Giá vàng tiếp tục tăng sau khi Mỹ công bố số liệu kinh tế trái chiều; Đề xuất thành lập Bộ Du lịch; Boeing trấn an Brazil trước thương vụ mua cổ phần của Embraer SA; Dự trữ ngoại hối Việt Nam có thể sớm đạt 50 tỷ USD
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 23-12-2017
- Cập nhật : 23/12/2017
Bánh kẹo Việt áp đảo thị trường Tết, nhiều siêu thị cam kết không tăng giá
Thị trường bánh kẹo phục vụ thị trường Tết Đinh Dậu đang nóng lên từng ngày khi nhu cầu tặng, biếu quà Tết và tiêu dùng của người dân tăng lên. So với năm ngoái, bánh kẹo Việt hầu như chiếm đa số với nhiều mẫu mã phong phú, đa dạng.
Ghi nhận tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều mặt hàng bánh kẹo của các công ty trong nước được bày bán khá phổ biến. Theo đó, tại các siêu thị như Big C, Co.opmart, Emart… lượng bánh kẹo hàng Việt chuẩn bị cho Tết năm nay chiếm 90 -95%, đa số các mặt hàng được giữ giá ổn định, không tăng so với năm ngoái.
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc quan hệ công chúng Big C Việt Nam, cho biết Tết này, đơn vị kinh doanh hơn 500 mặt hàng bánh kẹo (tăng khoảng 30% so với Tết năm ngoái), trong đó có khoảng 200 mẫu mã mới, 95% sản phẩm được cung cấp từ các doanh nghiệp (DN), thương hiệu uy tín trong nước. Về giá cả, đơn vị cam kết không tăng giá bán từ ngày 13/12/2016 đến 27/01/2017 (30 Tết).
Tại các siêu thị, cửa hàng lượng bánh kẹo Việt luôn chiếm ưu thế. Ảnh: Saigon Co.op
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho hay năm nay thị trường ghi nhận sự đầu tư lớn của doanh nghiệp trong nước từ bao bì, mẫu mã đến chủng loại, hương vị và phủ đều các phân khúc từ bình dân đến cao cấp. Nhu cầu mua sắm các loại bánh kẹo đang tăng từng ngày, dự kiến tiêu thụ mạnh tập trung vào thời điểm trước Tết khoảng 2 tuần. Tổng lượng hàng hóa được đơn vị dự trữ gấp từ 2 - 4 lần so với tháng kinh doanh thông thường.
Trong khi đó, theo ông Lê Hữu Tình, Giám đốc Marketing siêu thị Emart Việt Nam, Tết Việt là phục vụ cho người Việt nên sản phẩm bánh kẹo tại Emart chủ yếu là hàng Việt, giá sản phẩm được cam kết không tăng so với năm trước. Hiện tại, sức mua những mặt hàng này đã bắt đầu tăng và dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong các ngày tới.
Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm bánh kẹo Tết của người dân, các nhà sản xuất trong nước năm nay đều tăng sản lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Phó Tổng giám đốc Bibica, cho biết phục vụ thị trường bánh kẹo Tết năm nay, đơn vị tung ra thị trường 1.800 tấn bánh kẹo các loại, tăng 10% so với cùng kỳ. Theo đó, mẫu mã sản phẩm cũng được đầu tư hơn với tiêu chí đẹp mắt, hấp dẫn người tiêu dùng. Các sản phẩm bánh kẹo phục vụ cho Tết của đơn vị có nhiều phân khúc từ cao cấp cho đến bình dân với mức giá từ 45.000 – 350.000 đồng/sản phẩm.
