tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 22-12-2017

  • Cập nhật : 22/12/2017

NHNN bơm ròng hơn 17 nghìn tỷ, thanh khoản vẫn khá dồi dào

Lãi suất liên ngân hàng tuần qua giảm mạnh ở các kỳ hạn chủ chốt cho thấy thanh khoản của hệ thống vẫn khá dồi dào. Có được điều này một phần cũng nhờ tuần qua NHNN tiếp tục bơm ròng hơn 17 nghìn tỷ đồng vào thị trường.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần từ 11 - 15/12, lãi suất liên ngân hàng trung bình có xu hướng giảm mạnh đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với biên độ giảm ở mức 0,22% - 0,42%.

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,42% về mức 0,87%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần giảm 0,39% về mức 1,03%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 0,22% về mức 1,39%/năm.

Điều đó cho thấy thanh khoản của hệ thống vẫn khá dồi dào. Theo giới chuyên môn, có được điều này là nhờ động thái hỗ trợ kịp thời của NHNN nhằm đảm bảo thanh khoản cho các TCTD phục vụ nhu cầu tăng cao dịp cuối năm.

dien bien lai suat lien ngan hang (nguon: bvsc/bloomberg)

Diễn biến lãi suất liên ngân hàng (Nguồn: BVSC/Bloomberg)

Mặc dù thị trường OMO tuần qua tiếp tục trầm lắng khi không có hoạt động bơm mới, tuy nhiên qua kênh tín phiếu, NHNN đã phát hành 32.201,5 tỷ đồng tín phiếu mới trong khi lượng vốn đáo hạn trong tuần là 15.100 tỷ đồng. Như vậy, tuần vừa qua NHNN đã bơm ròng 17.101,5 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã bơm ròng 17.101,5 tỷ đồng vào thị trường. Tuần trước đó, NHNN cũng bơm ròng hơn 40.500 tỷ đồng vào thị trường.(cafeF)
-------------------------

Trung Quốc sẽ hy sinh tăng trưởng kinh tế để ngăn khủng hoảng tài chính?

Nếu chính phủ Trung Quốc thực sự thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa, tăng trưởng kinh tế sẽ sụt giảm mạnh.

 

anh: cnbc

Ảnh: CNBC

Chính phủ Trung Quốc mới đây đã phát đi tín hiệu sẽ hạn chế bớt tăng trưởng tín dụng ngân hàng dành cho người dân cũng như doanh nghiệp trong năm tới. Như vậy, chính phủ Trung Quốc đã chuyển hướng mục tiêu sang kiềm chế rủi ro trong hệ thống tài chính ngay cả nếu kinh tế có tăng trưởng giảm tốc.

Theo khẳng định của Nikkei, nếu theo quan điểm chính sách đó được duy trì, chắc chắn trong thời gian tới đầu tư vào hạ tầng tại Trung Quốc và đầu tư vào những công trình công cộng lớn sẽ sụt giảm, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vì vậy sẽ giảm bớt.

Thông điệp về định hướng chính sách tín dụng của Trung Quốc như trên được đưa ra tại Hội nghị Kinh tế Trung ương Trung Quốc mới đây nhất. Hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt bởi đây là hội nghị đầu tiên tính từ khi Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình. 

Tuyên bố tại hội nghị nhấn mạnh, trong khoảng nửa thập kỷ qua, Trung Quốc được coi như động lực tăng trưởng và đảm bảo ổn định của kinh tế toàn cầu. Hội nghị cũng đưa ra tuyên bố kêu gọi giảm bớt tốc độ tăng trưởng tín dụng cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời sẽ mạnh tay đối với hoạt động tài chính ngầm. 

Cùng lúc đó, các thành viên tham dự hội nghị cũng cho rằng chính phủ Trung Quốc cần tăng cường các kênh hướng dẫn cho các tổ chức tài chính có nhiều hoạt động tín dụng dành cho các đối tượng cho vay không đủ điều kiện nhằm điều tiết tốt hơn hoạt động của nhóm này. 

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập Cận Bình, chính phủ Trung Quốc đã tập trung vào mục tiêu giảm nợ tại các tập đoàn nhà nước và chính quyền địa phương. Tuy nhiên đáng tiếc những nỗ lực này chưa mang lại nhiều kết quả tích cực. 

Chính phủ Trung Quốc vì vậy đang chuyển hướng sang tập trung vào kiểm soát từ đầu cung tín dụng. Nikkei cho rằng dường như chính phủ Trung Quốc kỳ vọng những biện pháp mới sẽ giúp giảm thiểu rủi ro khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính.

Nếu chính phủ Trung Quốc thực sự thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa, tăng trưởng kinh tế sẽ sụt giảm mạnh. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay ước sẽ đạt khoảng 6,8%. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, một cơ quan nghiên cứu trực thuộc chính phủ Trung Quốc, tính toán tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 6,7%.

Tuyên bố từ hội nghị kinh tế trung ương Trung Quốc lần này nhấn mạnh chất lượng tăng trưởng là yếu tố căn bản, từ đó có thể hiểu từ nay các con số tăng trưởng kinh tế sẽ không còn được ưu tiên hàng đầu nữa.

Những tranh chấp thương mại với Mỹ đang tiềm ẩn rủi ro gây ra nhiều rắc rối cho Trung Quốc trong năm 2018. Chính phủ Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc về khả năng áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và nhiều biện pháp trừng phạt khác. 

