tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-08-2018

  • Cập nhật : 02/08/2018

TP HCM lọt top 10 điểm đến châu Á 2018

Danh sách rất đa dạng vì mỗi nơi có một phong cách khác nhau.

Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 3 trong danh sách "Best in Asia" (Tốt nhất châu Á) 2018 của Lonely Planet - nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch lớn nhất thế giới. Đây được đánh giá là "một siêu thành phố đang ngày càng tuyệt hơn".

tp hcm. (nguon: cnn)

TP HCM. (Nguồn: CNN)

Đứng đầu là Busan - thành phố lớn thứ 2 của Hàn Quốc kiêm điểm đến nổi tiếng trong mùa hè với hải sản ngon và những bãi biển đẹp như tranh vẽ. Một điểm đến cũng khá quen thuộc với khách du lịch là Chiang Mai, Thái Lan. Thành phố này vừa có thêm một vài điểm hấp dẫn mới trong những năm gần đây như Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại MAIIAM.

Tuy nhiên, những nơi còn lại không được coi là điểm nóng du lịch. Ví dụ, Vịnh Arugam của Sri Lanka được vinh danh vì "giữ được phong cách" khi các hãng lữ hành đổ xô vào phần còn lại của nước này.

10 cái tên trong danh sách được chọn ra từ hàng nghìn đề xuất.

"Châu Á là một lục địa rộng lớn và đa dạng đối với bất cứ ai mơ ước trốn tránh" cuộc sống bận rộn thường ngày, Phát ngôn viên Truyền thông Chris Zeiher của Lonely Planet châu Á - Thái Bình Dương, nói.

Bảng xếp hạng của Lonely Planet:

1. Busan, Hàn Quốc
2. Uzbekistan
3. TP HCM, Việt Nam
4. Tây Ghats, Ấn Độ
5. Nagasaki, Nhật Bản
6. Chiang Mai, Thái Lan
7. Lumbini, Nepal
8. Vịnh Arugam, Sri Lanka
9. tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
10. Vườn quốc gia Komodo, Indonesia
----------------------------------

Nửa đầu năm 2018: Ô tô tiêu thụ toàn thị trường đạt 125.659 chiếc

 Báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong tháng 6/2018, sản lượng tiêu thụ ô tô trong nước giảm 5% so với cùng kỳ năm 2017, tính chung nửa năm 2018, doanh số giảm 6%.

Cụ thể là, trong tháng 6/2018, sản lượng tiêu thụ ô tô đạt 21.913 chiếc, tăng 10% so với tháng trước và giảm 5% so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, trong tháng này, doanh số xe du lịch đạt 15.185 chiếc, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017 và giảm 1% so với tháng trước; xe thương mại đạt 6.281 chiếc lần lượt giảm 21% và 8%; xe chuyên dụng đạt 447 chiếc, giảm 40% và 42% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 6/2018, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường giảm 6% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 125.659 chiếc.

Trong tháng 6/2018, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 19.194 xe, giảm 1% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 2.719 xe, giảm 24% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 6/2018, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 10% trong khi xe nhập khẩu giảm 49% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhìn vào doanh số tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, sản lượng tiêu thụ vẫn đang trong chù kỳ như năm 2017 và đạt mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Đối với các thành viên VAMA, trong tháng 6/2018, sản lượng tiêu thụ đạt 21.571 chiếc, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017 và giảm 4% so với tháng trước.

Về chi tiết tiêu thụ của từng thành viên VAMA, nhìn chung, trong tháng này, hầu hết các thành viên đều có mức giảm nhẹ so với tháng trước, cũng như so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể như sau: Sản lượng tiêu thụ của Thaco đạt 7.959 chiếc, chiếm 36,9% thị phần tiêu thụ ô tô trên cả nước, tăng 10%với cùng kỳ năm 2017 và giảm 9% so với tháng trước; Toyota đạt 4.268 chiếc, chiếm 19,8%, giảm 37% và giảm 10%; Ford đạt 1.364 chiếc, chiếm 6,3%, giảm 44% và giảm 9%; Honda đạt 2.262 chiếc, chiếm 10,5%, tăng 128% và giảm 9%; GM Vietnam đạt 1.231 chiếc, tăng 38% và tăng 25%... (kinhtevadubao)
--------------------

Doanh nghiệp khai khoáng tăng nhưng thu ngân sách giảm

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, tính đến hết tháng 12/2017, cả nước có 2.889 tổ chức, cá nhân đang thăm dò, khai thác khoáng sản theo 4.214 giấy phép do các cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh thành cấp phép.

