Bloomberg: Giá của Sabeco hiện là quá đắt nếu so với Vinamilk; Mực tươi và đông lạnh Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường Israel; VinaCapital đầu tư 20,5 triệu USD vào Vietjet trong đợt IPO cuối năm 2016; Vì sao giá cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình giảm mạnh?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-11-2017
- Cập nhật : 07/11/2017
Trung Quốc thực thi chính sách 'bàn tay sắt' với bán hàng đa cấp
Thông tin từ Bộ Công an Trung Quốc (MPS) ngày 5/10 cho biết trong 9 tháng đầu năm 2017, các cơ quan cảnh sát trên toàn quốc đã tiến hành điều tra đối với 5.983 tổ chức bán hàng đa cấp, tăng 118% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng số tiền liên quan đến các vụ án về bán hàng đa cấp là xấp xỉ 30 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 4,5 tỷ USD).
Theo MPS, trong những năm gần đây, các tổ chức bán hàng đa cấp ở Trung Quốc “mọc lên như nấm sau mưa” thông qua các hệ thống mạng xã hội, và nhiều tổ chức trong số này có dính líu tới tiền ảo. Năm 2016, các cơ quan cảnh sát Trung Quốc đã điều tra 2.826 vụ phạm pháp liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp, tăng 19,1% so với năm 2015.
Kể từ ngày 15/8, 4 cơ quan trực thuộc Chính phủ Trung Quốc gồm Tổng cục Quản lý Hành chính Công thương Quốc gia, Bộ Giáo dục, MPS, Bộ Nguồn Nhân lực và An sinh xã hội phối hợp triển khai chiến dịch kéo dài trong vòng 3 tháng nhằm trấn áp các hoạt động bán hàng đa cấp sau vụ một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học tự tử vì “dính bẫy” đa cấp.
Trong khuôn khổ của chiến dịch này, cơ quan cảnh sát các cấp ở Thiên Tân, Chiết Giang, Giang Tây và các khu vực khác đã đột kích vào địa điểm hoạt động của 1.700 tổ chức bán hàng đa cấp, bắt giữ và giải tán 3.800 thành viên của các tổ chức này.
Cũng theo MPS, bán hàng đa cấp - được coi là bất hợp pháp tại phần lớn các quốc gia trên thế giới - là một mô hình kinh doanh dựa trên sự thu hút số lượng ngày càng nhiều người tham gia, thay vì hoạt động bán hàng hoặc đầu tư thực sự. Các tổ chức này luôn đưa ra những lời hứa “có cánh” đối với các thành viên mới về những khoản hoa hồng kếch xù mà những người này sẽ nhận được từ những người mà họ tuyển dụng thành công.
Chiến dịch nói trên được phát động sau khi cơ quan điều tra kết luận Lý Văn Tinh, 23 tuổi, sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, đã tự tử tại thành phố Thiên Tân vì lỡ gia nhập một tổ chức bán hàng đa cấp thông qua một trang web tuyển dụng trực tuyến. Vụ việc khiến dư luận Trung Quốc “dậy sóng” đối với các hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo tuyên bố của 4 cơ quan này, những tổ chức bán hàng đa cấp giả danh các trung tâm tuyển dụng và giới thiệu việc làm sẽ là đối tượng chính của chiến dịch. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng sẽ tăng cường triển khai công tác tuyên truyền chống bán hàng đa cấp nhằm nâng cao khả năng “miễn dịch” của các đối tượng tìm kiếm việc làm, đặc biệt là các sinh viên đại học, đối với những tổ chức này.(Baotintuc)
---------------------------
Vòng 5 tái đàm phán NAFTA kéo dài hơn dự kiến
Đại diện đàm phán của Mexico, Mỹ và Canada đã nhất trí kéo dài thêm 2 ngày vòng 5 tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) từ ngày 15-21/11 thay vì 17-21 tại Mexico như dự kiến trước đó.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (giữa), Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal (trái) và Đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer tại vòng đàm phán NAFTA ở Ottawa, Ontario (Canada) ngày 27/9. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Mexico City cho hay giới chức 3 nước đã quyết định kéo dài thời gian đàm phán nhằm tránh xung đột lịch trình và có thêm thời gian để thảo luận về những vấn đề bất đồng giữa các bên.
Quá trình tái đàm phán NAFTA đã xuất hiện nhiều bất đồng tại vòng 4 vừa qua khi phía Mỹ đưa ra nhiều đề xuất "gai góc" khó có thể được Mexico và Canada chấp thuận, chẳng hạn như yêu sách về nâng tỉ lệ nội địa hóa khu vực đối với ngành công nghiệp ôtô từ 62,5% hiện nay lên 85% và trong đó 50% là tỉ lệ nội địa Mỹ hay chu kỳ 5 năm xem xét lại NAFTA và xóa bỏ Chương 19 về giải quyết tranh chấp bởi phá giá và trợ giá, hạn ngạch.
Theo chương trình, tại vòng 5, các bên sẽ thảo luận về các lĩnh vực dệt may, lao động, dịch vụ và sở hữu trí tuệ, cùng với các vấn đề còn tồn đọng từ vòng đàm phán trước đó. Vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại Mỹ. Các bên đàm phán đặt ra mục tiêu kết thúc quá trình hiện đại hóa NAFTA vào cuối tháng 3/2018. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bên nào sẵn sàng đưa ra nhượng bộ cần thiết để có thể thực sự tạo được đột phá và đẩy nhanh hơn tiến độ đàm phán.
NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ đạt trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016.(TTXVN)
-----------------------------
LHQ cảnh báo nguy cơ xảy ra nạn đói nghiêm trọng tại Nam Sudan
Một số khu vực tại Nam Sudan có thể lại rơi vào nạn đói nặng nề trong bối cảnh tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và giá cả tăng cao tiếp tục ảnh hưởng tới gần một nửa dân số nước này. Đó là cảnh báo được Chương trình lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc và Tổ chức Nông Lương (FAO) đưa ra trong một báo cáo công bố ngày 6/11.
Theo các cơ quan trên của LHQ, gần 5 triệu người Nam Sudan hiện đang trong tình cảnh thiếu lương thực, do sự tàn phá và sụp đổ kinh tế bởi nội chiến ở nước này gây ra kể từ cuối năm 2013. Dự báo, hơn 1,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Nam Sudan sẽ bị suy dinh dưỡng vào năm 2018, trong đó có gần 300.000 em bị suy dinh dưỡng ở mức "có nguy cơ tử vong cao". Tỉ lệ suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở gần 4 trong số 5 khu vực tại Nam Sudan cao hơn 15% so với ngưỡng "khẩn cấp" mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra.
Trước đó, hồi tháng 2, một nạn đói đã được tuyên bố tại một số khu vực do lực lượng phiến quân kiểm soát. Sau đó, các hoạt động viện trợ lương thực khẩn cấp đã giúp làm giảm bớt nạn đói nơi đây. Tuy nhiên, ông Adnan Khan thuộc WFP đã cảnh báo về nguy cơ tái diễn nạn đói tại Nam Sudan trong năm 2018.
Đại diện của FAO tại Nam Sudan, Serge Tissot cảnh báo cần phải đặt ưu tiên hàng đầu là tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Nam Sudan nếu không tình hình tại nước này sẽ còn tồi tệ hơn trong năm 2018. Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thống kê quốc gia của Nam Sudan Isaiah Chol Aruai cho rằng cuộc xung đột kéo dài có thể khiến các nhà tài trợ giảm tiền viện trợ.
Nam Sudan giành độc lập sau khi tách ra từ Sudan vào năm 2011 nhưng lại rơi vào cuộc nội chiến kể từ năm 2013 sau khi Tổng thống Salva Kiir sa thải Phó Tổng thống Riek Machar. Cuộc xung đột hiện tại đã khiến Nam Sudan rơi vào tình trạng đói kém nghiêm trọng, làm tê liệt các dịch vụ công và buộc 3 triệu người - chiếm khoảng 1/4 dân số - phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.(Baotintuc)
----------------------------
Giá cá tra nguyên liệu tăng do nguồn cung hạn chế
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 10/2017 tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung yếu, hiện dao động ở mức 25.000 - 28.000 đồng/kg tùy theo chất lượng cá và phương thức thanh toán.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Biển Đông (Khu công nghiệp Trà Nóc II, thành phố Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN
Cụ thể, tại An Giang, cá tra nguyên liệu trong size (trọng lượng 0,8 - 0,9 kg/con), thịt trắng đạt mức giá từ 26.000 - 27.500 đồng/kg, tăng 500 - 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại Vĩnh Long, giá trung bình cá tra thịt trắng trong size đạt mức cao nhất là 28.000 đồng/kg, tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với tháng trước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nguyên nhân giá cá tra tăng mạnh trong thời gian qua là nhờ nhu cầu thu mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu từ các doanh nghiệp tăng phục vụ các đơn hàng cuối năm, trong khi nguồn cung hạn chế.
Trong tháng 10/2017, tình hình sản xuất cá tra vẫn đang trên đà tăng trưởng mạnh, nhiều diện tích đang được thu hoạch để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến. Diện tích nuôi cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 10 tháng qua đạt 5.410,3 ha, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng thu hoạch 10 tháng tăng trưởng khá, đạt hơn 1,1 triệu tấn. Các tỉnh có diện tích và sản lượng cá tra lớn vẫn phát triển nuôi mạnh là Đồng Tháp với sản lượng hơn 412.000 tấn, tăng 26,9% so với cùng kỳ; Cần Thơ với sản lượng đạt gần 153.000 tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, thị trường tôm nguyên liệu trong tháng 10/2017 cũng duy trì ở mức cao. Cụ thể, tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 30 con/kg giữ ở mức 235.000 đồng/kg; cỡ 40 con/kg là 190.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 50 con/kg ổn định ở mức 134.000 đồng/kg; cỡ 60 con/kg có giá 125.000 đồng/kg; riêng cỡ 100 con/kg tăng 6.000 đồng/kg lên mức 110.000 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, giá tôm thẻ chân trắng nhích nhẹ so với tháng trước từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, các cỡ 40 con/kg có giá 153.000 đồng/kg, cỡ 60 con/kg có giá 132.000 đồng/kg, cỡ 80 con/kg giá 127.000 đồng/kg và cỡ 100 con/kg giá 105.000 đồng/kg. Nguyên nhân, giá tôm nguyên liệu thời gian qua tăng là do nguồn cung yếu, trong khi các doanh nghiệp lại đẩy mạnh thu mua phục vụ xuất khẩu cuối năm.
Cũng trong 10 tháng qua, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước ước đạt 705.000 ha, tăng 4,1% và sản lượng thu hoạch ước đạt 550.000 tấn, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Riêng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, diện tích và sản lượng nuôi tôm nước lợ tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, diện tích nuôi tôm sú 10 tháng đạt gần 585.000 ha, với sản lượng thu hoạch hơn 212.000 tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 75.300 ha, với sản lượng thu hoạch đạt gần 248.000 tấn, tăng tới 49,5% so với cùng kỳ năm 2016.(TTXVN)