Dù đã chuyển nhượng thương hiệu cho Mondelez, tuy nhiên các sản phẩm của Mondelez Kinh Đô vẫn mang đậm “chất” Việt từ các dòng bánh tới những thiết kế. Ông Vũ Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc đối ngoại và truyền thông Công ty Mondelez Kinh Đô, cho biết Tết Đinh Dậu 2017, Mondelez Kinh Đô tiếp tục đa dạng các dòng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng với 40 loại bánh, có giá từ 40.000 đồng/sản phẩm đến loại cao cấp nhất là 194.000 đồng/sản phẩm, đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng.(Baotintuc)
---------------------
Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc thu hồi đất xây sân bay Long Thành
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì được Thủ tưởng ủy quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức rà soát, hoàn thiện nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo Văn phòng Chính phủ, sau khi hoàn thiện nội dung Báo cáo nêu trên, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức thẩm định Báo cáo trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan liên quan để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội (nếu cần thiết) để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành theo quy định.
Dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Dự án được Quốc hội khóa 13 tại kỳ họp thứ 9 thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 với mục tiêu xây dựng cảng hàng không Quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), trước mắt khắc phục tình trạng quá tải của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng đến trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á, với tổng công suất 100 triệu/khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận được máy bay A380-800 hoặc tương đương.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác chậm nhất đến năm 2025.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có diện tích đất thu hồi dự kiến lên tới 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha.
Vị trí thực hiện dự án nằm trên địa bàn 6 xã: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn (huyện Long Thành). Sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành cách trung tâm Tp.HCM 40 km, cách Biên Hòa 30 km.
Toàn dự án có hơn 4.700 hộ bị ảnh hưởng, riêng giai đoạn 1 có gần 1.900 hộ. Phần lớn diện tích đất giải tỏa khoảng trên 1.800 ha là đất trồng cao su do các doanh nghiệp quốc doanh quản lý.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tổng kinh phí khái toán cho công tác giải phóng mặt bằng bao gồm xây dựng hạ tầng khu tái định cư và khu nghĩa trang là khoảng 23.000 tỷ đồng.
Hiện ngân sách đã bố trí 5.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho công tác giải phóng mặt bằng dự án, mới đáp ứng 21,7% nhu cầu.(Vneconomy)
---------------------------
Mảng phân phối và bán lẻ của FPT tăng trưởng mạnh trong 11 tháng
Mảng phân phối và bán lẻ giúp PFT thu về 646 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 35% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.
Thông tin từ Tập đoàn FPTmới đây cho biết, 11 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 39.319 tỷ đồng, tăng 10%; Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 2.990 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.958 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 13% mà FPT đạt được trong 11 tháng đầu năm tương đối sát với kỳ vọng và kế hoạch mà FPT đưa ra trong năm 2017. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của từng mảng kinh doanh của FPT cũng đã có nhiều sự thay đổi đáng kể. Đặc biệt là lĩnh vực phân phối và bán lẻ vốn chiếm tỷ trọng doanh số lớn nhưng trong nhiều năm qua chưa đạt hiệu quả tương xứng đã có sự chuyển biến tích cực.
Theo số liệu của CTCK Bản Việt (VCSC), trong 11 tháng đầu năm, mảng phân phối và bán lẻ giúp PFT thu về 646 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 35% so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng phân phối dặt 345 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 30% và mảng bán lẻ tăng 41% lên 301 tỷ đồng.
Riêng mảng phân phối của FPT thông qua FPT Trading đã có sự cải thiện đáng kể từ tháng 9-11. Lũy kế 11 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế từ mảng Phân phối tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái lên nhờ lợi nhuận trước thuế các tháng 09-11/2017 tăng mạnh 201% so với cùng kỳ năm ngoái. (Lưu ý trong giai đoạn tháng 9-12/2016, FPT Trading lỗ 121 tỷ đồng, hay 30% lợi nhuận trước thuế 2016 của FPT Trading do thanh lý hàng tồn kho Lumia.)
Trong khi đó, mảng Bán lẻ của chuỗi FPT Shop dưới sự quản lý của FPT Retail cũng ghi nhận những kết quả khả quan trong năm nay nhờ mở thêm cửa hàng mới (464 cửa hàng tính đến tháng 11/2017 so với 385 cửa hàng vào cuối năm 2016), đóng góp từ các cửa hàng đã mở năm 2016 và doanh thu bán hàng online tăng mạnh 122% so với cùng kỳ.
