6 tháng đầu năm: Mua bán, sáp nhập đạt trên 3 tỷ USD
Vị trí trung tâm tài chính hàng đầu của London lung lay vì Brexit
Anh và Mỹ thảo luận về hợp tác thương mại sau sự kiện Brexit
Áp dụng quy chế miễn trừ khi NK thép dây hợp kim để sản xuất vật liệu que hàn
Tiêu dùng vẫn chậm
Tin kinh tế đọc nhanh 28-07-2016
- Cập nhật : 28/07/2016
Ngân hàng trung ương Singapore tăng kiểm soát hành vi rửa tiền
Ngân hàng trung ương Singapore mới đây cho biết sẽ đẩy mạnh kiểm soát hành vi rửa tiền và nhanh chóng tiến hành các biện pháp cần thiết đối với các ngân hàng, sau khi một số thể chế tài chính nước này dính líu tới các dòng tiền liên quan tới quỹ phát triển quốc gia 1MDB của Malaysia.
Trong một phát biểu mới đây, ông Ravi Menon, Giám đốc điều hành Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS, Ngân hàng trung ương) nhận định các kết quả điều tra gần đây đã làm sứt mẻ danh tiếng của MAS với tư cách là một trung tâm tài chính trong sạch và đáng tin cậy. Ông cho biết MAS sẽ kết hợp với các bên có liên quan quyết tâm giải quyết vấn đề này.
Bình luận của ông Menon được đưa ra sau khi giới chức Singapore thông báo đã tịch thu các tài sản có giá trị lên tới 240 triệu SGD (tương đương 177 triệu USD) trong một cuộc điều tra về các dòng tiền liên quan tới 1MDB do có nghi vấn về hành vi rửa tiền.
Theo thông báo của MAS, Văn phòng Tổng Chưởng lý và Cơ quan về các vấn đề Thương mại Singapore, các dòng tiền trên liên quan với các tổ chức tài chính như Good Star Limited (Seychelles), Aabar Investments PJS Limited (BVI), Aabar Investments PJS Limited (Seychelles), và Tanore Finance Corp (BVI).
Ngoài ra, Cơ quan Tiền tệ Singapore cho biết đã hoàn tất điều tra đối với DBS Group Holdings Ltd. (Singapore), Standard Chartered và UBS AG, và các phát hiện ban đầu cho thấy có những sai sót trong hoạt động kiểm soát ở cả ba ngân hàng trên và sự yếu kém trong tiến trình xét duyệt cho khách hàng và giám sát các giao dịch.(TTXVN)
G20 "đau đầu" tìm cách giải quyết dư thừa thép toàn cầu
Công suất dư thừa trong ngành công nghiệp thép vẫn còn là một vấn đề nóng bỏng đối với nhiều nước G20 năm nay. Trong bối cảnh nhu cầu thị trường yếu, sự dư cung đã khiến thị trường thép thời gian gần đây bất ổn. Việc sa thải người lao động và đóng cửa nhà máy cũng đã diễn ra tại nhiều nước.
Trong cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, đại diện các nền kinh tế hàng đầu thế giới cho biết sẽ tìm cách giảm thiểu dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp trong ngành thép và các ngành công nghiệp khác.
Sau hai ngày làm việc, chiều 24/7, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bế mạc tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Hội nghị đã ra tuyên bố chung, trong đó nhắc lại cam kết sử dụng mọi công cụ chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Trong tuyên bố chung, các nước thành viên G20, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Anh và Đức, thừa nhận tiến trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, song yếu hơn kỳ vọng. G20 cam kết sẽ sử dụng các công cụ chính sách, trong đó có các biện pháp tiền tệ, tài chính và cơ cấu để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đáng chú ý, đại diện các nước cũng đã phản đối các thức bảo hộ thương mại, đồng thời cam kết không phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp trong ngành thép và các ngành công nghiệp khác, vốn là nguyên nhân gây nên tình trạng thừa cung và giá cả hàng hóa sụt giảm.
