã trực tiếp khảo sát tại nhà máy và làm việc với Chủ đầu tư OBF và cổ đông Toyo (Thái Lan), Licogi 16. Qua khảo sát và làm việc với các đối tác cho thấy, các bên có mong muốn tiếp tục vận hành nhà máy khi có hiệu quả và hiện nay là thời điểm thuận lợi để xem xét khởi động lại nhà máy. Đặc biệt là đối tác Thái Lan mong muốn các bên cùng tính toán phương án khởi động lại để xem xét.

Trong quá trình khảo sát thực tế, Tổ công tác chuyên trách của PVN đã chỉ ra một số điểm có thể giảm chi phí như cải tiến giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, giá sắn, công tác quản trị, tính khấu hao… đồng thời yêu cầu PVOil tính toán thêm và làm việc với các đối tác để trình PVN báo cáo Bộ Công Thương phương án chạy lại, bảo đảm có E100 vào tháng 1/2018.

PVOil đã phối hợp với Chủ đầu tư OBF rà soát, xây dựng phương án khởi động vận hành nhà máy và làm việc với Công ty Tùng Lâm tìm giải pháp tiết giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ngày 24/8/2017, các cổ đông của OBF (PVOil, Toyo, Licogi 16) đã tổ chức họp hội đồng thành viên mở rộng của OBF có mời Công ty Tùng Lâm tham dự để xem xét, đánh giá phương án vận hành lại nhà máy.

Tại cuộc họp, đại diện các cổ đông đã nhất trí phương án vận hành lại Nhà máy Ethanol Bình Phước; một số cổ đông như Toyo, Licogi 16... xác nhận sẽ làm các thủ tục cần thiết để tiếp tục góp vốn cho OBF có kinh phí sửa chữa, cải hoán kỹ thuật nhằm đưa nhà máy vào vận hành.

Trong năm 2018, PVOil và các cổ đông khác sẽ chịu trách nhiệm thu xếp vốn lưu động phục vụ sản xuất cho OBF, tương đương tối đa 91,346 tỷ đồng bằng cách ứng trước tiền mua sản phẩm E100 của OBF và/hoặc làm việc với nhà cung cấp để ứng trước nguyên liệu sắn lát đáp ứng yêu cầu sản xuất...

Ủy quyền cho PVOil là cổ đông lớn điều hành Dự án Nhiên liệu Sinh học Phú Thọ

Ngày 27/7, HĐQT PVB đã tổ chức họp, theo đó các thành viên HĐQT của PVB đang xin rút và ủy quyền cho PVOil là cổ đông lớn điều hành PVB. Hiện đang có 2 nhóm nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Thái Sơn và Công ty Mepcom Offshore and Marine Pte, Ltd là công ty con của Tập đoàn Mepcom (Singapore) quan tâm tới dự án.

Đáng chú ý, Công ty Mepcom Offshore and Marine Pte đề xuất hợp tác theo hướng Mepcom và đối tác chiến lược sẽ mua lại cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại PVB để cung cấp vốn theo mô hình xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO). Ngoại trừ PVOil vẫn duy trì vốn góp và sẽ là cổ đông cùng với Mepcom và đối tác chiến lược tại Dự án Nhiên liệu Sinh học Phú Thọ.

Song song với đó, PVOil cũng đã triển khai công tác thẩm định giá trị doanh nghiệp, phần vốn góp, xây dựng phương án thoái vốn, đến nay đã có kết quả thẩm định giá sơ bộ.

Trong thời gian tới, PVN/PVOil sẽ tiếp tục trao đổi, cung cấp thông tin dự án cho đối tác Thái Sơn, Mepcom để xây dựng phương án hợp tác đầu tư, cũng như tìm kiếm, làm việc với các đối tác khác; đồng thời PVOil tiếp tục triển khai công tác định giá tài sản, xây dựng phương án thoái vốn.

Ba kiến nghị với Dự án Nhà máy Đóng tàu Dung Quất

Ngày 25/7, PVN đã có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Bộ Công Thương về phương án xử lý các khó khăn đối với Công ty TNHH MTV CNTT Dung Quất.

