Forbes ca ngợi Việt Nam là câu chuyện kinh tế thành công của Châu Á
Ấn Độ điều tra chống bán phá giá sợi xuất khẩu Việt Nam
Người Việt chi hơn 1 tỷ USD mua ô tô Trung Quốc
Vinamilk chi gần 5 tỷ đồng quảng cáo mỗi ngày
Những toa xe muốn bán cho Việt Nam là 'đồ bỏ' tại Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh 04-02-2016
- Cập nhật : 04/02/2016
Bất động sản chiếm 60% tổng tài sản toàn cầu
Theo báo cáo mới nhất của Savills được công bố mới đây, bất động sản (BĐS) đã đi vào khai thác trên toàn cầu trong năm 2015 có tổng giá trị lên tới 217 nghìn tỷ USD. Những BĐS này bao gồm các BĐS thương mại, nhà ở cũng như đất nông-lâm nghiệp.
Giá trị BĐS toàn cầu trong năm 2015 (với 75% là BĐS nhà ở) đạt mức cao gấp 2,7 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tương đương chiếm khoảng 60% tổng lượng tài sản của thế giới. BĐS cũng đại diện cho trữ lượng tài sản quan trọng của mỗi quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân.
“Tổng giá trị của tất cả số lượng vàng khai thác trên toàn thế giới đạt khoảng 6 nghìn tỷ USD, một lượng rất nhỏ khi so sánh với tổng giá trị bất động sản, với tỉ lệ 36:1”, bà Yolande Barnes, Trưởng bộ phân Nghiên cứu toàn cầu Savills cho biết,
Ngoài ra, giá trị BĐS toàn cầu đạt gần một phần ba tổng giá trị vốn và nợ toàn cầu. Điều này chứng tỏ vai trò quan trọng của BĐS đối với nền kinh tế. BĐS là loại hình tài sản đặc biệt chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi các điều kiện tiền tệ và hoạt động đầu tư toàn cầu, nhưng đổi lại, nó có tác động nhiều nhất tới tình hình kinh tế của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới.
Sự phân bổ tổng giá trị các BĐS đã được khai thác
Nguồn: Bộ phận nghiên cứu Savills toàn cầu; Ngân hàng Thanh toán Quốc tế; Chỉ số Chứng khoán Dow Jones; và Viện nghiên cứu kinh tế Oxford Economics
Trong những năm gần đây, chính sách nới lỏng định lượng và mức lãi suất thấp đã kiềm hãm tỷ suất lợi nhuận BĐS và thổi phồng giá trị tài sản trên toàn cầu. Hoạt động đầu tư và tăng trưởng vốn có mặt ở khắp các thị trường BĐS lớn của thế giới và dẫn đến lạm phát giá tài sản trong nhiều trường hợp.
Nhìn chung, thành phần quan trọng nhất và lớn nhất đóng góp vào giá trị BĐS toàn cầu chính là nhà ở, với tổng giá trị đạt 162 nghìn tỷ USD. Phân khúc nhà ở có sự phân bố quyền sở hữu lớn nhất, với khoảng 2,5 tỷ hộ gia đình và là tài sản cá nhân. Giá trị BĐS nhà ở cũng được dàn trải rộng rãi phù hợp với quy mô dân số của mỗi nơi. Chẳng hạn, Trung Quốc chiếm gần một phần tư tổng giá trị BĐS khi dân số nước này gần bằng một phần năm dân số trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ trọng lại thuộc về các nước phương Tây, với hơn một phần năm (21%) tổng giá trị tài sản nhà ở trên thế giới thuộc về các quốc gia Bắc Mỹ, mặc dù chỉ có 5% dân số thế giới sống tại khu vực này.