Trước đó, theo Reuters, trong nội dung bản dự thảo tuyên bố chung mà tờ báo này thu thập được, các quan chức tài chính G20 cho biết các vấn đề dư thừa công suất đang trở nên trầm trọng thêm bởi kinh tế toàn cầu còn phục hồi chậm và nhu cầu thị trường giảm sút. Việc này cũng đã gây ra tác động tiêu cực đến thương mại và người lao động.
Các quan chức của Hoa Kỳ và các nước khác cáo buộc Trung Quốc, quốc gia sản xuất hơn một nửa thép của thế giới, đã giữ lại quá nhiều nhà máy sản xuất thép bằng các khoản trợ cấp và hỗ trợ khác của Chính phủ. Tình trạng dư thừa sản lượng thép trong nước buộc nước này phải tăng cường xuất khẩu ra nước ngoài khiến thị trường thép thế giới “ngập lụt”.
Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã áp đặt thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp khổng lồ đối với một số sản phẩm thép của Trung Quốc. Trong đó, mức thuế cao nhất lên đến 250% trên giá bán.
Với cuộc họp lần này, G20 cam kết sẽ tăng cường trao đổi, hợp tác về các vấn đề và thực hiện các bước hiệu quả để giải quyết những thách thức nhằm tăng cường chức năng thị trường, trách sự bảo hộ thương mại.
Dự kiến, các nền kinh tế sản xuất thép thuộc nhóm G20 cũng sẽ tham gia vào một diễn đàn thép được tài trợ bởi OECD trong tháng 9 tới. Tại đây, các thành viên sẽ thảo luận về tính khả thi của việc hình thành một diễn đàn toàn cầu về công suất.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm G20 diễn ra tại Thành Đô trong hai ngày 23 và 24/7. Đây là hội nghị cấp bộ trưởng cuối cùng trước Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào ngày 4-5/9 tới.
Mỹ cảnh báo tác động của Brexit tới ngành tài chính trong nước
Quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của nước Anh đã làm tăng mối đe dọa đối với ổn định tài chính của nền kinh tế số 1 thế giới.
Văn phòng Nghiên cứu Tài chính của Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/7 công bố một báo cáo cho rằng mối đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ hiện nằm trong mức "trung bình" nhưng đã tăng cao sau chiến thắng của phe ủng hộ rời EU trong cuộc trưng cầu ý dân tại Anh ngày 23/6 vừa qua.
Theo báo cáo, do nền kinh tế Anh và đặc biệt là hệ thống tài chính của Anh có quan hệ mật thiết với phần còn lại của EU và cả nước Mỹ, các tác động tiêu cực nghiêm trọng tại Anh có thể đe dọa tới ổn định tài chính Mỹ.
Đơn cử, việc London rút khỏi EU có thể dẫn tới một cuộc suy thoái ở Anh hoặc lan rộng ra nền kinh tế toàn khu vực, làm tổn thương thương mại của Mỹ hoặc gây bất ổn trên thị trường tiền tệ.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Brexit đã làm hạ hàng loạt dự báo tăng trưởng kinh tế cũng như giá tài sản ở Anh, đồng thời khiến Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5%.(Vietnamplus)
Giá điều xuất khẩu vụt tăng trở lại
Ngày 25.7, Hiệp hội Điều VN (Vinacas) cho biết trong tuần qua, thị trường điều nhân nội địa và quốc tế trở nên giao dịch sôi động, giá bán tăng bình quân từ 5 - 10 cents/Lb (pound - cân Anh) so với tuần trước đó.
Loại W240 đạt 4,15 - 4,25 USD/Lb; loại W320 đạt 4,05 - 4,15 USD/Lb.
Nhu cầu mua hàng của thị trường Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đã bắt đầu tăng khi người mua quốc tế chuẩn bị cho đợt bán hàng quan trọng tiếp theo dịp Tết Trung thu, lễ Giáng sinh 2016 và năm mới 2017. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ và giá điều nhân tại thị trường Ấn Độ cũng đang tăng cao.