Tại văn bản trên, PVN đưa ra 3 kiến nghị là cho phép PVN bán doanh nghiệp theo hành lang quy định của Nghị định 128 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Trường hợp bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản đấu giá tài sản; ủy quyền cho HĐTV Tập đoàn quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai thực hiện phương án được duyệt; có cơ chế giao cho DQS thực hiện các công việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của DQS khi Tập đoàn và các đơn vị trong Tập đoàn có nhu cầu.

Hiện những kiến nghị này của Tập đoàn đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.(NDH)
---------------------

Nhà đầu cơ Mỹ khốn đốn vì trót bán khống Nhân dân tệ

Nhân dân tệ mất giá đâu chẳng thấy, chỉ thấy ông Hart mất ngủ, mất khách hàng, và gần như mất cả sự tỉnh táo. Thậm chí, nhà quản lý quỹ đầu cơ người Mỹ mất cả niềm tin vào những gì ông từng tin chắc: năm ngoái, ông tin Nhân dân tệ sẽ mất giá hơn 50%, còn giờ đây, ông chuyển sang tin vào sự lên giá của đồng tiền này.

“Thế giới đã thay đổi”

Bài báo của hãng tin Bloomberg nói rằng sự thay đổi quan điểm của ông Hart diễn ra không hề dễ dàng. Từ văn phòng ở Fort Worth, Texas, ông Hart đã mất bao đêm không ngủ để kết nối với phía Hồng Kông, phân tích tin tức thị trường và tỷ giá các đồng tiền. Có lúc, sự căng thẳng khiến cuộc sống cá nhân của ông bị đảo lộn và cấp dưới của ông nản lòng.

“Tôi luôn nghĩ chúng tôi đang có một vụ làm ăn mà kết quả đạt được sẽ xứng đáng với độ rủi ro của nó. Nhưng chúng tôi đã phạm một số sai lầm, bao gồm việc vào cuộc quá sớm”, ông Hart nói. Ông bắt đầu đặt cược vào sự mất giá của Nhân dân tệ sau khi dự báo được cả khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ và khủng hoảng nợ châu Âu.

“Giờ đây, thế giới đã thay đổi”, ông thở dài.

Ông Hart, 45 tuổi, nhà sáng lập công ty Corriente Advisors, cho rằng cuộc họp thượng đỉnh G20 ở Thượng Hải vào năm ngoái là một bước ngoặt then chốt đối với tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Giống như nhiều nhà đầu tư khác, ông cho rằng cuộc họp này đã đi đến một thỏa thuận ngầm giữa các nhà lãnh đạo thế giới nhằm ngăn sự sụt giá của đồng Nhân dân tệ. Ông gọi đó là khoảnh khắc “bằng bất kỳ giá nào” của Trung Quốc - khi các nhà hoạch định chính sách quyết tâm đỡ tỷ giá Nhân dân tệ bằng mọi giá.

“Trung Quốc hiện giờ đã có dư địa mà họ cần để tạm thời ngăn chặn sự giảm tốc tăng trưởng bằng chính sách tài khóa và tiền tệ, hoặc tiến hành cải cách, phát triển, và nâng cấp thành nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới”, ông Hart nói.

Cho dù Trung Quốc có nhận được sự giúp đỡ từ các nước G20 khác hay không, rõ ràng Chính phủ nước này đã thành công trong việc ổn định tỷ giá hối đoái. Đồng Nhân dân tệ đã kết thúc chuỗi 3 năm giảm giá vào tháng 12 năm ngoái và tăng hơn 6% từ đầu năm đến nay. Hiện tại, tỷ giá Nhân dân tệ so với đồng USD đang ở mức cao nhất trong hơn 1 năm.

Nhưng dù ở thời điểm yếu nhất, đồng Nhân dân tệ cũng chưa giảm giá đủ để mang lại lợi nhuận cho vụ đặt cược của ông Hart. Ông bắt đầu bán khống Nhân dân tệ vào năm 2009 bằng cách mua vào những quyền chọn mà kết quả sẽ đi theo hai hướng: lãi lớn khi đồng tiền này giảm giá mạnh, hoặc không bao giờ mất trắng nếu sự giảm giá không diễn ra.