Xu hướng các nước phương Tây chiếm lĩnh thị trường BĐS thể hiện rõ nét nhất trong phân khúc thị trường thương mại, với gần một nửa tổng giá trị tài sản phân khúc này thuộc về các quốc gia Bắc Mỹ. Châu Âu chiếm hơn một phần tư, trong khi châu Á và Úc chiếm 22%, và chỉ có 5% thuộc về các quốc gia Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi.
Tuy nhiên phương thức tính toán của báo cáo này không bao gồm giá trị của BĐS thương mại nhỏ lẻ, bao gồm các phòng hội thảo, các không gian làm việc chung, các cửa hàng và cơ sở kinh doanh nhỏ. Dù không được xem là một phần của BĐS thương mại có chất lượng cao, nhưng các loại hình BĐS này lại là các nhân tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi. Những BĐS này hầu như không thể định giá ở mức độ toàn cầu, nhưng lại có tiềm năng rất lớn cho đầu tư trong tương lai, khi các nền kinh tế trưởng thành và thị trường BĐS phát triển.
Năm nay, lần đầu tiên giá trị đất lâm nghiệp và nông nghiệp được đưa vào báo cáo của Savills. Ước tính giá trị đất nông-lâm nghiệp đạt khoảng 26 nghìn tỷ USD, trong đó 30% được đầu tư bởi các doanh nghiệp và tổ chức. Hầu hết đất nông-lâm nghiệp được sở hữu bởi các tổ chức phi lợi nhuận, các chủ sở hữu cá nhân và những người mua lại, đặc biệt là ở những nền kinh tế mới nổi, nơi phân khúc này có những tiềm năng lớn để phát triển và đầu tư.
TPHCM: Bất động sản khu vực nào sẽ "hot" nhất trong năm 2016?
Nghiên cứu của CBRE Việt Nam cho thấy, trong quý III/2015, số căn hộ chào bán mới tại TP.HCM là 10.114 căn hộ, trong đó nguồn cung mới của khu Nam (gồm quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè) chiếm 36%. Cụ thể, khu Nam có 36 dự án trong đó có hơn 10 dự án hiện đang mở bán với số lượng hàng ngàn căn hộ.
Còn theo số liệu của Hiệp hội bất động sản TP.HCM, năm 2015, thị trường bất động sản TP.HCM đã chào đón 41.787 căn hộ từ 78 dự án, đa số tập trung ở phía Đông (47%) và phía Nam thành phố (27%), tăng 122% so với năm ngoái. Trong năm 2016, thị trường bất động sản khu Nam được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Không riêng gì số lượng căn hộ được chào bán, thị trường bất động sản khu Nam Sài Gòn còn chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp địa ốc. Hàng loạt các “đại gia” địa ốc rục rịch chuyển hướng về khu Nam để săn tìm quỹ đất, phát triển dự án và liên tục tung ra thị trường các dự án mới.
Đơn cử như Công ty Địa ốc Phú Long mới đây đã khởi động mạnh và tung ra thị trường dự án căn hộ Dragon Hill 2, Tập đoàn Đất Xanh cũng cho ra thị trường dự án khu căn hộ thương mại cao cấp Luxcity, Novaland đã mua lại và đầu tư khá nhiều dự án tại khu vực này…
Bên cạnh trung tâm thương mại Crescent Plaza và chuỗi mặt bằng bán lẻ tại các khu dân cư Crescent Residences do Phú Mỹ Hưng xây dựng, Mapletree đã đưa SC Vivo City vào hoạt động trong năm 2015 và tập đoàn Paujar cũng mới khai trương siêu thị Big C Cityland trong khuôn viên dự án của mình.
Các chuỗi café và thức ăn nhanh hàng đầu như McDonalds and Starbucks gần đây đã khai trương chi nhánh tại Nam Sài Gòn. So sánh với trung tâm quận 1, giá thuê mặt bằng bán lẻ trung bình tại Nam Sài Gòn ở mức 41 USD/m2/tháng (chưa bao gồm phí quản lý và VAT) trong khi tại Quận 1 là từ 70 đến 100 USD/m2/tháng (chưa bao gồm phí quản lý và VAT) hoặc cao hơn. Do vậy, để phục vụ cộng đồng dân cư trung lưu ngày một lớn mạnh tại đây, Nam Sai Gòn đang và sẽ tiếp tục thu hút các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước.
Song song đó, khu Nam Sài Gòn thu hút nhiều dự án bất động sản là bởi khu vực này có vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng đang được hoàn thiện. Từ khu Nam có thể kết nối thuận tiện với trung tâm thành phố cũng như khu Đông trong tương lai.
Theo quy hoạch phát triển giao thông TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, TP.HCM sẽ xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 và quận 7. Dự án cầu Thủ Thiêm 4 cách cầu Thủ Thiêm 3 khoảng 1,1 km theo đường sông về phía hạ lưu và giao cắt với cảng Tân Thuận thuộc bến cảng Sài Gòn.
Không chỉ vậy, hàng loạt dự án phát triển hạ tầng tại khu Nam Sài Gòn đã, đang và sẽ được triển khai như Đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Huỳnh Tấn Phát, đường Nguyễn Hữu Thọ, cầu Phú Mỹ, hệ thống hầm chui, cầu vượt, tuyến Metro số 4... cũng được xem là đòn bẩy để tạo thêm sức hấp dẫn của bất động sản khu Nam.
Cùng với đó, nhiều tiện ích công cộng như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, tiện nghi thuộc loại cao cấp… của thành phố được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều tạo nên sự phát triển không ngừng của khu vực này.
Việc TP.HCM dự định phát triển một đặc khu kinh tế tại phía Nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ và tập trung vào kinh tế hàng hải cũng được kỳ vọng tạo ra bước phát triển thần kỳ, đột phá cho thị trường địa ốc phía Nam trong thời gian tới. Hiện thị trường bất động sản tại khu vực Nam Sài Gòn, nhất là quận 7 đã đi vào quỹ đạo phát triển ổn định.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), khu Nam vẫn là một khu đang hoàn thiện hạ tầng. Tuy nhiên, để khu Nam phát triển hơn thì thành phố cần phát triển hạ tầng kết nối tới khu vực này. Chẳng hạn như có thêm cầu kênh Tẻ và các cây cầu khác để kết nối thêm khu vực Nhà Bè cũng như xây dựng nút giao thông tại Phú Mỹ Hưng để đảm bảo giao thông không bị ách tắc. Đồng thời, nâng cấp tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ để giao thông thông suốt. Hiện nay, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu.
“Khu Nam từ lâu đã là khu trọng tâm để phát triển bất động sản. Hiện nay đã có nhiều dự án bất động sản từ trung cấp đến cao cấp được xây dựng ở bán đảo phía Nam này. Đây là một điều đáng mừng vì nó sẽ phân bố đều các dự án bất động sản cho thành phố cũng như giải quyết nhu cầu an cư của người dân”, ông Châu nói.
Văn phòng cho thuê: Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất châu Á - Thái Bình Dương
Thị trường BĐS cuối năm 2015 vẫn thuận lợi dù tình hình tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu suy giảm trên toàn khu vực. Tỷ lệ hấp thụ trong 30 thị trường chính mà Cushman & Wakefield nghiên cứu chưa có dấu hiệu giảm sút, hơn nữa còn có sự cải thiện tại một số thị trường trọng yếu.
Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, thị trường tại các thành phố cấp 1 ởTrung Quốc, cùng với Hồng Kong và Đài Bắc vẫn đứng đầu trong khi tình hình ở Sydney và Melbourne được cải thiện rõ rệt. Các thị trường mới nổi kết thúc năm 2015 với nhu cầu mặt bằng cho lĩnh vực gia công tăng cao, cụ thể là tại Bengaluru (Ấn Độ) và Manila (Philippines).