Trong đó, Bộ TN-MT cấp phép theo thẩm quyền là 560 giấy (60 giấy phép thăm dò và 510 giấy phép khai thác khoáng sản). 3.644 giấy phép còn lại do các UBND tỉnh thành trong cả nước cấp.

Thông tin từ Tổng cục Thuế cũng cho biết, tính đến hết tháng 1/2017, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nộp ngân sách Nhà nước là 4.287 tỷ đồng.

Trong đó thu từ giấy phép thuộc thẩm quyền Bộ TN-MT là 2.780 tỷ đồng, theo thẩm quyền của UBND các tỉnh là 1.570 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, khoản thu này vào khoảng 3.130 tỷ đồng.

nguon thu ngan sach tu khai khoang giam. anh minh hoa

Nguồn thu ngân sách từ khai khoáng giảm. Ảnh minh họa

"Đến cuối năm 2017, cả nước có 579 tổ chức cá nhân tạm dừng triển khai dự án với lý do khó khăn về tài chính, giá bán khoáng sản trên thị trường liên tục giảm, không tiêu thụ được sản phẩm hoặc khó khăn khi bồi thường, giải phóng mặt bằng…", báo Dân trí dẫn thông tin từ Bộ TN-MT cho hay.

Đáng chú ý, tính đến hết năm 2017, khoảng 404 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản do UBND các tỉnh cấp có hiệu lực. Trong đó cấp mới năm 2017 là 335 giấy phép. Những địa phương đứng đầu về số lượng giấy phép khai thác khoáng sản gồm Thanh Hóa với 28 giấy phép; Tây Ninh với 18 giấy phép, Quảng Ngãi 24 giấy phép, Phú Yên 36 giấy phép, Kon Tum 19 giấy phép.

Về đóng góp cho ngân sách Nhà nước, số liệu thống kê cũng cho thấy, năm 2017, tổng thu ngân sách từ thuế tài nguyên của các địa phương đạt 8.723 tỷ đồng, giảm khoảng 2.600 tỷ đồng so với năm 2016.

Nếu tính thêm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp trong năm 2017 thì tổng thu ngân sách từ khoáng sản tại các địa phương này vào khoảng 12.870 tỷ đồng.

Một số địa phương tiếp tục duy trì nguồn thu từ khoáng sản gồm Quảng Ninh khoảng 5.091 tỷ đồng; Lào Cai 1.101 tỷ đồng, Thái Nguyên 1.152 tỷ đồng, Đồng Nai 319 tỷ đồng, Bình Dương 392 tỷ đồng, Hà Nam 416,5 tỷ đồng, Nghệ An 355,4 tỷ đồng.

Cách đây 2 năm, Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) đã cảnh báo, với quy mô khai thác như hiện nay, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần.

Cụ thể, số năm khai thác còn lại của dầu khí là 56 năm, barit là 21 năm, thiếc là 19 năm, chì – kẽm là 17 năm và vàng là 21 năm.

Việt Nam bắt đầu thu thuế tài nguyên từ năm 1991 theo Pháp lệnh Thuế tài nguyên 1990. Để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, Pháp lệnh Thuế tài nguyên đã được sửa đổi 2 lần vào năm 1998 và 2008. Đặc biệt, năm 2009, Quốc hội đã ban hành Luật Thuế tài nguyên 2009 thay thế cho Pháp lệnh Thuế tài nguyên.

Tuy nhiên, chính sách thuế tài nguyên được nhiều chuyên gia đánh giá là còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở để doanh nghiệp tránh thuế và trốn thuế.(ĐVO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục