Nga mạnh tay mua vàng dự trữ; ADB: Kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng vững bất chấp đối đầu thương mại Trung - Mỹ; ASEAN trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-02-2016
- Cập nhật : 02/02/2016
Càng lạm dụng "thuốc giảm đau", Trung Quốc ngã càng đau
Trong bài viết đăng trên Bloomberg, chuyên gia Michael Schuman cho rằng Trung Quốc tuy có thể tránh một cuộc khủng hoảng toàn diện, nhưng không thể mãi tránh nổi những "cơn đau".
"Tất cả các mảnh ghép đã hợp nhất để tạo nên bức tranh hoàn chỉnh về một cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc" - ông Schuman bi quan nhận định ngay từ đầu bài viết.
Chuyên gia đã có hàng chục năm nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc này chỉ ra rằng, hiện nay, đồng NDT đang suy yếu, và nếu cứ để như hiện nay sẽ còn mất giá hơn. Dòng vốn ra đã đạt mức kỉ lục. Dự trữ ngoại tệ thì chạm đáy.
Thị trường chứng khoán Thượng Hải lao dốc không phanh đã quét sạch hoàn toàn những gì thu được từ đợt lên giá năm 2015. Nghiêm trọng hơn, tầng lớp lãnh đạo vốn được đánh giá cao về khả năng điều tiết lanh lợi giờ cũng lắc đầu ngán ngẩm không biết mình phải làm gì.
Ông Schuman nhận định, sự kết hợp của những yếu tố nói trên thừa sức hạ gục bất kì một nền kinh tế đang lên nào. Chúng có khả năng đánh sập hệ thống ngân hàng, khiến tăng trưởng "bốc hơi", và thậm chí dẫn đến phá sản trên quy mô toàn quốc.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn tránh được một cuộc khủng hoảng toàn diện, như cơn ác mộng mà Wall Street (2008) và bộ ba nền kinh tế châu Á Thái Lan-Indonesia-Hàn Quốc (1997) từng phải cay đắng trải qua.
Theo chuyên gia Schuman, vẫn tồn tại khả năng chính phủ Bắc Kinh sẽ có những biện pháp chèo lái sao cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không "chìm xuồng" hoàn toàn.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, kể cả khi kinh tế Trung Quốc tránh được một cuộc khủng hoảng toàn diện trên giấy tờ, thì điều đó cũng không có nghĩa là nước này có thể thoát được những "cơn đau" mà một cuộc khủng hoảng như vậy đem lại.
"Dù chính phủ Trung Quốc có áp dụng đòn bẩy nào đi chăng nữa, thì nước này cũng không thể mãi tránh được hậu quả do những vấn đề mang tính gốc rễ trong nền kinh tế đem lại" - ông Schuman nhận định.
Lịch sử không ủng hộ Trung Quốc
Theo chuyên gia Schuman, thứ nhất, lịch sử rõ ràng không đứng về phía Bắc Kinh.
Sau khi phân tích tất cả những cuộc khủng hoảng của các thị trường đang lên trong 30 năm qua, hãng nghiên cứu Capital Economics (CE) đi đến kết luận, "không một quốc gia nào với tỉ lệ nợ/GDP tăng 30% chỉ trong một thập kỉ mà không gặp vấn đề".
Theo CE, kể cả trong trường hợp khả quan nhất, các quốc gia "trèo cao" này cũng phải hứng chịu một cú "ngã đau" với nhiều năm tăng trưởng giảm sút trầm trọng.
Và với tỉ lệ nợ/GDP tăng tới 80% lên thành 200% trong thập kỉ qua, Trung Quốc gần như chắc chắn không thể tránh khỏi một cú ngã đau như vậy, hay thậm chí còn trầm trọng hơn.
Theo ông Schuman, khả năng "quả bom" nợ Trung Quốc nổ tung đang ngày một gia tăng, bởi chính phủ nước này thay vì tìm cách gỡ bom lại đang... cho thêm TNT.
Lo sợ những hệ quả chính trị từ một nền kinh tế tăng trưởng chậm, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã và đang cho vay thả phanh, khiến tăng trưởng tín dụng ngày một leo thang.
