Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hạ dự báo tăng trưởng kinh tế
Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ thua lỗ hơn 34 tỷ USD 9 tháng qua
Đừng để doanh nghiệp VN phải “bán mình”
Jack Ma kêu gọi thương nhân Trung Quốc không nhận hối lộ
Lâm Đồng “cầu cứu” Hiệp hội chè Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-10-2015
- Cập nhật : 30/10/2015
Hàn Quốc dẫn đầu vốn FDI vào Việt Nam
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) vừa công bố báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài 10 tháng đầu năm 2015. Theo đó, cả nước có 1.657 dự án mới với tổng vốn đăng ký 12,42 tỷ USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ. Ngoài ra có 667 lượt dự án tăng vốn đầu tư thêm 6,86 tỷ USD, tăng trên 80%.Như vậy, tổng vốn đầu tư tăng trên 40%, lên 19,29 tỷ USD. Trong đó, vốn giải ngân đạt 11,8 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với 1.315 dự án tương ứng số vốn gần 12,5 tỷ USD. Tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện, bất động sản.
Hàn Quốc hiện là quán quân đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 6 tỷ USD, chiếm 31,3% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Maylaysia đứng thứ 2 với tổng vốn 2,53 tỷ USD. Tiếp đó, Nhật Bản đầu tư 1,48 tỷ USD. Bắc Ninh hiện là tỉnh dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn đạt 3,52 tỷ USD.
Cuối năm 2014, Nhật Bản và Hàn Quốc cạnh tranh nhau vị trí dẫn đầu khi cả hai nước đều có vốn đầu tư trên 37 tỷ USD. Tuy nhiên, với sự bứt phá năm nay, Hàn Quốc đã bỏ xa Nhật Bản khi nâng mức vốn đầu tư tại Việt Nam lên 43,3 tỷ USD. Con số lũy kế của các doanh nghiệp Nhật là 38,7 tỷ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư tăng đột biến do một số dự án có tổng vốn đầu tư lớn được cấp phép như Dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 (2,4 tỷ USD) của nhà đầu tư Malayssia đầu tư tại Trà Vinh; Dự án Công ty SamSung Display Việt Nam của Hàn Quốc (3 tỷ USD) tại Bắc Ninh; Dự án Cty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương (1,2 tỷ USD ) tại TP HCM...
Doanh nghiệp dầu khí lãi lớn dù giá dầu thô lao dốc
Giá dầu thô trung bình 9 tháng đầu năm 2015 là 56,5 USD một thùng, giảm 54,5 USD, tương ứng giảm 49% so với cùng kỳ (111 USD một thùng). Theo Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu tăng lên 7,1 triệu tấn nhưng doanh thu từ xuất khẩu dầu thô mới đạt 3,05 tỷ USD giảm gần 48% so với cùng kỳ 2014. Mặc dù giá dầu thô giảm sâu nhưng nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm dầu khí có kết quả kinh doanh khả quan.
Tổng công ty vận tải dầu khí (Mã CK: PVT) trong quý III đạt doanh thu 624 tỷ đồng, lợi nhuận 57,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm công ty đạt doanh thu 1.657 tỷ đồng, tăng 15,6% và lợi nhuận sau thuế tăng 12,2% lên 187 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế quý III của Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (Mã CK: PVS) đạt 352 tỷ đồng, tăng 129% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu của công ty đạt trên 9.735 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế mặc dù giảm nhẹ 1,9 %, đạt 910,6 tỷ đồng nhưng công ty vẫn vượt kế hoạch đặt ra trong năm 2015.
Một doanh nghiệp khác cũng kinh doanh khá tốt trong bối cảnh giá dầu giảm là Công ty bọc ống dầu khí Việt Nam (mã CK: PVB). Doanh thu quý III của công ty đạt 233 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 35 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu tăng 21% đạt 915 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 7,5% lên hơn 142 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, PVB đã hoàn thành 91% kế hoạch doanh thu và vượt 35% kế hoạch lợi nhuận.
Ông Đinh Văn Ngọc, Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết trong 9 tháng đầu năm công ty lãi 4.266 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch. Sản lượng tiêu thụ và công suất của nhà máy lọc dầu Bình Sơn đều vượt kế hoạch 14-15%.
Ông Ngọc cho biết, một trong những lý do khiến lọc hóa dầu Bình Sơn vượt qua những khó khăn của biến động giá dầu thô, giá sản phẩm và chính sách thuế nhập khẩu cũng như những biến động tỷ giá bất lợi là do chi phí giá thành sản xuất sản phẩm, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được kiểm soát tối ưu.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp dầu khí khác cũng có mức tăng trưởng khá do kiểm soát tốt chi phí tài chính, như: Công ty phân phối khí thấp áp dầu khí (mã CK: PGD) lãi 191 tỷ đồng, vượt 90% kế hoạch cả năm; Công ty vật tư xăng dầu (mã CK: COM) lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 184% lên 80 tỷ đồng; Tổng công ty Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (mã CK: PET) lợi nhuận tăng 21% đạt gần 39 tỷ đồng,...
Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm sản lượng khai thác dầu thô của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đạt gần 14 triệu tấn, vượt 10,9% kế hoạch, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn đạt 428.000 tỷ đồng. PVN cho biết tất cả các đơn vị đều giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh, hoàn thành vượt mức kế hoạch 9 tháng đã đề ra và đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2014
Trong đó, 10 đơn vị thuộc PVN đạt mức lợi nhuận hợp nhất sau thuế 9 tháng đạt trên 110% so với kế hoạch gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí, Tổng công ty dung dịch khoang và hóa phẩm dầu khí,…
PVN dự kiến giá dầu trung bình cả năm 2015 sẽ ở mức 55 USD một thùng, thấp hơn mức 100 USD mà Quốc hội đã thông qua hồi đầu năm. Chính vì vậy, trong quý IV PVN đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò đảm bảo gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2015 là 35-40 triệu tấn dầu quy đổi. Theo đó, nâng mức khai thác dầu thô lên 15,74 triệu tấn, vượt một triệu tấn so với kế hoạch Chính Phủ giao phó.
Công ty Chứng khoán dầu khí Việt Nam (PSI) cho biết, các doanh nghiệp dầu khí vẫn đạt doanh thu và lợi nhuận tốt trong bối cảnh giá dầu giảm là do áp dụng nhiều biện pháp như tối ưu hóa chi phí tài chính, đưa nhiều dây chuyền, dự án mới vào hoạt động. Chẳng hạn, Công ty khoan và dịch vụ khoan lắp dầu khí (PVD) đưa 6 giàn khoan mới có hiệu suất hoạt động 95%. PVS có doanh thu tăng mạnh là do tàu FSO 05 đi vào hoạt động, cùng với việc triển khai các tàu đa năng và sà lan phục vụ dầu khí.
PSI dự báo với chiến lược mở rộng khai thác dầu khí ở cả Việt Nam và nước ngoài, thông qua các liên doanh tại Venezuela và Nga của PVN, các doanh nghiệp thuộc nhóm dầu khí truyền thống sẽ duy trì được sự ổn định trong quý IV cũng như trong tương lai. Hơn nữa, với nhu cầu năng lượng tăng cao, tiềm năng phát triển của nhóm cổ phiếu dầu khí là rất lớn.
NHNN thu hồi Giấy phép mở VPĐD Ngân hàng Hana tại Tp.Hồ Chí Minh
Ngày 26/10/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 2178/QĐ-NHNN về việc thu hồi Giấy phép mở Văn phòng đại diện Ngân hàng Hana thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Hana, NHNN thu hồi Giấy phép mở Văn phòng đại diện số 56/NH-GP ngày 12/11/2007 của Ngân hàng Nhà nước cấp cho Ngân hàng Hana thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định thu hồi Giấy phép của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Hana phải thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó lưu ý việc hoàn trả Giấy đăng ký hoạt động, nộp con dấu, thanh lý hợp đồng thuê trụ sở và thanh toán các nghĩa vụ, khoản nợ khác (nếu có) với cá nhân, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép có hiệu lực thi hành, Văn phòng đại diện của Ngân hàng Hana tại thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm niêm yết Quyết định thu hồi Giấy phép tại trụ sở của Văn phòng đại diện.
Mua tạm trữ 14 ngàn tấn muối
Sáng 28/10, ông Trương Hữu Lan, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai chính sách hỗ trợ cho bà con diêm dân bằng cách, thông qua đề án hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng cho Cty CP muối Khánh Hòa và Cty CP muối Cam Ranh để thu mua tạm trữ 14 ngàn tấn muối đang tồn kho của diêm dân và các hợp tác xã diêm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, 2 Cty này phải thu mua hết sản lượng muối đang tồn của khu vực diêm dân và hợp tác xã diêm nghiệp, đồng thời thanh toán tiền trực tiếp cho diêm dân với giá mua theo cơ chế thị trường.
Theo ông Lan, đến nay các Cty này đã thu mua được gần 5.000 tấn muối tồn kho với mức giá khoảng 650 ngàn/tấn. Với mức giá này diêm dân sẽ có lãi từ 50-100 ngàn/tấn đối với muối hạt kết tinh trên bạt và muối hạt kết tinh trên nền đất.
