NHNN bơm ròng hơn 67.500 tỷ đồng qua OMO
Burger King khẳng định bám trụ thị trường Việt Nam
Lãnh đạo ngân hàng MHB gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Thêm một tin mới về Hiệp định FTA Việt Nam – EU mà doanh nghiệp phải biết
Ủy viên Thương mại EU: "Việt Nam là một thị trường tiềm năng"
Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-02-2016
- Cập nhật : 02/02/2016
Triển vọng thương mại Việt Nam "sáng" chưa từng có với 14 hiệp định thương mại tư do sắp hoàn tất
Hầu hết các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết, các cam kết cắt giảm thuế đều ở mức 80% trở lên đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu, song cũng tạo nên những áp lực cạnh tranh trên chính sân nhà.
Tính đến cuối năm 2015, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vũng lãnh thổ. Với triển vọng hoàn tất 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác. Đây là nền tảng cơ bản để Việt Namhội nhập quốc tế ở tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác phát triển rộng lớn trong tương lai.
Năm 2015 được đánh giá là năm đạt được kết quả hội nhập kinh tế quốc tế rất tích cực khi Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc; kết thúc đàm phán FTA với EU và TPP. Với kết quả này, Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do với 55 nền kinh tế thế giới, trong đó có 17/20 đối tác G20 và 7/7 đối tác của G7,… mở ra thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp và hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Hầu hết các cam kết về thuế nhập khẩu trong các FTA đã ký kết đều ở mức từ 80% trở lên, đã mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước và vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, việc tận dụng được cơ hội này hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sự chuẩn bị nguồn lực, năng lực của doanh nghiệp.
Ông Hà Huy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài chính cho biết, tỷ trọng xuất nhập khẩu thương mại của Việt Nam với các FTA, các khối như Hoa Kỳ chiếm 12%, EU: 12%, ASEAN: 14% và Trung Quốc: 20,1%...
"Đây đều là những nước nước mà Việt Nam có hiệp định và vừa kết thúc đàm phán, chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này chứng minh là Việt Nam đang ký kết, đàm phán các hiệp định với các nước, đều có vai trò trong điều chỉnh cho dòng thương mại chính của Việt Nam trong thời gian tới" - Ông Tùng nhận định.
Đồng thời, nhìn vào tổng thể quan hệ thương mại cho thấy Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ các nước trong khu vực như Trung Quốc và ASEAN, Hàn Quốc... trong khi Việt Nam lại xuất khẩu mạnh sang Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU. Do đó, việc đàm phán, ký kết FTA mới như EVFTA, TPP... được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam cân bằng cán cân thương mại và gia tăng hơn nữa chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Chương trình bình ổn giá giúp "kìm chân" CPI
Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tốc độ lưu chuyển hàng hóa tháng 1/2016 tăng 3,5% so với tháng 12/2015 và tăng 10,75% so với cùng kỳ, điều đó cho thấy sức mua đã tăng trở lại.
Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa trong dịp trước, trong và sau tết cũng được các địa phương chuẩn bị chu đáo đã góp phần kìm chế chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.
Báo cáo tại buổi họp giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/2, ông Quyền cho biết, hiện đã có 53/63 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện chương trình bình ổn giá. Cùng với đó, nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá trong dịp này thể hiện sự quyết tâm của hệ thống thương mại trong việc phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
"Bên cạnh việc bán hàng bình ổn giá thì 100% các điểm này đều bán hàng Việt, với mức dự báo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tết tăng từ 10-15% so với các tháng bình thường nhưng hàng hóa vẫn đảm bảo," ông Quyền nói.
Là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện chương trình bình ổn giá, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện các doanh nghiệp của thành phố đã chuẩn bị đủ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như rau, củ quả, thủy hải sản, gạo... phục vụ người dân mua sắm tết,
Một điểm nhấn nữa là năm nay, thành phố cũng phối hợp với các địa phương lân cận để đưa hàng hóa sạch cung ứng cho người dân, hiện đã có 300 điểm bán hàng tiêu chuẩn VietGap cung cấp ra thị trường.
"Hàng hóa dồi dào và giá ổn định trước và sau tết 1 tháng nhất là các mặt hàng thiết yếu. Thành phố sẽ luân phiên có các chương trình khuyến mại, giảm giá trong dịp tết," bà Đào cho hay.
Trước việc chuẩn bị hàng hóa của các địa phương, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý, đảm bảo hàng thiết yếu là một nội dung trọng tâm mà Chính phủ giao cho Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, với tốc độ lưu chuyển hàng hóa tăng mạnh trong dịp tết, thứ trưởng yêu cầu các Vụ, Cục chức năng của Bộ, cần tính tới yếu tố bình ổn thị trường, kiểm soát được CPI cho cả năm 2016./.
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử có xu hướng chậm lại
"Tháng Một, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến chỉ tăng trưởng khoảng 2,8% và là mức tăng trưởng khá thấp của lĩnh vực này. Nguyên nhân là do xuất khẩu của nhóm điện thoại, linh kiện và máy tính, linh kiện điện tử có xu hướng tăng trưởng chậm lại."
Đây là thông tin do lãnh đạo Vụ kế hoạch đưa ra tại buổi giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/2.
Làm rõ thêm, theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, trong tháng Một, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,8 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như gạo tăng 62,2%; thủy sản tăng 10,3%; giày dép tăng 7,5%; dệt may tăng 5,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 3,4%; điện thoại và linh kiện tăng 2,4%.
Xét về thị trường, trong tháng Một, Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp đến là Liên minh châu Âu (EU) đạt 2,7 tỷ USD, tăng 1,8%; Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,3%; ASEAN đạt 1,5 tỷ USD, giảm 12,4%... so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, theo báo cáo của Vụ Kế hoạch, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Một ước đạt 14 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh bao gồm: Phương tiện vận tải khác và phụ tùng giảm 80,8%; xăng dầu giảm 17,6%; sắt thép giảm 16,3%; sợi dệt giảm 13,3%; xe máy và linh kiện, phụ tùng giảm 8,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 4,1%.
Nhóm hàng cần nhập khẩu tháng Một ước đạt 12,16 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 0,57 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng năm trước và nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước đạt 0,75 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, tháng Một, ước mức nhập siêu của cả nước đạt 200 triệu USD, tương đương 1,4% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD thì ngược lại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,6 tỷ USD.
Năm 2015, cả nước nhập siêu 3,5 tỷ USD, tương đương 2,2% kim ngạch xuất khẩu (thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch mà Quốc hội giao là nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu). Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 8,1%, thấp hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm là 10%.
Đánh giá về bức tranh chung của toàn ngành công thương, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, việc sụt giảm xuất khẩu một phần là do giá của nhóm mặt hàng quặng và khoáng sản giảm mạnh, với mức giảm lên tới 69,8%.
Bên cạnh đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện năm nay chỉ tăng khoảng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái đã tác động đến bức tranh xuất khẩu chung của ngành.
Trước thực tế trên, để hoàn thành kế hoạch năm 2016 với mức tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2015 và nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương phải xây dựng các giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đó, mục tiêu đầu tiên là hoàn thiện hơn nữa môi trường pháp lý theo hướng thực hiện tốt các cam kết quốc tế về hội nhập cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng xuất khẩu.
""Điều đáng ngại là mức tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo, do vậy cần có phương hướng điều hành chung nhằm hoàn thành kế hoạch năm," Thứ trưởng lưu ý.
Giá cao su xuất khẩu có thể chỉ còn 20 triệu đồng/tấn
Theo nhận định của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VGR), do giá cao su thường tỉ lệ thuận với giá dầu mỏ trên thị trường thế giới nên nếu thời gian tới giá dầu tiếp tục giảm, khả năng giá cao su có thể hạ xuống mức 20 triệu đồng/tấn.
Trong tháng 1, giá cao su SVR 3L (loại cao su rất phổ biến trong cao su sơ chế và được nhiều công ty sản xuất) của Việt Nam xuất khẩu chào bán đạt trung bình 1.235 USD/tấn (khoảng 27,5 triệu đồng/tấn), không đổi so với mức trung bình của tháng 12-2015 nhưng giảm khoảng 21,5% so với tháng 1-2015.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu cao su đều theo hướng lượng tăng nhưng trị giá giảm.
Cụ thể, khối lượng cao su xuất khẩu ước đạt 106 nghìn tấn với trị giá đạt 120 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng nhưng giảm 10,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015.
Về nhập khẩu, trong tháng 1, ước khối lượng nhập khẩu đạt 41 nghìn tấn với trị giá đạt 57 triệu USD, tăng 26,1% về khối lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015.
