Mỹ - Trung có thể ký các thỏa thuận thương mại 280 tỷ USD; TP.HCM: Duyệt điều chỉnh quy hoạch nhiều khu dân cư tại quận 9; VTV sẽ rút khỏi dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới; TP.HCM: Chấp thuận đầu tư loạt dự án mới ở khu Đông và Nam thành phố
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 08-11-2017
- Cập nhật : 08/11/2017
Ngân hàng Thế giới muốn giúp Việt Nam thu hút vốn tư nhân
Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2017, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhận định Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng khích lệ trong nhiều năm qua khi từ một nước nghèo trên thế giới trong những năm 1980 trở thành một trong những nền kinh tế phát triển mãnh mẽ chỉ trong vòng 30 năm.
Tốc độ tăng trưởng GDP/đầu người đạt 5,6%/năm trong giai đoạn từ 1990-2016. Lộ trình tăng trưởng kinh tế Việt Nam khá giống so với Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc. Đồng thời, với việc cải tổ nền kinh tế, năng suất lao động tăng mạnh và khu vực nông thôn cũng phát triển nhanh chóng. Trong vòng 20 năm, Việt Nam đã tạo ra 20 triệu việc làm. Hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, dự kiến đến năm 2035 sẽ có 50% dân số gia nhập tầng lớp trung lưu. Lạm phát cũng được kìm chế.
BàVictoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (Ảnh: VTC)
Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa cũng chỉ ra một số thách thức về dài hạn. Theo đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng của Việt Nam bền vững nhưng vẫn thấp để đạt được tham vọng mà Chính phủ đặt ra. Hiệu quả lao động cũng đang giảm do việc phân bổ lao động chưa hợp lý khi 57% lao động vẫn đang còn đang làm việc ở khu vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nhà nước sử dụng nguồn tài nguyên không hiệu quả như những nhóm kinh tế khác. Những thách thức này sẽ tạo ra sức ép cho hiệu quả nền kinh tế.
Góp ý cho Việt Nam, bà Kwakwa mong muốn Chính phủ thúc đẩy đánh giá rủi ro và cơ cấu lại hệ thống tài chính cũng như có đột phá trong xử lý nợ xấu. Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hỗ trợ trong công tác này và mong muốn giúp Việt Nam thực hiện chương trình nghị sự thúc đẩy sự phát triển bao trùm của hệ thống tài chính.
Với nhu cầu vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam rất lớn, Ngân hàng Thế giới mong muốn hợp tác trong huy động nguồn lực để phát triển. Bên cạnh thúc đẩy các dự án hợp tác công-tư (PPP) thì Ngân hàng Thế giới cũng muốn giúp Việt Nam xây dựng cơ chế, thu hút nhiều hơn vốn từ khu vực tư nhân bằng các hình thức khác.
Việt Nam cần đưa ra danh sách các dự án trọng điểm cần thu hút đầu tư và Ngân hàng Thế giới có thể tham gia hỗ trợ như dự án đường cao tốc Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong bối cảnh Việt Nam gần đến trần nợ công, khó tiếp cận các khoản vay, Ngân hàng thế giới mong muốn hợp tác xây dựng các biện pháp mang tính chiến lược để giải quyết vấn đề này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam có giới hạn trần nợ công không quá 65% GDP. Đây là bài toán khó, đòi hỏi một mặt phải tăng GDP mạnh hơn, đồng thời chọn những dự án quan trọng, thiết thực để đầu tư trọng tâm trọng điểm.
Trong đó, vấn đề hợp tác PPP là rất quan trọng với Việt Nam hiện nay. Việt Nam đã có quy định về vấn đề hợp tác PPP, tuy nhiên vẫn chưa thu hút hiệu quả vốn đầu tư tư nhân. Do vậy, Thủ tướng mong muốn hợp tác với Ngân hàng Thế giới trong việc xây dựng thể chế để nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư tư nhân trong bối cảnh trần nợ công đặt ra.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan hợp tác với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam để nghiên cứu, xây dựng thể chế về việc huy động vốn tư nhân hiệu quả.
Thủ tướng đánh giá cao Ngân hàng Thế giới trong xây dựng Khung Đối tác quốc gia Việt Nam 2017-2022. Đây là văn bản quan trọng định hình hợp tác Việt Nam- Ngân hàng Thế giới trong 5 năm tới với 3 trọng tâm là: Phát triển bao trùm và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.(NDH)
---------------------------
Ngân hàng Nhà nước bơm gần 6.800 tỷ ra hệ thống sau 7 tuần hút ròng liên tiếp
Theo báo cáo của Bộ phận phân tích SSI Retail Research, trong tuần vừa qua (tuần đến ngày 3/11) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì hoạt động phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày, tuy nhiên, khối lượng phát hành giảm đáng kể.
NHNN chỉ phát hành tổng cộng 12,2 nghìn tỷ so với mức 37 nghìn tỷ trong tuần trước, và thấp hơn khối lượng đáo hạn 19 nghìn tỷ. Kết quả là đã có 6.795 tỷ được bơm ròng ra hệ thống, đảo ngược xu hướng hút ròng trong 7 tuần trước đó. Khối lượng tín phiếu đang lưu hành giảm xuống 49,2 nghìn tỷ.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất có xu hướng tăng tuần thứ hai liên tiếp. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng nhẹ nhất +3 điểm cơ bản (bps) lên 0,70%, lãi suất 1 tuần tăng mạnh nhất trong các kỳ hạn +14bps lên 0,99%.