Tại VN, do đang thời điểm mùa mưa tại khu vực Đông Nam bộ nên người mua quan tâm mua hàng của những nhà máy có uy tín đạt chứng chỉ ISO, HACCP để đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, đặc biệt là việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Trong khi đó, thị trường điều thô quốc tế tiếp tục ổn định. Các lô hàng điều thô tiếp tục về cảng VN. Trên thị trường có nhiều đơn chào hàng của những thương gia mới tham gia thị trường và chào hàng, mua - bán tại kho ngoại quan, khu chế xuất... Tuy nhiên nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp VN thấp do đã mua đủ nguyên liệu.
Lo ngại thị trường tôm xuất khẩu
“Nạn tiêm tạp chất, bơm tôm chỉ diễn ra ở một số địa phương nhưng nếu không sớm ngăn chặn triệt để sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu chung của cả nước”, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) bày tỏ lo ngại.
Bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, 6 tháng đầu năm 2016 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 3,08 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm là mặt hàng thủy sản tăng trưởng mạnh với tổng lượng xuất khẩu đạt 1,35 USD, tăng 5,9%. Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc tăng cao do hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực. Các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Thị trường Trung Quốc nhập khẩu 16% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Duy chỉ có thị trường Nhật Bản lượng tôm giảm 9% do nhiều nước xuất khẩu cạnh tranh nên giảm giá. Vasep nhận định, thời gian qua thủy sản xuất khẩu gặp nhiều khó khăn vì kinh tế các nước chưa phục hồi rõ nét, nhu cầu nhập khẩu giảm, nhiều đối thủ cạnh tranh khác xuất hiện. Tuy nhiên, đối với sản phẩm chế biến đáp ứng đúng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Riêng mặt hàng tôm sẽ tăng trưởng trong thời gian tới nhưng không đáng kể.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia trong ngành, vấn đề bất cập nhất hiện nay ảnh hưởng đến thị trường hoạt động xuất khẩu tôm chính là chất lượng không đáp ứng thị trường. Tình trạng tôm bẩn đang trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”. Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam từng than phiền về vấn nạn tôm bẩn đang có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu khó tính. Theo vị này, 90% tôm mua ở các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh và bị bơm chích agar. Nhằm đảm bảo chất lượng mặt hàng tôm xuất khẩu Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam phải chuyển vùng cung cấp nguyên liệu.
Giới kinh doanh cho rằng, nhiễm khuẩn là do nước đá, dụng cụ phục vụ cho hoạt động sản xuất không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, “tôm bẩn” tồn tại vì cá nhân, doanh nghiệp tham lợi nhuận tự ý bơm tạp chất. “Muốn giải quyết vấn nạn này rất cần sự phối kết hợp của lực lượng quản lý thị trường cùng các bộ phận, đơn vị quản lý khác kiểm tra tận gốc và dẹp bỏ sớm”- ông Trương Đình Hòe kiến nghị. Song song với giải pháp ngăn chặn tình trạng “tôm bẩn”, Vasep yêu cầu sớm xây dựng chương trình tôm sạch. Bởi vì đây là chương trình thiết thực, cấp bách nếu Việt Nam chứng minh được tôm sạch chắc chắn nhu cầu thị trường khó tính cũng như thị trường truyền thống sẽ tăng trưởng nhanh.
Trước thông tin “tôm bẩn” có nguy cơ gây khó cho thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT tìm ra giải pháp tháp gỡ cho doanh nghiệp. “Chương trình tôm sạch cần có hướng tiếp cận bền vững vì nếu không đảm bảo quy chuẩn sản xuất sạch sẽ không đủ tiêu chuẩn tiếp cận thị trường thế giới. Trong đó có nhiều thị trường tiềm năng sắp mở ra khi hiệp định thương mại song phương và đa phương có hiệu lực”, ông Trần Tuấn Anh nêu quan điểm. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, phải có sự phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đảm bảo quy trình nuôi trồng đến chế biến sạch. Dự kiến sẽ đưa ra quy chế phối hợp với giữa các Bộ liên quan cùng hiệp hội cùng thực hiện một cách tốt nhất.(Đại đoàn kết)