Được biết, năm nay tổng sản lượng muối toàn tỉnh Khánh Hòa đạt khoảng 110 nghìn tấn, tăng 167% so với năm ngoái. Tuy nhiên, do giá muối thị trường xuống thấp, chỉ từ 400-500 ngàn/tấn (dưới giá thành sản xuất) đã gây khó khăn đối với đời sống bà con diêm dân nơi đây. Mặc dù giá thấp, nhưng nhiều người dân vẫn phải bán để có tiền tái sản xuất cho vụ muối sau.
Đất thổ cư nhiều khu vực ở Hà Nội giảm giá
Sắp lập gia đình riêng nên anh Duy (quê Hòa Bình) đang tìm mua một căn hộ hoặc lô đất thổ cư để an cư. Dù rất thích mua đất thổ cư để có thể xây dựng và thiết kế nhà theo ý mình, song sau một thời gian chạy vạy tìm hiểu, đi xem hàng chục lô đất lớn nhỏ khắp Hà Nội, anh này lại quyết định xuống tiền mua một căn hộ chung cư. "Do tài chính có hạn nên tôi phải vay mượn thêm. Trong khi đó, việc làm thủ tục vay vốn ngân hàng với đất thổ cư phải chờ đợi lâu hơn. Tôi cũng phải tự liên hệ với nhà băng để vay vốn, trong khi mua căn hộ chung cư thì thuận lợi hơn nhiều", anh Duy cho hay.
Đất thổ cư ở một số khu vực có xu hướng giảm trước nguồn cung ngày một lớn của nhiều dự án chung cư. Ảnh: Anh Quân
Ông Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Sàn bất động sản Gia Khánh Land, quận Hoàng Mai thừa nhận, việc tiếp cận các gói vay vốn từ ngân hàng không dễ dàng như mua căn hộ chính là một trong những lý do khiến giao dịch đất thổ cư thời gian gần đây chững lại. Đây cũng chính là một nguyên nhân khiến giá phân khúc này ở một số quận bị giảm đáng kể.
"Nhu cầu bên bán không phải ít. Nhiều người mua cũng mang tâm lý thích sở hữu nhà đất. Tuy nhiên, việc kết nối được nhu cầu giữa bên mua và bán không dễ dàng. Thêm vào đó, hiện các chủ đầu tư dự án cũng tạo điều kiện cho người mua nhà kết nối với ngân hàng nên không ít khách đã chuyển hướng sau một thời gian tìm hiểu các phân khúc", ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Quốc Trường, Giám đốc sàn Hà Vy, quận Thanh Xuân cũng cho biết tình trạng giá đất thổ cư giảm ở một số quận còn có một phần nguyên nhân là do hạ tầng, đường sá ở những khu vực này chậm phát triển.
"Những quận ở phía Tây, đang có nhiều dự án giao thông lớn thì được khách hàng quan tâm hơn nên giá có biến động. Trong khi đó, khu vực phía Nam thành phố thì gần như chững lại, thậm chí giảm giá", ông Trường cho hay.
Nhận định về giá bán đất thổ cư, đại diện các sàn bất động sản tại Hà Nội cho biết, khu vực các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình giá đất thổ cư giữ mức ổn định ở mức cao. Trong khi đó, ở các quận vùng ven, mức giá biến động theo chiều hướng khác nhau.
Cụ thể, ở khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên... giá có nhích nhẹ nhờ hạ tầng và một số dự án giao thông lớn đang được triển khai, hiện dao động từ 30-70 triệu đồng một m2, tùy vị trí. Ngược lại, các khu vực quận Hoàng Mai, Thanh Trì mặt bằng giá nhà thổ cư giảm 3-5 triệu đồng do tình hình thanh khoản chậm, hạ tầng kém phát triển hơn. Đặc biệt, khu vực Mê Linh, Đông Anh thì giá vẫn tiếp tục giảm, thậm chí một số nơi chỉ còn chưa đầy 5 triệu đồng một m2, hầu như không có giao dịch.
Anh Ba, một môi giới lâu năm trong giới thiệu đất thổ cư gần đây chuyển dần sang tư vấn và giới thiệu phân khúc căn hộ vì thanh khoản nhà đất kém hơn hẳn. Hiện đất thổ cư chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng số giao dịch do anh giới thiệu. "Có những tháng, không có một lô đất thổ cư nào mua bán thành công, trong khi nhà chung cư thì tháng nào cũng đều đặn, mức tăng giảm không đáng kể", anh Ba nói.
Nhân viên này cho biết, một lô thổ cư phải mất tối thiểu 2-3 tháng mới giao dịch được. Trong khi đó, giới thiệu chung cư thì thời gian giao dịch nhanh hơn rất nhiều. "Hơn nữa, những người phải thực sự phải có kinh nghiệm thì mới làm được đất thổ cư vì khách hàng dễ 'bùng' khoản phí môi giới. Vì những lý do đó nên nhiều khi chính môi giới cũng không mấy mặn mà", anh Ba cho hay.