Trong thời gian còn lại của năm, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ chịu thêm nhiều sức ép do nhu cầu thanh khoản cuối năm thường tăng cao.(CafeF)
----------------------
Nhật Bản mở cửa trở lại đối với sữa và sản phẩm từ sữa của Brazil
Ngày 5/11, Chính phủ Brazil cho biết, sau hai năm đàm phán, Nhật Bản đã cấp phép cho các doanh nghiệp Brazil xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa được sản xuất tại những khu vực không bị ảnh hưởng bởi dịch lở mồm long móng vào thị trường nước này.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết nước này đã nhận được thông báo rằng thị trường Nhật Bản đã mở cửa trở lại đối với những mặt hàng nêu trên của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh.
Vụ trưởng Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil, ông Odilson Ribeiro E Silva khẳng định Nhật Bản là khách hàng quan trọng của quốc gia Nam Mỹ này với khả năng và nhu cầu tiêu thụ thực phẩm làm từ sữa khá lớn.
Theo số liệu thống kê, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu sữa lớn thứ bảy thế giới. Trong năm 2016, Nhật Bản đã nhập khẩu lượng sữa, bơ, phomát, sản phẩm sữa bột và đường lactose có trị giá gần 1,2 tỷ USD.
Trong một thông tin có liên quan, hồi giữa tháng 10 vừa qua, Ngoại trưởng Uruguay Rodolfo Nin Novoa khẳng định quyết định của Brazil đình chỉ đơn phương việc nhập khẩu sữa từ nước Nam Mỹ này sẽ không có lợi cho cả hai quốc gia và cho cả Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).
Ngày 10/10, sau khi họp với một số nghị sỹ, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Blairo Maggi đã thông báo đình chỉ nhập khẩu sữa từ Uruguay và cáo buộc một phần mặt hàng đó của Montevideo có nguồn gốc từ nước thứ ba.
Quyết định đình chỉ sẽ được áp dụng cho tới khi Brasilia xác thực 100% nguồn gốc sản phẩm.
Theo số liệu thống kê, Brazil tự cung cấp 99% lượng sữa cho thị trường nội địa.(Vietnam+)
-----------------------
Alipay sẽ ký thỏa thuận chiến lược với NAPAS
Trong buổi gặp mới đây với ông Jack Ma - Chủ tịch Alibaba, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng rất vui mừng được biết nhân dịp này Alipay sẽ ký thỏa thuận chiến lược với NAPAS.
Trong buổi gặp ngày 6/11 mới đây với ông Jack Ma - Chủ tịch Tập đoàn Alibaba tại trụ sở NHNN, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng rất vui mừng được biết nhân dịp này Alipay sẽ ký thỏa thuận chiến lược với NAPAS và hy vọng mối quan hệ hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Hiện NAPAS là đơn vị trung gian duy nhất được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho giao dịch bán lẻ tại Việt Nam, thực hiện vai trò là cổng kết nối với các tổ chức thanh toán quốc tế và mạng thanh toán Châu Á.
Được biết, hoạt động của Alipay tại Việt Nam hiện gồm Ứng dụng dành cho người Trung Quốc đi du lịch ở nước ngoài/Global), phát triển ứng dụng phục vụ cho khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam; Ứng dụng Alipay nội địa (Trung Quốc) chỉ dùng để thanh toán được các website của Tập đoàn Alibaba và các đối tác của Alipay dành cho người nội địa Trung Quốc.
Tập đoàn Alibaba đã chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008, kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn, cung ứng nền tảng mua bán, kinh doanh trực tuyến. Tương tự chiến lược tiếp cận thị trường Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philipines, tại Việt Nam, ban đầu Alibaba định hướng với các công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech Payment từ hoạt động trong thương mại và thanh toán điện tử bán buôn (đối với các doanh nghiệp) sau đó phát triển, mở rộng khai thác thị trường bán lẻ.
Hiện nay, Tập đoàn Alibaba đang có định hướng hợp tác với một số công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Fintech Payment. Cụ thể, Alibaba hướng đến các công ty cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp xuất khẩu; khai thác thêm mảng bán lẻ trực tuyến phục vụ khách hàng cá nhân; Hợp tác trong thanh toán điện tử, ứng dụng QR code; Hợp tác trực tiếp, gián tiếp với một số công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech Payment.
Đánh giá cao chia sẻ thông tin về hoạt động và định hướng phát triển của Alibaba tại Việt Nam, Thống đốc NHNN cho rằng tiềm năng phát triển của thương mại và thanh toán điện tử ở Việt Nam là rất mạnh mẽ bởi Việt Nam là thị trường tiềm năng và môi trường kinh doanh thuận lợi.
Theo NHNN, Chính phủ Việt Nam có định hướng nhất quán và lâu dài trong việc phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt. Chính phủ và các cơ quan liên quan, trong đó có NHNN luôn nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý cho Thanh toán không dùng tiền mặt và Thương mại điện tử.
Với sự phát triển của công nghệ Fintech thời gian gần đây, Chính phủ cũng đã ban hành các kế hoạch, đề án tổng thể nhằm tập trung thiết lập hệ thống quy định pháp lý liên quan, tăng kim ngạch thương mại điện tử và giảm tối đa tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt. Đây là những cơ sở và điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của thương mại điện tử tại Việt Nam.
Hiện NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech do 01 Phó Thống đốc làm Trưởng Ban với mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ. NHNN mong muốn Tập đoàn Alibaba cũng tham gia cộng tác và đóng góp vào các hoạt động cụ thể của Ban này.(NDH)