Kể từ ngày 18/12, FPT đã chính thức giảm sở hữu tại FPT Retail xuống 47% và FPT Trading xuống 48%. Hai công ty này theo đó từ công con trở thành công ty liên kết của FPT, đồng nghĩa với việc FPT sẽ không còn tiếp tục hợp nhất doanh thu của 2 công ty này và chỉ còn ghi nhận lợi nhuận theo tỷ lệ sở hữu. Bù lại, việc thoái vốn dự kiến sẽ mang lại cho FPT một khoản lợi nhuận tài chính bất thường lên đến 997 tỷ đồng dự kiến ghi nhận trong tháng 12 năm nay.
Bên cạnh mảng phân phối và bán lẻ, mảng kinh doanh xuất khẩu phần mềm của FPT cũng có mức tăng trưởng tốt với doanh thu tăng 18%, lợi nhuận trước thuế tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thị trường Nhật Bản. Thị trường chiếm gần 60% doanh thu của mảng xuất khẩu tiếp tục là trụ cột kích thích tăng trưởng với doanh thu tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 898 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho Tập đoàn.
Hai mảng kinh doanh chính còn lại gồm mảng công nghệ đạt 975 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ tăng trưởng ở mức 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mảng dịch vụ viễn thông thông qua FPT Telecom (FOX) chỉ có mức tăng 3% lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm ngoái dù doanh thu tăng 15%. Lợi nhuận trước thuế bị ảnh hưởng do dự phòng cho Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam (VTF) theo quy định của nhà nước, tương đương 1,5% doanh thu từ băng thông rộng. Nếu không tính khoản dự phòng này, LNTT từ mảng Dịch vụ Viễn thông 11 tháng đầu năm tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.(CafeF)
-----------------------
Vừa mua xong công ty mía đường, Vinamilk tiếp tục đầu tư vào doanh nghiệp chế biến dừa Bến Tre
Vinamilk đầu tư 25% vốn vào công ty Cổ phần Chế biến Dừa Á Châu (ACP) – doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng từ dừa trong nước và xuất khẩu.
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk vừa cho biết, Hội đồng quản trị công ty này đã thống nhất phê duyệt và chính thức góp 25% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần Chế biến Dừa Á Châu (ACP) – doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng từ dừa trong nước và xuất khẩu. Con số cụ thể của thương vụ đầu tư này chưa Vinamilk nêu ra trong thông báo của mình.
Được biết, Công ty Cổ phần Chế biến Dừa Á Châu (ACP) thành lập từ tháng 7/2014 tại tại Huyện Châu Thành – Tỉnh Bến Tre, thủ phủ dừa của Việt Nam. Hiện ACP là doanh nghiệp chế biến sâu trái dừa với các sản phẩm chính gồm: cơm dừa sấy khô, bột sữa dừa, nước cốt dừa đông lạnh, sữa dừa và dầu dừa.
Đây là thương vụ đầu tư thứ 2 trong nửa cuối năm nay sau thương vụ mua 65% vốn của Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa và cho đổi tên thành Công ty cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar). Nếu như thương vụ đầu tư vào Đường Khánh Hoà được đánh giá là nhằm bảo đảm khâu cung ứng, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh chính và sữa và các loại sản phẩm nước uống khác thì thương vụ đầu tư vào Chế biến Dừa Á Châu nằm trong chiến lược mở rộng sản phẩm của mình.
Trong những năm gần đây, Vinamik đã không giấu tham vọng mở rộng ngành hàng của mình bên cạnh các sản phẩm liên quan đến sữa. Hiện danh mục sản phẩm của Vinamilk bên cạnh nhóm sản phẩm truyền thống như sữa tươi, sữa hộp, sữa bột, bột dinh dưỡng, sữa chua, sữa đặc, kem, thì gần đây, Vinamilk đã phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm nước giải khát, sữa đậu nành và các loại nước ép trái cây khác.
Dù vậy, đến năm 2016, Vinamilk cho biết thị phần của các sản phẩm nước giải khát và nước ép trái cây chưa thực sự đáng kể. Vinamilk vẫn kỳ vọng sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển trong những năm tới.(CafeF)