Năm vừa qua cũng chứng kiến các sự kiện nổi bật mà có thể là “liều thuốc giải” cho kỷ nguyên tăng trưởng kinh tế chậm chạp này, ví dụ Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 quốc gia, cũng như việc thành lập chính thức Cộng đồng Kinh tế Châu Á (AEC) cuối năm 2015.
"Chúng tôi cũng kỳ vọng nền kinh tế sẽ được mở rộng vững chắc giữa các quốc gia mới nổi khu vực Đông Nam Á mà Philippines và Việt Nam đang có triển vọng tăng trưởng mạnh nhất. Không dừng lại ở đó, Việt Nam sẽ là thị trường chính được hưởng lợi của Hiệp định TPP; Chính phủ Việt Nam ước tính rằng TPP có thể thúc đẩy nền kinh tế đạt 33,5 triệu USD trong thập kỷ tới, khoảng một phần năm GDP hiện tại của đất nước", báo cáo của Cushman & Wakefiled cho biết.
Nhu cầu văn phòng mạnh nhưng nguồn cung mới chưa được kiểm soát trên khắp các thị trường.
Thị trường bất động sản năm 2016 bắt đầu với sự lạc quan, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế và niềm tin cải thiện. Dự báo của Cusman & Wakefield cho thấy nhu cầu thuê văn phòng sẽ tăng mạnh với tỷ lệ hấp thụ tăng đều tại 30 thành phố chính trong khu vực, dự báo là có xu hướng tăng gần 8 triệu m2 trong năm 2016.
Các tòa nhà mới được xây dựng xong sẽ cung cấp thêm gần 12 triệu m2trong năm, nhìn chung năm nay thị trường văn phòng trong khu vực sẽ là thị trường có lợi cho khách thuê, ngoại trừ 5 phường trung tâm của Tokyo, khu vực Greater Central của Hồng Kong và Băng Cốc (Thái Lan) nơi mà tỷ lệ trống luôn chỉ khoảng 5%.
Việc hoàn thành các dự án văn phòng có quy mô lớn sẽ cung cấp thêm nguồn cung cho các thị trường đang khan hiếm bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến ở Trung Quốc cũng như là các khu vực thu hút dịch vụ gia công phần mềm trong khu vực như Manila (Philippines) và Bengaluru (Ấn Độ).
Tại Singapore, việc hoàn thành các dự án văn phòng nổi bật với tổng diện tích gần 400,000 m2 tại cùng một thời điểm trong khi nhu cầu bình ổn và tỷ lệ thất nghiệp thấp, sẽ dẫn đến tỷ lệ trống tăng vọt tới 13- 14% sau một thời gian dài tỷ lệ trống chỉ khoảng 5%.Tính trung bình, triển vọng cho thuê không mấy khả quan trên khắp các thị trường lớn trong năm nay, đặc biệt là gần một nửa trong số 30 thị trường được chọn nghiên cứu sẽ chứng kiến tình trạng ế ẩm đẫn đến giá thuê giảm sút.
Ông Alex Crane – Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết “Trong lĩnh vực bất động sản, Chính phủ Việt Nam đã và đang tạo điều kiện và hỗ trợ các công ty, tập đoàn đa quốc gia trong vấn đề địa điểm, cơ sở sản xuất kinh doanh. Sự phát triển kinh tế thuận lợi này có tác động tích cực đến phân khúc văn phòng cho thuê, đặc biệt tại Tp.HCM – nơi mà số lượng các tập đoàn sản xuất đa quốc gia và các công ty trong ngành dịch vụ khá đông đảo".
Theo đó, tỷ lệ trống của văn phòng hạng A đã khá hạn chế từ năm 2013, khi tỷ lệ lấp đầy thường xuyên đạt mức hai con số, khiến cho tỷ lệ trống luôn ít hơn 7%; hoạt động cho thuê giai đoạn tiền khai trương của các cao ốc hạng A này cũng luôn sôi nổi và có tỷ lệ cho thuê khá cao. Đầu tư bất động sản cũng tăng trưởng và có những nhà đầu tư nước ngoài đáng chú ý như GAW Capital, ngày càng tăng sự hiện diện của họ tại đây.
