Samsung chi 10 tỷ USD mua lại cổ phiếu
Vinamilk lãi gần 6.000 tỷ đồng sau 9 tháng
Cơ hội cho gạo Việt
Lượng tàu vào cảng Cái Mép đã tăng 40%
Cá kho làng Vũ Đại bán chạy gấp 20 lần nhờ thương mại điện tử
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-10-2015
- Cập nhật : 28/10/2015
Đề xuất Nhà nước bán “đất vàng”, cổ phần để tăng thu ngân sách
VAFI kiến nghị 5 giải pháp được cho là có thể mang lại hàng tỷ USD cho ngân sách...
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đề xuất Quốc hội và Chính phủ 5 giải pháp được cho là có thể mang lại hàng tỷ USD, trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang ngày một eo hẹp.
Thứ nhất, theo VAFI, cần tập trung bán cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp, công ty đã cổ phần hóa và kinh doanh hiệu quả như Mobifone, Viettel, Sabeco, Habeco, Vinamilk…
Trên thực tế, việc Nhà nước thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp lớn mới đây cũng đã được Chính phủ thông qua về mặt chủ trương, trong đó cho phép một số doanh nghiệp lớn như SCIC, Vinamik, FPT… được tự quyết định thời điểm thích hợp để thoái vốn.
Thứ hai, Nhà nước nên mạnh dạn bán những bất động sản có giá trị lớn ở vị trí trung tâm Tp.HCM, Hà Nội.
Theo VAFI, đó là các khu trung tâm thương mại, đất vàng, các khách sạn lớn đang được quản lý bởi doanh nghiệp nhà nước hay là phần vốn góp của thành phố trong các liên doanh nước ngoài như: tổ hợp văn phòng Daewoo, khách sạn Rex, Caravelle, Metropole Hà Nội...
VAFI khuyến nghị, những công trình trên không nên cổ phần hóa, mà bán đấu giá toàn bộ tài sản cho một nhà đầu tư để thu tiền về ngân sách.
Đề xuất thứ ba của VAFI là dùng giải pháp kỹ thuật để chuyển nhanh các tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả thành công ty cổ phần, với 3 cổ đông là Nhà nước, công đoàn, đảng ủy.
Mục đích của việc này là thu cổ tức hàng năm. Theo ước tính của VAFI, những doanh nghiệp chưa có kế hoạch cổ phần hóa như VNPT, Petro Vietnam, SCIC, Viettel, EVN, VinaFone, các công ty xổ số kiến thiết..., nếu thu cổ tức ở mức khiêm tốn thì hàng năm cũng nộp cho ngân sách Nhà nước khoảng 2 tỷ USD.
Thứ tư, VAFI cho rằng nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng miếng, vàng nhẫn vì đây là hàng hóa xa xỉ cần phải thực hiện điều tiết. Để nguời dân yên tâm, chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng miếng, vàng nữ trang - thuế suất 20%. Riêng hoạt động bán vàng cho Ngân hàng Nhà nước theo giá thế giới thì không phải chịu thuế này.
Kiến nghị cuối cùng của VAFI tập trung vào thị trường chứng khoán, trong đó Nhà nước cần xác định ưu tiên xây dựng ngành công nghiệp chứng khoán trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nòng cốt của đất nước. Nếu làm được, thu ngân sách có cơ sở tăng gấp hơn chục lần so với hiện nay.
Các nhà rang xay thế giới cảnh báo cà phê Việt Nam
Theo thông tin từ Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, mặc dù cà phê Việt Nam có nhiều ưu điểm nổi trội, được khách hàng quốc tế ưa chuộng vì mùi vị thơm ngọt nhưng còn thiếu độ đồng đều. Bởi lẽ, theo các nhà rang xay thế giới, năm nào các đơn vị sản xuất và kinh doanh cà phê Việt Nam cũng chuyển cà phê vụ cũ sang vụ mới.
Do vậy, họ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt muốn có chỗ đứng trên thị trường thì không nên trộn lẫn vụ mới với vụ cũ với nhau. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị của cà phê.
Hiện cà phê Robusta của Việt Nam được thị trường thế giới ưa chuộng hơn so với Conillon của Brazil. Còn Arabica của Đà Lạt, trước đó hồi tháng 6 đã được Starbucks đưa vào hệ thống cửa hàng với giá trên 50 USD một kg.
7 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của thời tiết, sản lượng cà phê sụt giảm khiến xuất khẩu chỉ đạt 788.000 tấn với kim ngạch 1,7 tỷ USD, giảm 30,5% về lượng và giảm 27% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Quảng cáo trên 10 tuyến xe buýt TP.HCM
UBND TP.HCM vừa duyệt thí điểm quảng cáo trên phương tiện giao thông (xe buýt) trên địa bàn TP, thời gian thực hiện thí điểm là 1 năm.
Mục tiêu của đề án nhằm khai thác không gian bên ngoài thân xe buýt tổ chức cho thuê quảng cáo góp phần tăng nguồn thu, giảm bớt kinh phí trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Đồng thời, việc cho quảng cáo trên xe buýt cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá các mặt hàng, sản phẩm chất lượng cao được sản xuất trong nước.