Tại thị trường trong nước, các đồn điền cao su ở Bình Phước bắt đầu bước vào giai đoạn hạn chế khai thác mủ do mùa đông đến cây cao su rụng lá. Trong suốt tháng đầu tiên của năm, giá mủ tạp 32 độ/kg duy trì ở mức thấp 5.760 đ/kg.
Đồ trang trí Tết: Hàng Trung Quốc chiếm lĩnh
Không có nhiều sản phẩm mẫu mã mới, thị trường đồ trang trí Tết Bính Thân năm nay vẫn chủ yếu là các mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc, với mức giá nhỉnh hơn năm trước từ 2 đến 5%.
Trước Tết Nguyên đán khoảng 3 tuần, thị trường đồ trang trí đã vào cao điểm mua bán. Tương tự như năm ngoái, các mặt hàng được mối buôn sỉ phân phối nhiều nhất vẫn là cành đào giả, bao lì xì, dây treo Tết, đèn trang trí... Giá không biến động mạnh so với năm ngoái, chỉ tăng 2 đến 5%, không có nhiều mẫu mã mới, nhưng lượng tiêu thụ năm nay được dự báo sẽ tăng hơn năm ngoái nhờ kinh tế ổn định hơn.
Chị Ngọc Chi, một đầu mối bán buôn, bán lẻ hàng trang trí tại phố Hàng Mã, Hà Nội cho biết, cửa hàng đã nhập hàng Tết từ cuối năm 2015. Ngoài hàng Trung Quốc, năm nay, cửa hàng còn nhập nhiều hàng từ các tỉnh thành ở Việt Nam như Nam Định, Hà Nam, hay hàng tại các tỉnh miền Nam để tăng sự lựa chọn của khách, dù chênh lệch về giá và mẫu mã là khá đáng kể.
Theo đó, giá câu đối Tết loại 1 m khoảng 150.000-180.000 đồng. Loại nhỏ hơn dao động giá từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng. Các loại đèn lồng thêu hoa mai, hoa đào, chữ hán có giá từ 60.000 đồng đến 150.000 đồng, trong khi đèn lồng chữ Việt đắt hơn 20%. Đèn lồng Hội An có giá đắt nhất, loại lớn cỡ 80 cm lên tới hơn 330.000 đồng một chiếc.
Dây treo, chùm pháo nhựa bán sỉ giá từ 23.000 đồng đến 50.000 đồng một bọc 5 chiếc. Riêng các loại có bọc nhung giá cao hơn khoảng 30%. Liễn Tết, đồ trang trí nhựa hình khỉ, tượng linh vật riêng cho Tết Bính Thân mạ vàng, mạ ngọc có giá chênh lệch khá lớn, từ 60.000 đồng đến 800.000 đồng.
Chủ một shop bán hoa mai, đào nhựa tại chợ Kim Biên (TP HCM) cho biết, giá cánh hoa rời năm nay đều dưới 250.000 đồng một kg. Đào cành kiểu Việt Nam có giá chỉ 90.000 đồng, trong khi đào Nhật có giá gấp đôi.
"Phần lớn phụ kiện làm đào cành đều là hàng nhập khẩu, sau đó mang về gia công, một lượng nhỏ là nhập nguyên cành đào đã gắn sẵn. Đào Nhật nhiều hoa hơn, màu cũng đa dạng hơn, tinh tế hơn nên giá đắt hơn đào kiểu Việt", chủ shop này cho biết.
Trong khi đó, các loại hoa nhựa, hoa vải, hoa đất chủ yếu là hàng gia công trong nước. Năm nay, hoa lan vẫn là sản phẩm được các cửa hàng đặt mua nhiều nhất, với dự báo nhu cầu có thể tăng hơn năm ngoái khoảng 10%.
Tuy nhiên, thay vì chỉ bán ở cửa hàng, nhiều shop đã bán song song cả trên mạng, nhằm thu hút thêm khách.
"Lấy hàng nhiều hơn năm ngoái nên cũng cũng phải tìm kênh bán để đẩy hàng đi nhanh, vì nhiều món đồ trang trí hình khỉ chỉ có thể bán trong năm nay. Hơn nữa, khách hàng giờ thích mua sắm trên mạng nên tôi cũng mở thêm kênh bán lẻ hàng trên trang cá nhân, để tăng lượng bán trước Tết", chị Ngọc Chi chia sẻ.