Bộ Công Thương: Cần giải pháp phù hợp để tận dụng lợi thế TPP
Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết chính thức vào ngày 4/2 tới tại New Zealand sẽ mở ra những cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao kim ngạch xuất khẩu, nhưng đồng thời cũng đặt ra một loạt các thách thức mới cho Việt Nam.
Phóng viên đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trước khi ông rời Sydney (Australia) sang New Zealand tham gia lễ ký TPP về các biện pháp nhằm vượt qua thách thức để tận dụng các lợi thế mà hiệp định này mang lại.
- Xin Bộ trưởng cho biết nghĩa lớn nhất của việc ký kết TPP vào ngày 4/2 tới đây tại New Zealand?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Sau phiên họp của các Bộ trưởng vào ngày 5/10/2015 tại Atlanta (Hoa Kỳ), các bên thống nhất với nhau trong vòng 90 ngày sẽ rà soát các nội dung của Hiệp định để tiến hành ký kết chính thức Hiệp định. Trong 90 ngày vừa qua, các nước đã hoàn tất việc rà soát thủ tục, công bố rộng rãi cho công chúng. Có thể nói tiến độ mà các nước cam kết với nhau là sẽ ký kết vào ngày 4/2/2016 đã giữ được.
Các bên đều xác định rằng việc thực hiện đúng tiến độ là hết sức quan trọng vì chỉ cần một nước nào đó trong số 12 nước thành viên có trục trặc thì có thể làm ảnh hưởng đến các nước khác và có thể dẫn tới không ký kết được. Đây là mốc quan trọng hứa hẹn Hiệp định sẽ đi vào thực thi đúng thời gian.
- Xin Bộ trưởng cho biết ngoài các nội dung cam kết chung trong TPP, Việt Nam có đạt được thêm các thỏa thuận song phương nào khác với từng nước thành viên TPP?
Trong ba tháng vừa qua, bên cạnh các cam kết chung đạt được trong TPP, Việt Nam đã đạt được thêm một số thỏa thuận song phương với một số nước thành viên TPP mà các thỏa thuận này có tác động quan trọng với một số lĩnh vực mà Việt Nam đang đàm phán.
Cụ thể, Việt Nam đã đạt được: Thỏa thuận song phương về dệt may với Hoa Kỳ, đạt được am kết của một số nước để tiến tới xem xét công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam, thỏa thuận của Việt Nam với Australia về việc tăng thêm thời gian lao động cho các thể nhân có điều kiện làm việc tại Australia. Các thỏa thuận thêm này có tác động tích cực giúp cho việc thực thi Hiệp định TPP của phía Việt Nam.
- Nhiều ý kiến cho rằng trong số 12 nước thành viên, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất và sẽ có mức tăng trưởng cao nhất về GDP và xuất khẩu khi Hiệp định TPP có hiệu lực. Quan điểm của Bộ trưởng về nhận định này?
Các nước TPP thống nhất với nhau Hiệp định TPP là hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao và mục đích là cân bằng lợi ích giữa các nước tham gia trên cơ sở có tính đến sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các nước. Nếu so sánh với các nước thành viên TPP, quy mô nền kinh tế của Việt Nam còn nhỏ, trình độ phát triển còn thấp.
Vì vậy khi đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định TPP, rất nhiều nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước đều cho rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất qua thực thi TPP, nhất là trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thu hút dịch vụ và đầu tư. Theo tôi các ý kiến này không sai.
Tuy nhiên giữa lý thuyết và thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào việc Việt Nam sẽ tranh thủ khai thác các lợi thế trong TPP và ứng phó với các thách thức khó khăn như thế nào. Chỉ khi Việt Nam có được các giải pháp phù hợp thì lợi thế tiềm năng mới trở thành hiện thực và các khó khăn mới có thể giải quyết được.