Trong khi đó, cú hích cho nền kinh tế mà Bắc Kinh trông đợi lại vẫn chưa có vẻ gì sẽ xuất hiện, một dấu hiệu cho thấy những khoản vay này đang được sử dụng một cách thiếu hiệu quả.
Điều này lại càng gia thêm gánh nặng nợ, khiến cú ngã đã được dự báo trước thậm chí còn đau đớn hơn nữa cho Trung Quốc.
Ngoài ra, chuyên gia Schuman cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ gần như chắc chắn phải cắn răng giảm mạnh quy mô nền công nghiệp nước này. Các công ty Trung Quốc đang làm ra quá nhiều sắt thép, than, xi-măng, và nhiều nguyên liệu khác, và hậu quả đang dần được cảm nhận rõ nét.
Cuối tháng 1 vừa qua, Quốc vụ Viện Trung Quốc tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ giảm mạnh quy mô ngành công nghiệp sản xuất thép, như một biện pháp để cải tổ nền công nghiệp. Nhưng theo ông Schuman, cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Viện Nghiên cứu và Tổ chức Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (CMIPRI) ước tính, các đợt cắt giảm sắp tới sẽ khiến khoảng 400.000 công nhân thép mất việc. Và không chỉ riêng thép, các ngành công nghiệp sản xuất khác cũng sẽ chịu chung cảnh ngộ.
Tất cả những vấn đề nói trên không sớm thì muộn cũng sẽ được phản ánh trên bản cân đối kế toán của các ngân hàng.
Bắc Kinh vẫn tuyên bố những vấn đề hiện nay chỉ gây ảnh hưởng nhỏ tới sự ổn định của hệ thống ngân hàng, với mức cho vay không hiệu quả chỉ chiếm 1,6% tổng vay. Trong khi đó, các thống kê phi chính phủ đều chỉ ra tỉ lệ cho vay không hiệu quả trong khoảng từ 9 đến 20%.
Theo ông Schuman, điều này không có nghĩa các ngân hàng Trung Quốc sẽ sụp đổ như Lehman khi xưa, bởi nhà nước gần như chắc chắn sẽ ra tay giải cứu. Nhưng cũng giống như trong bài toán giảm thiểu cơ cấu công nghiệp nói trên, cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Theo ước tính, cái giả phải trả để cứu vớt hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể lên đến 7,7 nghìn tỉ USD, tức 3/4 GDP Trung Quốc trong năm 2014.
Những con số này thoạt nhìn có vẻ không tưởng, nhưng trong lịch sử đã có những tiền lệ như vậy. Indonesia từng phải bỏ ra một khoản trị giá 57% GDP nước này để cứu hệ thống ngân hàng, và con số đó trong trường hợp của Hàn Quốc là 31%.
Nếu áp dụng tỉ lệ của Hàn Quốc, quốc gia áp dụng mô hình phát triển dựa trên đầu tư có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc, thì Bắc Kinh sẽ phải bỏ ra 3 nghìn tỉ USD để tái thiết hệ thống ngân hàng nước này.
Theo ông Schuman, có lẽ giới chức Trung Quốc đang hi vọng rằng, nếu kinh tế nước này giữ được mức tăng trưởng không giảm quá sâu như hiện nay, thì các vấn đề nói trên sẽ tự khắc được giải quyết.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng việc trì hoãn đưa ra những quyết định khó khăn sẽ chỉ ảnh hưởng tiêu cực hơn đối với tăng trưởng trong tương lai, và khiến cái giá phải trả lớn hơn.
"Dùng thuật ngữ nào để mô tả các vấn đề của Trung Quốc không quan trọng, bởi rốt cuộc thì một cuộc khủng hoảng dù có được nhắc đến bằng cái tên nào đi chăng nữa, thì hậu quả vẫn hết sức tồi tệ" - ông kết luận.
Chính phủ Nhật do dự, Sharp có thể về tay Foxconn
Trong khi chính phủ Nhật chưa quyết định có giải cứu Sharp hay không, Foxconn vừa tăng giá hỏi mua công ty này.
Quỹ đầu tư do chính phủ Nhật hậu thuẫn INCJ cho biết, họ chưa đưa ra quyết định cuối cùng về gói cứu trợ dành cho Sharp Corp. Trong khi đó, giới truyền thông khẳng định, Foxconn vừa tăng giá hỏi mua công ty điện tử tiêu dùng từng là tượng đài của thế giới.
Quan chức của INCJ đang bàn thảo về một gói cứu trợ trị giá hơn 300 tỷ yen (1,7 tỷ USD) dành cho Sharp, theo Reuters. Theo kế hoạch, quyết định cuối cùng được đưa ra hôm thứ 6 (29/1). Tuy nhiên, Giám đốc của INCJ Tetsuya Hamabe chia sẻ với báo giới sau cuộc họp rằng “quyết định chính thức chưa được đưa ra”.
Trong khi đó, Foxconn đã tăng giá hỏi mua tập đoàn này từ 625 tỷ yen lên 659 tỷ yen, theo Wall Street Journal.
Các nguồn tin thân cận với vấn đề cho biết, gói giải cứu của JNCJ được ưu tiên cao hơn bởi chính phủ muốn giữ công nghệ của Sharp trong tay người Nhật. Tuy nhiên, Foxconn mang theo lời đề nghị hấp dẫn, bao gồm cam kết không để bất cứ công nhân nào mất việc. Do đó, lời đề nghị này đang được xem xét nghiêm túc bởi Sharp và các chủ nợ của họ.
INCJ – nếu đồng ý tung ra gói cứu trợ - muốn sáp nhập bộ phận sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) của Sharp với đối thủ Japan Display Inc – nơi họ là cổ đông chính. Japan Display và Sharp cùng cấp màn hình độ phân giải cao cho smartphone của Apple. Cả 2 đang đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt đến từ ông lớn Hàn Quốc là LG Display.
Bên cạnh đó, quỹ đầu tư này còn muốn sáp nhập bộ phận kinh doanh hàng tiêu dùng của Sharp với Toshiba – hãng cũng gặp không ít khó khăn hiện nay.
Sharp từng được biết đến là nhà sản xuất TV cao cấp và màn hình smartphone hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, họ chậm thay đổi trong những năm gần đây và bị nhiều đối thủ gây áp lực. Đây là lần thứ 3 trong 4 năm, hãng này tìm kiếm một gói cứu trợ từ bên ngoài.
Bloomberg: Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách
Bloomberg vừa có bài viết nhận định với kết quả bầu các lãnh đạo sau Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các cải cách kinh tế nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong 9 năm.
Bài báo dẫn lời ông Lê Hoài Trung – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng khóa XII – cho biết các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục “cải cách và hiện đại hóa ngành tài chính ngân hàng”, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và nâng cấp cơ sở hạ tầng".
“Thông điệp ở đây là Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách kinh tế mặc dù biết rằng còn nhiều thách thức”, ông nói với báo chí ngày 28/1, sau phiên bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. “Cải cách đã mang lại những kết quả có tính chất lịch sử và rất đáng kể, bởi vậy chúng ta sẽ tiếp tục cải cách. Đó cũng là nguyện vọng của người dân”.
Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ đạt 6,7% trong năm nay, và sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Lực cầu nội địa gia tăng cũng như lượng vốn FDI chảy vào mạnh đang giúp Việt Nam có thể đối phó với những mối đe dọa đến từ kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn những “đám mây” bao phủ bức tranh kinh tế như thâm hụt thương mại, gánh nặng nợ công ngày càng tăng và năm ngoái mục tiêu cổ phần hóa 289 DNNN đã không đạt được.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảnh báo “quá trình cải cách kinh tế vẫn diễn ra chậm” trong khi thâm hụt ngân sách cao đe dọa sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính phủ ước tính tháng 1 năm nay Việt Nam có mức nhập siêu là 200 triệu USD, sau khi ghi nhận mức 3,5 tỷ USD cho cả năm 2015. Trong 5 năm qua nợ công đã tăng liên tục.
Trong kỳ Đại hội XII, một số nhà lãnh đạo trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên lo ngại về nguy cơ Việt Nam bị tụt hậu so với các nước trong khu vực. Giai đoạn 2011–2015, nền kinh tế tăng trưởng trung bình 5,9%, thấp hơn mức mục tiêu 6,5–7% mà Chính phủ đã đề ra.
Ngày 26/1, Đại hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới, trong đó kêu gọi hỗ trợ khu vực tư nhân, tạo điều kiện cho khu vực này được tiếp cận công bằng hơn tới vốn, đất đai và các nguồn tài nguyên khác.
