Tiếp sức cho kinh tế hợp tác xã từ chính sách tài chính; Khởi sắc thị trường cho thuê căn hộ cao cấp; Ôtô nhập khẩu Thái Lan: Nén lại để bùng nổ?; Việt Nam - Lựa chọn dài hạn của nhà đầu tư
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-12-2017
- Cập nhật : 22/12/2017
Bầu Kiên và bố mẹ vợ “rục rịch” thoái vốn khỏi Vietbank
Bầu Kiên và bố mẹ của bà Đặng Ngọc Lan (vợ “bầu Kiên") đang đăng ký thoái bớt cổ phần nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín.
Bầu Kiên hiện đang nắm giữ 14.775.000 cp Vietbank (mệnh giá 10.000 đồng/cp) (tương ứng 147.750 cp Vietbank mệnh giá 1 triệu đồng/cp). Số lượng cổ phần dự kiến chuyển nhượng thỏa thuận tương đương 4.080,966 cp (mệnh giá 10.000 đồng/cp). Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ nắm giữ của “bầu Kiên” sẽ giảm xuống 3.32% vốn, tương đương 10.694.034 cp Vietbank.
Bên cạnh đó, ông Đặng Công Minh và bà Nguyễn Thị Kim Thanh – bố mẹ bà Đặng Ngọc Lan đăng ký chuyển nhượng 1.249.934 cp và 2.797.982 cp Vietbank. Hiện ông Đặng Công Minh và bà Nguyễn Thị Kim Thanh đang nắm giữ 8.039.800 cp (2.47%) và 14.069.800 cp (4.33%). Nếu giao dịch thành công, lượng cổ phần nắm giữ của hai người này sẽ giảm xuống lần lượt còn 6.796.866 cp (2.1%) và 11.271.818 cp (3.47%) Vietbank.
Thời gian dự kiến giao dịch từ 20.12.2017 - 31.12.2018.
Hiện bà Đặng Ngọc Lan đang nắm giữ 14.970.000 cp (mệnh giá 10.000 đồng/cp), tỷ lệ 4.61% vốn (tương ứng 149.700 cp mệnh giá 1 triệu đồng/cp). Bà Lan đang là Thành viên HĐQT của Vietbank.
Theo kết quả kinh doanh năm 2016, vốn điều lệ của VietBank khá khiêm tốn 3.249 tỷ đồng, chỉ cao hơn một chút so với quy định vốn pháp định tối thiểu của NHNN là 3.000 tỷ đồng. VietBank có tổng tài sản là 36.702 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cả năm 2016 là 69 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 27% kế hoạch. (Laodong)
-------------------------
Trung Quốc có thể sớm trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới
Nhờ các khoản trợ cấp từ các chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ các hãng hàng không đưa khách du lịch Đại lục ra nước ngoài, Trung Quốc sẽ sớm trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới trong 5 năm tới.
Theo dữ liệu tổng hợp của Cadas (Civil Aviation Data Analysis), chính quyền địa phương, đặt biệt là các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, đã chi ít nhất 8,6 tỷ nhân dân tệ (1,3 tỷ USD) trợ cấp cho các hãng hàng không trong năm 2016, chủ yếu nhằm giúp các hãng này có thể cung cấp dịch vụ bay trực tiếp tới những địa điểm xa xôi như New York và Paris.
Theo Cadas, những khoản trợ cấp này tương đương gần một nửa lợi nhuận thu được (19,49 tỷ nhân dân tệ) của 4 hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc trong năm ngoái.
“Ngoài nhu cầu ngày càng tăng về trao đổi quốc tế do phát triển kinh tế của Trung Quốc, trợ cấp tăng lên từ chính quyền địa phương đang thúc đẩy việc mở rộng các tuyến bay toàn cầu của ngành hàng không Trung Quốc”, Cadas cho biết thêm.
Tăng trưởng kinh tế cũng như thu nhập của người dân tăng cao đã giúp cho Trung Quốc đã trở thành nguồn cung khách du lịch lớn nhất thế giới, các sân bay lớn tại Bắc Kinh và Thương Hải hoạt động hết công suất. Ba hãng hàng không quốc gia hàng đầu là Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines đã hết hạn ngạch các chuyến bay trực tiếp ra nước ngoài từ các thành phố lớn của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nước bao gồm Australia và Anh cũng đã cho phép nhiều hơn các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.
Sự cạnh tranh trong các chuyến bay đường dài cũng đã chuyển sang các thành phố cấp thấp hơn, nơi mà các hãng hàng không nhà nước và tư nhân như Hainan Airliens Holding Co đang đưa ra các chuyến bay quốc tế với mức giá thấp. Theo Cadas, những chuyến bay như vậy sẽ không thu được lợi nhuận nếu không có trợ cấp của chính phủ.