10 tuyến xe buýt được duyệt thí điểm gồm Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn, Bến Thành - Đầm Sen, Công viên 23/9 - Âu Cơ - Bến xe An Sương, công viên 23/9 - Chợ Xuân Thới Thượng, khu dân cư Tân Quy – khu dân cư Bình Lợi, Bến Thành - Thới An, Bến Thành - Võ Văn Kiệt - Bến xe Miền Tây, Bến xe Q.8 - Bến Thành - Bến xe Miền Đông, Bến xe Q.8 - Bến Thành - Bến xe Miền Đông, Công viên 23/9 - Khu công nghiệp Tân Bình, Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng.
Theo đó, sản phẩm quảng cáo thể hiện trên bề mặt hai bên vỏ thân xe buýt kể cả phần cửa xe và phần kính xe (trừ phần vị trí sử dụng để thông tin nhận diện xe buýt, không thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của xe buýt).
Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi bề mặt của vỏ thân xe buýt. Chất liệu decal quảng cáo phải đảm bảo chất lượng về độ bền, không chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, bồi dán không bị nhăn, không ảnh hưởng đến chất lượng của thành xe và mặt kính của xe buýt nhìn xuyên được qua kính xe, không che khuất tầm quan sát của hành khách ở bên trong xe buýt.
Theo quy định, màu sắc quảng cáo có màu, chất liệu phù hợp với màu của thân xe buýt, các màu sắc chủ đạo (màu nền) không trùng lắp với các hệ thống biển báo giao thông và hạn chế màu đỏ. Quảng cáo không phát sáng, không sử dụng đèn hoặc các chất liệu phát sáng khác.
Trong quá trình thực hiện thí điểm tổ chức quảng cáo bên ngoài thân xe buýt của 10 tuyến buýt có trợ giá, Sở Giao thông vận tải TP có trách nhiệm tổng hợp, phân tích và đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm để đề xuất UBND TP phương án triển khai mở rộng trên tất cả các xe buýt còn lại.
Hà Nội: Quy hoạch chung huyện Thường Tín rộng gần 13.000 ha
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5516/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng huyện Thường Tín đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.
Theo quyết định, tổng diện tích đất trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch (toàn bộ địa giới hành chính của huyện Thường Tín) khoảng 12.738,64 ha, trong đó: Đất khu vực đô thị (thị trấn Thường Tín, một phần của các phân khu đô thị S5, GS, GS(A), sông Hồng và một phần đô thị vệ tinh Phú Xuyên) khoảng 3.599,09 ha; đất khu vực nông thôn khoảng 9.139,55 ha.
Dự báo dân số tối đa huyện Thường Tín đến năm 2030 khoảng 287.000 người, trong đó: Dân số đô thị khoảng 117.000 người; dân số nông thôn khoảng 170.000 người.
Theo quy hoạch, thị trấn Thường Tín là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Thường Tín. Thị trấn Thường Tín là đô thị cải tạo kết hợp xây dựng mới, do đó: Khu vực hiện có sẽ cải tạo nâng cấp và bổ sung cơ sở hạ tầng; khu vực phát triển mới sẽ xây dựng đồng bộ hạ tầng cơ sở theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại.
Trục không gian cảnh quan hai bên quốc lộ 1A bố trí một số không gian cây xanh lớn kết hợp mặt nước điều hòa để xây dựng công viên phục vụ vui chơi giải trí cho đô thị, đồng thời tạo cảnh quan đẹp cho trục đường, bổ sung quỹ đất bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ dân cư địa phương.
Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã giải ngân được gần một nửa
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) tính đến ngày 30/9 gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đã cam kết cho vay 20.425 tỉ đồng và đã giải ngân đạt 12.293 tỉ đồng.
Cụ thể, đối với tổ chức, doanh nghiệp, các ngân hàng cam kết cho 56 dự án vay với số tiền là 6.964 tỉ đồng, trong đó đã giải ngân cho 46 dự án với dư nợ đạt 3.144 tỉ đồng.
Các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho 28.922 hộ gia đình, cá nhân với số tiền là 13.461 tỉ đồng (đã giải ngân 9.149 tỉ đồng). Trong đó 10.907 hộ vay để mua nhà ở xã hội với số tiền là 4.362 tỉ đồng, 15.508 hộ vay để mua nhà ở thương mại với số tiền là 8.029 tỉ đồng, 2.507 hộ vay để cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền là 1.070 tỉ đồng.
Trước đó, trong tháng 8/2015 rộ lên thông tin sẽ dừng triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Trước thông tin đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã khẳng định rằng không có chuyện dừng triển khai gói này sau ngày 30/6/2016 như một số thông tin đã đưa.
Ông Hà cho biết, theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước thì gói tín dụng 30.000 tỷ sẽ được triển khai đến ngày 30/6/2016. Nhưng sau thời gian đó, theo quy định của Luật Nhà ở hiện nay, các chính sách nhà ở xã hội sẽ tiếp tục thực hiện và được triển khai tại Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nhà nước cũng phải có quy định các ngân hàng thương mại dành ra một tỷ lệ tín dụng phù hợp để cho vay đối với nhà ở xã hội, chứ không phải dừng gói 30.000 tỷ.
Cũng theo ông Hà, theo Nghị quyết 02, gói 30.000 tỷ có hai phần là hỗ trợ vay vốn đối với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Vì thế, đối với nhà ở xã hội sẽ tiếp tục thực hiện theo Luật Nhà ở mới. Còn đối với nhà ở thương mại sẽ tùy thuộc vào thị trường, nếu thị trường khó khăn thì Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ, còn thị trường ổn định, không khó khăn thì Nhà nước sẽ xem xét không tiếp tục hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với nhà ở thương mại nữa.