Chuyên gia Mỹ: Đà Nẵng nên lập khu thương mại tự do để tận dụng TPP
Thương lái nước ngoài mua bán ở biên giới cũng phải nộp thuế
Chất lượng là yếu tố quyết định để trái cây hội nhập
Quy định mới về thuế tiêu thụ đặc biệt với xe dưới 24 chỗ
Vinamilk, HSC và Đạm Phú Mỹ quản trị công ty đứng đầu Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-10-2015
- Cập nhật : 30/10/2015
Samsung chi 10 tỷ USD mua lại cổ phiếu
Hôm nay, công ty thông báo mua lại số cổ phiếu trị giá 11.300 tỷ won (10 tỷ USD), đồng thời tăng chi tiêu lên 14%. Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi hãng công bố lợi nhuận quý III.
Lợi nhuận ròng của Samsung là 5.460 tỷ won (4,8 tỷ USD). Số liệu này tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, chấm dứt 7 quý liên tiếp giảm lãi. Dù vậy, "Trong quý IV, chúng tôi cho rằng lợi nhuận sẽ đi xuống, do tỷ giá không thuận lợi", Samsung cho biết.Lợi nhuận hoạt động của mảng điện thoại di động là 2.400 tỷ won, trên doanh thu 26.600 tỷ. Việc Samsung khó giành lại quyền kiểm soát trong phân khúc cao cấp đã tác động tiêu cực đến khả năng sinh lời của hãng. Biên lợi nhuận hoạt động chỉ còn 9% trong quý III, chưa bằng nửa quý I năm ngoái.
"Động thái này đã gây ngạc nhiên rất lớn. Samsung phải có câu trả lời phù hợp hơn với nhà đầu tư, và tuyên bố mới nhất này cho thấy họ đang nỗ lực đẩy lợi ích của cổ đông lên ngang bằng các đối thủ", Greg Roh - nhà phân tích tại HMC Investment Securities cho biết. Cổ phiếu Samsung đã tăng gần 5% sáng nay tại Seoul, lên cao nhất từ tháng 5.
Nhu cầu iPhone ngày càng lớn, cùng sự trỗi dậy của nhiều thương hiệu smartphone Trung Quốc như Huawei hay Xiaomi đang gây áp lực lên đại gia điện tử Hàn Quốc. "Mảng di động của Samsung đã sa sút đáng kể trong năm 2014, bình ổn dần năm 2015 và chúng tôi kỳ vọng họ sẽ tăng trưởng trở lại vào năm tới. Giảm giá có chọn lọc và cải thiện thiết kế sản phẩm, như Galaxy S6 Edge và Note 5, sẽ giúp Samsung có đà phục hồi năm tới", Neil Mawston – Giám đốc Strategy Analytics dự báo.
Hãng cũng quyết định tập trung hơn vào mảng sản xuất linh kiện. Nhiều thiết bị bán dẫn và màn hình của Samsung đã có mặt trong sản phẩm của đối thủ. Samsung hiện là hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới. Lợi nhuận mảng này đã lên 3.660 tỷ won quý trước, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vinamilk lãi gần 6.000 tỷ đồng sau 9 tháng
Công ty sữa Việt Nam (Mã CK: VNM) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2015. Theo đó, doanh thu của Vinamilk tăng hơn 20% đạt 10.577 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên 2.123 tỷ, tăng gấp rưỡi cùng kỳ.
Giá vốn hàng bán của Vinamilk giảm gần 4%, khiến lợi nhuận gộp của Vinamilk trong quý III/2015 tăng mạnh 56,4% và đạt gần 5.350 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của đại gia ngành sữa đạt 28.869 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng khá mạnh 35,3% lên 5.869 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt hơn 5.877 tỷ. Như vậy, công ty đã hoàn thành được 86% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2015. Lãi cơ bản mỗi cổ phiếu đạt 4.415 đồng.
Tính đến 30/9, tổng tài sản của Vinamilk đạt 25.859 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 19.217 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn đạt hơn 6.184 tỷ đồng, tăng 13,4% so với đầu năm 2014.
Theo lãnh đạo Vinamilk, lợi nhuận quý III tăng đột biến là do doanh thu bán hàng tăng mạnh. Công ty đã thay đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tập trung vào các nhóm sản phẩm có hiệu quả cao hơn. Đồng thời, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ.
Mới đây, Chính Phủ cũng ra quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamilk với trị giá lên tới 2,46 tỷ USD. Trả lời Bloomberg, bà Bùi Thị Hương - Giám đốc điều hành Vinamilk xác nhận doanh nghiệp mong muốn nới room ngoại không chỉ vì tài chính, mà còn nhắm tới kinh nghiệm quản trị của các đối tác nước ngoài. Vinamilk đã tổ chức các buổi roadshow gặp gỡ nhà đầu tư tại Singapore và Mỹ và sắp tới tại châu Âu trong năm 2015.
Cơ hội cho gạo Việt
VN có lợi thế tuyệt đối về sản xuất gạo trong nhóm các nước TPP, trong khi khối lượng gạo xuất khẩu của VN vào các nước TPP hiện khá thấp ...
“Cơ hội vàng cho gạo Việt” là khẳng định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích tại hội thảo “Tác động của TPP với nông nghiệp và lao động VN” do Trường ĐH Văn Hiến tổ chức tại TP.HCM ngày 28-10.
Theo ông Bích, VN có lợi thế tuyệt đối về sản xuất gạo trong nhóm các nước TPP, trong khi khối lượng gạo xuất khẩu của VN vào các nước TPP hiện khá thấp so với nhu cầu nhập khẩu của các nước này. Cụ thể, trong năm 2014 kim ngạch xuất khẩu gạo vào các nước TPP chỉ đạt 760.000 tấn trong tổng số gần 4,7 triệu tấn gạo các nước đã nhập.
“Với lợi thế thuế suất nhập khẩu sẽ giảm mạnh, gạo Việt có thể đánh bật các đối thủ khác tại những thị trường này” - ông Bích khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Bích, nếu không có bước cải tiến về kiểm soát chất lượng, đa dạng mặt hàng (gạo hữu cơ, gạo thảo dược...), tạo dựng thương hiệu... gạo Việt rất khó để tận dụng lợi thế do TPP đem lại.
Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định TPP không làm tổn thương nền nông nghiệp mà là mục tiêu để chúng ta đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
“Chúng ta không thể hội nhập bằng nền kinh tế hộ mà phải tạo ra liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp nòng cốt, giải quyết triệt để vấn đề an toàn thực phẩm, khâu phân phối cũng như có những dự báo chính xác về thị trường...” - ông Tuấn cho hay.
Lượng tàu vào cảng Cái Mép đã tăng 40%
Thứ trưởng Công cho biết, tốc độ hàng hóa thông qua các cảng biển của Việt Nam trong 5 năm qua tăng trưởng mỗi năm khoảng từ 10 – 15%.
Trong 9 tháng của năm 2015, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 343 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng cảng quốc tế Cái Mép, trong 9 tháng của năm 2015, số lượng tàu vào cảng là 936 chiếc, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 283 tàu đạt trọng tải trên 80.000 tấn. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng này cũng tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó hàng container tăng trưởng 8%.
Ông Công cũng khẳng định, Bộ GTVT cam kết sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống giao thông kết nối, đầu tư luồng… để đón được tàu lên tới 18.000 TEU.
Cảng quốc tế Cái Mép là cảng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á sau Sinagpore và Malaysia, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến 14.000 TEU.
Cũng trong ngày 29-10, tàu CSCL Star đã tiếp nhận 130 container từ Thái Lan chuyển sang Cái Mép để bốc lên tàu này đi Bắc Âu mà không phải trung chuyển qua các cảng khác ở khu vực.
Mặc dù lượng hàng và tàu thông qua cảng Cái Mép tăng so với 9 tháng của năm 2014, nhưng mới đây ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết lượng hàng vào các cảng ở cụm cảng Cái Mép – Thị Vải mới chỉ đạt 15% so với công suất thiết kế của các cảng.
Để giải quyết vấn đề này, ông Thu cho biết sẽ báo cáo Bộ GTVT áp dụng hạn mức hàng vào các cảng ở TPHCM để chuyển bớt lượng hàng ra cụm cảng Cái Mép- Thị Vải.
Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) là liên doanh giữa Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam, Cảng Sài Gòn và APM Terminals (Đan Mạch). Đây là cảng container nước sâu tại khu vực Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với diện tích 48 héc ta.
Cá kho làng Vũ Đại bán chạy gấp 20 lần nhờ thương mại điện tử
Đây chỉ là một trong số những ví dụ tiêu biểu được nghiên cứu để đưa ra các đánh giá tại báo cáo “Internet, thương mại điện tử và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”. Báo cáo do nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử (Vecom) và Viện Nghiên cứu phát triển Bền vững Vùng thực hiện, vừa được công bố sáng 29/10. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, năm 2009, chủ cơ sở sản xuất cá kho làng Vũ Đại (tỉnh Hà Nam) bắt đầu kinh doanh và chỉ bán được 257 sản phẩm. Sau đó ông lập trang web bán hàng và đến 2010 thì sử dụng quảng cáo trực tuyến. Số lượng đơn hàng nhờ đó tăng mạnh qua các năm và đến 2013, số sản phẩm bán ra tăng lên hơn 5.300. Hiện đơn vị này đã có đại lý ở Hà Nội và TP HCM.
Ở một trường hợp khác, Công ty Nhà Việt được thành lập năm 2011 với hoạt động chính là dịch vụ dọn vệ sinh. Trong nửa năm đầu, công ty không sử dụng dịch vụ quảng cáo trực tuyến mà chỉ theo phương thức truyền thống. Việc này tuy tiết kiệm chi phí nhưng không hiệu quả. Sau đó, doanh nghiệp bắt đầu sử dụng quảng cáo trên mạng và doanh thu đã tăng trưởng 100% mỗi năm. Hiện chi phí mỗi tháng để duy trì quảng cáo trực tuyến của công ty là 12 triệu đồng, chiếm 10% doanh thu.
Không chỉ thuận lợi trong việc kinh doanh ở thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát đã tìm kiếm được khách hàng ở thị trường Bắc Mỹ, Tây Âu nhờ các trang quảng cáo trực tuyến trên Google, mạng xã hội…
Ông Nguyễn Đình Chúc - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Bền vững Vùng cho rằng, đó là những dẫn chứng cụ thể và rõ ràng cho thấy thương mại điện tử giúp doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng nhanh chóng, đồng thời giảm chi phí thuê địa điểm kinh doanh ở một số nơi…
Tuy nhiên, cũng theo ông, hiện nay ở Việt Nam, chi phí thương mại điện tử vẫn ở mức khá cao (ước khoảng 20% doanh thu). Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi xuất hiện trên môi trường mở cũng có nghĩa là họ phải chịu những thách thức trong việc bảo vệ thương hiệu của mình.
“Mặc dù họ có thể đã đăng ký bản quyền cho thương hiệu nhưng cũng không thể hoàn toàn ngăn chặn các trang web bán sản phẩm giả trên mạng, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp”, ông Phúc nhận định.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, môi trường internet đã tạo ra một thị trường đầy tiềm năng nhưng với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không có phương thức sản xuất hiện đại, sẽ rất khó trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng doanh số bán hàng.
Cũng đồng tình với những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng phát triển Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử cho rằng, có sự phân bổ không đồng đều giữa các nhóm sản phẩm. Cụ thể, nhóm hàng thời trang, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, máy tính, hàng điện tử, gia dụng ghi nhận doanh thu tốt nhất. Trong khi những nhóm còn lại thì mức tăng khiêm tốn hơn.
Theo ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thương mại điện tử ở Việt Nam còn ở dưới mức tiềm năng. Hiện giá trị thương mại điện tử hàng năm mới bằng khoảng 0,3% tổng giá trị bán lẻ. Nguyên nhân là sự thiếu niềm tin vào chất lượng hàng hóa vẫn còn hiện hữu. Theo đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ nên thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường số phát triển, đảm bảo các giao dịch thương mại điện tử an toàn.