Tuy nhiên, một số hãng hàng không, trong đó có Air China, đã bày tỏ lo ngại về những khoản trợ cấp lớn cho những chuyến bay đường dài từ các thành phố cấp thấp là “không bền vững”. Các hãng hàng không nước ngoài cũng bắt đầu rút khỏi các thành phố cấp thấp, cho thấy hoạt động không đạt hiệu quả. British Airways Plc đã hủy chuyến bay trực tiếp tới London từ Thành Đô ở phía Tây Trung Quốc sau 3 năm phục vụ. Tập đoàn Continental Holdings ngưng hoạt động tại Hàng Châu và hủy bỏ các chuyến bay theo mùa giữa San Francisco và Tây An Trung Quốc.
“Các hãng hàng không vẫn phải đối mặt với rủi ro hoạt động đáng kể, ngay cả khi các chuyến bay đường dài quốc tế của họ từ các thành phố cấp 2 của Trung Quốc được trợ cấp”, Cadas cho biết. “Thay vì đưa thêm nhiều khách nước ngoài đến Trung Quốc, các chính quyền địa phương được trợ cấp cho du lịch nước ngoài của Trung Quốc, ít tác động tích cực đến nền kinh tế địa phương”. (Baodauthau)
-----------------------
Các ngân hàng trung ương sẽ dự trữ Bitcoin và Ethereum vào năm 2018
Bitcoin đang nổi lên như một tài sản và điều đó có nghĩa là nhiều khả năng các nhà chức trách sẽ phải bắt đầu dự trữ nó.
Theo CNBC, Peter Smith, giám đốc điều hành của blockchain, nền tảng công nghệ đứng sau tiền kỹ thuật số, cho rằng các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể sẽ bắt đầu dự trữ bitcoin và các loại tiền số khác trong năm tới. Ngoài ra, không loại trừ khả năng các ngân hàng trung ương cũng sẽ phát hành tiền kỹ thuật số.
“Tôi nghĩ rằng 2018 sẽ là năm đầu tiên chúng ta thấy các ngân hàng trung ương bắt đầu dự trữ các loại tiền kỹ thuật số như một phần của bảng cân đối kế toán. Họ cũng sẽ mua bitcoin và ethereum như một phần dự trữ, bên cạnh việc dự trữ vàng và ngoại tệ theo cách thông thường để đối phó với những cú sốc thị trường”, ông Smith nói với CNBC.
Theo CoinDesk, ông Eugene Etsebeth, cựu nhân viên ngân hàng trung ương Nam Phi, nhận định rằng bitcoin sẽ đóng vai trò như một loại “vàng kỹ thuật số”. “Năm 2018 các ngân hàng trung ương của khối G7 sẽ chứng kiến bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác trở thành loại tiền tệ quốc tế có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới và được sử dụng trong thương mại quốc tế”, ông Etsebeth viết.
Một số ngân hàng trung ương đã thực hiện nghiên cứu về tiền tệ số của riêng họ. Tuần trước Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út tuyên bố cùng hợp tác để phát hành một loại tiền kỹ thuật số được chấp nhận trong các giao dịch xuyên biên giới giữa hai nước. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng cho biết họ sẽ tạo ra một loại tiền kỹ thuật số riêng.
Tuy nhiên, một số nhà chức trách vẫn chưa sẵn sàng, cởi mở với sự bùng nổ của bitcoin và các loại tiền tệ số khác. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi nói tiền kỹ thuật số chưa đủ điều kiện để được cân nhắc đưa ra các quy định trao đổi chính thức. “Mọi người thường có kỳ vọng lớn lao dành cho những thứ mới, nhưng đi kèm với nó cũng là sự không chắc chắn. Tại thời điểm này bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác chưa đủ “trưởng thành” để chúng tôi thực sự xem xét”, ông Draghi cho hay.(Thanhnien)
--------------------------
Quên Bitcoin đi, người Trung Quốc đang phát cuồng với cổ phiếu AI
Làn sóng đầu tư mới đang bùng lên trên thị trường chứng khoán trị giá 7,5 nghìn tỷ USD của Trung Quốc khi cổ phiếu các công ty phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo nên cơn sốt.
Iflytek Co. là công ty phát triển phầm mềm nhận dạng giọng nói. Dù tình trạng làm ăn của nó vô cùng bết bát nhưng cổ phiếu của công ty lại nằm trong danh sách những cổ phiếu “hot” nhất trên sàn chứng khoán Trung Quốc. Tăng tới 117% trong năm nay, cổ phiếu của Iflytek Co. là ví dụ điển hình cho cơn sốt đầu tư mới của thị trường chứng khoán Trung Quốc: Trí tuệ nhân tạo.
Iflytek và các công ty liên quan tới AI đang chiếm ưu thế trong danh sách các cổ phiếu lớn của Trung Quốc. Cơn sốt khiến giá trị thị trường của 5 công ty AI lớn nhất Trung Quốc tăng tới 61 tỷ USD. Chúng cũng trở thành một trong những loại cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất thế giới.
BOE Technology là nhà sản xuất màn hình LCD có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Cổ phiếu công ty này đột ngột trở nên hot sau tuyên bố phát triển hệ thống AI giúp lái xe tránh được các tai nạn giao thông. Trong một ngày cao điểm của tháng 11, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này lên tới 2,5 tỷ USD, tương đương Wal-Mart Stores Inc. và AT&T Inc. cộng lại.
“Các nhà đầu tư cá nhân đang điên cuồng với cổ phiếu các công ty có câu chuyện về AI”, Zhang Gang, một nhà chiến lược tại Trung tâm Chứng khoán Trung Quốc, nhận định. Ông Zhang không phải trường hợp cá biệt. Ngày càng có nhiều người cảnh báo cơn sốt AI trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đi quá xa và quá nóng.
Theo đó, nhiều công ty công nghệ không có khả năng mang lại lợi nhuận hay mất nhiều năm hoạt động cầm chừng để có thể sinh lời nhưng cổ phiếu của chúng lại rất nóng và được giao dịch với giá rất cao. “Hầu như mọi công ty đều mới chỉ vừa bước qua vạch xuất phát. Mức tăng ngắn hạn của những cổ phiếu này là quá cao”, Wang Menghai, chuyên gia quản lý quỹ ở Thượng Hải, nói về cơn sốt trên sàn chứng khoán Trung Quốc.
Dường như các nhà đầu tư cá nhân ở Trung Quốc chẳng mấy quan tâm tới các chỉ số cho thấy sức khỏe nội tại của doanh nghiệp. Họ chọn đầu tư theo sóng và sẵn sàng sử dụng tiền vay để đầu tư vào đó. Cổ phiếu Iflytek và BOE Technology là một trong những cái tên được nhiều nhà đầu tư đánh cược.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cũng vừa công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm biến Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về AI. Trong tháng 7, Chính phủ Trung Quốc cũng công bố kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp liên quan tới AI lên tới 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tương đương hơn 1/10 tổng GDP Trung Quốc vào năm 2016.
Tháng trước, nhà chức trách Trung Quốc cũng đã coi Iflytek, Tencent Holdings, Alibaba Group Holding và Baidu như những nhà tiên phong trong lĩnh vực công nghệ. Các nhà đầu tư coi đó là “đèn xanh” để tiếp tục đổ tiền đầu tư cho cổ phiếu các công ty AI.
Những người nắm giữ cổ phiếu các công ty AI cho rằng, tiềm năng lớn của những công ty này lý giải cho cách họ nắm giữ cổ phiếu của chúng. Trong khi đó, Iflytek lấy Amazon làm dẫn chứng khi một trong những công ty có giá trị lớn nhất trên thế giới từng nhiều năm mang về lợi nhuận rất ít, thậm chí là không có.
Tuy nhiên, cách giải thích này không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia, những người nhấn mạnh nhà đầu tư cần nhìn vào tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp để đưa ra quyết định. Trong khi đó, những bài học từ quá khứ vẫn con nguyên giá trị. Năm 2013, cổ phiếu các công ty có trụ sở tại Thượng Hải vọt lên khi các nhà hoạch định chính sách công bố kế hoạch xây dựng khu thương mại tự do trong thành phố. Vài tháng sau đó, các nhà đầu tư nếm quả đắng khi nhận ra rằng phải mất nhiều năm, các công ty mới được hưởng lợi từ chính sách mới.
Joel Ying, một nhà phân tích của Nomura Holdings Inc tại Hồng Kông, nói: “Mối nguy với cổ phiếu AI đang ngày càng trở lên nghiêm trọng. Mặc dù phần mềm chuyển ngữ giúp Iflytek trở thành “công ty thông minh nhất” Trung Quốc nhưng nó vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty trong và ngoài nước”.
Các công ty khổng lồ như Tencent và Alibaba đang đầu tư mạnh vào AI trong khi những tên tuổi lớn như Google đã đầu tư cho công nghệ này từ nhiều năm trước. David Dai, một nhà phân tích của Sanford C. Bernstein ở Hồng Kông, nói: “Tôi rất thận trọng. Các sản phẩm AI cần thời gian dài để sinh lời. Việc đầu tư vào các cổ phiếu này sẽ không mang về khoản lợi lớn và nhanh chóng như mọi người mong đợi”.(CafeF)