Ngay từ đầu, vụ làm ăn đã đi ngược lại những gì ông mong muốn. Sau khi ổn định trong 6 tháng đầu năm năm 2010, đồng Nhân dân tệ tăng giá trong 3 năm rưỡi. Cuối cùng, đồng tiền này cũng quay đầu giảm giá, nhưng sự giảm giá mạnh như kỳ vọng của ông Hart lại không hề diễn ra. Kết cục, ông mất khoảng 240-250 triệu USD.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg vào năm ngoái, ông Hart nói sai lầm lớn nhất của ông là tin các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ cho rằng tốt nhất nên để đồng Nhân dân tệ mất giá. Theo lập luận của ông, việc phá giá một lần sẽ loại bỏ động lực cho sự thoái vốn khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã dùng những biện pháp ít ngờ tới để hỗ trợ tỷ giá, bao gồm thắt chặt kiểm soát vốn và “đốt” hơn 800 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong vòng 2 năm qua.

Sai lầm hiếm hoi

Đối với ông Hart, đây là một tính toán sai lầm hiếm hoi.

Quỹ đầu cơ của ông đã mang lại mức lợi nhuận hàng năm 30% trong thời gian từ 2001-2006. Khoản đặt cược của ông vào sự lao dốc của thị trường nợ dưới chuẩn của Mỹ đã tăng giá trị gấp 6 lần trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau đó, ông mang lại mức lãi gần gấp đôi cho một số nhà đầu tư nhờ dự báo chính xác về cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu.

Cần nhấn mạnh rằng ông Hart không phải là nhà quản lý quỹ đầu cơ duy nhất tin Nhân dân tệ sẽ mất giá. Vào tháng 2/2016, nhà đầu cơ Kyle Bass của quỹ Hayman Capital Management dự báo Nhân dân tệ sẽ mất giá 30%. Ba tháng sau, John Burbank của Passport Capital nói Nhân dân tệ sẽ có một đợt mất giá lớn trong vòng 1 năm. Trong năm 2015, một loạt nhà đầu cơ có tiếng từ David Tepper tới Crispin Odey cũng đưa ra những dự báo tương tự.

Trong khi một số quỹ đầu cơ tiếp tục giữ đặt cược vào sự mất giá của Nhân dân tệ, ông Hart nói cơn gió giờ đã đổi chiều theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Các ngân hàng trung ương nước ngoài và các nhà đầu tư tổ chức đang mua vào đồng Nhân dân tệ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hội nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu. Cùng với đó, sáng kiến con đường tơ lụa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho phép nước này tăng cường mối quan hệ với các đối tác thương mại ở khắp châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Theo ông Hart, các biện pháp kiểm soát vốn, bao gồm việc siết hoạt động thâu tóm ở nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc, đã mang lại hiệu quả như Bắc Kinh mong muốn.

“Tôi không cho là sẽ có thêm nhiều những vụ người giàu Trung Quốc mua câu lạc bộ bóng đá lớn”, ông Hart nói, cho rằng các vụ đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc thay vào đó sẽ được hướng vào lĩnh vực công nghệ và các dự án thuộc con đường tơ lụa.

Mức nợ kỷ lục của doanh nghiệp vẫn là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, nhưng ông Hart cho rằng nước này đã bắt đầu gặt hái những lợi ích từ cơ sở hạ tầng “đẳng cấp thế giới” và ngành công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Nhà đầu cơ lạc quan về cổ phiếu thuộc hai ngành này ở Trung Quốc, cũng như ở các nền kinh tế mới nổi khác thuộc châu Á, Nhật Bản và Nam Âu, nhưng ông từ chối nói về những khoản đầu tư cụ thể.

Về đồng Nhân dân tệ, ông Hart cho biết ông sẽ không giao dịch, chí ít là vào thời điểm hiện nay.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục