Vượt dư lượng thuốc trừ sâu, chè Việt Nam không được vào Đài Loan
Sửa đổi quy định nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra
Số giao dịch BĐS thành công tăng gấp 2 lần so cùng kỳ
Luật đầu tư thoáng nhưng vẫn khó thực hiện
Công ty Phú Lễ thắng kiện Cục Thuế TP.HCM
Tin kinh tế đọc nhanh 31-10-2015
- Cập nhật : 31/10/2015
TP.HCM: sẽ siết chặt đầu tư công
Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, khả năng tăng trưởng GDP của TP.HCM năm 2015 sẽ đạt trên 10% so với kế hoạch đề ra 9,5 - 10%.
Với ngân sách để lại khá eo hẹp như hiện nay, TP.HCM sẽ rất khó để tái đầu tư nhằm phát huy tiềm năng lợi thế trung tâm thương mại quan trọng nhất của cả nước. Trong ảnh: cầu Hậu Giang vừa được hoàn thành bắc qua kênh Tân Hóa - Lò Gốm - Ảnh: Hữu Khoa
Ngày 29-10, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết với những kết quả đạt được cho đến thời điểm hiện tại, khả năng tăng trưởng GDP của TP năm 2015 sẽ đạt trên 10% so với kế hoạch đề ra 9,5 - 10%.
Theo ông Quân, tổng thu ngân sách của TP cả năm nay dự ước đạt trên 260.000 tỉ đồng, tăng 4.000 tỉ đồng so với dự toán ban đầu.
Ông Lê Hoàng Quân lưu ý từ đầu năm 2016 bắt đầu thực hiện Luật đầu tư công nên chủ tịch UBND các quận huyện, giám đốc các sở ngành khi tham mưu các dự án đầu tư công phải siết chặt, rà soát kỹ và chịu trách nhiệm về việc đề xuất các dự án, tránh tình trạng lãng phí hoặc cứ ghi vốn vào danh mục rồi để đó.
Ông Quân cũng yêu cầu các sở, ngành rà soát tiến độ thực hiện nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách; đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông; các dự án chống ngập, ngăn triều...
Riêng những tháng cuối năm, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp thường cao hơn nhiều so với những tháng khác, ông Quân chỉ đạo ngành ngân hàng tạo điều kiện hơn nữa về lãi suất để doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận được nguồn vốn vay, đáp ứng cho nhu cầu vốn phục vụ đổi mới thiết bị, sản xuất và kinh doanh.
Thêm đại gia thủy sản ở Cà Mau bị bắt
Giám đốc công ty thủy sản Nhật Đức - ông Huỳnh Minh Trung bị bắt về hành vi lừa đảo, có liên quan vụ sai phạm trong cho vay tại Ngân hàng VDB Chi nhánh Minh Hải.
Ngày 29-10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố và bắt giam bị can Huỳnh Minh Trung (53 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thủy sản Nhật Đức, trụ sở tại quốc lộ 1A, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vợ bị can Trung là bà Trần Thanh Thúy (55 tuổi) cũng bị khởi tố cùng hành vi nhưng cho tại ngoại.
Việc vợ chồng Huỳnh Minh Trung bị khởi tố liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Minh Hải (VDB Minh Hải),
Theo hồ sơ, từ tháng 5-2010 đến tháng 6-2011 Công ty Nhật Đức vay VDB Minh Hải gần 180 tỉ đồng. Để được VDB Minh Hải giải ngân, ông Trung cùng vợ lập hợp đồng xuất khẩu giả, báo cáo thuế khống. Đến nay công ty mất khả năng thanh toán.
Pin khô AA của VN bị Ấn Độ kiện bán phá giá
Giai đoạn điều tra được tính từ ngày 1-4-2014 đến 31-3-2015, trong khi giai đoạn điều tra thiệt hại được tính từ ngày 1-4-2011 đến 31-3-2015.
Ngày 29-10, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương cho biết Tổng vụ Chống bán phá giá và chống trợ cấp thuộc Bộ Thương mại và công nghiệp Ấn Độ chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm pin khô AA (mã HS: 8506.10) nhập khẩu từ VN và Trung Quốc.
Giai đoạn điều tra được tính từ ngày 1-4-2014 đến 31-3-2015, trong khi giai đoạn điều tra thiệt hại được tính từ ngày 1-4-2011 đến 31-3-2015.