Tại hội nghị kinh tế trung ương lần này, các thành viên tham gia cũng nhấn mạnh đến việc phát triển thương mại cân bằng theo hướng chú trọng nhiều hơn đến chất lượng và hàng hóa xuất khẩu giá trị cao, cùng lúc đó, giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng. Trong năm nay, Trung Quốc đã giảm thuế nhập khẩu với bỉm trẻ em và sữa bột công thức, sang năm 2018, sẽ có thêm nhiều loại thuế mới được điều chỉnh giảm.(Bizlive)
---------------------------

Tăng trưởng tín dụng của TP.HCM ước đạt 18,5% trong năm nay

Ước tính đến 31/12/2017, tổng huy động vốn trên địa bàn TP.HCM tăng 15%; tổng dư nợ tín dụng tăng 18,5% so với cuối năm 2016.

Sáng ngày 19/12, Phó Thống đốc NHNN - Đào Minh Tú đã có buổi làm việc tại NHNN chi nhánh TP.HCM về hoạt động ngân hàng trên địa bàn năm 2017 và một số công tác chuẩn bị cho hoạt động ngân hàng dịp cuối năm.

Tại buổi làm việc, NHNN chi nhánh Tp.HCM cho biết, ước tính đến 31/12/2017, tổng huy động vốn trên địa bàn tăng 15% so với cuối năm 2016; tổng dư nợ tín dụng đến 31/12/2017 ước tăng 18,5% so với cuối năm 2016. Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm nay tại Tp.HCM có thể sẽ thấp hơn ngoái (năm 2016 tăng 19,3%).

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, thị trường tiền tệ ổn định và diễn biến tích cực có ý nghĩa quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tạo lập niềm tin thị trường, niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, yếu tố tỷ giá và lãi suất tiếp tục được cộng đồng doanh nghiêp đánh giá cao.

Tại buổi làm việc Phó Thống đốc cũng yêu cầu chi nhánh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đảm bảo vốn cho các doanh nghiệp có nhu cầu dịp cuối năm (cung ứng hàng hóa dịp Tết, thanh toán hàng xuất nhập khẩu…); đáp ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo đủ tiền mặt và giao dịch ATM được thông suốt cho người dân, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp dịp cân Tết… đặc biệt là đảm bảo an toàn, an ninh kho quỹ.(Infonet)
-----------------------

Giải pháp nào cho huy động vàng

Các giải pháp quản lý thị trường vàng tại Nghị định số 24 là đúng hướng, phù hợp với quy luật khách quan của thị trường.

Những khó khăn của nền kinh tế do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cùng với việc nới lỏng quản lý thị trường vàng từ những năm 1999 đã gây ra không ít hệ lụy cho nền kinh tế. Trước hết là sự bất ổn của thị trường vàng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định thị trường tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và có khả năng gây đổ vỡ hệ thống ngân hàng.

Trước thực tế đó, quản lý thị trường vàng chặt chẽ là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Năm 2012 Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đã đưa ra những quy định thắt chặt quản lý thị trường vàng. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Đồng thời chấm dứt việc kinh doanh vàng trên tài khoản của các cá nhân và chấm dứt huy động và cho vay vàng của các NHTM.

Mặc dù tự do hóa thị trường vàng là xu thế chung của thế giới, song với thực trạng thị trường Việt Nam lúc đó, thắt chặt quản lý đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Thị trường vàng đã dần đi vào ổn định, hỗ trợ tích cực cho sự ổn định tỷ giá, giá trị VND được nâng lên, lòng tin của thị trường được củng cố. Điều này, khẳng định các giải pháp quản lý thị trường vàng tại Nghị định số 24 là đúng hướng, phù hợp với quy luật khách quan của thị trường.

Tuy nhiên, đó chỉ là khởi đầu trong định hướng chính sách lâu dài của Chính phủ đối với sự phát triển thị trường vàng hiệu quả, bền vững. Để đạt được định hướng chính sách này vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện và giải quyết. Trong đó, vấn đề huy động nguồn lực vàng nhàn rỗi nằm trong dân để phục vụ cho hoạt động kinh tế - xã hội cũng là một trong những giải pháp đang được đặt ra gần đây

Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 đã được NHNN đưa ra giải pháp cho vấn đề này, theo đó Nhà nước độc quyền huy động vàng từ cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản. Đây là một giải pháp rút ra từ những bài học thực tế của Việt Nam trong giai đoạn trước, khi mà việc huy động, cho vay vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản bị Nhà nước nới lỏng quản lý đã để lại những hậu quả nặng nề.

Vấn đề ở đây là, Nhà nước triển khai việc huy động và sử dụng vàng như thế nào để tránh rủi ro và mang lại hiệu quả. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là một vấn đề không dễ để có thể thực hiện hiệu quả trong thực tế. Ngay cả quốc gia có nhu cầu vàng lớn nhất nhì thế giới như Ấn Độ, NHTW nước này đứng ra huy động cũng đã phải loay hoay suốt nhiều năm trong việc triển khai chính sách này nhưng cho đến nay vẫn chưa được xem là thành công.

Chính vì vậy, để đảm bảo chính sách này thành công, Nhà nước cần xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong huy động vàng; thiết kế các tài sản tài chính (chứng chỉ, trái phiếu...) đối ứng với vàng huy động đảm bảo đủ độ tin cậy, tính khả mại và lợi ích của người nắm giữ; xây dựng kế hoạch cụ thể đối với nguồn lực vàng huy động cũng như các biện pháp phòng ngừa các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình huy động.

Thêm vào đó, cần phải đồng thời triển khai và xây dựng các chính sách khác để chuẩn bị các điều kiện kinh tế - tài chính cần thiết. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người dân nắm giữ vàng vật chất quá nhiều, hướng tới mục tiêu tự do hóa thị trường vàng phù hợp với không chỉ xu hướng phát triển kinh tế trong nước mà còn với thông lệ và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.(TBNH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục