IEA dự đoán thị trường dầu mỏ cân bằng trong năm 2016, dư thừa xuất hiện vào năm tới
Nhập khẩu lúa mì Indonesia trong năm 2016 đạt mức cao kỷ lục
Chiến lược sản lượng dầu của OPEC đã phát huy hiệu quả
Năm 2015 Chi Lê sử dụng quá nhiều kháng sinh trong chế biến cá hồi
Morgan Stanley nâng dự báo giá dầu Brent năm 2016, 2017
Tin kinh tế đọc nhanh tối 14-06-2016
- Cập nhật : 14/06/2016
Chi 215 triệu USD, Mapletree sở hữu khách sạn đẹp nhất Sài Gòn
Mapletree Investments Pte. Ltd, một trong những tập đoàn đầu tư bất động sản phức hợp, vừa công bố mua lại dự án Kumho Asiana Saigon từ chủ sở hữu cũ là Công ty Kumho Industrial Company Limited và Asiana Airlines Incorporated.
Theo Mapletree tại Singapore, đây là thương vụ mua bán một dự án bất động sản đã được xây dựng xong và đang hoạt động lớn nhất từ trước đến nay của Mapletree tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện truyền thông của tập đoàn này tại Singapore cho biết, giá trị của thương vụ khủng này là hơn 215 triệu USD, được tiến hành dưới dạng Asiana Airlines và Kumho Industrial đã cùng bán 50% cổ phần mỗi bên tại Kumho Asiana Plaza Saigon cho Saigon Boulevard Holdings, một công ty thành viên của Mapletree.
Ông Hiew Yoon Khong, CEO của Tập đoàn Mapletree tại Singapore phân tích, Kumho Asiana Plaza là một tài sản đầu tư với nhiều lợi thế hiếm có bởi quy mô lớn, tỷ suất sử dụng cao ở nhiều mảng của phức hợp và địa thế quan trọng ngay tại trung tâm của TP.HCM.
“Tập đoàn chúng tôi rất vui khi nắm bắt được cơ hội này để mua lại một dự án có chất lượng và khả năng mang lại lợi nhuận cao như vậy ở Việt Nam. Dự án thể hiện chiến lược chung của Tập đoàn nhằm đầu tư vào tài sản có khả năng đem lại lợi tức cao để mở rộng quy mô kinh doanh”, ông nói.
Ông Hiew cũng cho biết thêm, Mapletree sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án đã hoàn tất với chất lượng cao, có thể thu lợi nhuận tức thời ở các thành phố lớn của Việt Nam như TP.HCM hay Hà Nội.
“Chúng tôi cũng mong muốn đầu tư vào các dự án đầu tư phát triển cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ chung cư nhà ở, căn hộ dịch vụ và các dự án phức hợp bằng toàn vốn của tập đoàn hay thông qua hợp táp với đối tác địa phương. Tất cả đầu tư của Mapletree ở Việt Nam hướng đến tiếp tục mở rộng và phát triển quy mô doanh thu của tập đoàn, nhằm đem lại lợi nhuận cao và vững chắc”, ông Hiew khẳng định.
Kumho Asiana Plaza là một dự án phức hợp cao cấp cung cấp gần 146.000 m2 diện tích sàn. Dự án bao gồm một tòa cao ốc loại A, một tháp căn hộ dịch vụ chất lượng cao, một khách sạn 5 sao quản lý bởi tập đoàn InterContinental Hotels danh tiếng, cũng như một trung tâm thương mại với dịch vụ ẩm thực phong phú.
Dự án được xây dựng bởi Kumho Industrial - đơn vị phụ trách mảng xây dựng của Tập đoàn Kumho Asiana, được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2009 với tổng vốn đầu tư là 255 triệu USD.
Theo Mapletree, tỷ suất sử dụng của khu văn phòng và khu căn hộ dịch vụ cũng như khu thương mại của dự án này luôn đạt trên mức 90%.
Không khó để đánh giá vì sao Kumho Asiana có được tỷ suất sử dụng cao như vậy, vì dự án nằm tại vị trí địa lý đắc địa, ngay góc đường giao nhau giữa đại lộ Lê Duẩn và Hai Bà Trưng, có 4 mặt tiền giáp các trục đường, nằm gần Nhà Thờ Đức Bà.
Mapletree bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2005. Tính tới nay tập đoàn này đã sở hữu và quản lý một tập hợp các tài sản bất động sản từ cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, kho vận, đến mô hình căn hộ dịch vụ.
Theo công bố của Mapletree, nếu tính cả Kumho Asiana Plaza, khối lượng tài sản của tập đoàn ở Việt Nam đã lên đến hơn 1 tỷ đôla Singapore.
Hiện tại, Mapletree đang phát triển dự án Saigon South Place, một dự án phức hợp rộng 4,4 ha dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh tại phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM. Hạng mục văn phòng loại A rộng 30.000 m2 được dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016. Còn khu căn hộ dịch vụ và khu căn hộ chung cư sẽ được khởi công sớm và dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2018.
Tập đoàn cũng đang sở hữu và quản lý 3 khu tại Bình Dương và Bắc Ninh, khu công nghiệp và kinh doanh Mapletree Business City tại Bình Dương, dự án khu phức hợp Pacific Place tại Hà Nội và dự án tháp văn phòng, khu thương mại CentrePoint tại TP.HCM.
Mapletree là nhà phát triển bất động sản, đầu tư và quản lý vốn hàng đầu có trụ sở tại Singapore. Hiện tại, Mapletree đang quản lý 4 quỹ tín thác bất động sản (REITs) được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore và năm quỹ đầu tư bất động sản tư nhân với danh mục tài sản đa dạng ở Singapore và châu Á.
Theo thông tin từ tập đoàn này, kể từ ngày 31-3-2016, khối lượng tài sản do Mapletree quản lý đã lên đến trị giá hơn 34,7 tỷ đôla Singapore, bao gồm các văn phòng, trung tâm thương mại, kho vận, công nghiệp, nhà ở, nhà ở doanh nghiệp và căn hộ dịch vụ và nhà ở sinh viên.
Tài sản của tập đoàn có ở khắp toàn cầu, có thể kể tới Singapore, Australia, Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Anh, Mỹ và Việt Nam.
Viet Sin sử dụng bao bì trái phép
Ngày 12-6, nhiều siêu thị ở TP HCM cho biết vừa tạm ngưng kinh doanh sản phẩm của Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Viet Sin, chờ cơ quan chức năng xử lý sai phạm
Theo Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Viet Sin, Công ty TNHH TM-DV- SX Viet Sin hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 4-6-2001, tháng 9-2014 đổi tên thành Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Viet Sin nhưng chưa đổi bao bì. Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Viet Sin được cơ quan chức năng cho phép sử dụng bao bì cũ đến ngày 11-5-2015.
Tuy nhiên, mới đây, cơ quan chức năng phát hiện các lô hàng sản xuất trong 2 tháng 5 và 6-2016 của Viet Sin vẫn sử dụng bao bì cũ. Ngày 7-6, khi kiểm tra kho hàng của Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Viet Sin (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM), đoàn kiểm tra Cảnh sát Môi trường (PC49) Công an TP HCM phát hiện 8 sản phẩm của doanh nghiệp này gồm bò viên Bon Bon, tôm viên Mê Kông, cá viên Mê Kông, cá viên Bon Bon, tôm viên Bon Bon, cá viên cà ri, chả giò rế chay và bò viên Mê Kông sản xuất trong tháng 5 và đầu tháng 6-2016 sử dụng bao bì không hợp lệ (bao bì mang tên Công ty TNHH TM-DV-SX Viet Sin).
Ngoài ra, đoàn phát hiện 125,5 kg bò viên Go Go sản xuất ngày 5-5-2016 không có công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 177 kg sản phẩm đã hết hạn sử dụng, 64 kg ruột heo muối không có giấy chứng nhận kiểm dịch, 5 lít caramen dùng để tạo màu sản phẩm và 1 tấn bao bì nhãn hiệu Công ty TNHH TM-DV-SX Viet Sin. Bên cạnh đó, một lượng bò viên Merlion, bò viên Quê Hương, bò viên gân nghi ngờ công bố không đúng thành phần nguyên liệu (lượng thịt bò nhiều hơn thực tế). Đoàn kiểm tra đã gửi các mẫu sản phẩm nêu trên đến cơ quan chức năng phân tích, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp ngưng sử dụng bao bì cũ.
Ông Lê Hữu Tình, Giám đốc marketing siêu thị Emart, cho biết đã rút toàn bộ sản phẩm Viet Sin ra khỏi quầy kệ, trong tuần này sẽ làm việc với công ty này để nắm rõ thông tin.
Lotte Mart cũng tạm ngưng bán các sản phẩm Việt Sin trong khi chờ ý kiến kết luận của cơ quan chức năng. Theo đại diện Liên hiệp HTX TM Saigon Co.op (chủ chuỗi Co.opmart, Co.opFood, Co.opXtra), trong các sản phẩm Viet Sin đang phân phối tại Co.opmart không có nhóm hàng mang bao bì sai quy định. “Co.opmart tiếp tục theo dõi thông tin liên quan đến vụ việc và sẽ có động thái phù hợp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - vị đại diện này khẳng định.
VN nhập khẩu thép nhiều nhất Đông Nam Á
VN đã trở thành quốc gia nhập khẩu thép nhiều nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ bảy trên thế giới về quốc gia nhập khẩu nhiều thép trong năm 2015, theo xếp hạng của Hiệp hội Thép thế giới.
Thông tin này được Hiệp hội Thép VN (VSA) xác nhận ngày 12-6. Cụ thể, năm 2015 VN nhập 11,3 triệu tấn, lượng thép nhập nhiều nhất là từ Trung Quốc.
Riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, VN đã nhập từ Trung Quốc gần 3,7 triệu tấn thép các loại, chiếm đến 59,72% về lượng, trong tổng lượng nhập 6,21 triệu tấn.
Các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu rất nhiều sản phẩm phôi thép và thép thành phẩm, bất chấp Bộ Công thương đang áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài lần lượt ở mức 23,3% và 14,2%, kể từ ngày 22-3 đến nay.
Liên minh thương mại điện tử xuyên biên giới của sáu nước Mekong
Các doanh nghiệp và các tổ chức thương mại của sáu nước dọc sông Mekong đã thành lập một liên minh thương mại nhằm xây dựng nền tảng cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Phát biểu tại diễn đàn hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng (GMS) diễn ra ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Chủ tịch liên minh Yi Hong cho biết liên minh này sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới thông qua hình thức thương mại điện tử ở GMS.
Năm 1992, sáu nước dọc sông Mekong - gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam - đã triển khai Chương trình hợp tác kinh tế GMS nhằm hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng khu vực và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Tham gia liên minh thương mại nói trên gồm các tổ chức, các công ty về thương mại điện tử cũng như các công ty xúc tiến thương mại.
Khu vực thương mại điện tử xuyên biên giới này sẽ sử dụng sáu ngôn ngữ của các nước dọc sông Mekong cùng với tiếng Anh, và có các chương trình đào tạo nhằm khuyến khích các công ty thương mại mới tập trung vào hoạt động giao dịch thương mại điện tử.
Dự kiến, hơn 100.000 danh mục hàng hóa sẽ được đưa vào trao đổi trong giai đoạn đầu.
Vì sao vốn FDI vào Đà Nẵng giảm?
Đà Nẵng vẫn trải thảm đỏ kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư nhưng cũng sẵn sàng từ chối những dự án có nguy cơ gây hại đến môi trường.
Đây cũng là nguyên nhân vì sao nguồn đầu tư FDI của Đà Nẵng sụt giảm trong thời gian vừa qua. Mới đây nhất, Đà Nẵng đã từ chối 2 dự án FDI có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đó là dự án sản xuất bột giấy và dệt may kết hợp nhuộm. Như vậy, sau nhiều năm thay đổi phương thức tiếp cận thu hút đại trà sang thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút đầu tư Đà Nẵng đã có những thay đổi đáng kể, các dự án lớn đã chuyển dần từ lĩnh vực công nghiệp nặng sang lĩnh vực du lịch - thương mại, công nghệ cao và công nghệ thông tin.
Thu hút đầu tư có chọn lọc đã giúp Đà Nẵng giữ vững được danh hiệu “Thành phố đáng sống”, quan trọng hơn là được các nhà đầu tư và du khách chọn làm điểm đến. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, dòng đầu tư FDI của Đà Nẵng không giảm sâu mà có sự chuyển hướng từ công nghiệp nặng sang du lịch - thương mại, công nghệ cao và công nghệ thông tin. Do vậy, mỗi năm thành phố này đều có dự án mới triển khai. Chỉ riêng trong năm 2015, Đà Nẵng đã thu hút được hơn 337 triệu USD, tăng gấp đôi so với tổng vốn cấp mới. Nhưng sự chuyển dịch này vẫn chưa đáp ứng đủ chỉ tiêu thu hút FDI của thành phố.
Đà Nẵng đã và đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo cân bằng tỷ lệ đầu tư và tiềm năng của thành phố. Mặc dù thu hút đầu tư FDI giảm nhưng ngược lại Đà Nẵng đã đạt được mục tiêu đề ra là phát triển thành phố môi trường, thành phố đáng sống trong lòng du khách và bạn bè quốc tế.