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, đối với bất kỳ quốc gia nào cổ phần hóa cũng luôn là một quá trình đầy gian nan. Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc tăng số lượng cũng như phạm vi mà DNNN được cổ phần hóa và sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình này.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 7% trong 5 năm tới và GDP bình quân đầu người chạm mốc 3.200 – 3.500 USD vào năm 2020. Theo ước tính của IMF, con số hiện đang ở mức khoảng 2.170 USD. Nếu đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, theo IMF.
Theo Andrew Fennell, chuyên gia phụ trách xếp hạng của khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Fitch Ratings, Việt Nam đang đi theo mô hình ra quyết định đồng thuận và do đó những thay đổi về nhân sự sẽ không thể ngay lập tức làm thay đổi phương hướng chính sách. Chuyên gia này nhận định cam kết cải cách tập trung vào ổn định vĩ mô và tự do hóa thị trường vẫn sẽ là những yếu tố chủ đạo ảnh hưởng đến triển vọng nền kinh tế vĩ mô.
PMI tháng 1/2016 tăng: Ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục hưởng lợi nhờ giá dầu giảm
Kết quả chỉ số PMI tháng đầu năm 2016 cho thấy các điều kiện kinh doanh đã tốt lên và sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã cải thiện với tốc độ nhanh hơn một chút so với cuối năm 2015.
Nikkei vừa công bố chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 1/2016. Theo đó, trong tháng đầu năm 2016, chỉ số PMI ngành sản xuất đã tăng từ mức 51,3 điểm của tháng trước lên 51,5 điểm.
Kết quả chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh đã tốt lên tháng thứ hai liên tiếp, và sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã cải thiện với tốc độ nhanh hơn một chút so với cuối năm 2015.
Số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 1 đã tăng tháng thứ hai liên tiếp và với một tốc độ nhanh hơn so với tháng 12. Các công ty cho biết nhu cầu khách hàng tăng là nhân tố chính làm cho số lượng đơn đặt hàng mới tăng.
Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng trong tháng, mặc dù với một tốc độ yếu hơn. Số lượng đơn đặt hàng mới tổng thể tăng đã góp phần làm tăng sản lượng lần thứ hai trong hai tháng, với tốc độ tăng gần như ngang bằng so với tháng trước.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tiếp tục giảm trong tháng 1, kéo dài thời kỳ giảm 7 tháng liên tiếp. Ngoài ra, tốc độ giảm nhanh hơn so với tháng 12, khi các thành viên nhóm khảo sát cho rằng chi phí đầu vào giảm là do giá cả hàng hóa giảm, đặc biệt là giá dầu.
Việc làm và hoạt động mua hàng tăng được cho là do yêu cầu sản xuất tăng lên. Việc làm tăng lần thứ chín trong mười tháng qua, mặc dù tốc độ tăng chỉ là nhẹ. Trong khi đó, hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng với tốc độ nhanh hơn tháng trước. Hoạt động mua hàng tăng lên đã làm một số công ty tăng tồn kho hàng hóa đầu vào.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, tại Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, cho biết, mặt tích cực nhất của bộ số liệu PMI kỳ gần nhất của Việt Nam là tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới nhanh hơn vào đầu năm 2016.
Điều này cho thấy các công ty trong nước vẫn có thể thu hút số lượng đơn đặt hàng mới cho dù môi trường kinh doanh toàn cầu còn khó khăn. Trong khi mức độ tạo việc làm còn yếu, lượng công việc chưa thực hiện tăng lên cho thấy các nhà sản xuất có thể cần tuyển thêm nhân sự trong những tháng tới để đáp ứng cho khối lượng công việc.
“Với hiệp định thương mại TPP dự kiến được ký vào cuối tuần này, từ đó bắt đầu giai đoạn phê chuẩn, năm 2016 có thể tạo ra những bước phát triển tích cực trong nền kinh tế Việt Nam sau khi có khởi đầu tốt từ đầu năm" – ông Andrew Harker nói.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng Purchasing Managers’ Index (PMI) lĩnh vực sản xuất do Nikkei công bố là một chỉ số tổng hợp về tình trạng ngành sản xuất của Việt Nam.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng Ngành Sản xuất tại Việt nam (PMI) của Nikkei được xây dựng trên cơ sở dữ liệu thu thập hàng tháng từ các bảng trả lời câu hỏi khảo sát của các nhà quản trị mua hàng ở hơn 400 doanh nghiệp công nghiệp.