- Những mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như dệt may, giày dép và các sản phẩm nông lâm thủy sản sẽ có thể tăng trưởng mạnh nhờ cơ hội mở rộng thị phần với các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Nhật Bản khi thuế nhập khẩu được hạ về mức 0% theo cam kết TPP. Vậy mức tăng trưởng dự kiến với các mặt hàng xuất khẩu này sẽ như thế nào thưa Bộ trưởng?
Những mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có lợi ích cốt lõi như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản sẽ có cơ hội tăng trưởng rất lớn khi TPP có hiệu lực. Tính toán thì cho nhiều kết quả khác nhau và còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thực thi Hiệp định nhưng bước đầu cho thấy Dệt may, da giày có thể tăng trưởng ít nhất 20%.
Với nông sản, thủy sản thì có thể tăng trưởng thấp hơn một chút vì xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường TPP, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đã khá lớn nên nếu muốn tăng trưởng với tốc độ cao hơn thì doanh nghiệp thủy sản phải đáp ứng được các yếu tố như mở rộng diện tích nuôi trồng, quan tâm tới chất lượng của sản phẩm, nhất là các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về kiểm dịch.
Nếu các yếu tố này không được đáp ứng tốt thì kim ngạch xuất khẩu không những khó cải thiện mà còn bị chính các rào cản thương mại này kìm hãm. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nếu doanh nghiệp làm tốt công tác đảm bảo chất lượng và thực thi nghiêm túc các quy định trong TPP thì đây sẽ là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
- Xin Bộ trưởng cho biết TPP sẽ bổ sung thêm những cơ hội mới nào cho tăng trưởng kim ngạch thương mại với Australia và New Dilan khi đã có Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA)?
Khung khổ AANZFTA mà Việt Nam là một thành viên của ASEAN cũng đã có các quy định về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhưng với các thỏa thuận của Việt Nam với Australia và New Zealand trong khung khổ TPP thì mức độ mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ cao hơn.
Với Australia, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận là Australia sẽ giành cho Việt Nam khoảng 94% dòng thuế có mức thuế suất bằng 0% và với tổng kim ngạch tương đương với khoảng 95% kim ngạch xuất khẩu hiện nay.
Tương tự như vậy, New Zealand cũng giành cho Việt Nam khoảng 93% dòng thuế có mức thuế suất 0% và với kim ngạch tương đương khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu hiện nay của Việt Nam. Vì vậy, nếu thực thi TPP thì mức độ mở cửa hàng hóa của Australia và New Zealand giành cho Việt Nam sẽ cao hơn trong khung khổ AANZFTA.
- Khi TPP có hiệu lực, doanh nghiệp nội địa Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất cao vì trình độ công nghệ gần như xếp ở hàng thấp nhất, trong khi hàng rào thuế quan, phi thuế quan sẽ không còn là “cứu cánh”. Vậy theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để vượt qua thách thức, tận dụng hiệu quả nhất TPP?
Khi trở thành thành viên của tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2007 cũng như khi thực hiện một loạt các cam kết trong khung khổ các hiệp định thương mại tự do khác, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước chuẩn bị về mặt tâm lý, điều kiện để có thể khai thác được các lợi thế do WTO và các hiệp định thương mại tự do mang lại. Các doanh nghiệp cũng đã có các giải pháp để ứng phó với thách thức, tận dụng cơ hội.