Giữ vai trò nguyên đơn là Hiệp hội Các nhà sản xuất pin khô Ấn Độ cùng Eveready Industries India Ltd, Panasonic Energy India Co. Ltd và Indo National Ltd, đã cáo buộc lượng nhập khẩu pin khô AA tăng mạnh từ các nước bị điều tra, đặc biệt là từ Trung Quốc sau khi lệnh áp thuế đối với quốc gia này chấm dứt từ tháng 4-2013.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, việc VN bị khởi xướng điều tra có thể do Ấn Độ muốn ngăn chặn khả năng Trung Quốc sẽ lợi dụng xuất xứ hàng hóa (C/O) từ VN hòng lẩn tránh thuế nếu như quốc gia này bị áp thuế trở lại.
Trước đó từ tháng 8-2001, Ấn Độ đã áp thuế AD đối với mặt hàng nói trên từ Trung Quốc với mức thuế tương đương 75,25 USD/1.000 sản phẩm.
Doanh nghiệp mệt mỏi với kiểm tra chuyên ngành
DN dẫn chứng về sự máy móc của cơ quan thuế: triển khai nộp tờ khai thuế qua mạng nhưng mạng gặp trục trặc, DN đến nộp trực tiếp thì cơ quan thuế không chấp nhận.
Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2015 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Bộ Tài chính tổ chức ngày 29-10, bên cạnh các ý kiến ghi nhận có sự cải thiện đáng kể, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn cho rằng thủ tục ngành thuế vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng của DN.
Một DN dẫn chứng sự máy móc của cơ quan thuế: triển khai nộp tờ khai thuế qua mạng nhưng mạng gặp trục trặc, DN đến nộp trực tiếp thì cơ quan thuế lại không chấp nhận.
Cũng bức xúc với thủ tục, bà Trịnh Tú Anh, giám đốc Công ty TNHH thương mại An Đô, nêu đang rất mệt mỏi với việc kiểm tra chuyên ngành.
Cụ thể, công ty bà phải cử một nhân viên chuyên trách về vấn đề này và phải làm từ sáng đến 19g vì ngày nào cũng có hàng nhập về. Đặc biệt, chỉ trong chín tháng đầu năm, DN của bà phải bỏ ra 620 triệu đồng nộp phí kiểm tra chuyên ngành.
Phản hồi nội dung DN nêu, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Tài chính - cho rằng đây không phải là bức xúc của mình DN An Đô mà của rất nhiều DN.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, mỗi năm cả nước có 7 triệu lô hàng xuất nhập khẩu thì có tới 38% số lô hàng chịu sự kiểm tra về tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc kiểm tra là cần thiết nhưng so với khu vực và thế giới thì tỉ lệ này cao song hiệu quả chưa được người dân và DN yên tâm.
Để tạo thuận lợi cho DN, Bộ Tài chính đề xuất tăng cường xã hội hóa công tác kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, thậm chí cả kiểm dịch.
Nghĩa là tới đây, theo tiêu chuẩn của Nhà nước, DN có thể đầu tư trang bị máy móc thiết bị để tham gia kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, kiểm dịch 24/24 giờ với giá cạnh tranh nhất.
Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm việc nhập lậu thép
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, bảo đảm cạnh tranh công bằng và thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, Hiệp hội Thép Việt Nam thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi nhập khẩu, sử dụng không đúng mục tiêu đã đăng ký và không bảo đảm các quy định về chất lượng khi đưa vào các công trình xây dựng; đề xuất các giải pháp cả trước mắt và lâu dài (về hàng rào kỹ thuật, hành chính…) để quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại trong nhập khẩu phôi thép; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2015.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thép theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2013 của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu; kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý.
Bộ Công Thương hướng dẫn Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất thép thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định của pháp luật về chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ trong thương mại quốc tế.
Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xem xét, xử lý đề nghị của Bộ Công Thương về việc công bố tiêu chuẩn thép, phôi thép nhập khẩu; đồng thời rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thép, phôi thép hiện hành để kịp thời ban hành bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền đáp ứng yêu cầu quản lý, ngăn ngừa gian lận thương mại trong nhập khẩu phôi thép và thép thành phẩm (trong đó lưu ý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với phôi thép hợp kim, thép xây dựng).
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và Hiệp hội Thép Việt Nam thống nhất các tiêu chí quy định phôi thép hợp kim để áp mã HS và tính thuế nhập khẩu bảo đảm chính xác, đúng quy định của pháp luật và cam kết quốc tế.
Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất thép, phôi thép tăng cường áp dụng các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm thép, phôi thép; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thép, phôi thép.