Nhóm thành viên tham gia khảo sát được phân loại theo GDP và số lượng nhân công của công ty. Lĩnh vực sản xuất được chia thành 8 ngành chính: Kim loại cơ bản, hóa chất và nhựa, điện tử và quang học, thực phẩm và đồ uống, cơ khí chế tạo, dệt may, gỗ và giấy, vận tải.
Các câu trả lời khảo sát phản ánh sự thay đổi, nếu có, trong tháng hiện tại so với tháng trước dựa trên dữ liệu thu thập vào giữa tháng. Một chỉ số đạt mức hơn 50 điểm cho biết mức tăng tổng thể của chỉ số đó, dưới 50 điểm là một mức giảm tổng thể.
Bộ Giao thông Vận tải thúc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành trước 31/12/2016
Bộ Giao thông vận tải đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tập trung nhân lực máy móc thiết bị làm tăng ca để đảm bảo hoàn thành toàn bộ các hạng mục của dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội trước 31/12/2016.
Trước đó, cử tri tỉnh An Giang kiến nghị về Dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội sử dụng nguồn vốn vay của Trung Quốc và do Nhà thầu Trung Quốc thi công rất chậm chạp, không đảm bảo tiến độ thời gian, chất lượng công trình kém, đường ray uốn lượn theo hình sin. Do đó, đề nghị giám sát chặt chẽ dự án này và kiên quyết cắt hợp đồng nếu như không đảm bảo tiến độ.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cho biết Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Do đó, trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng trong việc kiểm soát kỹ thuật, công nghệ.
Nhiều hạng mục công trình không có trong quy trình, quy phạm của Việt Nam nên phải sử dụng quy trình, công nghệ đường sắt đô thị của Trung Quốc. Các quy định về hồ sơ thiết kế, dự toán, hồ sơ mời thầu mua sắm thiết bị giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có nhiều khác biệt, vì vậy cần phải có thời gian để Bộ GTVT rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lấy ý kiến các Bộ, Ngành liên quan làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện dự án do nhiều yếu tố khách quan nên một số hạng mục công trình đã phải điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp với điều kiện thực tế như: Thay đổi nhà ga 2 tầng thành 3 tầng để hạn chế diện tích giải phóng mặt bằng; bổ sung bãi đúc dầm do chậm giải phóng mặt bằng tại nghĩa trang Văn Nội - Hà Đông; bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6 để đảm bảo giao thông; bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu trong khu vực Depot, thay đổi vỏ tàu sắt sang vỏ tàu inox… nên phải điều chỉnh lại dự án và điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Vì các khó khăn vướng mắc nêu trên nên tiến độ của dự án cũng bị chậm so với kế hoạch đề ra. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các khó khăn, vướng mắc đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã cơ bản được giải quyết. Căn cứ khối lượng thực tế đạt được hiện nay khoảng 68%, Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt, Tổng thầu EPC và các đơn vị liên quan tập trung nhân lực máy móc thiết bị làm tăng ca (3ca/ngày) để đảm bảo hoàn thành toàn bộ các hạng mục của dự án trước 31/12/2016, vận hành khai thác vào Quý I/2017.
Đây cũng là dự án nằm trong danh sách các công trình trọng điểm quốc gia do Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng nghiệm thu. Do đó, trong quá trình thi công, hội đồng thường xuyên kiểm tra định kỳ cũng như đột xuất chất lượng thi công của Dự án và cho biết đều đáp ứng các yêu cầu chất lượng đã đề ra, các kết quả thí nghiệm kiểm tra tại hiện trường đều đạt yêu cầu.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo, quán triệt các đơn vị tham gia Dự án cần nâng cao hơn nữa công tác kiểm soát về mặt an toàn, tiến độ, chất lượng công trình, đồng thời tham gia ký cam kết về tiến độ, chất lượng làm căn cứ để có các hình thức khen thưởng, kỷ luật các đơn vị, cá nhân tham gia thực hiện dự án.