Vì vậy, khi tham gia TPP, các doanh nghiệp Việt Nam ít nhiều cũng đã có sự chuẩn bị, qua đó có thể rà soát các điều kiện để có thể xây dựng các bước đi, chiến lược để khai thác lợi thế, ứng phó với khó khăn, cũng như có điều kiện để tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với một số lĩnh vực thì doanh nghiệp Việt Nam cũng đã phải đương đầu với thách thức từ trước đó rồi. Ví dụ như trong lĩnh vực ôtô, cơ khí, bán buôn, bán lẻ, một số lĩnh vực dịch vụ. Còn nếu thực thi TPP, một số lĩnh vực, trong đó có chăn nuôi có thể gặp khó khăn lớn do năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ phân tán, chi phí sản xuất còn khá cao và khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế.
Vì vậy, đây là một trong những lĩnh vực rất khó khăn với Việt Nam. Vì thế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong đàm phán TPP, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan đã thỏa thuận với các nước trong TPP một lộ trình phù hợp để khi kết thúc lộ trình đó, Việt Nam mới phải thực hiện hoàn toàn các cam kết. Còn trong lộ trình đó, Việt Nam sẽ có các bước điều chỉnh dần dần và phù hợp. Đây chính là một biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, do thời gian bảo hộ này chỉ có hạn và nếu hết thời gian này Việt Nam vẫn không có giải pháp phù hợp thì khả năng cạnh tranh của Việt Nam vẫn sẽ kém. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ngay từ bây giờ phải có các biện pháp, kế hoạch để phát huy thế mạnh, tập trung vào các sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế hơn. Sau khi thời gian bảo hộ hết, doanh nghiệp có thể đứng vững được và cạnh tranh hiệu quả với các sản phẩm của các nước TPP.
Ở khía cạnh vĩ mô, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ ngành liên quan cần nghiên cứu để đưa ra được các bộ tiêu chuẩn, các tiêu chí để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm được phép lưu thông tại Việt Nam và ngăn chặn các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Việt Nam, qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên.
Cuối cùng, một biện pháp rất quan trọng chính là làm tốt công tác tuyên truyền để cộng động doanh nghiệp nắm bắt thật kỹ càng các nội dung của TPP, qua đó nhận biết được các cơ hội lợi thế cần khai thác triệt để cũng như các thách thức để có biện pháp ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Vinamotor thay Tổng giám đốc sau khi được Motor N.A Việt Nam mua lại
Ông Nguyễn Hải Trung (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinamotor) làm Tổng Giám đốc thay ông Hoàng Anh Tuấn đã đệ đơn xin nghỉ hưu.
Ngày 11/1/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành thoái vốn trọn lô toàn bộ 85,58 triệu cổ phần Tổng Công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam -CTCP (Vinamotor), tương đương 97,7% vốn điều lệ.
Đây là phiên đấu giá thoái vốn trọn lô đầu tiên được thực hiện theo Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc bán cổ phần theo lô tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Giá khởi điểm 14.620 đồng/cổ phần cho trọn lô 85,58 triệu cổ phần do Bộ GTVT chào bán. Có nghĩa là nhà đầu tư tham gia đấu giá phải có tối thiểu 1.250 tỷ đồng để mua toàn bộ 85,58 triệu cổ phần.
Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam, đơn vị có khả năng tài chính và năng lực mạnh, đáp ứng đầy đủ các điều kiện của Ban chỉ đạo cổ phần hóa và Hội đồng thẩm định và tham gia đấu giá thành công đã trở thành cổ đông nắm giữ 97,7% vốn điều lệ của Vinamotor.
Ngày 2/2/2016, Vinamotor đã tiến hành phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm bầu ra Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát mới. Tại Đại hội, Hội đồng quản trị mới đã được bầu và ra mắt với Chủ tịch Hội đồng quản trị mới đến từ Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam.
Đồng thời, Hội đồng quản trị cũng thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Hải Trung (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinamotor) làm Tổng Giám đốc thay ông Hoàng Anh Tuấn đã đệ đơn xin nghỉ hưu.
Theo Vinamotor, với sự tham gia của cổ đông mới, công ty sẽ có nguồn vốn ổn định cho đầu tư và phát triển các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Vinamotor.